Chương trình 2018 đã thất bại nhãn tiền

Thái Hạo

3-11-2024

Một giáo viên dạy Ngữ văn 12 nhắn cho tôi: “Anh ơi, em thật sự đau xót trước việc học Văn của học sinh. Đề Văn cho ngữ liệu ngoài SGK, tránh học tủ, học văn mẫu, nhưng sự thật học sinh vẫn học văn mẫu không khác gì trước kia. Học sinh tới lớp dạy thêm của giáo viên, giáo viên sẽ cho ba đề thi mà một trong ba đề đó sẽ ra thi. Giáo viên giải ba đề thi đó, cho ba bài văn mẫu, học sinh học thuộc. Vào phòng thi, học sinh chỉ việc viết lại những gì đã học thuộc tại lớp học thêm. Vậy là điểm cao.

Hoặc một số trường cũng tự giới hạn ba đề Văn cho học sinh về nhà viết trước và chuẩn bị trước. Vậy còn đâu giá trị của việc ngữ liệu ngoài SGK. Giáo viên lớp 12 phải gánh tất cả hậu quả của việc học Văn ở các lớp dưới. Vì các lớp dưới toàn học như vậy, nên khi lên lớp 12, thi đề của bộ, không có giới hạn Ngữ liệu, nên bao nhiêu thứ giáo viên 12 phải dạy lại.

Các lớp dưới học sinh học Văn theo kiểu văn mẫu và ba đề do giáo viên trực tiếp dạy giới hạn, học sinh có biết gì đâu ạ, nhất là cấp 2. Cấp 3 thì đỡ hơn một chút. Cuối cùng giáo viên 12 lãnh đủ. Vì giáo viên 12 không biết bộ sẽ ra ngữ liệu gì để viết văn mẫu cho học sinh.

Em thấy hiện nay việc học các môn diễn ra như sau: Học sinh học thêm trước chương trình (thầy cô dạy học theo phương pháp truyền thống). Sau đó học sinh lên lớp “học” theo phương pháp mới. Thật ra là trình diễn lại những thứ đã được học trước. Lên lớp thảo luận nhóm, thuyết trình, vận dụng…, thật ra chỉ là diễn. Chứ kiến thức đã được học trước bằng phương pháo truyền thống ở nhà. Bạn nào không học trước thì lên lớp chẳng hiểu mọi người đang làm gì.

Em nghĩ lý do Bộ Giáo dục cho dạy thêm chính thức công khai là vì không học thêm (học trước bài) thì có biết gì đâu mà diễn trong lớp học chính. Mà lớp học chính dạy theo phương pháp truyền thống thì bị kêu là không chịu đổi mới, nên phải dạy theo phương pháp mới. Mà muốn dạy theo phương pháp mới thì học sinh phải học trước bằng phương pháp truyền thống. Mà dạy phương pháp truyền thống thì chỉ được dạy trong lớp dạy thêm.

Học thêm bây giờ, theo em không phải học nâng cao kiến thức hay củng cố kiến thức, mà có nghĩa là học trước, chỉ vậy thôi. Giờ học chính là lên sân khấu, diễn. Em bỏ qua những chuyện như thu nhập, lợi ích nhóm như thầy nói. Em thấy học sinh phải đi học thêm là… đúng, vì học ở trường có biết gì đâu ạ. Học sinh cần đi học thêm để biết trước ba đề Văn. Đó là nhu cầu của học sinh. Còn nhu cầu của giáo viên là kiếm thêm thu nhập. Nên cuối cùng học sinh chịu đựng tất cả. Em buồn nên nhắn cho anh vậy thôi. Chứ sức mình bé mọn, biết làm gì được”.

Tôi nhắn lại cho cô: “Chương trình 2018 đã thất bại nhãn tiền. Bộ rất khôn, nhìn thấy mình đã thất bại nên mở đường thoát hiểm bằng cách thả phanh cho dạy thêm để “cứu” chương trình chính khóa. Họ đánh võng ngôn từ rằng, đó là “nhu cầu chính đáng”, là phát triển năng lực, là bla bla. Với đất nước, xã hội và người dân Việt Nam, tội của Bộ Giáo dục là “Trúc Nam sơn không ghi hết tội, nước Đông hải không rửa sạch mùi”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lợi dụng chủ trương đổi mới giáo dục của nhà nước,nhiều ” nhà cải cách” viết sách giáo khoa , phương pháp học và dạy kiểu mới và bắt tay với các nhà In , in sách ra bán kiếm lời. Lọa sách giáo khoa và loạn cả náo con trẻ và giáo viên. Thật tội nghiệp cho ngành giáo dục VN !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây