30-10-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 — kỳ 5 — kỳ 6 và kỳ 7
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 8: Ngón đòn trí mạng của cha Phúc
Cha Phúc không phải là mẫu người ưa gây sự trước. Ông luôn tỏ ra mềm mỏng với đủ hạng người trong xã hội, nhất là với những ai có ảnh hưởng đến các việc làm của ông. Sự mâu thuẫn ngấm ngầm giữa cha với Thiếu tá Huynh là việc ngoài ý muốn của cha, song do vị Quận trưởng tin tưởng ở sự hỗ trợ tinh thần của một thế lực khác chống lại cha, nên tìm sự dung hòa là điều không dễ.
Vậy mà có một hôm, ông Chủ tịch HĐND xã Trần Văn Sút, người đã được nhắc đền nhiều trong những bài trước, là một trong những người cật ruột nhất của cha Phúc, đến nhà thăm tôi, thông báo một “tin vui” là đã có sự hòa giải giữa cha và ông Quận trưởng. Ông Sút cũng cho biết là nhân dịp lễ Giáng sinh sắp đến, cha Phúc có nhã ý tặng ông Quận trưởng và tôi hai lồng đèn ngôi sao đẹp.
Hai ngày sau, thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ông Sút mang đến cho ông Quận và tôi hai lồng đèn ngôi sao khá đẹp. Tôi chỉ là kẻ ăn theo, vô tình hưởng lộc.
Những ngày Tết nguyên đán qua đi, sinh hoạt công quyền tiếp tục như thường lệ. Những tưởng cuộc hòa giải giữa ông Quận và cha Phúc có triển vọng kéo dài, thì đùng một cái, scandal nổ ra. Một sĩ quan ở Chi khu kể với tôi rằng, hôm đó, Thiếu tá Huynh đang ngồi giữa Bộ chỉ huy Chi khu thì nhận được một lá thư do cha Phúc gửi đến. Ông mở ra xem ngay, và khi xem xong, ông xé toẹt lá thư, quăng vào sọt rác.
Sự thiếu kềm chế của Thiếu tá Huynh gây ngạc nhiên lớn cho mọi người có mặt tại Bộ chỉ huy Chi khu lúc đó, vì chắc chắn là ông biết rằng xung quanh ông lúc ấy, không ít người do cha Phúc “gửi gắm” cho Chi khu.
Thật vậy, cha Phúc sớm được tin về việc lá thư của ông bị xé và chắc là ông đã tin rằng với hành động này của Thiếu tá Huynh, sự hòa giải là điều bất khả. Ông quyết định kế hoạch đối phó một cách đầy tự tin.
Buổi sáng nọ, cha gọi ông Đ.D.C, Xã trưởng Tân Hiệp, cũng là một giáo dân trong kinh của cha, đến gặp cha. Ông C. vừa kịp ngồi xuống, cha đã nói ngay:
– Người dân gửi thư cho tôi tố cáo ông đem công nho xã nộp cho quận hàng tháng, điều đó có đúng không? Họ nói với tôi về dự định đưa vụ này lên báo.
Chuyện đóng góp cho quận như người viết đã trình bày trong một bài trước, nó rõ ràng và công khai, không ai phủ nhận được. Ông Xã trưởng C. cũng thế, trong tình thế đó, ông chỉ còn biết nài nỉ, xin cha Phúc tháo gỡ cho. Cha nghiêm giọng nói với ông:
– Để tôi có cơ sở cứu ông, ông phải làm cho tôi một tờ tường trình chi tiết về việc nộp tiền cho quận để tôi biết đầu đuôi như thế nào.
Ông Xã trưởng ĐDC về rồi, cha Phúc cho người tìm anh tài xế L. của tôi vào kinh 1 gặp cha. Lần này cha đánh trúng vào điều mà ông đã mách nước cho L. ngày nào:
– Dân trong ấp này nói với tôi chuyện anh chạy tiền cho Thiếu tá Huynh để khỏi đi đóng đồn và được trở về lái xe cho ông Phó, điều đó có đúng không?
Tất nhiên là L. không thể phủ nhận, sau đó là những lời năn nỉ, để rồi cuối cùng cũng là tờ tường trình nội vụ.
Sau anh tài xế L., người được cha nhắn tiếp là cô H., ủy viên hộ tịch xã Thạnh Đông. Cô là người thu tiền lệ phí trích lục chứng từ hộ tịch mà không phát hành biên lai, để thu lại khoản tiền đã đóng cho quận.
Đó là những nhân vật dân sự mà tôi biết rõ, riêng phần các quân nhân là người được cha Phúc “gửi gắm” tại Chi khu thì không rõ có bao nhiêu người đã nộp cho cha những tờ tường trình như thế.
Không lâu sau, chính quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức trọng thể lễ khánh thành đền thờ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại tỉnh lỵ Rạch Giá, dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm (1970). Không biết nhờ sự vận động với ban khánh tiết Phủ Thủ tướng hay Văn phòng Tỉnh trưởng Kiên Giang, mà sau lễ khánh thành, trong bữa tiệc tại dinh Tỉnh trưởng, cha Phúc được xếp ngồi cạnh Thủ tướng với tư cách thân hào nhân sĩ tiêu biểu của tỉnh.
Bữa tiệc được nửa chừng, cha Phúc quay sang Thủ tướng Khiêm nói nhỏ:
– Thủ tướng ở Sài Gòn đâu biết dưới Kiên Tân, ông Quận trưởng Phạm Văn Huynh đã làm nhiều điều tệ hại quá!
Trước câu nói bất ngờ, mặt ông Khiêm đanh lại:
– Cha nói thế, sao tôi không nghe ông Tỉnh trưởng báo cáo với tôi điều gì?
(Những câu nói này mình nghe kể lại từ một người có mặt trong bữa tiệc)
Cha Phúc cảm thấy bẽ bàng, im lặng cho đến cuối bữa tiệc.
Ngày hôm sau, cha vội vã lên Sài Gòn, vào Phủ Thủ tướng, mang theo tất cả những bản tường trình của ông Xã trưởng Tân Hiệp, của anh tài xế L., và nhiều thứ giấy tờ khác.
Cha Phúc về tới Cái Sắn không lâu thì hai hôm sau, Văn phòng quận Kiên Tân nhận được một công điện Thượng khẩn do Tỉnh trưởng Kiên Giang gửi xuống, nội dung như sau: “TTYC (trân trọng yêu cầu) quý quận tổ chức bàn giao chức vụ Quận trưởng Kiên Tân trong vòng sáng ngày mai, ngày …tháng… năm, tỉnh sẽ cử người tạm thay thế Thiếu tá Phạm Văn Huynh được cử giữ nhiệm vụ khác”.
Phó Quận trưởng Kiên Tân lập tức cho lập biên bản bàn giao để kịp ký vào hôm sau. Người nhận bàn giao là Thiếu tá Nguyễn N.K, một sĩ quan đang làm việc tại Bộ Chỉ huy Tiểu khu Kiên Giang.
Về sau, được biết công điện thượng khẩn mà quận Kiên Tân nhận được từ Tỉnh trưởng Kiên Giang xuất phát từ lệnh của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu cất chức Thiếu tá Huynh, Quận trưởng Kiên Tân, trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Có lẽ toàn bộ hồ sơ do cha Phúc mang lên văn phòng Phủ Thủ tướng đã đủ chứng cứ để ông Khiêm làm như thế.
Trong lễ ký biên bản bàn giao chức vụ Quận trưởng Kiên Tân vào sáng hôm sau, người ta ngạc nhiên thấy có sự hiện diện của cha Thượng ở kinh 6, một người không mấy khi đến quận. Như trên có nhắc, ông là người ra mặt chống cha Phúc nên không rõ là ông tự ý đến dự lễ bàn giao hay do có lời mời của ông cựu Quận trưởng Phạm Văn Huynh. Chỉ biết rằng trong sự kiện này, có một màn ngoại chương trình, đó là màn phát biểu của cha Thượng ca ngợi ông cựu Quận trưởng làm việc công tâm, năng nổ và rất lấy làm tiếc về sự ra đi của ông.
Dù gì thì mọi người có mặt trong buổi bàn giao cũng không tiếc rẻ chút tình cảm lưu luyến với người ra đi, nhất là ra đi trong tình huống “nghiệt ngã” như Thiếu tá Huynh. Vả lại, những chuyển biến về sau còn chứng tỏ rằng, “duyên nợ” giữa ông cựu Quận trưởng với quận Kiên Tân chưa phải là đã kết thúc.
Người tạm thời nhận bàn giao là Thiếu tá Nguyễn N.K, một sĩ quan tương đối già so với Thiếu tá Huynh. Ông từng theo học khóa Quân chánh và đang chờ được bổ nhiệm chính thức làm Quận trưởng.
Khóa Quân chánh là gì, và vì sao Thiếu tá K. đã tốt nghiệp khóa học này mà chỉ được bổ nhiệm làm Xử lý thường vụ Quận trưởng Kiên Tân, xin dành các câu hỏi này cho bài viết kỳ sau.
Kỳ sau: Các khóa quân chánh và ông quận trưởng thứ ba