“Thí điểm mời chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo viện, trường” và giải phóng nội lực

Nguyễn Ngọc Chu

15-1-2025

1. Sáng ngày 13/1/2025, tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm đã có bài phát biểu [1], mở đầu bằng:

“Ngày 18/05/1963, tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử khoa học và công nghệ nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong bài phát biểu tại Đại hội, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến khoa học và kỹ thuật, coi đây là động lực để xây dựng và phát triển đất nước. Người căn dặn: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân”. Sự kiện này đặt nền móng cho những bước phát triển ứng dụng khoa học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn sáu thập kỷ sau, hôm nay, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai được tổ chức, với quy mô và tầm vóc mới, phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Như vậy, đây là ‘Hội nghị toàn quốc lần thứ hai’ về khoa học và kỹ thuật, sau hơn 60 năm kể từ ‘Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất’ mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và phát biểu. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện thời đặc biệt coi trọng vai trò của khoa học vày kỹ thuật.

Cũng trong bài phát biểu sáng ngày 13/1/2025 [1], TBT Tô Lâm đã định hướng:

“Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng. Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều”.

Như vậy, “THÍ ĐIỂM MỜI CHUYÊN GIA BÊN NGOÀI LÃNH ĐẠO VIỆN, TRƯỜNG” đã loại bỏ “YÊU CẦU PHẢI LÀ ĐẢNG VIÊN” trong bổ nhiệm lãnh đạo.

Yêu cầu phải là đảng viên mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo các cơ quan khoa học, giáo dục, chuyên ngành đưa đến ba nguy hại lớn sau đây.

– Không cho phép những người có chuyên môn giỏi nhưng không phải đảng viên đứng vào hàng ngũ lãnh đạo.

– Làm cho các nhà khoa học mất thêm thời gian đi học các chứng chỉ lý luận trung cao cấp không có lợi thiết thực cho công tác chuyên môn.

– Tạo kẻ hở cho những kẻ cơ hội không giỏi chuyên môn lọt vào hàng ngũ lãnh đạo, làm cho chuyên môn không được phát triển, dẫn đến tình trạng tụt hậu như hiện nay.

Tư duy mời chuyên gia nước ngoài làm lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục là đột phá. Chưa có Tổng bí thư nào trước đây thể hiện cách tiếp cận này.

Từ ý kiến của TBT Tô Lâm, với tinh thần quyết liệt “những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn” [1], cần:

– Bỏ tiêu chí yêu cầu đảng viên trong bổ nhiệm lãnh đạo đối với các cơ quan khoa học, các cơ quan giáo dục, các cơ quan chuyên môn.

Đây là hành động thiết thực để triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, là “cởi trói cho nội lực”. Hy vọng là Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan, quán triệt được tinh thần chỉ đạo của TBT Tô Lâm.

2.

Trong buổi gặp mặt trí thức, nhà khoa học tại Hà Nội ngày 30/12/2024, TBT Tô Lâm đã từng đề cập đến mục tiêu đầy thách thức:

“Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc top đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2].

Chỉ trong vòng hai tuần TBT Tô Lâm đã có hai bài phát biểu quan trọng về khoa học kỹ thuật. Trong các bài phát biểu, TBT Tô Lâm xem khoa học là “chìa khoá vàng”, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần”, xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn” [1], đánh giá cao vai trò của nhà khoa học: “Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm”.

Tổng bí thư Tô Lâm cũng đã nhìn thấy sự “chưa đạt được mục tiêu đề ra” của các Nghị quyết 20, 52, 36 trước đây:

“Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay, là quốc sách hàng đầu. Nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển” [1].

Giữa Nghị quyết và thực tiễn là một khoảng cách, có thể rất lớn. Mục tiêu đến năm 2030 có 100 sáng chế đăng ký ở Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản là khả thi. Chỉ trong năm 2023 Singapore đã có 1 487 bằng sáng chế đăng ký tại Cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO). Nên nếu đầu tư đúng hướng cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có số bằng sáng chế nhiều hơn nữa. Một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều cơ hội để có được các bằng sáng chế là:

• Công nghệ thông tin, truyền thông và trí tuệ nhân tạo.

• Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm.

• Y học.

• Công nghệ sinh học và dược phẩm.

• Công nghệ năng lượng và môi trường.

• Công nghệ vật liệu và kỹ thuật.

• Điện tử, robot và tự động hoá.

• Giáo dục.

Và những người đứng đầu các bộ ngành liên quan có thể thúc đẩy phát minh sáng chế ứng dụng, với tổ chức hiện thời cụ thể là:

• Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ;

• Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo;

• Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ;

• Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

• Bộ trưởng Bộ Y tế;

• Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

• Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Xã hội.

Nhân sự và môi trường là hai nhân tố quyết định trong việc tạo ra phát minh sáng chế mới. Trong nghiên cứu và phát triển (R&D) thì hiện thời Việt Nam chưa có môi trường tốt cho giai đoạn phát triển (D). Tạo dựng môi trường thì cần thời gian, nhưng lãnh đạo không đủ năng lực thì cần thay thế ngay.

Nếu mục tiêu 100 sáng chế đăng ký quốc tế đến năm 2030 là không khó, thì mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam “có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2] là rất khó.

Hiểu thế nào là “nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới”? “Uy tín quốc tế” rất khác với “ảnh hưởng thế giới”. Tầm cỡ như giải Nobel may ra mới dám nói “có ảnh hưởng trên thế giới”. Trong giai đoạn hiện nay, đối với Việt Nam, thì tăng thêm một tỷ phú USD trong danh sách Forbes dễ hơn có thêm một nhà khoa học “có ảnh hưởng trên thế giới”.

Để phấn đấu cho mục tiêu “đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực” [2] như TBT Tô Lâm đặt ra, thì chìa khoá là ‘môi trường làm việc’, mà các thành tố quan trọng là thể chế và một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Cần lắm một cuộc cải cách căn bản, sâu rộng, và toàn diện để đất nước vươn mình.

TÀI LIỆU DẪN:

[1] https://special.nhandan.vn/phat-bieu-cua-TBT-To-Lam-tai-hoi-nghi-ve-khoa-hoc-va-doi-moi-sang-tao/index.html

[2] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-buoi-gap-mat-tri-thuc-nha-khoa-hoc-102241230132621815.htm

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. Nói thật thì ý định tuyển người ngoài đảng làm việc là cách nghĩ “siêu đẳng”
    vì sẽ đem lại kết qủa tốt cho đảng nhưng hậu qủa xấu cho hải ngoại ?
    Tốt là vì đảng lợi dụng được khả năng và trí tuệ từng cá nhân trong việc toàn
    trị của họ nhưng xấu là vì họ biết khai thác tâm lý tham sân si của con người
    ngoài đảng, do đó một số người sẽ đình chỉ mọi hoạt động chống cộng ngoài
    nưóc để chứng tỏ “tấm lòng” của mình hòng tranh chiếc vé được chức vụ điạ
    vị mà đảng hứa hẹn ! Nhiều màn kịch…cỡm sẽ diễn ra ?

  2. Mọi vấn nạn ở VN từ hơn 1/2 Thế kỷ là do cái cơ chế cầm quyền đó, nay vẫn cứ “cải cách” chắp vá, nửa vời! Vẫn cơ chế đó, nền giáo dục đó, thứ luật pháp đó… thì người dân mãi được ăn bánh vẽ từ thế hệ nầy đến thế hệ khác mà thôi.
    Hết hội nghị nầy đến hội nghị khác, khua chiêng, múa mép diễn tuông inh ỏi, rồi đâu cũng vào đó:
    “Kỷ niệm vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm: Sau năm năm gia đình vẫn bị chính quyền trấn áp.”!
    “Ngày mồng 9 tháng Giêng năm 2025, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xử vụ án luật sư Trần Đình Triển, người đã gây được nhiều sự chú ý, bị bắt giữ từ mồng 1 tháng Sáu năm 2024 và bị cáo buộc tội danh “xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 của bộ luật hình sự Việt Nam. Nếu bị kết luận có tội, ông Trần Đình Triển sẽ đối mặt với mức án lên tới bảy năm tù.”
    Phê bình tòa án là “xâm phạm lợi ích nhà nước”?! Chỉ cần nói đúng sự thật mà phật lòng một quan chức là ” chống đảng, chống nhà nước, chống nhân dân…”
    Nếu thật sự “cải cách’ thì trước tiên nên lặng lẽ thả hết những người ở tù vì khác chính kiến, những nhà báo tự do , những ngườ bị vu oan giáng họa …ngay. Hãy thả ông chủ tiệm phở chỉ vì cái tội “rắc hành” bắt chước “Thánh rắc muối” (lên Bò Giát Vàng).
    Đừng hô hào suông, đừng sản xuất bánh giấy nữa.

  3. Ông Newton nhờ có quả táo rơi trúng đầu, Archimedes nhờ bơi trong bể nước, thời của các ông làm gì có đầu tư, làm gì có kinh tế thị trường,làm gì có internet…. thế mà vẫn tìm ra được những thứ mà nhân loại hiện tại vẫn sử dụng. Nghiên cứu để phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ là vô cùng khó ,có những môn học sâu về lý thuyết ,hầu như những cử nhân Trung Quốc, Ấn Độ đều phải bỏ cuộc. Vn đừng bao giờ đánh giá khả năng qua những cuộc thi học sinh giỏi, mà phải nhìn qua sản phẩm .Chỉ có phát triển giáo dục đúng cách thì một ngày nào đó sẽ có kết quả và chắc chắn không phải là cách mà Vn đã làm trong quá khứ và hiện tại….

  4. Nguyễn Đắc Kiên

    1. Đặng Tiểu Bình thường được biết đến như một “kiến trúc sư chính của quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế Trung Quốc”, nhưng ít người biết, những châm ngôn hành động nổi tiếng nhất như thuyết “mèo đen, mèo trắng” hay “mò đá qua sông” lại không hoàn toàn là “phát kiến” của ông. Nó được ông học hỏi từ Lưu Bá Thừa, một người cộng sự chiến trường thân thiết suốt 13 năm của Đặng Tiểu Bình.
    Thuyết “mèo đen, mèo trắng” xuất phát từ câu “mèo vàng, mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt” của Lưu Bá Thừa trong thời gian ông cùng sát cánh với Đặng Tiểu Bình những năm 1930-40 trong cuộc vạn lý trường chinh. “Mò đá qua sông” cũng là câu mà Lưu Bá Thừa đã nói. Thời kỳ lập nước Trung Quốc mới, tướng Lưu Ái Bình nhận lệnh xây dựng trường quân sự, trước khi đi đã đến thỉnh giáo Lưu Bá Thừa. Lưu Bá Thừa nói: “Tôi cho đồng chí sáu chữ và cần phải ghi nhớ. “Hãy mò đá để qua sông””. Đặng Tiểu Bình đã áp dụng chính châm ngôn này trong thời kỳ cải cách mở cửa, khi “mở một con đường máu” là các đặc khu kinh tế.
    2. Nhưng chuyện các “ý tưởng lớn” này có phải là phát kiến của riêng ông hay không, đối với Đặng Tiểu Bình, dường như không quan trọng. Ông chưa bao giờ muốn làm nổi bật mình trước tập thể. Chưa từng chính thức giữ các chức vụ nguyên thủ của Trung Quốc, ông luôn “thực sự cầu thị”, không cần hư danh, luôn biết cách lùi lại phía sau, miễn làm sao “được việc là được”. Khi chết, ông được hỏa táng và rải tro cốt xuống biển. Ông có thể xem là một người Cộng sản thực dụng điển hình. Tiếp nhận chủ nghĩa Marx từ những năm 1920 ở tuổi 16-17 khi du học nghề ở Pháp, ông cũng từng được gửi đi học ở Liên Xô, nhưng với ông chủ nghĩa Marx-Lenin chưa bao giờ là một tín điều bất biến. Ông nói: “Học Marx-Lenin phải học cái tinh túy, phải biết áp dụng”, là sự liên hệ lý luận với thực tiễn, chính “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Với châm ngôn này, cùng với thuyết “mèo đen, mèo trắng”, chỉ những gì “có hiệu quả thực tiễn mới là tốt”, luận thuyết nọ, ý tưởng kia dù nghe có vẻ hay ho đến đâu, mà không áp dụng được trong thực tiễn thì phải ngay lập tức vứt bỏ, “không tranh luận” dài dòng. Ở điểm này có lẽ ông khá giống với Lý Quang Diệu của Singapore.
    3. Không phải là một người ưa lý luận, giáo điều, nhưng Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ xem nhẹ vấn đề tư tưởng. Trong bản nhận xét của tổ chức về Đặng Tiểu Bình khi ông được gửi sang Liên Xô học, cho rằng, ông có hai thế mạnh là khả năng “tuyên huấn và tổ chức”. Đây có vẻ là nhận xét xác đáng, bởi sau đó, ông đã phát huy đầy đủ cả hai thế mạnh này ở thời gian trong quân đội, với vị trí chính ủy. Một điểm được Đặng đặc biệt lưu ý và luôn đề cao trong quân ngũ đó là “tư tưởng phải thông suốt”. Trước khi bước vào mỗi trận đánh, ngoài tất cả mọi sự chuẩn bị thường quy khác, ông đều phải chuẩn bị làm sao để “tư tưởng phải thông suốt” từ trên xuống dưới. Điều này, cũng được ông áp dụng nghiêm ngặt cho công cuộc cải cách, mở cửa kinh tế ở Trung Quốc sau này.
    4. Một điểm nữa không thể không nhắc đến ở Đặng Tiểu Bình đó là tầm nhìn “sáng suốt đến mức kinh ngạc” của ông về vai trò của “khoa học kỹ thuật và giáo dục”. Ông từng nói: “…khi ra nhận nhiệm vụ chúng ta có thể có hai thái độ, một là để làm quan, hai là để làm một chút gì đó”. Đến tháng 7/1977, sau khi được chính thức phục hồi lần ba, ở tuổi 73, Đặng Tiểu Bình đã quyết định “phải làm chút gì đó”, đó chính là “nắm khoa học và giáo dục”. Ngay sau khi được phục hồi lần ba, ông đích thân chủ trì quản lý công tác khoa học kỹ thuật của Trung Quốc. Lợi dụng tất cả các phương thức cũng như các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước về mọi lĩnh vực để bàn bạc quy hoạch phát triển khoa học kỹ thuật cao của Trung Quốc.
    Nửa tháng sau, ngày 4/8/1977 Đặng Tiểu Bình đã tham dự cuộc tọa đàm về công tác khoa học kỹ thuật và giáo dục do Trung ương tổ chức. Tham gia tọa đàm có 33 chuyên gia, giáo sư nổi tiếng. Trong ngày đầu tiên của cuộc tọa đàm, ông chỉ đọc một bài khai mạc ngắn gọn, sau đó ông chỉ lắng nghe. Hàng ngày, 8 giờ sáng bắt đầu buổi họp, buổi trưa nghỉ rất ít rồi tiếp tục cho đến chiều tối. Rất ít lãnh đạo cấp cao có thể kiên trì ngồi nghe hàng giờ liền như vậy, đặc biệt ở thời điểm đó tại Trung Quốc, các chuyên gia, giáo sư vẫn bị xem là “đối tượng của chuyên chính của cải tạo”.
    Tháng 3/1986, một số nhà khoa học già nổi tiếng như Dương Đại Hoành, Vương Kiềm Xương, Dương Gia Tê, Trần Phương Doãn… đã đưa ra một “Kiến nghị về việc theo đuổi sự phát triển kỹ thuật cao của thế giới”. Đặng Tiểu Bình lập tức chỉ thị: “Kiến nghị này vô cùng quan trọng, trong việc này cần làm nhanh và quyết đoán, không thể kéo dài”. Sau chỉ thị của ông, Quốc vụ viện Trung Quốc đã xây dựng: “Kế hoạch phát triển nghiên cứu kỹ thuật cao của Trung Quốc” (gọi là “Kế hoạch 863” – nổi tiếng).
    Thực tế, ông đã theo đuổi mối quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc đến tận những năm cuối đời. Năm 1992, khi đi thăm miền Nam, ông nói: “Tôi nói khoa học kỹ thuật là sức sản xuất số một. Gần hai chục năm nay, khoa học kỹ thuật thế giới phát triển nhanh biết bao? Một đột phá trong lĩnh vực kỹ thuật cao sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt ngành nghề khác. Mấy năm gần đây, liệu xa rời khoa học kỹ thuật có thể làm nước ta tăng trưởng được nhanh như vậy không? Phải đề xướng khoa học, dựa vào khoa học mới có hy vọng được”.
    Đặng Tiểu Bình rất ít khi nói mình thấy vui về vấn đề gì, thế nhưng, cũng trong chuyến đi thăm miền Nam năm 1992 ông đã bốn lần liên tục dùng từ “vui mừng” khi nói về khoa học kỹ thuật: “Làm khoa học kỹ thuật, càng cao càng tốt, càng mới càng tốt, càng cao càng mới, chúng tôi càng vui mừng. Không chỉ chúng tôi vui mừng mà nhân dân cũng vui mừng, nhà nước cũng vui mừng.”
    (Mọi thông tin, trích dẫn trong bài, nếu không ghi chú gì thêm thì đều được lấy từ cuốn: “Đặng Tiểu Bình – Một trí tuệ siêu việt” của Lưu Cường Luân và Uông Đại Lý, NXB Lao Động, 2006.)

    Nguồn Mạng

  5. Ý tưởng thì tốt nhưng người thực hiện thì hạn chế cả về kiến thức và năng lực vi du như luật phạt giao thông đang thực hiện rối lắm nên có một cuộc CM cả về thể chế và con người thì mới mong làm được

  6. “Cần lắm một cuộc cải cách căn bản, sâu rộng, và toàn diện để đất nước vươn mình.”
    “Phải chăng nắng quáng đèn lòa”.
    Nghị quyết còn là bố của khoa học. Đường sắt cao tốc đã được bộ chính chị quyết rồi, miễn thảo luận …
    Hãy đợi đấy!

  7. Phát biểu của TBT Tô Lâm v/v ” Mời chuyên gia giỏi ngoài vào làm lãnh đạo thí điểm 1 số Viện, trường..” là thể hiện sự thay đổi , đột phá trong tư duy lãnh đạo . Nếu trở thành hiện thực sẽ mở cửa cho người có thực tài trong mọi tầng lớp XH có cơ hội phát triển và đóng góp cho Khoa học đất nước. Những mục tiêu đặt ra của TBT Tô Lâm rất cao và nêu thành hiện thực thì nước Việt sẽ vươn mình cất cánh bay vào bầu trời khoa học hiện đại của nhân loại. Mong thay !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây