25-10-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 — kỳ 5 và kỳ 6
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 7: Phát pháo đầu của ông tân Quận trưởng
Việc ông Quận trưởng Phan Bình Ngọc được thuyên chuyển khỏi quận Kiên Tân diễn ra khá bình thường. Chuyện nội bộ giữa hai ông chánh và phó, giữa ông cựu Quận trưởng với mọi thành phần xã hội tại địa phương không có gì đáng nói. Các nghi thức tổ chức lễ bàn giao được tiến hành bình thường, dưới sự chủ tọa của Tỉnh trưởng hay Phó Tỉnh trưởng.
Và cũng theo thông lệ từ lâu, ngay sau khi ông cựu Quận trưởng cùng bầu đoàn thê tử lặng lẽ ra đi thì các giới chức của tỉnh (tham dự lễ bàn giao) cùng tân Quận trưởng được cha Phúc mời dự bữa tiệc chào mừng.
Trong bữa ăn đó, tôi được xếp ngồi cạnh ông tân Quận trưởng, Thiếu tá Phạm Văn Huynh (tên đã được đổi khác), và đến nay, sau 55 năm, tôi vẫn nhớ như in một câu nói khá tế nhị của ông Huynh với cha Phúc:
– Thỉnh thoảng cha cũng để con cho anh em nghĩa quân ở kinh 1 đi hành quân cho quen.
Câu nói tưởng như bình thường, song với người trong cuộc, nó để lộ mấy ý sau:
* Nghĩa quân trong kinh, cũng là giáo dân của cha, từ bấy lâu nay được “nuông chiều”, chưa từng đi hành quân bao giờ.
* Câu nói tô đậm thêm tin đồn là trước khi về quận Kiên Tân, Thiếu tá Huynh nhận được sự hỗ trợ tinh thần của cha Thượng, người ra mặt chống đối cha Phúc. Nó cũng được xem là phát pháo đầu tiên rót vào thành trì bất khả xâm phạm của cha Phúc từ bấy lâu nay.
Có thể câu nói của ông tân Quận trưởng, Thiếu tá Huynh, cũng khá bất ngờ đối với cha Phúc, song, với sự lão luyện của một người đã ở tuổi trên dưới 60, cha không tỏ vẻ gì bối rối. Ông trả lời Thiếu tá Huynh một cách từ tốn:
– Thiếu ta cứ làm việc theo thẩm quyền. Song cũng xin nhớ anh em nghĩa quân là dân lao động, họ làm việc ban ngày để nuôi gia đình, ban đêm canh gác …
Câu chuyện đó dừng lại chỉ sau hai câu nói ấy thôi, nhưng tôi có cảm giác theo sau chúng là những dư âm kéo dài. Chúng dự báo về một mối quan hệ không suôn sẻ, có thể dẫn tới sóng gió không chừng.
Song trước hết, hãy điểm qua mối quan hệ giữa hai ông Chánh và Phó ở quận, vì mối quan hệ này, trong chừng mực nào đó, cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ông Chánh và cha Phúc.
Thiếu tá Huynh còn khá trẻ so với người tiền nhiệm. Ông độ 30 tuổi, lần đầu tiên chuyển từ môi trường thuần túy nhà binh sang lãnh vực hành chánh, do đó, sự từ tốn ban đầu của ông trong việc điều hành công vụ là điều dễ hiểu. Song đôi lúc sự tự tin quá đáng của ông có thể làm hại ông.
Trong một buổi họp với các Xã trưởng, ông than phiền về những khó khăn của quận, đại ý cũng như những gì tôi đã trình bày trong bài trước. Cái tai hại là ông gút lại trong cuộc họp là hàng tháng các xã yểm trợ quận một khoản tiền không lớn lắm để quận giải quyết những khó khăn trong việc thi hành công vụ. Tiền đó sẽ giao cho Trưởng ban Tài chánh quận là anh Lê P.H. giữ, mọi chi tiêu đều phải được chứng minh đầy đủ.
Rõ ràng đây là một chỉ thị trái nguyên tắc, dù tiền bạc không chảy vào túi riêng của ai. Và tôi, lẽ ra với tư cách người phụ tá nắm vững luật lệ, không thể đồng tình với chỉ thị này. Song một mặt do “nhất ngôn” đã “ký xuất” rồi, ông tân Quận trưởng khó lòng thu hồi mà không cảm thấy bẽ mặt; mặt khác, đây cũng là cách thay thế kiểu nhờ vả ở xã và tôi phải hoàn trả bằng nhiều phương thức phức tạp, hy vọng nó sẽ được xem như một trường hợp “cùng tắc biến …”. Không ngờ, không lâu sau, sự đóng góp tiền của các xã cho quận cũng trở thành yếu tố của một cuộc điều tra.
Quan hệ Chánh – Phó hay cảnh đồng sàng dị mộng
Lời nói cũng như việc làm của ông tân Quận trưởng là dự báo cho cảnh “đồng sàng dị mộng” giữa hai ông chánh và phó không lâu sau đó.
Mọi việc bắt đầu từ chuyện ký phiếu xăng, trong số lượng xăng khoảng 300-400 lít mà tỉnh cấp cho quận hàng tháng. Quận chỉ có mỗi chiếc xe dân sự hiệu Scout do Mỹ viện trợ và Bộ Nội Vụ phân phối cho các quận. Chiếc xe này do Phó Quận sử dụng. Đây cũng là một tiến bộ, vì ở nhiều nơi khác, ông Quận giành chiếc xe dân sự này để cho bà Quận đi chợ hay mua sắm, ông Phó cần đi công tác xa thì được lấy đi, khi về thì phải trả lại cho bà Quận.
Khi chiếc xe dân sự được nhường cho ông Phó thì tất nhiên ông Quận sẽ sử dụng chiếc xe Jeep nhà binh dành cho Chi khu trưởng. Trong khi ông Phó tự ký phiếu xăng của quận khi đi công tác thì ông Quận có thể sử dụng xăng của cả phía hành chánh lẫn quân sự.
Chuyện bắt đầu vào một buổi sáng, khi nhiều Ty Sở trưởng và công chức tại tỉnh lỵ Kiên Giang tiễn chân ông cựu Phó Tỉnh trưởng LVTh đi nhận chức Phó Thị trưởng Mỹ Tho. Ông Th. ở nhiều năm tại Kiên Giang, tình cảm sâu đậm, số người tiễn chân trên đoạn đường hơn 30 km từ tỉnh lỵ ngang qua quận Kiên Tân đến ranh giới Kiên Giang (Rạch Giá) – Phong Dinh (Cần Thơ) – An Giang (Long Xuyên) khá đông.
Trên đường đi, xe của một anh bạn Trưởng ty thân thiết cạn xăng bất ngờ, anh ghé lại quận đường Kiên Tân xin 20 lít xăng. Không có tôi ở quận, anh Trưởng ban Tài chánh LPH biết rõ sự quen biết giữa chúng tôi, đã ứng cho anh Trưởng ty số xăng cần, ngày hôm sau đưa cho tôi ký phiếu xăng hợp thức hóa.
Bẵng một thời gian, sau khi đi tỉnh mấy lần mà không thấy anh H trình ký phiếu xăng, tôi sinh nghi, kêu H vào tra vấn. H trình thật là ông tân Quận trưởng Huynh lệnh cho anh, từ nay chỉ có ông ta mới có quyền ký phiếu xăng. Vì vậy mà trong những chuyến công tác vừa qua của tôi, H phải trình phiếu xăng cho chính ông ta ký. Tôi nhanh chóng hiểu rằng ông ta đã phản ứng lại việc tôi linh động ký phiếu xăng cho ông bạn Trưởng ty ở tỉnh như vừa kể trên. Theo tôi, đó là một hành động nhỏ nhen không đáng có ở một cấp chỉ huy hành chánh cấp quận. Tôi bắt đầu thủ thế với ông ta.
Vào một trong những ngày cuối tháng chạp (âm lịch), đầu năm Tây 1970, bữa nọ, Thiếu tá Huynh sai anh nghĩa quân phục dịch trong nhà đến nói với tôi:
– Thiếu tá nói ông Phó có đi vào kinh 1 thăm cha Phúc thì đi với Thiếu tá.
Được dịp trả đũa chuyện phiếu xăng vừa qua, tôi trả lời anh lính là tôi bận, không đi cùng ông ta được. Sau đó, tôi cố ý đi lẩn quẩn trước nhà, xe ông ta chạy ngang nhìn thấy tôi chẳng bận bịu gì!
Trong chuyện đó, tôi thì thỏa mãn chút tự ái, còn ông Quận trưởng Huynh thì chắc là ghim thêm một cảm giác không vui. Và như một hệ quả được báo trước, sau những ngày Tết âm lịch, ông ta tiếp tục giở thêm một ngón đòn mới với người phụ tá của mình.
Một buổi sáng, tôi đang ngồi ở văn phòng thì anh Thiếu úy Th., Trưởng Ban 1 Chi khu (quản trị nhân sự) bước vào. Không phải mào đầu gì cả, anh ta nói ngay:
– Trong hai anh nghĩa quân Út và L., Thiếu tá yêu cầu ông Phó trả lại Chi khu một người.
Theo thông lệ nhiều năm qua, Chi khu cấp cho Phó Quận một nghĩa quân để phụ giúp việc nhà, còn về tài xế thì vì tỉnh không có người để cử xuống quận nên các Quận trưởng/Chi khu trưởng linh động cử một nghĩa quân biết lái xe làm tài xế. Anh Út nghĩa quân là người rất hiền lương, an chay trường, phụ giúp việc nhà cho nhiều đời Phó Quận, mọi người đặt cho anh biệt danh “Út Bồ tát”, nếu trả lại Chi khu để anh cầm súng đóng đồn thì khá tội nghiệp, tôi không nỡ làm như thế.
Vì vậy, trước yêu cầu của ông Quận trưởng, tôi trả lới Thiếu úy Th. một cách không do dự:
– Nếu Thiếu tá đòi người thì tôi trả lại anh tài xế L., riêng anh Út ở với tôi lâu ngày rồi, tôi không trả được.
Thiếu úy Th. quay ra và nửa tiếng sau, anh ta quay trở lại:
– Ông Phó, Thiếu tá nói nếu trả lại tài xế L. thì từ nay ông Phó phải tự lo khi đi công tác.
Tôi hơi sẵng giọng với anh sĩ quan này:
– Anh trình với Thiếu tá, từ nay đi công tác tỉnh, tôi sẽ đi bằng xe đò!
Mọi việc diễn biến đúng như những gì đã trao qua đổi lại. Chiều hôm sau, anh tài xế nghĩa quân tên L. hớt ha hớt hãi chạy đến nhà tôi, tưởng như tôi chưa biết việc gì, báo tin anh ta không còn được làm tài xế cho tôi nữa, mà phải đi đóng đồn. Tôi đã đoán biết trước tình huống này sẽ phải diễn ra, ôn tồn nói với L.:
– Anh thông cảm, nếu xin một điều gì đó cho riêng anh, tôi sẵn lòng, còn chuyện xin anh trở lại lái xe cho tôi, tôi không xin.
L. buồn bã ra về, và không biết tự anh nghĩ ra hay do có sự mách bảo của ai khác, anh ta vào kinh 1 xin gặp cha Phúc. Sau khi lắng nghe L. kể lể sự việc, cha bảo nhỏ với anh là nên làm như vầy, như vầy …
Quả nhiên, sau đó, tình hình đổi khác. Hai ngày sau, L. hớn hở vào phòng tôi báo tin vui là ông Quận trưởng đã cho anh trở lại lái xe cho tôi. Tôi cười nhẹ với L.:
– Ừ, thì anh cứ tiếp tục lái vậy.
Thủy chung, trong vụ việc này, tôi và ông Quận trưởng chỉ hành động qua trung gian, không hề trực tiếp nói với nhau câu nào! Một cảnh đồng sàng dị mộng đích thực!
Kỳ sau: Ngón đòn trí mạng của cha Phúc
Mình ngay một quận lỵ của một tỉnh đồng bằng S.Cửu Long . Qua bài này, mình thấy có điểm lạ là : Ông quận trưởng không bao giờ phụ trách việc hành chánh, ông ấy (còn gọi là chi khu trưởng) chỉ lo về mặt quân sự thôi mà.
Mọi việc về hành chánh đều do ông phó quận làm hết .
( Và, bà quận đi chợ ấy hả, thấy lính chở bà ấy đi bằng xe Jeep thường thường ) .