Thừa

Nguyễn Thông

30-10-2024

Rất nhiều người Việt, kể cả những lãnh đạo cấp cao, cả những người làm luật, những người chuyên nghề soạn văn bản của nhà nước, lại là người không rành tiếng Việt, không biết dùng chính xác tiếng mẹ đẻ.

Tôi lấy hai ví dụ rất phổ biến trên báo chí truyền thông, trong các văn bản mang tính quốc gia (tức đã được cơ quan cao nhất là quốc hội duyệt, thông qua) dùng sai tới mức người ta không biết sai, cứ tưởng đúng, hoặc biết sai nhưng ngại nói ra (với tâm lý nói ra cũng chả thay đổi được gì, ai thèm nghe).

Trước hết, trong những thông tin về pháp luật, ta thường nghe/ đọc cụm từ “tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mỗi khi có cán bộ bị xử lý kỷ luật. Cụm từ này không phải do báo chí tự đặt ra, mà được trích từ điều 356 và 357 Bộ luật Hình sự (năm 2015, vẫn còn hiệu lực). Trong hai điều đó, đều có cụm từ nói trên, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tôi muốn hỏi Quốc hội, hỏi những bộ óc sừng sỏ đã soạn luật này, thông qua luật này: “Trong khi” và “khi” có gì khác nhau? Nếu “trong khi” và “khi” chỉ cùng một nghĩa, hàm chứa một nội dung, không thay đổi bản chất vấn đề thì tại sao lại phải rườm rà thêm “trong” làm gì? Bản thân chữ “khi” đã hàm chứa cả “trong” rồi. Ta vẫn quen nghe “Khi thành phố lên đèn, khi người ta trẻ” chứ có ai “Trong khi thành phố lên đèn, trong khi người ta trẻ” bao giờ.

Ai phản biện chỉ ra được việc thêm chữ “trong” vào sẽ hay hơn nếu chỉ dùng “khi”, nghe lọt tai, tôi xin bái làm sư phụ về ngôn ngữ. Riêng tôi, cụm từ ấy trong luật chỉ cần là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, còn chữ “trong” thừa, bởi nó rất vô duyên, chỉ làm lời văn thêm rườm rà, rắc rối.

Xin thưa với Quốc hội, với các nhà soạn luật, nếu lời nói sinh hoạt hằng ngày, người ta có thêm thắt bao nhiêu từ ngữ thừa thãi, rườm rà chăng nữa thì thiên hạ vẫn tặc lưỡi chấp nhận, bỏ qua. Nhưng luật, nhất là của quốc gia chứ không phải khoán ước hương thôn, lệ làng, thì phải thật chặt chẽ, cô đọng, gọn gàng, một từ một chữ cũng không được thừa. Nếu nhận ra nó thừa, vô tác dụng thì phải bỏ. Luật, chứ không phải văn miêu tả của trẻ con học cấp 1.

Trường hợp thứ nhì, tôi muốn nói tới cụm từ “thủ tướng chính phủ”. Cụm từ này có tần suất sử dụng rất nhiều, ngày nào ta cũng đọc, cũng nghe qua báo đài nhà nước. Cứ dùng mãi thành quen, rồi chấp nhận, mà không thấy có thứ rất thừa.

Gần như ai cũng hiểu cũng biết, đã nói tới “thủ tướng” tức là tới người đứng đầu chính phủ – cơ quan hành pháp. Trong bộ máy cai trị quốc gia có các cơ quan lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ, có thời Việt Nam bắt chước Liên Xô và nhiều nước phe xã hội chủ nghĩa gọi nó là hội đồng bộ trưởng) và tư pháp (tòa án, viện kiểm sát). Đó là ba cơ quan quyền lực tối cao. Buồn cười, một dạo báo chí chả biết tự xưng hay được ông kẹ nào phong cho thành quyền lực thứ 4, rất ảo tưởng. Ăn theo nói leo thì quyền lực quái gì.

Làm gì có thủ tướng quốc hội, thủ tướng nhà nước, thủ tướng tòa án, mà cứ phải khăng khăng “thủ tướng chính phủ”. Còn cái gọi là “tứ trụ”, trong đó có chủ tịch nước, thú thực tôi cũng không hiểu nó là thứ quyền chi trong “tam quyền phân lập”, mà chỉ vài quốc gia mới có kiểu lằng nhằng như vậy.

Lại nói “thủ tướng”, chỉ cần vậy là người ta hiểu nói về chính phủ, người đứng đầu chính phủ. Nói/ viết “thủ tướng” đã quá gọn, đủ, rõ, cần chi phải rườm rà “thủ tướng chính phủ” cho tốn giấy tốn mực, tốn công, tốn nước bọt.

Cần mở rộng thêm, ở một số quốc gia có các bang, như nước Đức chẳng hạn, bộ máy hành chính bang cũng tương tự bộ máy quốc gia, chỉ khác là nhỏ hơn, thấp hơn, vẫn có thủ tướng bang. Ở Đức, ngoài thủ tướng chính phủ, có nhiều thủ tướng bang. Nếu họ nói/ viết “thủ tướng chính phủ Olaf Scholz” thì không thừa chút nào, bởi để phân biệt với các thủ tướng bang (cầm đầu chính quyền địa phương).

Còn ở Việt Nam, chỉ duy nhất thủ tướng, đâu sợ nhầm lẫn mà cứ phải “thủ tướng chính phủ” cho rườm rà, rắc rối. Vị nào mà giải nghĩa mở được óc u tối của tôi về trường hợp này, tôi cũng xin bái làm sư phụ.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thiển nghĩ rằng người đứng đâu các bang ở Mỹ được dịch là thống đốc
    (tức là governor) thì đúng hơn là thủ tướng (bang) như tác giả viết, còn ở
    Đức thì không biết từ tương đương trong Đức ngữ gọi là gì, trong khi đó ở
    Úc chức vụ này gọi là thủ hiến (tức là premier). Thủ tướng trong Anh ngữ
    có nghĩa là bộ trưởng thừ nhất, đứng đầu chính phủ (prime minister) !

  2. Có vậy cũng bắt bẻ.
    Không hiểu hàm ý gì hết.
    – Khi: đương chức.
    – Trong khi: đương chức và nghỉ hưu .
    * Thủ tướng( 8 chữ) Chính phủ( 8 chữ)> Phát…Phát!

  3. Theo tác giả, gắn thêm chữ “trong” với chữ “khi” là không cần thiết. Vậy câu văn “Tôi lấy hai ví dụ rất phổ biến trên báo chí truyền thông” liệu có tương tự?
    Được biết báo chí chỉ là một mảng nhỏ trong lĩnh vực truyền thông. Ngành đào tạo báo chí là ngành học thuộc lĩnh vực truyền thông, đào tạo những kiến thức và kỹ năng về thu thập, xử lý, phân tích và truyền tải thông tin đến công chúng qua các kênh truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình và internet.

    Câu: “Trong các văn bản mang tính quốc gia (tức đã được cơ quan cao nhất là quốc hội duyệt, thông qua)” thì đoạn chú giải trong dấu mở/đóng ngoặc đơn () liệu có thừa?
    Được biết các loại văn bản quy phạm pháp luật (Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư,…) đều là “văn bản mang tính quốc gia” nhưng không phải tất cả các loại văn bản này đều được “cơ quan cao nhất là quốc hội duyệt, thông qua”.

    (chính phủ, có thời Việt Nam bắt chước Liên Xô và nhiều nước phe xã hội chủ nghĩa gọi nó là hội đồng bộ trưởng).
    “Nó” là Đại từ ngôi thứ ba số ít chỉ người, vật hoặc sự việc vậy “chính phủ” là “người, vật hoặc sự việc” và có cần thiết phải có chữ “nó” trong câu văn này?

  4. Hề… hề…, ông Thông này: TRONG, KHI, LÚC nếu dùng riêng lẻ thì nội hàm của chúng mô tả THỜI ĐIỂM (KHOẢNG KHẮC), còn, TRONG KHI hoặc TRONG LÚC thì lại mang nội hàm thể hiện QUÁ TRÌNH, tức là QUÃNG THỜI GIAN (vừa đủ để một để một các bộ thực thi công vụ trượt sang thành kẻ có tội). Vậy thôi ạ!!!

  5. Hà hà, sau ba mươi phút gác tay lên trán, mình nghiệm ra, rằng, thì, là, trong vài văn cảnh, dùng “khi’ và “trong khi” rất khác đấy bác ạ.
    Lấy ví dụ nhá:
    Có nhiều trường hợp, người ta nói “Những khi/ Nhiều khi/ Mọi khi/ Lắm khi/ Đôi khi / Trước khi/ Sau khi/ “.
    Nhưng không ai nói “Trong nhiều khi/ Trong lắm khi/ Trong đôi khi/ Trong trước khi/ Trong sau khi .
    Thỉnh thoảng, có người vẫn nói “Trong những khi = Trong những lúc .
    Ví dụ : Trong những khi buồn ( =Trong những lúc buồn – chỉ thời gian), người ta hay hát nghêu ngao vài câu cho vui.
    Tất nhiên, chữ “trong” ở đây hơi nặng nề, rườm ra một chút. Song, nghe không trái tai cho lắm, bác nhỉ

  6. Hì hì, bác giải thích hay lắm , góp vài câu cho vui thôi, chả ai thích làm sư phụ bác cả , tối ngày , bác cứ cãi lý này nọ, thanh minh thanh nga với bác có mà mệt phờ râu .
    Dường như, thời đại vi tính nên người ta cứ “coppy” rồi “paste” cho nó tiện lợi, ai rảnh đâu mà ngồi viết lại mấy câu kinh điển đó làm gì cho rách việc ?!
    Còn mấy anh, chị nhà báo nước ta thì tuyệt đối không dám sáng tạo , cứ ăn theo, nhưng đừng nói leo là yên tâm nhât
    ( dám sửa từ ngữ của luật, nghị quyết, nghị định, có mà ăn cám !)
    Nhà cháu cũng thấy bác lấy hai ví dụ bằng cách viết lại cho nhanh đấy mà :“Khi thành phố lên đèn, khi người ta trẻ” > “Khi phố thị lên đèn, thành phố ngã nghiêng, men rượu say mèm” – câu mở đầu trong một bài hát trước 1975 . “Khi người ta trẻ”> tên một tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh ( con nhà thơ Chế Lan Viên ) .
    Còn “thủ tướng chính phủ” thì quả thật là thừa . Người ta nói, thủ tứơng Anh, thủ tương Đức cho nó gọn mà vẫn đủ nghĩa, chẳng ai nói thủ tương chính phủ Anh chi cho nó lòng thòng .
    Mấy lời “bình loạn” cho vui , mong bác bỏ miễn tội .

  7. Thiết nghĩ “Hội Đồng Bộ Trưởng” nghĩa của nó hẹp hơn “Hành Pháp” hay “Chính Phủ” nhiều. Hội Đồng Bộ Trưởng là “Nội Các”, bao gồm những người đứng đầu các bộ (cấp Trung Ương). Trong khi “chính phủ” là tập thể những người trong cơ cấu hành pháp từ trung ương xuống địa phương.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây