Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam phản đối việc bắt giam Trương Huy San (còn gọi là Huy Đức)

Ngày 20-09-2024

Kính gửi: Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội

Đồng kính gửi:

Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tình trạng của những Người Bảo vệ Nhân quyền

Bà Irene Khan, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do Ngôn luận và Biểu đạt Ý kiến

Tiến sĩ Matthew Gillett, Chủ tịch-Báo cáo viên Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tuỳ tiện

Đại sứ quán các nước tại Hà Nội

Kính thưa quý vị,

Chúng tôi, gồm những học giả, nhà báo, viên chức ngoại giao, và nhà nghiên cứu luôn quan tâm đến Việt Nam, qua thư này bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc ông Trương Huy San, bút danh Huy Đức, nhà văn, sử gia và phóng viên điều tra nổi tiếng, bị bắt giam. Ngoài công việc học thuật và báo chí, ông Huy Đức rất được ngưỡng mộ vì các hoạt động bảo vệ môi trường và nỗ lực cổ vũ hoà giải sau chiến tranh Việt Nam.

Theo các bản tin của truyền thông Nhà nước, ông Huy Đức đã bị công an bắt giam ngày 1.6.2024 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự. Trong ba tháng đầu kể từ khi bị bắt, ông không được phép gặp luật sư và thân nhân; công luận hết sức lo lắng về tình trạng của ông.

Do không có thông tin chính thức về lý do cụ thể ông Huy Đức bị bắt giam, nhiều người phỏng đoán rằng ông bị bắt vì những bình luận ông đăng tải trên các mạng xã hội về đường hướng chính trị của Việt Nam. Song hiến pháp Việt Nam qui định rõ ràng rằng công dân có quyền khiếu nại, tố cáo các cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền (Hiến pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tu chính năm 2013, Điều 30). Hiến pháp cũng bảo đảm rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 25). Vì đây chính là những quyền ông Huy Đức đã thực thi, do đó lẽ ra ông không nên bị bắt hoặc bị giam giữ.

Việc ông Huy Đức tiếp tục bị tạm giam cũng là điều sai trái. Sau hơn ba tháng tù giam, ông chưa bị truy tố và cũng chưa bị kết luận phạm bất kỳ tội gì. Hiến pháp Việt Nam qui định rằng một người có thể đã phạm tội cũng vẫn được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội trước tòa án (Điều 31). Những quyền này cũng được khẳng định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, mà chính quyền nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức chuẩn thuận. Hơn nữa, Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ và áp dụng Tuyên ngôn này.

Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của hiến pháp Việt Nam và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức ngay lập tức.

Chúng tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu, đe doạ hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện quan điểm một cách ôn hòa.

Danh sách người ký:

Bản tiếng Anh: Open letter regarding Huy Duc 20.09.2024

_______

VOA: Vì sao tôi ký thư ngỏ kêu gọi chính quyền VN trả tự do cho Huy Đức?

GS Peter B. Zinoman từ Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ chia sẻ lý do vì sao đã quyết định ký thư ngỏ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức, tác giả ‘Bên Thắng Cuộc’, người đã bị bắt và khởi tố với cáo buộc ‘vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ’.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. bởi vì
    tôi khao khát Tự Do

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
    ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ Tự Do,
    giam giữ những trái tim khao khát sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
    giam giữ kẻ ngủ hoang
    để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức,

    bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thiên thể Tự Do,
    bắt Tự Do giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thơ tứ Con Người,

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,

    bởi vì tôi khao khat Tự Do.

    Trích tập thơ chính luận “HÃY NGẨNG MẶT” người thơ Nguyễn Đắc Kiên.

  2. Người dân VN. ở trong nước thì bị đảng xem như rơm rác, như con số không
    v.v. nên có những người nước ngoài lên tiếng thay cho như thế cũng là đáng
    qúy lắm rồi, mặc dù tiếng nói của họ cũng chẳng “nặng ký” bao nhiêu để hy
    vọng nhà nước Cs. toàn trị này nghe theo, nếu đảng Cs. có lợi thì may ra…
    đúng theo tính cơ hội của họ là ‘bỏ tù rồi thả” để chứng tỏ… ta đây cũng có
    chút…thiện chí với thế lực thủ địch ở nước ngoài !

  3. Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh việc bắt giam Trương Huy San

    Thật ra đây là 1 lời phản biện thư ngỏ này

    Không ít người ký là thư không hiểu vấn đề, phần lớn vì họ không theo dõi hoặc có thành kiến với Việt Nam . Những người khác, vd giáo sư Nguyễn Ngọc Giao, lại không chịu giải thích bằng những lý lẽ đầy thuyết phục khi đem xương cốt Bouda về hòa với khí thiêng sông núi Việt Nam .

    “Huy Đức rất được ngưỡng mộ vì … nỗ lực cổ vũ hoà giải sau chiến tranh Việt Nam”

    Không đúng . Nếu HĐ có nỗ lực gì, chỉ là những nỗ lực khơi dậy hận thù sau chiến tranh . Ô HĐ & 1 số người, theo tớ, rất hăng say trong việc truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phát xít, đồng thời dùng mọi cách, mọi biện pháp để khơi dậy hận thù, với mục tiêu phá hoại những ý tưởng của Di chúc Bác Hồ

    “Do không có thông tin chính thức về lý do cụ thể ông Huy Đức bị bắt giam”

    Nếu không có thông tin, tai sao không đi tìm thông tin, và phải tìm thông tin nhiều chiều . Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, suốt cả đời mình, đã luôn cổ vũ cho cách thông tin đa chiều, thay vì chỉ nghe những thông tin 1 chiều về 1 cá nhân nào đó . Đâu đủ để đánh giá bất kỳ 1 ai, nhất là Huy Đức, 1 cá nhân gây ra nhiều tranh cãi . Nhưng sự thiếu thốn thông tin này đã không cản được không ít người ký vào những “lá thư ngỏ” như thế này .

    “Hiến pháp cũng bảo đảm rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 25). Vì đây chính là những quyền ông Huy Đức đã thực thi”

    Có 1 sự khác nhau về cơ bản giữa phương Tây & Việt Nam . Bắt chước phương Tây bị xem là lai căng, và điều này có thể xâm phạm sự trong sạch của Việt Nam . Chính vì vậy mà những học giả trong nước đề cao tinh thần trách nhiệm . Tự do ngôn luận không có nghĩa phỉ báng những giá trị, cá nhân hay những thứ Việt Nam cho là cao quý, ví dụ như truyền thống Cách Mạng của gia đình . Đúng, HĐ tôn vinh truyền thống Cách Mạng, 1 phần, nhưng đồng thời, ông cổ vũ những tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phát xít bằng cách tệ nhất, khơi dậy & kêu gọi hận thù . Mỹ cũng phải sửa chính luật của mình để đối phó những nhóm tân phát xít, những nhóm mang xu hướng kỳ thị chủng tộc cực đoan . Với Việt Nam, mặc dù chưa đưa vào luật, nhưng nhìn chung, tư duy cộng đồng chưa & có lẽ khó chấp nhận hiện nay . Vì vậy, nếu 1 trong số họ phải được đưa vào trại tạm giữ, có lẽ người vui sẽ chiếm đại đa số so với người bức xúc về chuyện này

    “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc”

    Những người đã đọc bản Tuyên ngôn này, theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, đều phát triển tinh thần chống Mỹ, và vì vậy, theo nhà lý luận Phạm Xuân Nguyên, đã trở thành dân tộc tính . Đây là dòng chảy ngầm trong tư duy Việt Nam . Nói Việt Nam không tôn trọng bản tuyên ngôn, sự thực có thể khác hẳn

    Vả lại, như nhiều nhân chứng như Lê Nguyễn đã xác nhận, những trại tạm giữ của Việt Nam rất nhân văn . Trại viên thường xuyên được ngâm thơ Lê Anh Xuân & đóng kịch chống Mỹ . Sĩ quan Ngụy chưa quen với thơ Lê Anh Xuân nên bị nhồi máu cơ tim mà qua đời . Huy Đức mến mộ Lê Anh Xuân thì chắc không sao đâu

    Nên thảo lá thư đòi trả thẻ Đảng cho Giáo sư Chu Hảo . Để ông ta ngoài này với nhân dân làm ô uế họ

  4. Buồn ! đau ! và nhục…, tinh khí, cốt cách dân tộc Việt đâu rồi ? “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. 91 người ký tên lạy lục xin xỏ “thằng thả” tha cho “thằng tù”là một công dân Việt Nam, chỉ duy nhất có một công dân Việt Nam, còn lại toàn bộ là công dân nước ngoài (dân tộc gì thì cũng đã mang quốc tịch nước ngoài). Trân trọng bác Quang A… và chợt nhớ đến câu từng nghe “một con én không làm nên mùa xuân”, mà lại là một con én già nua.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây