Vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (Kỳ 9)

Lê Nguyễn

5-11-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3 — kỳ 4kỳ 5kỳ 6 kỳ 7kỳ 8

(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).

Kỳ 9: Các khóa quân chánh và một tình cảm bạn bè hiếm có

Vậy là chỉ sau hơn một năm trời, tôi đã làm phó cho hai ông Quận trưởng ra đi trong những tình huống rất khác nhau. Trong tình thế chiến tranh, chính quyền trung ương phải tạm thời đặt bộ máy hành chánh địa phương dưới sự kiêm nhiệm của các sĩ quan quân đội, với sự phụ tá của các viên chức hành chánh tốt nghiệp từ một học viện dạy về luật pháp và quản trị hành chánh.

Tại các cấp tỉnh và quận ở miền Nam trước năm 1975, sự bất đồng hay mâu thuẫn trong công vụ vẫn thường xảy ra giữa một cấp trưởng nhiều quyền hành nhưng hầu như không biết gì về hành chánh, với một cấp phó có đầy đủ hiểu biết trong lãnh vực này nhưng không có những quyền hạn tương xứng. Đôi lúc sự bất đồng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm, phía hành chánh yếu thế hơn thường nói thẳng với phía quân sự nhiều quyền hạn bằng câu “các ông hết làm Quận trưởng thì đi tác chiến, còn chúng tôi thì đi đâu cũng làm Phó Quận trưởng hết”. Song đã nói với nhau đến câu đó rồi thì còn vui vẻ gì để làm việc với nhau nữa!

Có lẽ các giới chức trung ương cũng được báo cáo nhiều chuyện như thế, và họ tin rằng nếu các Quận trưởng nhà binh có một sự hiểu biết tương đối về hành chánh thì sẽ hạn chế được nhiều sự bất đồng giữa cấp trưởng và cấp phó. Vì thế, từ những năm 1968-1969, Phủ Thủ tướng và Bộ Nội Vụ bắt đầu tổ chức các khóa Quân chánh, chọn trong hàng sĩ quan cấp Đại úy và Thiếu tá những người có trình độ văn hóa tương đối khá để theo học. Mỗi khóa học thường kéo dài khoảng 4 tháng, với chương trình học gồm những khái niệm căn bản về luật pháp, tổ chức hành chánh và việc quản trị hành chánh tại các địa phương.

Khi tốt nghiệp các khóa học Quân chánh này, họ được lập danh sách theo thứ tự ưu tiên dựa vào kỳ thi cuối khóa học và lần lượt được cử đến điền thế những quận nào mà người đứng đầu vừa rời khỏi nhiệm sở. Tất nhiên, cách bổ nhiệm này khá công bằng, song lại đầy may rủi, có người đến phiên được bổ nhiệm về một quận tốt, có người không được như thế, khi đến phiên họ thì ngôi quận trống lại ở nơi xa, kém an ninh.

Trong thời gian chờ các quận trống để được bổ nhiệm điền thế, những người này được Bộ Nội vụ tạm thời đưa về các tỉnh để được cử xuống các quận làm Phụ tá Quận trưởng. Đấy là cơ hội để họ cọ xát với thực tế trước khi được chính thức cử làm Quận trưởng. Trong những ngày ở Cái Sắn, tôi đã làm bạn với ít nhất hai ông Phụ tá Quận trưởng như thế. Người thứ nhất là Đại úy Lưu V.C., nhà ở châu thành Rạch Giá, được bổ làm Quận trưởng An Phú, Châu Đốc. Đi nhậm chúc rồi, thỉnh thoảng về Rạch Giá thăm nhà, bao giờ anh C. cũng dừng lại Kiên Tân thăm tôi. Anh nhanh chóng được thăng lên Thiếu tá, vì thời đó, bảng cấp số của Quận trưởng là Trung tá.

Một tờ trích lục khai sanh năm 1970 có chữ ký của xã (bên trên) và chữ ký hợp pháp hóa của (Phó) Quận trưởng Kiên Tân (bên dưới)
Lưu ý: con dấu của cấp Quận to hơn con dấu của cấp Xã. Nguồn: Lê Nguyễn

Người Phụ tá Quận trưởng thứ hai còn đáng nhớ hơn. Anh là Đại úy Vũ N.L., người Bắc di cư, tính vui vẻ, hòa đồng. Những ngày anh chờ đi quận, chiều chiều, anh và tôi thường thả bộ dọc theo con đường chính trong quận, kể lể nhau nghe mọi thứ chuyện trên đời. Anh được cử làm Quận trưởng Chơn Thành, Bình Long không lâu sau đó. Đến nơi, dù công việc đa đoan, anh vẫn nhớ viết thư thăm tôi. Tất nhiên, sau tháng 4.1975, chúng tôi chẳng ai còn biết tin tức của ai.

Những năm 1983-1984, sau khi đi tù cải tạo về, tôi có một khoảng thời gian dài xách cần đi câu cá kiếm sống. Bữa nọ, đang tha thẩn bên ngoài một ngôi chùa, tôi bỗng nhìn thấy sát vòng rào kẽm gai của chùa một ngôi mả có vẻ hoang phế, chỉ đắp đất, cỏ dại mọc cao, song mộ bia vẫn còn lộ rõ nét chữ tên của người nằm dưới mộ: Vũ N.L., sinh năm 1942. Giống y nhau cả họ, tên, chữ lót và năm sinh chứng tỏ người cùng thế hệ với tôi. Linh cảm gợi cho tôi nhớ đến một Vũ N.L. của năm 1969, chiều chiều đi bách bộ với nhau ở Cái Sắn, Kiên Tân. Trong tay không có một nén hương để thắp lên ngôi mộ hoang phế ấy, tôi trở về trong một tâm trạng buồn khôn tả!

Một buổi trưa khoảng những tháng đầu năm 1970, một người đàn ông mặc quần áo dân sự, áo trắng cẩn thận bỏ trong quần, xăm xăm đi vào khu dành làm nơi ở của Quận trưởng, Phó Quận và một số công chức, sĩ quan của Quận/Chi khu. Anh bị người lính ở vọng gác ngay cổng vào ách lại, vì vẻ xa lạ của anh.

Sau khi trình bày lý do, anh được cho qua cổng và đến gõ cửa nhà tôi.

Hơi bất ngờ và khó chịu một chút vì bị phá giấc nghỉ trưa, tôi gượng gạo tiếp người khách lạ này. Khi vừa ngồi xuống ghế, anh hỏi ngay:

– Ông Phó có nhận được gì không?

Tôi khá ngạc nhiên về câu hỏi này, vì hàng ngày tôi đọc hàng trăm công văn, làm sao trả lời anh ta được.

Cuối cùng, anh đành “khai báo” với tôi rằng anh là Đại úy Huỳnh Đầm Sắn (tên thật), vừa được Bộ Nội Vụ bổ làm Quận trưởng Kiên Tân. Anh hỏi tôi câu trên vì tin là Nghị định bổ nhiệm anh đã xuống đến quận. Vậy mà trên thực tế, chúng tôi chưa nhận được gì!

Biết là công văn chưa về đến quận, anh vội vả từ giã tôi để lên tỉnh xem sao.

Anh đi rồi, tôi bỗng áy náy, không yên, tự hỏi vì sao tôi phản ứng chậm như thế, không cho chiếc công xa của mình đưa anh lên tỉnh, mà để anh bươn chải một mình? Phải chăng tôi tránh sự hiểu lầm của anh về sự “o bế” người chỉ huy mới của quận Kiên Tân?

Lần này, tôi đề tên thật của anh, mà không thay tên đổi họ như hai ông Quận trước. Lý do là vì ngay từ thời gian đầu làm việc chung với nhau, mối quan hệ Trưởng-Phó trong công vụ giữa anh với tôi đã sớm trở thành mối quan hệ của hai người bạn thân thiết, tương đồng với nhau về cá tính, cách hành xử trong công việc và quý mến nhau với tất cả tấm lòng.

Ngay trong những ngày đầu ấy, lại một chuyện tình cờ thú vị nữa xảy ra. Buổi tối nọ, anh đột nhiên xuất hiện ở cửa nhà tôi, cùng một người phụ nữ mà khi vừa nhìn thấy, tôi bỗng sững sờ. Ấy là người bạn thân thiết học chung với tôi 4 năm Trung học Đệ I cấp (cấp 2), vào những năm 1955-1959. Hóa ra chị lại là bà Quận Sắn!

Chị kể rằng, vừa dọn xuống Kiên Tân ở với anh, chiều hôm đó thấy một người từ văn phòng Quận đi ngang nhà dáng rất quen, chị hỏi anh lính nghĩa quân trong nhà thì biết đó là ông Phó LVC, người bạn học năm xưa của chị!

Mối quan hệ bạn cũ giữa tôi và chị Sắn càng củng cố thêm tình bạn giữa chúng tôi.

Không như những mối quan hệ trước, tình cảm gắn bó, sự làm việc nhịp nhàng giữa hai chúng tôi mang lại sự thoải mái, cảm mến của anh em cộng sự, sự nể nang của các giới chức tôn giáo trong vùng.

Một kỷ niệm mà tôi khó quên: Hôm ấy, ông Lê Quang Liêm, nguyên Trung tá Tỉnh trưởng Khánh Hòa, sau rời quân đội, trở thành một trong những chức sắc cao cấp của trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, đến Kiên Tân sinh hoạt với Quận hội PGHH. Theo thông lệ, tổ chức này đã mời cấp chỉ huy quận đến chứng kiến buổi sinh hoạt. Tôi đã đến như một phép tắc xã giao cần thiết đối với một tôn giáo, song khi giáo hội bắt đầu bàn đến các vấn đề nội bộ, tôi từ tạ ra về.

Ra khỏi phòng họp, tôi ngạc nhiên thấy có khoảng 10 anh lính trang bị súng ống nghiêm chỉnh đã ở bên ngoài từ bao giờ. Họ thấy tôi lên xe về, cũng lên xe đi theo. Lúc đó tôi mới biết rằng ông Quận Sắn vì lo cho sự an toàn của tôi, đã âm thầm cử anh em lính đến canh gác vòng ngoài và đưa tôi về nhà. Một chuyện nhỏ thôi, nhưng nó ẩn chứa một tình cảm sâu sắc!

Chúng tôi chia tay nhau cuối năm 1970, khi tôi tình nguyện ra làm việc ở Côn Đảo, mãi đến đầu thập niên 1980, sau những năm tháng tù đày, chúng tôi mới có dịp tìm nhau, và mừng cho nhau vẫn còn “thân tâm an lạc”.

Đầu thập niên 1990, anh sang Mỹ theo diện HO, hiện cư trú tại thành phố Atlanta, bang Georgia. Ngoại trừ thời gian bệnh Covid hoành hành khiến tôi bị kẹt cứng ở bang Kentucky, những lúc khác, mỗi lần tôi qua Mỹ, con tôi đều đưa tôi sang thăm anh chị, trên một khoảng đường dài 6-7 tiếng lái xe, qua 2-3 bang của nước Mỹ. Năm 2017, cả gia đình tôi sang Mỹ và đến thăm anh, nhà đông người quá, anh ra ngoài phòng khách, cùng ngủ trên ghế sofa với tôi, thức với nhau cho đến khi không còn thức nổi nữa…

Anh Huỳnh Đầm Sắn (bên trái) trong lần gặp lại nhau tại thành phố Atlanta (Georgia) năm 2017. Nguồn: Lê Nguyễn

Kỳ sau: Chuyện bầu cử tại Cái Sắn

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây