Vũ Đức Khanh
12-10-2024
Quyền lực chỉ có thể được duy trì khi có sự linh hoạt và thích ứng với những yêu cầu mới của xã hội.
Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã trải qua nhiều biến động lịch sử, thể hiện một khả năng thích nghi nhất định trong những thời điểm then chốt. Điều đó cho thấy, không có gì là không thể thay đổi.
Quan điểm của tôi là: “Muốn là được” (“Vouloir C’est Pouvoir”). Tất nhiên, sự thay đổi không đơn giản chỉ là một mong muốn, mà phải được hiện thực hóa qua những hành động cụ thể. Trong hoàn cảnh hiện nay, câu hỏi liệu ĐCSVN có thể thay đổi hay không cần được đặt ra một cách nghiêm túc và có cơ sở.
Động lực của sự thay đổi
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận rằng sự thay đổi, nếu được thực hiện đúng lúc và đúng cách, có thể mang lại những thành công to lớn. Minh chứng rõ ràng nhất là công cuộc “Đổi mới” vào năm 1986, khi ĐCSVN quyết định cải cách kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ bước đột phá này, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, mở ra thời kỳ tăng trưởng và phát triển liên tục cho đến nay.
Vậy tại sao không thể có một “Đổi mới” lần hai, lần này là đổi mới về thể chế chính trị? Một ĐCSVN dũng cảm dám thay đổi sẽ không chỉ giữ vững sự lãnh đạo mà còn có thể dẫn dắt đất nước bước vào một kỷ nguyên tự do, dân chủ và thịnh vượng.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự lãnh đạo của ĐCSVN chỉ có thể được công nhận khi họ tham gia một cuộc bầu cử tự do và công bằng, với sự tham gia của tất cả các đảng phái. Đây mới là nguồn gốc thật sự của tính chính danh.
Tôi không phải là người cộng sản và chắc chắn rằng tôi không muốn cộng sản tiếp tục lãnh đạo, nhưng nếu qua một cuộc bầu cử tự do, minh bạch và công bằng, ĐCSVN nhận được sự ủng hộ của người dân, tôi sẽ chấp nhận họ với tư cách là một lực lượng đối lập trong cuộc cạnh tranh chính trị công bằng.
Nỗi sợ của cả hai phía
Một trong những lý do khiến ĐCSVN ngần ngại trong việc thay đổi là nỗi lo sợ mất đi quyền lực và các đặc quyền đi kèm. Điều này không phải là hiếm trong lịch sử. Những hệ thống chính trị độc tài thường e ngại rằng, bất kỳ sự nhượng bộ nào sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát toàn diện. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh rằng, những hệ thống cố gắng bảo vệ quyền lực một cách tuyệt đối thường tự đẩy mình vào ngõ cụt. Cuộc cách mạng Nga năm 1917, sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989, và gần đây nhất là sự tan rã của chính quyền các nước Trung Đông trong phong trào Mùa xuân Ả Rập đều là những minh chứng rõ ràng.
Không chỉ ĐCSVN lo sợ, mà cả người dân cũng có những e ngại riêng. Sau nhiều thập niên sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ, họ đã hình thành một tâm lý cảnh giác với sự thay đổi, lo lắng rằng bất kỳ cải cách nào cũng có thể dẫn đến sự bất ổn, hoặc tệ hơn là bị ĐCSVN “lừa” như đã từng xảy ra trong quá khứ. Cả hai phía đều khao khát sự thay đổi, nhưng bị kìm hãm bởi những nỗi sợ hãi về những điều chưa biết.
Thay đổi để tiếp tục tồn tại
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, để tồn tại và phát triển, các chế độ chính trị phải liên tục tự điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới. Điều này không chỉ đúng ở phương Tây mà còn trong lịch sử phương Đông. Ở Trung Quốc, các triều đại phong kiến thường xuyên thay đổi chính sách để duy trì sự ổn định. Thậm chí, ĐCSVN đã chứng tỏ khả năng tự điều chỉnh qua chính sách Đổi mới năm 1986, khi thừa nhận rằng mô hình kinh tế cũ không còn phù hợp với bối cảnh thời đại.
Đổi mới không có nghĩa là mất đi quyền lực mà là tái định hình quyền lực theo cách bền vững hơn. Trong bối cảnh hiện nay, một sự đổi mới về thể chế chính trị sẽ giúp Việt Nam tránh được sự tụt hậu và bảo đảm sự phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa.
Tại sao không thể?
Lý do lớn nhất khiến ĐCSVN có thể không thay đổi chính là nỗi lo sợ đánh mất vị thế độc quyền lãnh đạo. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, không có gì bền vững nếu nó không thay đổi. Ngay cả trong thế giới tự nhiên, các sinh vật tồn tại lâu dài nhất là những loài biết thích nghi, chứ không phải những loài mạnh mẽ nhất. Quyền lực cũng vậy, nó chỉ có thể được duy trì khi có sự linh hoạt và thích ứng với những yêu cầu mới của xã hội.
Nhìn vào các nước đã thành công trong việc chuyển đổi từ chế độ độc tài sang dân chủ, ta thấy một điểm chung: Sự thay đổi không nhất thiết phải là sự sụp đổ toàn diện của hệ thống. Nhiều quốc gia đã tiến hành cải cách chính trị mà không cần một cuộc cách mạng bạo lực. Hàn Quốc, Đài Loan, và thậm chí là Miến Điện (Myanmar) đều đã từng trải qua quá trình chuyển đổi tương tự. Điều này cho thấy rằng, việc giữ vững ổn định chính trị và tiến hành cải cách dân chủ là hoàn toàn khả thi.
Đổi mới thể chế chính trị: Lối đi duy nhất
Nếu ĐCSVN thực sự muốn duy trì vai trò lãnh đạo, thì thay đổi là con đường duy nhất. Đổi mới về thể chế chính trị không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, mà còn tạo điều kiện để đất nước phát triển vượt bậc trong tương lai. Một thể chế chính trị tự do hơn, minh bạch hơn và dân chủ hơn sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một kỷ nguyên phát triển rực rỡ và bền vững cho dân tộc.
Kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có gì là không thể nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi. ĐCSVN đã từng thành công trong việc đổi mới để tồn tại và phát triển. Vậy tại sao không thể một lần nữa, thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện về thể chế chính trị để đưa Việt Nam vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của tự do, dân chủ và thịnh vượng?
Mùa Xuân Ả Rập mà tác giả nhắc tới không biết tác giả đã từng qua các đất nước đó chưa? Dân chủ hiện tại của họ đến nước sạch công không có để uống .
Xin lỗi là tác giả có lẽ không hiểu NGUYÊN NHÂN hay TRỞ NGẠI lớn nhất
trong việc dân chủ hoá VN. là gì ? Thưa đó là Tàu cộng.
Do đó, mong tác giả nên từ bỏ những nhận định thuần lý thuyết của giới trí
thức “tháp ngà” ở Âu Mỹ sống trong các nước dân chủ văn minh và nhất là
có trình độ dân trí cao, thưa ông !
Việc đổi mới kinh tế sở dĩ thực hiện được là vì đảng Cs. và các đảng viên được
HƯỞNG LỢI thì họ mới làm, chứ chính trị thì … đừng mơ giữa ban ngày , nếu
dân chúng VN. không đủ sức mạnh để gây áp lực khiến họ phải thay đổi !
“Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã trải qua nhiều biến động lịch sử, thể hiện một khả năng thích nghi nhất định trong những thời điểm then chốt. Điều đó cho thấy, không có gì là không thể thay đổi.”
Tác giả quên một sự thật là ĐCSVN có nhiều may mắn trong các biến động lịch sử. Một là Bảo Đại tự nguyện thoái vị trong khi Việt Minh không có cơ sở quân sự và hậu thuẩn chính trị tại miền Nam và miền Trung. Hai là Mỹ và VNCH tháo chạy, vụ Watergate và Richard Nixon từ chức là các món quà vô giá mà Mỹ và VNCH trao tặng cho ĐCSVN. Vi phạm hiệp định Paris 1973 không phải là “thể hiện một khả năng thích nghi nhất định trong những thời điểm then chốt.” Do đó, các thay đổi cho VN không phải là do tài năng của ĐCSVN, mà là do thời thế làm cho bất chiến tự nhiên thành
Rất hay, rất đáng mặt trí thức, vì luôn quan tâm tới sự tồn tại của Đảng
Rất mong Đảng Cộng Sản sẽ nới vòng nô lệ để dân mình dễ thở hơn . Nhưng đừng nới quá . Không ít người đã nói Đảng mà “tự do” như Ngụy thì đã bay đầu rồi .
Và cũng mong Đảng, vì sự tồn vong của mình, dựa vào Trung Quốc mỗi khi (quyết định) làm bất cứ cái gì . Vì chỉ dựa vào Trung Quốc, Đảng mới có thể nới vòng nô lệ mà không sợ “Sự thay đổi không nhất thiết phải là sự sụp đổ toàn diện của hệ thống”. Chỉ có Trung Quốc mới bảo đảm “không nhất thiết phải là”, chỉ có Trung Quốc mới bảo đảm sự hiện diện của Đảng ở vị trí lãnh đạo toàn diện đất nước, mối quan tâm của TẤT CẢ những ai có thể được xem là trí thức, là mãi mãi, đúng như mong muốn của những kiến nghị, “trường tồn cùng đất nước & dân tộc”. Còn Đảng còn tiền cho những người có lý lịch tốt . Vì vậy, cứu Đảng chính là cứu mình, & cứu mình chính là cứu đất nước
Hy vọng trước yêu cầu thực tế chính trị, xh, kinh tế, văn hóa.. trong và ngoài nước sẽ gợi mở ý tưởng đối mới toàn diện phù hợp với đặc điểm của Việt Nam . Nhằm thúc đẩy, mỡ cửa cho Đất nước tăng trưởng và phát triển cả về chính trị, kinh tế, VHXH..
Ông Nguyễn Minh Triết đã nói ngụ ý rằng thay đổi là tự sát!
“Nhìn vào các nước đã thành công trong việc chuyển đổi từ chế độ độc tài sang dân chủ, ta thấy một điểm chung: Sự thay đổi không nhất thiết phải là sự sụp đổ toàn diện của hệ thống.”
Ngược lại với nhận định của tác giả, hệ thống chính trị của Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ toàn diện là một chứng minh hùng hồn nhất trong lịch sử cận đại.
“Nhiều quốc gia đã tiến hành cải cách chính trị mà không cần một cuộc cách mạng bạo lực. Hàn Quốc, Đài Loan, và thậm chí là Miến Điện (Myanmar) đều đã từng trải qua quá trình chuyển đổi tương tự. Điều này cho thấy rằng, việc giữ vững ổn định chính trị và tiến hành cải cách dân chủ là hoàn toàn khả thi.”
Sự thật là Quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân cử vào tháng 2/2021. Từ đó cho đến nay, Miến Điện không có dân chủ và ngày càng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, vì các cuộc xung đột có vũ trang gia tăng do các phong trào kháng chiến trỗi dậy, họ liên kết với các nhóm sắc tộc thiểu số đấu tranh để tấn công chính phủ quân đội trên nhiều mặt trận.
Hôm 26/09, vì chịu hàng loạt các thất bại quân sự, nên chính quyền quân sự kêu gọi thương lượng chính trị. Đang thắng thế, các nhóm nổi dậy bác bỏ đề nghị đàm phán. Ngoài vấn đề xung đột vũ trang còn có vấn đề phong trào dân chủ chống chính quyền quân sự. Chế độ độc tài quân sự không chấp nhận đòi hỏi cải cách dân chủ là trở lực chính.
ASEAN có đề nghị năm điểm cho giải pháp Miến Điện: Chấm dứt bạo lực, đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, viện trợ cho Miến Điện, ASEAN thúc đẩy và theo dõi các cuộc thương lượng tại Miến Điện. ASEAN muốn tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nhưng ASEAN vẫn bị chia rẽ. Indonesia, Malaysia và Philippines chủ trương cứng rắn hơn đối với chính quyền quân sự Miến Điện, nhưng không kết quả.
Do đó, cho đến nay, Miến Điện không đạt được tiến bộ nào và chưa có tiến trình dân chủ hoá. Kết luận việc giữ vững ổn định chính trị và tiến hành cải cách dân chủ là hoàn toàn khả thi là không phù hợp với thực tế. Tác giả nên cập nhật kiến thức về tình hình thời sự Miến Điện.