5-11-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 — kỳ 5 — kỳ 6 — kỳ 7 — kỳ 8 và kỳ 9
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 10: Chuyện bầu cử tại Cái Sắn
Trước khi đi vào chủ đề chính, xin nhắc lại một câu chuyện nhỏ về mối quan hệ giữa những viên chức chỉ huy cấp quận và các cố vấn Mỹ. Đó là mối quan hệ thẳng thắn và sòng phẳng, không như những đơm đặt vẫn tràn lan sau tháng 4.1975.
Trong một bài trước, mình đã kể lại mối bất đồng trầm trọng giữa thiếu tá Quận trưởng Kiên Tân – Phan Bình Ngọc (tên đã đổi khác) và Cố vấn trưởng Chi khu, Thiếu tá Graham; thượng cấp của hai bên đã vào cuộc, rút cục Graham đi trước, Thiếu tá Ngọc đi sau.
Sau Graham, sự hiện diện của Cố vấn trưởng tiếp theo là Thiếu tá Carr không có gì đáng nói. Đến viên cố vấn thứ ba thì một chút rắc rối đã xảy ra, lần này chính tôi là người trong cuộc. Anh ta là một viên chức dân sự, nói sõi tiếng Việt, khi tiếp xúc không cần đến các hạ sĩ quan thông dịch viên người Việt. Được biết rằng hầu hết những người như thế thuộc ngành CIA, trước khi đến Việt Nam, phải trải qua một khóa học tiếng Việt tại Mỹ kéo dài 9 tháng.
Viên Cố vấn trưởng X (tôi không nhớ tên nên tạm gọi như thế) đến quận Kiên Tân chưa bao lâu thì xảy ra một chuyện bất ngờ. Sáng nọ, tại xã Mong Thọ, một xe tải Mỹ bị mất lái, đâm sầm vào một đám tang đang hành lễ trong một ngôi nhà sát bên đường, khiến 5 người tử nạn tại chỗ. Đối với một xã nhỏ, tổn thất đó là một thảm họa, song người dân xã Mong Thọ vẫn bình tĩnh chờ đợi sự giải quyết của chính quyền.
Sau khi chính quyền xã giúp các gia đình nạn nhân lo hậu sự, một phái đoàn gồm các sĩ quan Mỹ được đoàn Cố vấn quân sự tại Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ cử xuống tận nơi để ủy lạo các gia đình nạn nhân và giải quyết rốt ráo vấn đề. Tất nhiên, sự thăm viếng của họ có sự chứng kiến và hợp tác của chính quyền quận, chính quyền xã Mong Thọ và toán cố vấn Mỹ tại quận.
Trong cuộc tiếp xúc, tôi nghe rõ một sĩ quan Mỹ hứa với người dân là toán cố vấn Mỹ tại quận sẽ xúc tiến hồ sơ bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Tôi đinh ninh như thế vì suy nghĩ một cách hợp lý rằng sự bồi thường bằng ngân sách của người Mỹ thì chỉ họ mới biết thủ tục thực hiện như thế nào.
Vậy mà vào một buổi sáng không lâu sau đó, tôi đang ngồi tại văn phòng thì viên cố vấn Mỹ bước vào và bằng một giọng trầm trọng, anh ta chất vấn tôi tại sao đến hôm nay mà vẫn chưa làm xong hồ sơ bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Rõ ràng đây là sự hiểu lầm giữa đôi bên, song thay vì trao đổi, tìm hiểu, thì anh ta lại khăng khăng đổ lỗi cho phía Việt Nam. Bầu máu nóng thanh niên sôi lên, tôi hét vào mặt anh ta bằng những lời khó nghe.
Biết không thể kéo dài tình trạng này, anh cố vấn Mỹ lẳng lặng đi ra khỏi phòng tôi và tiến vào phòng ông Quận trưởng Huỳnh Đầm Sắn, cách phòng tôi chừng 5 mét, chắc là để méc với ông Quận. Lúc ấy, cơn giận của tôi mới dịu dần, nhường chỗ cho những ý tưởng rõ ràng, chặt chẽ và hợp tình, hợp lý hơn.
Tôi ra khỏi phòng riêng của mình, đứng giữa phòng làm việc chung của các nhân viên quận. Khi anh cố vấn Mỹ vừa từ phòng ông Quận trưởng bước ra, tôi ra hiệu cho anh ta đứng lại và bắt đầu bài “thuyết giảng” chuẩn bị sẵn, đại ý như sau:
“Đây chỉ là sự hiểu lầm giữa đôi bên, lâu nay tôi vẫn tưởng rằng việc lập hồ sơ bồi thường do phía các ông làm; lẽ ra ông phải giữ bình tĩnh để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Tôi sẽ chỉ thị chính quyền xã Mong Thọ phối hợp với các ông để thiết lập hồ sơ bồi thường. Điều mà các ông cần hiểu là hơn cả các ông, chúng tôi rất quan tâm đến gia đình các nạn nhân người Việt Nam của chúng tôi”.
Tôi vừa nói xong, anh ta cũng không nói gì, lầm lũi bước ra khỏi Văn phòng Quận. Khoảng một tuần sau, buổi sáng nọ, anh ta bước vào phòng tôi, nhẹ nhàng đặt lên bàn tấm bản đồ địa hình (loại bản đồ quân sự tinh vi nhất) của vùng Cái Sắn, rồi cũng không nói gì, lặng lẽ đi ra. Đó là tấm bản đồ anh ta hứa tìm cho tôi trước khi xảy ra chuyện bất đồng. Lúc ấy, nếu có người thứ ba nào đứng gần đó, hẳn sẽ thấy trong những đôi mắt của chúng tôi, đã le lói những tia hòa giải…
Về mặt bầu cử, vùng Cái Sắn là một trong vài khu vực có tính đặc thù cao nhất. Trong khi ở hầu hết các vùng miền khác, số phiếu bầu của các ứng cử viên (Hạ viện hoặc Hội đồng tỉnh) hay liên danh ứng cử (Thượng viện) bị phân tán mỏng và không quá chênh nhau, thì tại Cái Sắn, số phiếu bầu rất tập trung cho một số ít ứng cử viên hay liên danh ứng cử. Điều này cũng dễ hiểu, vì đồng bào Cái Sắn chiếm đến 50% tổng dân số quận Kiên Tân (khoảng 70.000 người), được lãnh đạo chặt chẽ về mặt tinh thần bởi một số lượng linh mục lên đến hơn 20 vị.
Thông thường trong các kỳ bầu cử diễn ra vào ngày chủ nhật, buổi sáng sớm, sau nghi lễ tôn giáo quen thuộc, các cha có mấy lời với giáo dân dự lễ, với cùng một công thức như nhau, đại ý: “Hôm nay là ngày đầu phiếu, các anh chị sáng suốt chọn mặt gửi vàng, để có người xứng đáng làm đại biểu của dân. Về phần tôi, tôi thấy các ứng cử viên A và B … là những người xứng đáng hơn cả…”.
Các giáo dân đã quen với cách thức như thế, và vế chót trong câu nói của cha, đối với nhiều người, là một thứ mệnh lệnh. Đó là nguyên nhân vì sao ở mỗi kinh thuộc khu bầu cử Cái Sắn, số phiếu bầu chỉ tập trung vào 1-2 người.
Cũng vì những yếu tố đã được phân tích trên, vào mỗi kỳ bầu cử, kinh của các cha là nơi mà người ra kẻ vào tấp nập để vận động số phiếu cho các ứng cử viên hay liên danh ứng cử. Thời đó, trong cuộc bầu cử Hạ Nghị Viện, số dân biểu được phân bổ cho các tỉnh tùy theo dân số của mỗi quận, riêng quận Kiên Tân được bầu hai dân biểu và hai người đắc cử đều xuất thân là đồng bào khu dinh điền Cái Sắn. Với sự gắn kết của khối Công giáo di cư tại địa phương, không một ứng cử viên địa phương nào có hy vọng đắc cử.
Trong hai năm mình làm việc tại Kiên Tân (1968-1970) thì hai dân biểu thuộc đơn vị này là ông Tạ Ngọc Mai, nguyên Trưởng Chi Chiêu hồi quận và Đặng Văn Phương, nguyên Kiểm sự Hợp tác xã và Nông tín (ngang với ngạch Tham sự Hành chánh, Cán sự Y tế, Cán sự Công chánh…) đang làm việc trong ngành Hợp tác xã -Nông tín của tỉnh Kiên Giang. Còn nhớ một kỷ niệm nhỏ: Năm 1971, khi mình đã tình nguyện ra làm việc tại Côn Sơn (Côn Đảo) thì bỗng nhiên nhận được Bằng khen của Quốc Hội về công tác tổ chức bầu cử tại địa phương năm 1970, bên dưới bằng khen có hàng chữ: “Theo đề nghị của dân biểu Đặng Văn Phương”.
Sau tháng 4.1975, bằng khen này cùng hàng loạt huy chương khác: Huy chương Mỹ bội tinh, Hành chánh bội tinh, Văn hóa-Giáo dục bội tinh, Cựu chiến binh bội tinh …góp phần làm trầm trọng thêm cái tội “chống phá cách mạng”!
Một buổi sáng sớm, Trung tá Tô Văn Vân, Tỉnh trưởng Kiên Giang, được tiền hô hậu ủng về quận Kiên Tân, mang theo một đội lính kèn. Ông không ghé lại Văn phòng quận hay tư thất Quận trưởng, mà đi thẳng đến bờ kinh Cái Sắn gần đó. Nơi đây, người ta đã chuẩn bị sẵn một số xuồng máy đuôi tôm.
Tất nhiên là khi Tỉnh trưởng đích thân đến quận thì Quận trưởng và Phó Quận ra đón tiếp. Trung tá Vân là một người hệch hạc, vui tính, dù là nhà binh, ông có vẻ thiện cảm với dân hành chánh, vẫn thường xuyên chọc đùa anh Phó Quận còn rất trẻ.
Khoảng nửa tiếng sau, người ta thấy từ hướng kinh B (hướng Long Xuyên) xuất hiện một đoàn xe, dẫn đầu là chiếc xe jeep phía trước có gắn một tấm bảng vuông vắn bằng kim loại, trên nổi bật một ngôi sao màu trắng. Đó là chiếc xe được sử dụng bởi một sĩ quan cấp Chuẩn tướng.
Theo quy định thời đó, khi một quân nhân đi đối diện với một chiếc xe có gắn sao cấp tướng thì bất luận người ngồi trên xe là ai, người quân nhân phải giơ tay chào. Trong trường hợp xe chạy mà không có cấp tướng trên xe, người tài xế phải lấy một miếng bọc nhựa màu tối chụp lên để che ngôi sao đi.
Khi đoàn xe dừng lại nơi ông Tỉnh trưởng Kiên Giang và các sĩ quan, viên chức quận đứng đợi, một người bệ vệ bước xuống từ chiếc xe có gắn sao. Đội lính kèn thổi lên nhạc hiệu chào mừng, các ông Tỉnh trưởng, Quận trưởng đứng nghiêm chào. Không khó nhận ra nhân vật quan trọng vừa xuất hiện là ai: Đó là Chuẩn tướng NHH, Tư lệnh phó Quân đoàn 4 / Vùng 4 chiến thuật, người mà sau tháng 4.1975, được đề cao là đã góp công quan trọng vào việc làm sụp đổ cái chế độ đã tạo điều kiện thăng tiến cho ông. Trong một bài trước, tôi cũng đã có dịp nhắc lại chuyện cha Phúc từng được vị tướng này cho chở nguyên một xe kẽm gai về để rào giậu khu nhà cha đang ở.
Theo sau tướng H mấy bước là một phụ nữ mặc áo dài đen, nền nã, gương mặt dễ nhận diện, do gần đấy, bà thường xuất hiện với tư cách người thuộc một liên danh ứng cử vào Thượng Nghị Viện. Đó là luật sư NPĐ, người từng vang danh cả nước khi biện hộ cho thủ phạm trong vụ án “Cô Huờn đốt chồng” (Hồ Thị Huờn) vào đầu thập niên 1950.
Sau hồi kèn của toán quân nhạc, tướng H không nói không rằng, hối hả bước xuống chiếc xuồng máy đuôi tôm, trong đoàn thuyền chuẩn bị sẵn, để đi vào ấp Tân Hà, kinh 1, là nơi ở của cha Phúc. Ông Tỉnh trưởng Tô Văn Vân và ông Quận trưởng Huỳnh Đầm Sắn đi theo bén gót. Như vậy rõ ràng là ông tướng H đưa bà LS NPĐ đến gặp cha Phúc để nhờ cha ủng hộ cho liên danh ứng cử Thượng Nghị Viện của bà trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhận thấy một viên chức dân sự như mình không có thể làm trò trống gì trong sự kiện trên, Phó Quận Kiên Tân quay về Văn phòng, nơi nhiều người dân đang chờ lấy các giấy tờ hộ tịch trình ký.
Bữa trưa hôm đó, chưa hết giờ công sở, ông Quận Sắn mở cửa phòng Phó Quận, mặt hớn hở, nói nhỏ, chỉ để người đối diện đủ nghe:
– Ông Phó, hồi nãy, tại nhà cha Phúc, tôi thấy bà LS NPĐ móc bóp đưa cho cha Phúc một xấp tiền!
Tôi cười:
– Tất nhiên, vận động tranh cử là phải như thế, đâu có ai ủng hộ phiếu bầu miễn phí đâu!
Vậy mà kết quả kiểm sơ khởi số phiếu thuộc đơn vị quận Kiên Tân, tôi không khỏi ngạc nhiên: Số phiếu của liên danh bà NPĐ đạt không quá 20 phiếu!
Hóa ra các cuộc vận động bầu cử cũng giống cuộc đua marathon, ai nhanh chân thường cán đích trước, hoặc trong các cuộc đấu giá, ai bỏ giá cao nhất mới được thắng thầu…
Kỳ sau: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấp chứng khoán “Người cày có ruộng” tại Kiên Tân