3-12-2024
1. Về mặt lý thuyết, sự sắp xếp, tinh gọn, cải tổ bộ máy của cả hệ thống chính trị lần này là phù hợp, cần thiết. Quan trọng là, về mặt hành động, tính thực tiễn – xin dùng chữ của “chính chủ” phiên bản cải tổ lần này – TBT Tô Lâm hay dùng là nó phải triển khai thực chất, cải tổ thực chất, có phải “hy sinh” một lượng cán bộ, công viên chức, người lao động cũng phải là hy sinh thực chất.
Mà thật ra, nó chẳng phải “hy sinh” gì cho cam, đó là cuộc sàng lọc của thị trường lao động được bộ máy công vụ qua cuộc cải tổ này thực thi. Việc cần người, người phù hợp bằng năng lực thật, trách nhiệm thật thì sẽ đáp ứng theo tiêu chí đặt ra ở từng bộ phận, đơn vị sau cải tổ. Điều mà người lao động ở khu vực tư nhân, ngoài nhà nước bao lâu nay vẫn xem đó là điều kiện tất yếu.
Khi từ cơ quan báo – hoạt động tự chủ tài chánh sang dự họp định kỳ một tuần một lần với cơ quan chủ quản – Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, theo dõi, lắng nghe, quan sát, tôi chỉ đinh ninh một điều, đâu là thước đo để lượng hóa cái gọi là “hoàn thành nhiệm vụ được giao” đối với tổ chức tập hợp phụ nữ này. Không phủ nhận họ nhiệt thành, ân cần, chịu khó chịu thương. Nhưng, với cảm biến xã hội hiện nay, họ đã và đang đáp ứng được những yêu cầu gì, kết quả ra sao, đạt mục tiêu chính trị – xã hội (như tính chất của tổ chức họ đang hoạt động) như thế nào… Tính liên hiệp không đơn giản chỉ là phép cộng, nó cần những “mẫu số chung” có tính cơ bản, cơ sở để từ đó mà đạt tính thuyết phục cộng đồng hơn (so với hiện nay).
Ngân sách có thể bảo trợ một phần, còn một khi toàn phần, hầu như không thể “xã hội hóa” được thì thật khó để làm… người-trưởng-thành!
2. Một điển hình của đợt cải tổ lần này là sáp nhập Ban Tuyên giáo – Ban Dân vận. Chí lý. Quả thật, khi phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền trước hai cơ quan này, thật khó để tránh không trùng lắp. Vì mục tiêu cuối cùng thì ai cũng cần nói, viết, làm sao cho đến được người dân, dân nghe và tin, tin và làm. Bản thân slogan “Dân vận khéo” cũng đã trở thành một phương thức, một nghệ thuật của tuyên giáo.
Nói đến đây mới nhớ, một dạo đi làm phim “thuê”, nói về hiệu quả hoạt động vận động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, yếu thế ở cơ sở, có một chi tiết là một hộ gia đình được tặng chiếc xe máy để chạy xe ôm nhưng báo cáo kết quả thì đến mấy cơ quan liệt kê thành tích.
Giờ, trong “cơn ba đào”… thải lần này, riêng ở nhánh Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thành viên tôi quả thật… nín thở hơn hết. Vì bản chất công việc, sự vụ nó cần được KPI (*) rõ ràng, mà các hội đoàn thì rõ là nhiệm vụ bất khả thi lâu nay!
3. Về nhánh Ban Đảng, kỳ này kết thúc hoạt động của Đảng ủy khối doanh nghiệp, các tổ chức Đảng ở các tổng công ty, tập đoàn… Vậy liệu chừng số phận của Đảng ủy Dân – Chính – Đảng có đi chung “khối” như doanh nghiệp trung ương? Một mặt nào đó, cơ quan này tồn tại như một tổ chức đảng “trung gian”, cũng bao gồm bộ máy tuyên giáo, đoàn thanh niên… và cấp trên của các Đảng ủy cơ quan hội, đoàn…
Và thực chất, sự tồn tại ấy phục vụ cho điều gì, tôi không rõ.
Vì đã là tổ chức Đảng thì ở đâu không cùng chung một lý tưởng, một điều lệ, một nguyên tắc sinh hoạt? Sao cứ phải qua 3 tầng 9 nấc như thế để làm gì? Người dân nhìn bộ máy cồng kềnh của Đảng, họ không thấy lợi ích mang lại từ đó là gì, sẽ càng thêm hoài nghi, đó là điều không đáng, không nên.
Từ trải nghiệm bản thân, khi còn phụ trách báo, để xét một hồ sơ kết nạp Đảng cho thành viên cơ sở, sau khi đọc hồ sơ bước đầu, Đảng ủy cấp trên sẽ phối hợp địa phương để sưu tra. Khi không vấn đề gì thì tiến hành. Giai đoạn 2 là trình hồ sơ lên Đảng ủy khối, tất nhiên trước và sau mỗi lần trình lại phải viết tay lý lịch “ba đời nhà tôi” lại từ đầu.
Tại sao tất cả không hợp lực tiến hành mọi công đoạn một lần? Nếu xét thấy – qua sưu tra và nhất là bản thân người viết đơn hoàn toàn xứng đáng – thì sao không thể đơn giản hơn về mặt thủ tục để công nhận một đảng viên.
Hơn nữa, sau 50 năm đất nước hòa bình, thế hệ thứ 3 thứ 4 trưởng thành để đủ điều kiện xét kết nạp, những gì thuộc về quá khứ của gia tộc họ, liệu có phải cứ là điều kiện tiên quyết để Đảng xem xét, chọn lựa?
______
(*) Chú thích của Tiếng Dân: KPI, viết tắt của cụm từ Key Performance Indicator, nghĩa là chỉ số đo lường hiệu quả công việc của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp.