15-10-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 và kỳ 4
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 5: Một ân oán giữa Cái Sắn và báo chí Sài Gòn
Trong suốt thời gian Thiếu tá Ngọc tiếp tục giữ chức vụ Quận trưởng Kiên Tân, sự nhân nhượng của ông đối với cha Phúc về mặt bố trí nhân sự tại Chi khu là điều ai cũng rõ, song những gì mà cha Phúc làm lợi cho ông thường là vượt ra ngoài tầm hiểu biết của nhiều người ở quận. Đơn giản vì đó là những cuộc vận động hành lang ở cấp vùng hay trung ương.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Phó Quận trưởng và Quận trưởng, giữa Phó Quận trưởng với cha Phúc cũng không có gì đáng nói. Về mặt hành chánh, do sự thiếu thốn nhân sự – vấn đề bổ sung thuộc trách nhiệm của cấp tỉnh – việc có thêm 1-2 quân nhân do Bộ chỉ huy Chi khu tăng cường cho Văn phòng quận (xuất phát từ sự nhân nhượng của ông Quận trưởng với cha Phúc) cũng giúp cho việc điều hành công vụ được thuận lợi hơn, mặc dù xét về lâu về dài, không phải là việc này không có những hệ quả đáng xem xét.
Sự linh động về mặt nhân sự không chỉ có thế. Tại mấy mươi ấp trực thuộc 5 xã, mỗi ấp có một Trưởng ấp do dân bầu, một Phó trưởng ấp hành chánh và một Phó trưởng ấp an ninh do chính quyền cử ra và được trả lương bằng ngân sách xã. Một số ấp ở xa, công việc ít, người ta linh động đưa Phó trưởng ấp lên tăng cường công việc cho Văn phòng quận.
Trong thời gian này, những bữa cơm thịnh soạn thường được cha Phúc tổ chức tại nhà với khách là các giới chức ở quận, đôi khi đến từ tỉnh. Nhà cha có một chuồng nuôi heo và hàng trăm con gà thả trong vườn, bữa ăn được người của cha thực hiện sạch và ngon. Ai đến ăn với cha sẽ không quên được món rượu lễ ngon ngọt và đậm đà hơn bất cứ thứ rượu nho nào được bán trên thị trường. Được biết thứ rượu nho đó do Tòa thánh làm ra và phân phối cho hàng giáo phẩm trên toàn thế giới. Ở mỗi nước, các Tòa giám mục có nhiệm vụ nhận lãnh và phân phối cho từng giáo xứ trong giáo phận để các cha sử dụng trong thánh lễ, mỗi lần chỉ vài chung rượu lễ.
Số rượu lễ mỗi cha nhận được rất hạn chế, trong các buổi hội kiến, quý lắm, cha mới có thể tặng cho khách một chai. Thế mà số rượu lễ trong tay cha Phúc khá nhiều, ngoài các bữa ăn tại nhà, cha còn làm quà cho khách quý. Đặc biệt vào những dịp giáp Tết, cha thường chở cả xe rượu lễ về tỉnh làm quà cho cấp chỉ huy tỉnh như Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Trưởng Ty, Sở ….
Tính cởi mở của cha Phúc được lòng nhiều người, song số người không thích cha cũng không phải là ít. Bên cạnh những vị lãnh đạo tinh thần không thích cha song vẫn giữ sự im lặng để không làm ảnh hưởng đến không khí tu hành, có ít nhất một người ra mặt chống lại cha Phúc, đó là cha Thượng ở kinh 6 (tên đã đổi khác). Việc này sẽ được nhắc đến sau.
Trong sinh hoạt xã hội thời bấy giờ, báo chí gần như hoàn toàn nằm trong tay tư nhân, chính quyền chỉ giữ chức năng giám sát, do đó, sự khác biệt về mặt nghiệp vụ, về đạo đức nghề nghiệp giữa các báo khiến nhiều lúc đời sống xã hội bị ảnh hưởng. Một vài tờ báo hoạt động dựa chủ yếu vào các “phóng sự điều tra” vạch trần sự sai phạm của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài chính quyền, nhằm vào các mục đích khác nhau. Thông thường, sau một vài bài phóng sự mở đầu, vấn đề sẽ tùy thuộc vào “thiện chí” của đương sự, để sau đó ngôn từ trong bài sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn để đi dần vào… quên lãng, hoặc trái lại, bài viết ngày một căng thẳng hơn, nghiêm trọng hơn.
Vào những năm cuối thập niên 1960, tờ nhật báo Xanh Đỏ (tên đã được đổi khác) thuộc về dạng này. Trong các ký giả của báo, có một ký giả khá sành sỏi, bút danh Hùng Linh (tên đã được đổi khác), hầu như được tòa soạn phân công đặc trách tỉnh Kiên Giang nói chung, khu Cái Sắn thuộc quận Kiên Tân nói riêng.
Nghe kể rằng, mối ân oán giang hồ giữa ký giả Hùng Linh của báo Xanh Đỏ với một số người có lúc lên đến cao trào, tới nỗi một hôm, anh ta vừa bước xuống máy bay tại phi trường Rạch Sỏi (quận Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) thì ngay lập tức bị đánh đòn hội chợ. Song trận đòn ấy không làm nguội lạnh máu nghề nghiệp của anh ký giả này. Đôi lúc trên đường đi ngang một quận đường nào đó, anh ta ghé lại xin tiền ông Quận trưởng, với lý do thiếu cái này, cần cái nọ. Tất nhiên, hệ quả của việc thuận hay không thuận theo sự … xin xỏ của anh này là điều ai cũng đoán biết được.
Điều đáng nói ở đây là cha Phúc, một người mà các giới chính quyền từ cấp trung ương đến cấp Vùng, cấp Tỉnh đều nể vì, thì lại tỏ ra … e ngại anh ký giả Hùng Linh. Điều đó cũng dễ hiểu, anh ta cùng các đồng nghiệp đang nắm trong tay “đệ tứ quyền”, với một phương tiện truyền thông phổ biến trên khắp lãnh thổ, có thể dẫn dắt dư luận một cách hiệu quả nhất.
Và không rõ mối quan hệ giữa họ với nhau như thế nào mà một ngày nọ, Hùng Linh “khai pháo” bằng một loạt bài phóng sự trên báo Xanh Đỏ, hài tội ông Quận trưởng Kiên Tân và phong cho cha Phúc là “lãnh chúa áo đen”. Tất nhiên, dư luận công chúng trong và ngoài tỉnh Kiên Giang khá sôi nổi, sự bối rối của hai nhân vật có liên quan được nhận thấy khá rõ.
Cuối cùng, sau những đắn đo, họ quyết định sử dụng con bài tối hậu: TIỀN.
Sau khi thương lượng xong với Hùng Linh, cha Phúc nhận lãnh “sứ mạng” gặp anh ký giả này để thực hiện thỏa ước.
Buổi sáng ngày X, trong lúc cha Phúc chuẩn bị đi gặp Hùng Linh, giao tiền như đã hẹn, thì bỗng có tin nhắn khẩn cấp của Thiếu tá Ngọc, Quận trưởng Kiên Tân, từ Sài Gòn gửi về cho cha, đại ý:
– Con đã lo xong chuyện này tại Sài Gòn rồi, cha đừng đi gặp Hùng Linh nữa!
Cha Phúc lâm vào tình thế bất ngờ, song ông không thể không nghe lời Thiếu tá Ngọc.
Trong khi đó, tại địa điểm hẹn hò, ký giả Hùng Linh ngồi mòn ghế, hồi hộp chờ đợi gói tiền béo bở. Thời khắc chầm chậm trôi đi, thời đó đâu có điện thoại như bây giờ, anh ta quay về trong một tâm trạng của kẻ bị lừa gạt. Ngay ngày hôm sau, loạt bài mà anh ta tạm ngưng trong hai số báo để bày tỏ thiện chí lại được tái tục, lần này anh ta ra đòn tới tấp như để trừng phạt kẻ đã nuốt lời!
Mấy tháng sau, Thiếu tá Ngọc nhận lệnh thuyên chuyển ra khỏi quận Kiên Tân, không rõ loạt bài của ký giả Hùng Linh có những đóng góp gì vào động thái này của Bộ Nội Vụ và Bộ Quốc Phòng không. Có điều là với sự thay đổi trên, giấc mơ làm Tỉnh trưởng để sớm lên Trung tá của ông đã tan tác như bọt xà-phòng.
Sự ra đi của ông Quận Ngọc cũng khiến cho tờ Xanh Đỏ xem như đã “kết thúc nhiệm vụ”, tìm sang con mồi khác.
Về phần cha Phúc, sau một màn thua trông thấy với giới báo chí, ông lấy lại bình tĩnh, đón chờ một ông tân Quận trưởng nào đó có thể tiếp tục liên kết một cách bài bản và hữu hiệu hơn. Ông cũng không ngờ, với “đối tác” mới này, ông lại phải lao tâm khổ tứ trong nhiều tháng liền.
Song, trước khi kể lại những gì đã xảy ra trong mối quan hệ giữa cha Phúc với tân Quận trưởng Kiên Tân, cũng xin mời quý bạn biết qua vị thế của đơn vị hành chánh cấp Quận như thế nào tại miền Nam trước năm 1975, trên ý nghĩa quen thuộc của câu “ôn cố tri tân”.
Kỳ sau: Vị thế cấp quận trong nền hành chánh VNCH