Tưởng Năng Tiến
22-11-2024
Trở lại Sài Gòn, tôi bắt đầu để ý đến ngôn ngữ của người miền Nam, đặc biệt những người lái taxi. Chỉ cần một câu hỏi: “Cô chú ở đâu về” là biết chắc chúng tôi Việt kiều, họ bắt đầu tâm sự.
Một cái tên được nhắc nhở khá nhiều trong những câu chuyện taxi là Võ Thị Sáu; có lẽ vì cô này chết trẻ. Sau này tôi còn gặp lại cô ở Côn Đảo. Người taxi phân trần: Cô coi, mấy đứa nhỏ phải học trường Võ Thị Sáu, thiếu gì tên hổng xài, lấy tên con nhỏ vô học đặt cho trường học, tui hổng cho đi, tui cho chúng học tư, tốn kém mấy thây kệ.
Nhà báo Thái Hạo xem chừng rất buồn lòng vì một câu nói của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (“cái nước mình nó thế”) nên lớn tiếng than phiền: “Sự trì trệ, hỏng hóc … của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, tất thảy đều có nguyên nhân của nó. Vấn đề là phải tìm ra, chỉ ra, phân tích ra, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm mà sửa chữa hoặc làm lại, chứ không phải buông một câu ‘cái nước mình nó thế’ rồi xong”.
Tôi có nghe GS Hoàng Ngọc Hiến (HNH) nói nguyên văn như vậy thật, qua một cuộc phỏng vấn do nhà văn Phạm Thị Hoài và TS Trương Hồng Quang thực hiện, đã lâu, trên trang Pro&Contra (*). Hôm đó, ngoài cái câu cửa miệng (“cái nước mình nó thế”) ông còn phát biểu đôi điều rất lý thú và cũng khó quên không kém:
“Guồng máy ở Việt Nam trông thì hùng hậu nhưng chẳng ai hết lòng làm một việc gì, chẳng ai tha thiết, ráo riết làm một việc gì nữa. Đã lên đến chức này chức nọ thì người ta đều phải tính, mình được gì ở cái chức ấy. Làm gì cũng che chắn, cho qua chuyện thì thôi, không ai tự nguyện dốc lòng làm gì. Qua loa cả thôi”.
Mà quả là đúng thế thật chứ không phải bỡn. Cứ nhìn vào những phông bạt, cùng cung cách nặng phần trình diễn của giới quan chức VN (khi “trồng cây nhớ Bác”) và nghe qua nhận xét của bàn dân thiên hạ là biết liền hà: Mười cây chết chín, một cây gật gù!
Tuy thế, tôi e là nhiều người đã đánh giá Đảng CSVN hơi thấp khi đồng ý với khẳng định thượng dẫn (“làm gì cũng che chắn, cho qua chuyện thì thôi, không ai tự nguyện dốc lòng làm gì”) của Hoàng Ngọc Hiến.
Ngó tưởng vậy chớ hổng phải vậy đâu. Tưởng như vậy là tưởng tầm bậy, tưởng bở, tưởng lầm, tưởng tào lao, tưởng trật lất, và … tưởng năng thối! Có đôi ba chuyện mả cái nhà nước toàn trị hiện hành luôn làm tới nơi, tới chốn, làm đâu ra đó, làm hết lòng, hết dạ, hết mình,hết sức với chủ trương nhất quán và xuyên suốt từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, chứ không theo cái cung cách (qualoa – rement) như thường thấy. Bữa nay hổng rảnh mấy nên chỉ nói sơ về cái chủ trương và chính sách ngu dân thôi nha.
Kết quả (hay hậu quả) của nó ra sao khó mà đánh giá (trong vài ba câu chữ) nhưng có thể nhìn thấy được qua hình ảnh của vài bạn trẻ, đang chế giễu lá quốc kỳ VNCH, vừa được phổ biến rộng rãi trong mấy ngày qua.
Sự kiện này khiến không ít người buồn phiền và lo ngại:
– Nguyên Tống: “Nhìn đám trẻ tỏ ra phấn khích khi thể hiện những hành động này trong bảo tàng, nơi trưng bày lá cờ này, mình thấy thương hại chúng và thương hại cho những kẻ giáo dục chúng”.
– Dac Chien Truong: “Bác nói quá đúng ạ. Những đứa trẻ này đáng thương hơn giận, bởi chúng là sản phẩm của một nền giáo dục vô minh”!
– Nghĩa Bùi: “Chế độ giáo dục miền Bắc đã huỷ hoại thành công khả năng suy nghĩ của nhiều thế hệ trẻ em cả ba miền”.
– Sen Trang: “Họ bị nhồi sọ đặc đến độ nhầm tai hại mà thể hiện yêu nước bằng cách mạt sát, hành xử vô văn hoá, phản giáo dục. Như hành động của các bạn trẻ trên hình là một trong những ví dụ”.
– Nguyễn Phúc: “Thương cho thế hệ trẻ và lo cho tương lai Đất nước. Trình độ và nhận thức của những người dẫn dắt cũng rất đáng quan ngại”.
– Thuy Nguyen: “Những đứa trẻ không được giáo dục tử tế từ những người tử tế”.
– Thảo Dân: “Mất khả năng tư duy đến mức vô minh. Vô minh là khởi thủy của cái Ác”.
Trước khi từ trần, Lưu Hiểu Ba cũng đã để lại một câu nói để đời: “The internet is truly God’s gift to the Chinese people”/ Internet thực sự là món quà Chúa ban cho người dân Trung Quốc”.
Tôi chỉ có dịp ghé qua Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) đôi ba ngày nên không biết rõ là dân Tầu đã tiếp nhận God’s gift ra sao. Còn dân ta thì rõ ràng chả mặn mà gì cho lắm với món quà quý giá này nên ơn ích (xem ra) không được bao nhiêu.
Xin đơn cử một thí dụ: Võ Thị Sáu (VTS) nhân vật mà tên tuổi được đặt cho vô số tên đường, tên trường ở khắp nước VN. Chừng 10 năm trước, trên nhiều trang mạng, và you tube bỗng có tin “động trời” là cô gái này bị bệnh tâm thần:
– Nhà Thơ Nguyễn Duy: Chuyện Võ Thị Sáu Hoàn Toàn Bịa Đặt
– Sự Thật Người Con Gái Võ Thị Sáu Có Bị Tâm Thần
– Nữ Anh Hùng Võ Thị Sáu Chính Là Kẻ Bị Bệnh Tâm Thần
– Đập Tan Huyền Thoại CSVN Tung Hô Nữ Anh Hùng Võ Thị Sáu
– Tiết Lộ Chấn Động: Liệt Sỹ Võ Thị Sáu Là Người Tâm Thần Bị Dụ Dỗ
Nhật báo Người Việt – phát hành từ California, số ra ngày 20 tháng 7 năm 2017 – có bài tường thuật chi tiết như sau:
Trang Facebook của Đoàn Dũng mới phổ biến một video clip dài năm phút, cảnh nhà thơ Nguyễn Duy và một số văn nghệ sĩ trò chuyện, trong đó Nguyễn Duy thuật lại những gì ông biết về nhân vật Võ Thị Sáu, một thần tượng do đảng Cộng Sản dựng lên.
Nhà thơ cười lớn tiếng đến nỗi phải đứng dậy khi nhắc đến những điều bịa đặt trong sách của Nguyễn Quang Sáng về “anh hùng Võ Thị Sáu”. Một chi tiết được hai người công khai nói ra là Võ Thị Sáu bị bệnh tâm thần từ thời rất trẻ.
Cuộc gặp mặt này có những nhà văn tên tuổi khác như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A (quay phim), nhà văn Lê Hoài Nguyên (tên thật là Thái Kế Toại) – cựu đại tá công an với chùm tóc bạc ngồi đối diện nhà thơ Nguyễn Duy. Đặc biệt, nữ diễn viên Mỹ Khanh, người đã đóng trong cuốn phim về Võ Thị Sáu cũng có mặt.
Điều đáng kể nhất là hai nhà văn trong cuộc gặp gỡ đã khẳng định bệnh tâm thần của Võ Thị Sáu, một người gọi là “bị chập” và người kia nói thẳng là “điên”. Đây là một sự thật đã được tiết lộ từ nửa thế kỷ nay, khi những “đoàn quân” phóng viên, nhiếp ảnh, và quay phim đi tới vùng Đất Đỏ nghiên cứu về “thần tượng” Võ Thị Sáu. Khi phỏng vấn dân địa phương, họ thường nghe các người già cả cùng thời bà Sáu hỏi: “Con Sáu Khùng phải không?”
Riêng nhà thơ Nguyễn Duy, ông thuật lại lời gia đình, thân nhân của Võ Thị Sáu cho biết cô bé này được giao nhiệm vụ ném lựu đạn giết một tên Tây lai đi mua thực phẩm cho đồn Tây, nhưng giết hụt vì hắn bữa đó không đi chợ. Cô Sáu vẫn ném lựu đạn vào chợ, rồi bị bắt, đưa ra Côn Đảo và xử tử hình.
Người thân của cô cho Nguyễn Duy biết, sau năm 1975, người Tây lai này trở lại Đất Đỏ đón bà mẹ người Việt gốc Hoa, và anh ta giúp đỡ cho vùng này rất nhiều (có thể hiểu là một cách hối lộ để đưa mẹ qua Pháp dễ dàng hơn). Sau năm 1975, tên đường Hiền Vương ở Sài Gòn đã bị đổi thành Võ Thị Sáu… Sau khi video trên được phổ biến, rất nhiều lời bình phẩm đã xuất hiện. Một độc giả Em Ba Sàm viết:“Một thần tượng bị sụp đổ!” Cô Maria Lê Thị Châu viết: “Mình đã bị lừa mấy chục năm rồi huhu!”
Dù “phát hiện động trời” của nhà thơ Nguyễn Duy đã được phát tán tràn lan, từ nhiều năm qua (bằng nhiều phương cách) nhưng cho đến nay vẫn không mấy ai biết là họ “đã bị lừa” đâu. Tôi mới ghé Côn Đảo (tuần rồi) nên biết là dân nơi đây vẫn còn nhiều người nhắc đến VTS với tất cả lòng cung kính và sự ngưỡng mộ.
Họ là dân ở đảo nên mù tịt thông tin chăng?
Không hẳn thế đâu!
Từ nhiều năm nay, những chuyến đi nghỉ mát (“kết hợp du lịch tâm linh”) đã mang hàng vạn du khách thập phương lũ lượt tìm đến Côn Sơn. Họ rầm rộ kéo nhau ra mộ Cô Sáu, khấn khứa lia lịa, và hương khói ngút trời luôn. Vấn đề nghiêm trọng đến độ chính quyền địa phương phải ra lệnh cấm (“kể từ 01/07/2024, cấm đốt vàng mã khi đi viếng Cô Sáu và các di tích khác”) để bảo vệ môi sinh.
Nền luân lý, đạo đức ở VN cũng cũng bị ô nhiễm trầm trọng bởi chính sách dối trá, lừa gạt, ma mị (và chủ trương ngu dân) từ hơn hai phần ba thế kỷ qua. Đến bao giờ thì người dân ở nơi đây mới thoát ra được cái kiếp nạn này?
Chú thích:
(*) Mười lăm năm trước, năm 2004, diễn đàn talawas mà tôi là người phụ trách chính có một cuộc phỏng vấn với Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhân một lần ông ghé thăm Berlin. Tuy nhiên, ở phút cuối, ông đã đề nghị talawas hủy đăng bài, vì thời điểm chưa thích hợp. Ông qua đời đầu năm 2011. Trước đó không lâu, talawas cũng ngừng hoạt động. Nay tôi chính thức công bố toàn văn bài phỏng vấn dài gần một vạn chữ này trên trang lưu trữ cá nhân pro&contra của mình. Bài trên Pro&Contra ở link này: https://www.procontra.asia/?p=6179. Chú thích của nhà văn Phạm Thị Hoài.