Han Kang từ chối họp báo, ăn mừng giải thưởng Nobel văn chương 2024

Tuấn Khanh

13-10-2024

Han Kang, người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học, đã từ chối lời đề nghị họp báo sau giải thưởng Nobel Văn chương, mà bà nói là chẳng có lý do gì để vui, khi cuộc sống chung quanh là những thảm kịch, như những cuộc xung đột không ngừng giữa Ukraine-Nga hay Israel-Palestine.

Cha của bà, tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung-won, 85 tuổi, đã truyền đạt thông điệp này trong một cuộc gặp mặt tại Trường Văn học Han Seung-won ở Jangheung, tỉnh Jeolla Nam.

“(Han Kang) nói với tôi, ‘Với chiến tranh ngày càng khốc liệt, con người bị đưa vào chỗ chết mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể tổ chức lễ kỷ niệm hoặc họp báo ăn mừng được?’ Han Kang nói rằng mình không nên tổ chức họp báo gì cả”, ông Han Seung-won kể với báo giới.

Được biết, sau khi giải Nobel văn học được công bố vào tối thứ năm, Han Seung-won đã nói chuyện với con gái và khuyên cô nên chọn một nhà xuất bản để tổ chức họp báo.

Ban đầu, cô ấy đồng ý và nói rằng cô ấy sẽ “thử nghĩ xem”, nhưng rồi cô ấy đã thay đổi quyết định chỉ sau một đêm.

“Quan điểm của Han Kang đã thay đổi từ một nhà văn sống ở Hàn Quốc sang ý thức (của một nhà văn) toàn cầu. Tuy nhiên, tôi không thể thoát khỏi cảm giác là cha của một người đoạt giải đang sống ở Hàn Quốc, vì vậy tôi đã tự mình sắp xếp buổi gặp mặt nhỏ này”, ông nói, theo tường thuật của Korea Times.

Han Kang cũng ngăn cản cha mình không nên tổ chức tiệc ăn mừng tại trường văn học.

Cha cô cho biết, “Tôi định tổ chức một bữa tiệc ở đây cho người dân địa phương, nhưng con gái tôi bảo tôi đừng làm vậy. Con bé nói, ‘Làm ơn đừng ăn mừng khi chúng ta đang sống và chứng kiến ​​những sự kiện bi thảm này (ám chỉ hai cuộc chiến tranh). Viện Hàn lâm Thụy Điển không trao giải thưởng này cho con để chúng ta tận hưởng, mà để giữ đầu óc tỉnh táo hơn.’ Sau khi nghe điều đó, tôi vô cùng bối rối”, ông Han Kang kể.

Tiểu thuyết gia Han Seung-won, cha của Han Kang, đã có buổi gặp gỡ các phóng viên tại hội trường của một ngôi trường ở Anyang-myeon, huyện Jangheung, tỉnh Jeolla Nam, để chia sẻ phản ứng của con gái ông khi giành giải Nobel Văn chương, theo sự hối thúc không ngừng của các cơ quan truyền thông tại Hàn Quốc.

Từ Seoul, sau khi nhận được tin về giải thưởng của mình qua cuộc điện thoại với ủy ban Nobel vào thứ năm, Han Kang bày tỏ rằng bà “rất ngạc nhiên và vinh dự”, nhưng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào thêm.

Mọi người xếp hàng trước một hiệu sách độc lập ở quận Jongno, Seoul, do tiểu thuyết gia Han Kang điều hành, chờ mở cửa để mua sách sau ngày có tin bà đoạt giải. Ảnh: Korea Times

Nhiều nhà xuất bản, bao gồm Changbi Publishers, nơi đã xuất bản các tiểu thuyết nổi tiếng của bà là “Human Acts” (2014) và “The Vegetarian” (2007), và Munhakdongne Publishing, nơi đã xuất bản tập thơ và tiểu thuyết “The Wind Is Blowing” (2010), đã đề xuất tổ chức một cuộc họp báo, nhưng tính đến chiều thứ sáu 11 Tháng Mười, bà vẫn chưa phản hồi.

Tuy nhiên, ở bên ngoài, mọi dữ kiện liên quan đến tiểu thuyết gia Han Kang đang trở thành sự kiện nóng nhất ở Hàn Quốc. Hiện 9 trong số 10 tác phẩm bán chạy nhất được liệt kê trên trang Kyobo – trang thống kê và mua bán trực tuyến phổ biến nhất của Hàn Quốc – là tác phẩm của Han Kang. Tác phẩm bán chạy nhất, The Vegetarian – tiểu thuyết năm 2007 đã nhận giải International Booker.

Chỉ vài tiếng sau khi có tin tức về giải Nobel văn chương năm 2024, khách hàng đã xếp hàng dài tại các hiệu sách ở Hàn Quốc, các cửa hàng trực tuyến bị sập khi độc giả cố gắng sở hữu tác phẩm của nhà văn mới đoạt giải Nobel, Han Kang. Chuỗi nhà sách lớn nhất nước, Kyobo Book Centre, cho biết doanh số bán sách của Han đã tăng vọt vào thứ Sáu 11 Tháng Mười, với lượng sách bán ra gần như hết ngay lập tức.

Các chính trị gia, tác giả và độc giả Hàn Quốc đã cùng ăn mừng chiến thắng của bà. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chúc mừng bà trong một bài đăng trên Facebook, và tại quốc hội, nhiều phiên điều trần của chính phủ đã bị tạm dừng khi các quan chức thông báo mừng tin tức này.

“Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe tin về giải thưởng. Khi cuộc gọi kết thúc, tôi dần lấy lại được cảm giác thực tế và bắt đầu cảm thấy xúc động”, bà Han Kang nói. “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã chọn tôi là người chiến thắng. Những làn sóng chúc mừng nồng nhiệt mà mọi người gửi đến tôi trong suốt cả ngày cũng thật bất ngờ. Từ tận đáy lòng, tôi xin cảm ơn các bạn”, theo Reuters.

“Han Kang là một tiểu thuyết gia xuất sắc, người phản ánh tình trạng hiện đại của chúng ta bằng lòng dũng cảm, trí tưởng tượng và trí thông minh”, tác giả người Mỹ gốc Hàn của Pachinko, Min Jin Lee, cho biết. “Bà ấy xứng đáng nhất với sự công nhận toàn cầu này”.

Còn tác giả người Hàn Quốc Kim Bo-young thì nói với the Guardian “Chúng tôi reo hò và vui mừng, tôi thậm chí còn tự hào và vui mừng hơn khi nghĩ đến việc giải thưởng này trực tiếp bác bỏ sự ngu ngốc của việc cố gắng che giấu và bóp méo lịch sử quá khứ của Hàn Quốc”.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Dân gian hay nói “Có tích thì nhúc nhích” .
    Một chế độ mà quanh nắm, suốt tháng cứ lo che chắn để bảo vệ cái danh của mình ( thanh danh hay ô danh, tùy mỗi người hiểu), lại còn hay rình rập, canh giữ kẻ khác vì sợ chúng bôi bác, xỏ xiên mình Vì sao phải khổ đến vậy?!
    Bởi, mình hay làm điều tàn độc? Bởi, mình không đủ cái lượng khoan dung ? Bởi, việc mình làm không thuận lòng người ? Bởi, mình “lực tiểu, nhi nhiệm trọng” ? Bởi, mình làm việc bất minh, khiến người ta thán oán?
    Tóm lại là, cái NỖI SỢ của kẻ quyền thế cứ vây bủa quanh năm, làm sao con người được an cư?

  2. “người ta chăn trí thức như chăn gà”

    Sai quá! Nên chăn trí thức Việt như chăn bò, & nên để bò chăn

  3. Chuyện cờ lờ mờ vờ nói về văn chương thì …
    Bây chừ, chuyện “văn tự ngục” ở xứ Chiều Nay là chuyện cơm bữa, vưỡn tiếp tục như xưa thôi.
    Câu chuyện Nobel xứ Kim Chi làm nhiều người giới viết lách “chém gió” quốc nội Chiều Nay ngậu lên. Dưng cơ mà, nói gì thì nói, cũng phải có lý, nhìn vào sự thật, bọn “trẻ người non dạ” nó mới nghe, đừng nghĩ người đời dại cả, nói sao nghe vậy.
    Ví như, “kiều cư ngụ xứ”, hải ngoại Chiều Nay, ai cấm, sao chửa thấy Nobel văn chương ….
    Giải Nobel văn chương chưa phải là “đỉnh cao chói lọi”, đôi khi, nó vẫn có cái gì đó để người đời “nghi”.
    Bàn về đỉnh cao văn chương của loài người, có 2: Publio Virgilio Marone và Nguyễn Du.
    Chiều Nay, bọn muốn “nổi tiếng”, từng sửa chuyện Kiều, chê Nguyễn Du, coi Bánh Chưng không bằng mẻ …. và có nhiều người ủng hộ.
    Nói về văn chương thuần túy, không vì lợi danh … hay một cái gì đó vì mình, đấy là điều cần xem xét đầu tiên, “lập thân” dùng “văn” thì là hạng bét. Hết mẹo, nặn ra các loại như: hậu hiện đại, phi hư cấu (chứ không phải hiện thực) … cũng chỉ là trò hề.
    Một lần trên Tiếng Dân, chúng tôi có nói về 4 tiêu chuẩn, được thừa nhận rộng rãi, về một bài thơ hay (văn cũng thế). Nhưng đấy chỉ là vẻ đẹp về nội dung và hình thức, còn đạt mức “đỉnh cao chói lọi” thực sự thì chưa.
    Eneide và Truyện Kiều đã vượt qua một tác phẩm văn chương thuần túy, trở thành một tín ngưỡng. Người ta không rõ chuyện tiếp theo, dùng để bói việc về sau.
    Cây đỡi vẫn mãi xanh tươi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây