Giáo dục: Không khó

Thái Hạo

16-11-2024

Tôi cho là thế. Đầu tiên phải xác định rõ mục tiêu: Học để làm gì, được gì. Học để khỏe, để vui, để có những kiến thức hữu ích, để biết làm những việc thiết thực, học để trở thành một con người biết tư duy, có viễn kiến và xác lập các giá trị nền tảng của văn minh. Cứ chiếu vào đó, cái nào chưa có thì thêm vào, cái nào vô ích thì bỏ đi. Những kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế và cả đời không dùng đến, hãy loại trừ.

Thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải được đặt lên vị trí quan trọng. Chú trọng đến thực hành, làm việc nhóm, tạo ra sản phẩm, tổ chức trường học thành một xã hội sống động chứ không phải chỉ là nơi nhồi kiến thức giáo điều. Biết và thực hành các quyền công dân, quyền con người thông qua thực hành dân chủ trong trường học, trên cở sở giá trị tiến bộ của thế giới.

Thứ hai là:

Loại trừ tất cả những thứ ngáng đường. Đối với tiểu học và vài năm đầu của THCS (cấp 2) không được giao bài tập về nhà, tất cả việc học chương trình giáo dục quốc gia sẽ chấm dứt ngay ở cổng trường, về nhà là thời gian cho gia đình, thiên nhiên, bạn bè, đọc sách, sáng tạo, vui chơi… Cuối THCS và những năm cấp 3 có thể có bài tập về nhà, tăng dần theo lớp, nhưng cơ bản phải rất ít (không quá 30′ – 1 giờ/ ngày) và tính chất, nội dung của bài tập cũng phải khác.

Cấm hẳn dạy thêm đối với nhà trường và giáo viên trong hệ thống. Các cơ sở giáo dục quốc dân phải đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trong khuôn khổ việc thực hiện chương trình quốc gia. Không có “nhưng”; không có “vì, bởi, tại”. Tuyệt đối không bao biện.

Miễn học phí cho cho học sinh phổ thông, không mượn danh xã hội hóa để thu tiền bát nháo nữa. Hãy làm lành mạnh và trong sáng môi trường giáo dục.

Xóa bỏ các kỳ thi quan liêu, nặng tính hành chính và thi đua đối với cả giáo viên và học sinh. Thi ít thôi, đua ít thôi, chúng đang trở thành những khối u lớn trong nền giáo dục rồi. Cần mạnh dạn phẫu thuật và cắt bỏ.

Hãy để hiệu trưởng cho giáo viên bầu, không sắp ghế nữa. Các tổ chức trong nhà trường cần được độc lập để quản lý, giám sát và bảo vệ lẫn nhau.

Thứ ba, muốn làm được như thế thì song song với việc giảm dung lượng và thay đổi tính chất của nội dung các môn học (để phổ thông về đúng nghĩa phổ thông) thì dứt khoát phải đầu tư. Phải xây đủ trường lớp, để mỗi lớp có sỉ số chỉ khoảng 20 – 25 học sinh; phải tuyển đủ giáo viên và là giáo viên tốt, cho mô hình ấy. Muốn vậy, phải nhịn xây cổng chào, tượng đài, cờ quạt, lễ lạt, dồn tiền cho giáo dục.

Đừng xếp loại, đừng thành tích, đừng thi đua nữa. Cần giao quyền tự chủ chuyên môn cho giáo viên và có kiểm định độc lập.

Xem học sinh có vui không, có khỏe không, có năng động và biết phản biện không, có biết làm việc và giải quyết vấn đề không…, đó chính là thước đo bằng… mắt thường.

Phát quang bụi rậm, trồng những cây trái hữu ích vào đó, và chăm sóc đúng cách, vậy thôi. Đừng lý thuyết đao to búa lớn nữa, đừng gieo hạt lên đám cỏ dại lưu niên nữa.

Tóm lại, tôi thấy không khó, vấn đề là có muốn làm và có thật lòng làm hay không mà thôi.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Cho phép tớ được ủng hộ (rất) nhiều ý kiến trong bài này

    “Những kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế và cả đời không dùng đến, hãy loại trừ”

    Rất hay . Chỉ muốn bổ xung, là nên học sơ qua để biết các loại acid nó độc hại như thế nào, học để biết điện giựt có thể làm chết người … Nói chung, học để cho biết những “kiến thức hàn lâm” hổng những hổng có lợi, đôi, mà đúng hơn là nhiều, khi có hại cho niềm vui, sức khỏe … nói chung cho những mục tiêu mà 1 nền giáo dục những người như Thái Hạo mong muốn hướng tới

    “Thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải được đặt lên vị trí quan trọng”

    Rất đúng . Trong “các hoạt động văn hóa nghệ thuật”, phải nhìn ra rõ 2 môn Văn & Sử đóng vai trò cốt lõi không thể thiếu được . Văn mẫu chỉ tốt cho những kẻ không muốn học, chỉ đối phó -c’est moi- hãy triệt cửa đó cho tụi nó hết đường binh . Hãy dạy Văn & Sử như Nguyên Ngọc đào tạo ra Bảo Ninh, Dạ Ngân, Tạ Duy Anh & 1 mớ lủ khủ hiện thực XHCN 2.0, Việt Nam của TA cần họ hơn bao giờ hết

    “Học để khỏe, để vui, để có những kiến thức hữu ích, để biết làm những việc thiết thực”

    Nên dùng circular logic -só zi độc giả BTD, kiến thức hàn lâm hoàn toàn vô bổ của tớ, hổng đủ tiếng Việt- học để có những kiến thức hữu ích & biết làm những việc thiết thực phục vụ cho mục đích khỏe & vui . Ignorance is bliss, không biết là hạnh phúc, the less you know, the better you sleep. Cứ thế mà làm

    “Đừng xếp loại, đừng thành tích, đừng thi đua nữa”

    Rất đúng . Có một thời Trung Quốc loại chấm điểm hay bài kiểm tra … Cứ thầy dạy trò học, và cuối năm lên lớp . Trung Quốc đã bỏ trong vòng 2 năm, mình nên làm khác với Trung Quốc, áp dụng thứ Trung Quốc kiên quyết dẹp bỏ .

    “có vui không, có khỏe không, có năng động và biết phản biện không, có biết làm việc và giải quyết vấn đề không…, đó chính là thước đo bằng… mắt thường”

    Rất đúng . Vui & khỏe hoàn toàn không dính dáng gì tới những phần khác, phản biện cũng không dính dáng gì tới “biết làm việc & giải quyết vấn đề”. Có bao nhiêu những người tự xưng mình là trí thức vì “biết” phản biện, nhưng những đề xuất của họ … Nguyên nhà báo Đoàn Bảo Châu tuyên bố phản biện không cần kiến thức chuyên môn, thậm chí không cần biết những “phản biện” của mình có khả năng giải quyết vấn đề không, miễn làm tấm lòng của người phản biện trong sáng, thế là (quá) đủ . Điển hình rõ nhứt là bài này . Chỉ muốn hỏi thế này, nếu áp dụng những điều trong bài này của Thái Hạo, kết quả đi từ bad đến worse thì sao ? Và Thái Hạo sẽ được mọi người kính trọng, đó là những gì tớ đoán được . Đơn giản vì chuyện đó -từ bad đến worse- hổng thể thấy được bằng mắt thường ?

    Nên dùng Empire State Building lộn ngược để đo tầng suy thoái của Việt Nam. Hiện giờ có 102 tầng, hy vọng áp dụng cho thực tế của Việt Nam vẫn còn sufficient, đủ

  2. Thể chế là nút thắt ( ông Tô nói), vậy thay thể chế mới, hết nút thắt, tất cả cất cánh, tất nhiên cả gd, dễ quá ( khỏi bàn luận).

  3. Học để làm ra những thứ đơn giản như Hàng Mã, nấu ăn…. thì rất dễ ,học để hiểu được khoa học kĩ thuật rất khó, và để phát minh được lại càng khó .Những môn học khó nhất hầu như sinh viên Vn không thể, sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ chày chợt theo ,học mãi mà chưa chắc đã hiểu. Nói vậy để biết, đừng ngạo nghễ nữa….

  4. Ôi, xem ông Thái Hạo viết mà tai tôi đã nghe được tiếng réo rắt của thiên đường xã hội (bỏ cái đuôi chủ nghĩa đi) rồi … chợt tỉnh giấc, còn mơ cho đến bao giờ…

  5. Cần nhất là con người.Mọi cái đều tốt mà con người không tốt thì vứt đi.Thực tế đã chứng minh,dù cái khuôn có lỗi nhưng thợ giỏi vẫn làm ra được những sản phẩm đúng chuẩn.Trái lại,cái khuôn có chuẩn nhưng thợ quá tệ hay cố ý phá hoại vì lợi ích cá nhân thì sản phẩm làm ra cũng chỉ là phế phẩm.Đương nhiên có khuôn tốt kèm thợ giỏi là điều lý tưởng.Hãy xem,nhà xuất bản thì biết gì về nghiên cứu khoa học mà bộ giáo dục& đào tạo giao nhiệm vụ thực nghiệm sách giáo khoa.Đương nhiên,các sách GK được nhà XBGD làm nghiên cứu khoa học nghiệp dư thu hoạch được thì làm sao đạt chất lượng theo yêu cầu.Nghe đâu một giám đốc nhà XB đã bị toà án kết tội tột khung.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây