Trần Văn Chánh
4-10-2024
Ở những nước đi theo chế độ XHCN, vì vốn dĩ bị quản lý/ điều hành xã hội bằng phương thức lấy quyết định tập thể, nên từ cấp xã phường lên đến cấp trung ương, người ta luôn họp hành liên miên. Từ thập niên 1920, nhà thơ Nga Mayakovsky đã có bài thơ nổi tiếng “Những người cộng sản loạn họp” để mô tả chuyện họp hành một cách hết sức bi hài. Trong bài có câu thơ, đại khái nói “Cần có thêm một cuộc họp nữa, để triệt trừ tận gốc mọi thứ cuộc họp trên đời!” (Theo Valentin Ovechkin, Chuyện thường ngày ở huyện, Chương 4, NXB Cầu Vồng).
Ở những người CS loạn họp, không có một cuộc họp ít nhiều quan trọng nào mà lại không có câu kết “Hội nghị đã thành công tốt đẹp”, rồi cùng nhau vỗ tay rầm rầm. “Thành công tốt đẹp” rồi thì mạnh ai về nhà nấy, mỗi người đều tự cảm thấy an tâm như đã hoàn thành được sứ mệnh/ nghĩa vụ cao cả đối với tập thể và đối với nhân dân. Nhưng công việc thực tế tiếp theo tiến hành ra sao, khi còn khuyết điểm thì cứ việc tổ chức họp tiếp để tìm phương giải quyết, sửa sai, nhưng thường là lấy cái sai này chữa cho cái sai khác để tiếp tục trượt dài, vì nền tảng của mọi sai lầm, khuyết điểm là do ở thể chế chính trị độc tài toàn trị gây nên…
Đối với một số cán bộ lãnh đạo các cấp, đi làm việc nước cũng có nghĩa là xách cặp đi họp, chu toàn bổn phận…. Việc làm thường xuyên này đã tạo ra cho họ hai trạng thái tâm lý rất tế nhị, đó là an tâm và ngụy tín (mal foi/ tin giả, đức tin xấu). An tâm là thái độ nhân danh để hành động, do đã có tập thể bảo kê mà mình tin là sáng suốt lãnh đạo chịu trách nhiệm hết cả; còn ngụy tín là thái độ tự lừa dối chính họ mà họ không hay biết. Nghĩa là khởi đầu họ tin là thật một điều gì đó biết là không thật, nhưng cứ đóng kịch mãi rồi quên mất mình giả vờ, đóng kịch, cuối cùng tin thật vào những điều mình giả vờ, đóng kịch, cho đến khi tỉnh ngộ mới nhận ra được.
Xét về mặt đạo đức thì an tâm và ngụy tín là không có tội, nhưng nếu xét về tác dụng khách quan thì trong một nền chính trị thối nát bất ổn, những người đóng góp tích cực nhất theo lề lối có sẵn mà không hề phản biện/ phản tỉnh có khi chính là người hại dân, hại nước nhiều nhất…
Cách nay đúng 35 năm, trong một bài báo đăng trên diễn đàn báo chí mà tôi đã từng viết, nay còn thấy đúng nên xin trích lại một đoạn: “Thói quen soạn thảo quá nhiều kế hoạch, chỉ tiêu cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu bàn giấy rất nguy hiểm. Nó có thể tạo nên tâm lý an tâm giả tạo cho một số cấp lãnh đạo, tưởng rằng nhiệm vụ của mình đã được hoàn thành sau khi đã thảo trọn và công bố trước tập thể cùng quốc dân những bản chương trình đồ sộ; nó khiến cho một số người khác say sưa lặn hụp trong một đống danh từ trống rỗng mà quên đi trách nhiệm thực tế”. (Trần Khuyết Nghi, “Nghị quyết, phương hướng hay quyết định cụ thể?” – Tuổi Trẻ, ngày 29.10.1989).
Thật ra, ở bất kỳ quốc gia văn minh nào, kể cả những nước phi XHCN, việc lãnh đạo, điều hành đất nước đều mang tính tập thể, qua việc tổ chức các nghị viện… Kể cả thời phong kiến, các vua chúa tuy độc tài nhưng vẫn thường xuyên có những cuộc họp cấp triều đình để bàn chính sự. Bên cạnh vua còn có những cơ quan giám sát, có các gián quan (gọi là ngự sử) để phòng khi vua có những suy nghĩ, hành động quá lố hoặc sai trái…
Riêng phương thức lãnh đạo tập thể XHCN thì đặc biệt hơn nhiều. Có một số ưu điểm nhất định, tất nhiên, nhưng tất yếu cũng dễ dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm tập thể, cha chung không ai khóc, kết quả là… huề cả làng khi mọi việc bị vỡ lở!
Một số năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam có sự sửa đổi tiến bộ bằng cách quy trách nhiệm cho người đứng đầu, vẫn theo tinh thần của công thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”… Nhưng ngặt nỗi, chỉ có người đứng đầu ở các cấp trung gian là có thể bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cho được thôi chức, cho “vào lò”…), còn người “đứng đầu của đứng đầu” thì không sao cả.
Cũng ở Việt Nam và những nước có cùng thể chế chính trị, cuộc họp lớn nhất, quan trọng nhất, để đưa ra quyết sách/ quốc sách tập thể chính là Đại hội Ban chấp hành Trung ương toàn quốc, cứ 5 năm tổ chức một lần, từ đó đọc bản báo cáo chính trị và đưa ra một bản nghị quyết, lấy đó làm căn cứ cho phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong vòng 5 năm của một nhiệm kỳ cầm quyền. Gần đây, ngoài 5 năm, người ta còn nêu thêm “tầm nhìn” tới năm 30, 45 này khác nữa, liên quan những điều chưa thể khẳng định một cách chắc chắn được.
Báo cáo chính trị in thành sách thường dài cả trăm trang, nghị quyết ngắn hơn nhưng cũng vài ba chục. Về nội dung, trừ Nghị quyết VI (1986) chứa đựng một số nội dung đột phá về đổi mới cơ chế kinh tế, còn nội dung các nghị quyết sau này, về cơ bản là giống nhau. Trừ một số cán bộ tuyên giáo chuyên nghiệp bắt buộc phải học thuộc để tuyên truyền, có lẽ không ai chịu đọc hay muốn đọc kỹ để nghiền ngẫm vì đọc rất chán, không có gì mới.
Nội dung đại khái như, sau khi kiểm điểm lại các mặt ưu khuyết điểm trong việc thi hành nghị quyết 5 năm của kỳ Đại hội trước, với ưu điểm thì nhiều, tồn tại khuyết điểm thì chỉ một số, người ta lại đưa ra nhận định về tình hình và nhiệm vụ mới; rồi cũng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cũng kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục hoàn thiện đi lên CNXH; cũng tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng; cũng hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng phải coi chừng âm mưu “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch”; cũng đảng lãnh đạo nhà nước quản lý nhân dân làm chủ; cũng đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý; cũng phát triển kinh tế tư nhân/ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng quốc doanh vẫn là chủ đạo; cũng kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Khổ nỗi, chỉ toàn lý thuyết suông được chuyển tải bằng những câu chữ sáo mòn mà phần lớn đều dùng uyển ngữ (như chưa hoàn thành thì nói “cơ bản hoàn thành”, khắp nơi xảy ra tiêu cực thì nói “có lúc có nơi vẫn còn…”, đa số thì nói “một số không nhỏ”…). Trên thực tế, chưa bao giờ có một bản nghị quyết nào được thi hành đúng và đủ, nếu không muốn nói ngược lại: Quốc nạn tham nhũng và tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, môi trường thiên nhiên bị tàn phá khốc liệt; văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng; công ty, xí nghiệp phá sản hàng loạt, nạn thất nghiệp gia tăng đáng ngại; y tế và giáo dục cải cách trong vòng luẩn quẩn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp…
Lênin đã từng nói, đại ý rằng, “nếu còn có thể hối lộ được thì người ta không có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, và trong trường hợp đó, mọi nghị quyết, mọi pháp lệnh và biện pháp đều lơ lửng trên không trung” (xem “Về chủ nghĩa quan liêu”, NXB Sự Thật, Hà Nội).
Mấy điều vừa nói trên đây, cho thấy, việc đưa ra nghị quyết 5 năm một lần đã được thực hiện theo một tập quán lạc hậu, sáo mòn, cũ rích, không có tác dụng thực tế. Nếu có tác dụng thì tác dụng đó chẳng qua chỉ là chất keo gắn kết giữa những phần tử trong tổ chức đảng phái để kiểm soát lẫn nhau về quan điểm, lập trường, nhằm duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đồng thời tạo ra hiệu ứng phụ là bắt bẻ lẫn nhau trong nội bộ về quan điểm, lập trường để tranh giành quyền lực. Còn đời sống của nhân dân có được cải thiện trong những năm gần đây trên thực tế hay không, không phải nhờ vào sự soi sáng đường lối từ những bản nghị quyết sáo mòn này, mà chính là do sự năng động của nhân dân (gồm cả các nhà doanh nghiệp đầy thông minh sáng tạo), sự “vượt rào” đối với các loại rào cản do nghị quyết đưa ra, và khả năng điều chỉnh tự nhiên của xã hội.
Trên thực tế, Trung Quốc, Việt Nam không còn đặc điểm nào gọi là CNXH nữa cả mà đã đi theo hẳn theo CNTB từ khá lâu rồi. Nhưng CNTB ở hai nước này lại là một thứ CNTB thân hữu và CNTB cuồng nhiệt, gây nên tình trạng tham nhũng và bất công xã hội kéo dài (gần giống CNTB man rợ thế kỷ 19).
Lịch sử cũng đã chứng minh, CNXH trong cách thể hiện lệch lạc của nó chỉ đưa đến sự nghèo mạt và bất công (như đã thấy CNXH ở miền Bắc trước 1975, và chung cho cả nước 10 năm sau đó; như ở Cuba, Bắc Triều Tiên…). Và mục tiêu của CNXH trên thực tế chỉ có thể đạt được bằng phương thức vận hành của nền kinh tế thị trường tự do có sự điều tiết vĩ mô của nhà nước, song song với sự kiểm soát vừa bằng hệ thống luật pháp chặt chẽ, vừa bằng đạo đức kinh doanh tự giác của những phần tử tham gia vào nền kinh tế. Suy ra, thị trường đã có quy luật hoạt động của nó, mà nếu cố gắn thêm cái đuôi định hướng XHCN, chắc chắn sẽ làm cho hoạt động của nó bị méo mó đi.
Muốn được người ta công nhận mình là kinh tế thị trường, thì tiếc gì không xóa bỏ cái đuôi XHCN đó trong các bản nghị quyết? Còn như muốn tạo sự công bằng xã hội để vẫn bảo đảm bản chất tốt đẹp của CNXH (như mong muốn, một thứ CNXH thật sự chứ không phải giả danh), nhà nước chỉ cần cải cách mạnh việc phân phối tiền lương theo hướng “thưởng phạt công minh” và thực thi tốt hơn nữa các chính sách về an sinh xã hội, tập trung cho dồng bào các vùng nông thôn, miền núi và dân nghèo thành thị…
Đại hội và Nghị quyết Đại hội thiếu giá trị thực chất như đã mô tả ở trên, sao người ta cứ rầm rộ chuẩn bị nó với hai nội dung cho là quan trọng nhất, qua việc tổ chức hai tiểu ban chính, gọi là tiểu ban nhân sự và tiểu ban văn kiện?
Tiểu ban nhân sự thì nhiều lần chứng tỏ trớt quớt lắm rồi, mà cụ thể là trong kỳ Đại hội XIII hiện hành, BCH Trung ương đảng đã bầu lên, nếu không phải mấy ông giáo điều Mác-Lê hạng nặng, thì đa số cũng là những kẻ gian tham đạo đức giả lên giữ đến các chức bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch các tỉnh thành, thậm chí cả đến hàng tứ trụ mà một số bị lột chức hoặc vào tù đã buộc phải công khai (một phần) cho mọi người dân thấy rõ, trong điều kiện tệ hại của bộ máy cầm quyền đến mức không thể giấu giếm theo truyền thống giữ bí mật, hoặc tốt khoe xấu che như trước nữa! Điều này cũng chứng tỏ cả cái BCH Trung ương 200 người và Quốc hội 500 nhân vật do “đảng cử dân bầu” cũng chẳng ra gì trong cái việc biểu quyết chọn các nhà lãnh đạo chủ chốt!
Vậy nghị quyết về cơ cấu nhân sự sáng suốt, được thực hiện một cách hết sức thận trọng, đúng quy trình, đúng khoa học… là ở chỗ nào? Hỏi như vậy, tức đã có câu trả lời sẵn rồi.
Còn về tiểu ban văn kiện, thật ra chỉ cần một hai viên thư ký hạng giỏi/ giàu kinh nghiệm là đủ làm rồi, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ một số kỳ Hội nghị Trung ương giữa kỳ, cộng với ý kiến đóng góp từ các cấp chính quyền địa phương đưa lên trước kỳ Đại hội, tham khảo thêm bài viết phản biện chính trị-xã hội của công chúng lên tiếng công khai trên các báo, đài, mạng xã hội….
Nếu không muốn nói, chỉ cần lấy bản báo cáo và nghị quyết cũ chỉnh sửa lại, bằng cách lược bớt những chỗ trùng phức, rồi thêm vào một số ý mới quan trọng nhất/ cần thiết phải nhấn mạnh nhất, là được… Điều cốt lõi là ở những ý mới mang tính cải cách và có tính đột phá dựa trên tình hình mới thực tế, chứ không phải ở những câu chữ dài dằng dặc với phần nhiều là sáo rỗng, mà một cán bộ tuyên truyền cấp xã, thôn nào cũng vanh vách nói được…
Chúng ta không thể đòi hỏi những người CS (thật ra nhiều người trong số họ đã trở thành tư sản đỏ) từ bỏ ngay những điều họ không thể từ bỏ được. Như Đại hội XIV sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, lỡ chuẩn bị thì phải làm thôi. Nhưng có thể gợi ý rằng: Bản báo cáo chính trị viết ngắn lại (còn khoảng 20-30 trang giấy in sách khổ A5) và bản nghị quyết (còn khoảng 8-10 trang); rút ngắn thời gian họp; và đặc biệt không nên đánh trống múa lân, cờ hoa rực rỡ, rợp trời với hàng vạn biểu ngữ, pano, áp phích, khẩu hiệu giăng dán đầy, chào mừng đại hội các đảng bộ địa phương trước kỳ Đại hội, cũng như cả đối với Đại hội Ban chấp hành Trung ương toàn quốc. Chưa kể hàng vạn cuộc thi đua được tổ chức mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành nghề, để hưởng ứng chào mừng Đại hội.
Còn nhớ, hồi năm 2021, trước Đại hội XIII, đã có một tỉnh nọ chi ngân sách đến gần 1 tỉ đồng để dựng tấm pano hoành tráng, đặt ở một vị trí trên cao để chào mừng Đại hội…
Lâu nay, việc chuẩn chi tiền thuế của dân một cách xả láng để phục vụ Đại hội được ngầm coi là chính đáng, hợp lệ, vì luôn được hiểu là chi cho “ĐCSVN quang vinh muôn năm, bách chiến bách thắng, là người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, qua đó rất nhiều cá nhân, đơn vị cũng được ăn theo một cách hồ hởi và danh dự 5 năm mới có một lần!
Thời gian gần đây, chính trường Việt Nam đang có sự biến đổi độc đáo chưa từng thấy trong lịch sử, với sự đi lên nắm đại quyền trong tay của một viên tướng xuất thân từ ngành công an. Công luận trong nước và thế giới đang theo dõi sát sao từng lời nói, việc làm của nhân vật quan trọng này, đặc biệt trong các chuyến đi thăm ngoại giao nước ngoài của ông, trước mắt được đánh giá là có nhiều triển vọng theo hướng cởi mở, thực tế, ít giáo điều hơn so với người tiền nhiệm vừa qua đời. Như vậy, người đời nên động viên, lên dây cót tinh thần cho ông, thay vì tìm cách soi vào những câu nói vẫn còn hạn chế về mặt tư tưởng mà nhất thời trong hoàn cảnh cụ thể nội bộ chính trị Việt Nam, ông chưa thể nào thoát khỏi ra ngay được…
Trong thời kỳ quá độ này, mấy nội dung thấu tình đạt lý mà tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước phát biểu đây đó, (như: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tháo gỡ những vướng mắc trói buộc về thể chế, mở rộng dân chủ; hòa giải hòa hợp dân tộc và với những nước cựu thù; thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng bằng cách giao quyền cho địa phương, không có sự chồng lấn trách nhiệm giữa Đảng và Chính phủ; quyền làm chủ của dân được đưa lên hàng đầu [dân làm chủ, nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo], thời thế thay đổi thì cách làm cũng phải thay đổi; chống tham nhũng không gây trở ngại cho phát triển kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế kỹ thuật số; Việt Nam phát triển theo xu thế chung của thế giới và không đi ngược với nền văn minh nhân loại…), thì nên bổ sung ngay vào Nghị quyết của Đại hội 14, sẽ diễn ra đầu năm 2026.
Tuyệt đối bãi bỏ việc tổ chức lấy ý kiến dân để bổ sung vào nội dung nghị quyết, vì đây chỉ là hình thức giả trang vô bổ, có tính chất trình diễn nhiều hơn là giá trị thực chất.
Nhưng kể từ nhiệm kỳ tới nữa (thời gian giả định tương đương Đại hội 15 năm 2031), nên chăng đặt ra vấn đề kiên quyết dứt khoát dẹp bỏ loại Đại hội 5 năm và các bản báo cáo chính trị, nghị quyết kèm theo; đương nhiên điều này cũng có nghĩa là sẽ không còn các cái tiểu ban gọi là nhân sự hay văn kiện gì nữa.
Thay vào đó, bộ sậu lãnh đạo các ngành các cấp vẫn tổ chức họp hành nhưng là họp cho từng chủ đề cụ thể để giải quyết những vấn đề sinh động, cụ thể, thực tế phát sinh trong từng lúc, từng giai đoạn đặc thù, chứ không lấy nghị quyết 5 năm làm tiêu chí chung bàn luận giải quyết vấn đề. Sau đó thì cũng vẫn cho ra những luật, những nghị quyết, chỉ thị, thông tư… thích hợp cho từng việc để điều hành các loại hoạt động, nhưng không phải là nghị quyết 5 năm.
Về bổ nhiệm nhân sự, nên lấy từ những cán bộ địa phương đề bạt lên, chọn trong số những người có thành tích tốt được tập thể và nhân dân kỳ vọng. Ý này không mới: Cuối năm 2020, trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Ban Kinh tế Trung ương về vấn đề liên quan, đã có một quan chức cấp ủy viên trung ương chủ trì hội thảo lên tiếng phê bình thẳng tính cách bất công vô lý của phương thức bổ nhiệm nhân sự theo quy hoạch-cơ cấu từ Đoàn TNCS hoặc từ cái gọi là “cấp ủy”.
Thay cho nghị quyết 5 năm đã sáo mòn và gần như vô dụng, giờ đây chính là bản Hiến pháp 2013 cũng do chính ĐCSVN dựng ra, chứ chẳng phải ai khác, với một vài điểm tu chính, nếu cần, đặc biệt về vấn đề quyền sở hữu đất đai, vốn đã gây nên tình trạng bất mãn lớn trong dân từ rất nhiều năm nay. Trong bản Nghị quyết của Đại hội 2026 sắp tới, cần in đậm dòng chữ “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nhưng đặc biệt thêm câu: “Áp dụng một cách thực chất về các quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp”, như các quyền về tự do bầu cử, ứng cử (bãi bỏ việc cơ cấu theo quy hoạch, nhất là theo kiểu con ông cháu cha), tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng… đã ghi trong Hiến pháp.
Phải coi Hiến pháp đúng với bản chất, vai trò, chức năng của nó là bộ luật khung căn bản cao nhất, chi phối toàn bộ hoạt động của quốc gia mà tất cả mọi thành viên không phân biệt địa vị, chức tước trong xã hội, đều phải nghiêm túc chấp hành. Nếu thực thi đúng Hiến pháp thì mọi công dân hội đủ điều kiện về tuổi tác, sức khỏe đều được tham gia bầu cử và ứng cử, không có nạn cơ cấu-quy hoạch sẵn bằng hai ba vòng xét duyệt…
Làm được như vậy, Quốc hội mới thật sự có chất lượng và thực quyền, không còn những ông/ bà nghị gật, để các ông/ bà nghị xứng đáng là đại biểu của dân. Khi đã đạt được chất lượng nhờ bầu, cử ứng cử tự do này rồi, người đại biểu của dân có thể bỏ phiếu thông qua những điều luật hợp lòng dân, hoặc bác bỏ những dự án luật do hành pháp đưa ra mà không phù hợp.
Chỗ tiện gọn không mất thời gian biên soạn là Hiến pháp đã có sẵn (thực tế cũng do đảng cầm quyền làm ra), chỉ cần tùy thời tu chính cho ngày một thêm sát hợp với tình hình thực tế của đất nước. Điều cần thêm có lẽ là, phải xây dựng một tòa án hiến pháp, để xét xử tất cả những trường hợp vi hiến.
Như trên đã phân tích, tựu trung chỉ đơn giản thay đổi cơ bản về cách làm thôi, theo hướng biến cái giả thành cái thật. Trong trường hợp này, vai trò lãnh đạo của Đảng và CNXH vẫn còn y nguyên như đã ghi trong Hiến pháp, chẳng cần nói gì đến mấy cụm từ kị huý như đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội công dân… Làm được như vậy, anh đại Hán láng giềng TQ cũng không bắt bẻ, chỉ trích gì được, vì mỗi nước đều có quyền quyết định vận dụng sáng tạo CNXH theo đặc điểm riêng của mình. Trái lại, cách làm sáng tạo độc đáo này còn có tác dụng nêu gương để ĐCS và nhân dân Trung Quốc noi theo. Một cách thoát Trung khôn ngoan về mặt chính trị, bằng cách đi trước một bước mà không cần phải có một câu chữ nào sử dụng để chống Trung…
Mấy ý kiến nêu ra trên đây trông có vẻ lạ lẫm và đột xuất, e rằng khó thực hành theo ở một số chỗ, khả năng có thể sẽ bị một số người chỉ trích, cho là điên rồ, chân đi không chấm đất…. Nhưng thiết nghĩ, một con người cũng giống như một đất nước, một xã hội, nếu không biết tự diễn biến, tự chuyển hóa để tự thay đổi tư duy thích ứng theo thực tế đời sống, thì cũng đừng trông mong gì có thể tiến bộ để thực hiện “kỷ nguyên vươn mình lên của dân tộc” cho được…