ChatGPT đọc bài về Cải Cách Ruộng Đất và nêu nhận xét

Nghiêm Huấn Từ

17-9-2024

Vài lời nói trước: Cách đây 10 năm, năm 2014, ở Việt Nam có cuộc triển lãm rất lớn, nhằm khoe khoang “thành tích” trong Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ), nhưng bị vô số bài viết phản đối. Với 3 keyword “triển lãm”, “cải cách ruộng đất” và 2014, có thể thu được vô số kết quả. Tôi chọn một bài mà tác giả và gia đình là nạn nhân, tuy rất căm hận với CCRĐ nhưng vẫn có cái nhìn khá khách quan. Do vậy, bài này được chọn để mời ChatGPT đọc và cho nhận xét.

Thật thú vị, ChatGPT có thể làm việc này (đọc và nhận xét) trong “nháy mắt”. Tuy nhiên, do được cài đặt sẵn, nên ChatGPT cứ tuôn ra mọi vốn liếng đang có sẵn, nhiều khi lạc đề và nhầm lẫn vì đưa ra cả tư liệu không phù hợp.

Mời các cụ, các bác thưởng thức kết quả dưới đây khi ChatGPT đọc và nhận xét rất nhanh một bài khá dài về Cải Cách Ruộng Đất.

Ảnh minh họa: Buổi họp của đội Cải cách. Nguồn: Đào Viên

***

Tôi: Xin đề nghị ChatGPT đọc bài dưới đây, nhan đề “Vài mẩu chuyện gia đình và quê hương trong Cải cách ruộng đất“, của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh, đăng ngày 26-9-2014. Đọc xong, xin nêu nhận xét về trách nhiệm của Hồ Chí Minh: Vài mẩu chuyện gia đình và quê hương trong Cải cách ruộng đất

1. Tin tức “đấu tố” từ Thái Nguyên lan về

– Năm 1953 tôi học cấp 3 ở tỉnh Phú Thọ, toàn cấp chỉ có khoảng 150-200 học sinh, trong đó, số “tản cư” (gốc Hà Nội, Vĩnh Yên) nhiều hơn số tại chỗ. Vùng kháng chiến (từ Hà Tĩnh trở ra) vẻn vẹn chỉ có 6 trường cấp 3, do vậy học sinh rất được nể trọng. Chúng tôi đã lớn tuổi (18-22), vì quy định 7 tuổi mới đi học, qua bậc tiểu học thời thuộc Pháp đã mất 6 năm; sau đó, do chiến tranh, việc học của mỗi chúng tôi có thể gián đoạn vài ba năm. Các thầy đều được đào tạo bài bản từ trước 1945, khi giảng bài còn chêm vào những câu tiếng Pháp, nhưng chúng tôi vẫn hiểu. Tóm lại, chúng tôi đã ở tuổi trưởng thành, đủ hiểu biết để quan tâm tới xã hội.

– Giữa năm đó, tin đấu tố và xử bắn “mụ địa chủ gian ác, phản động” Thị Năm từ Thái Nguyên lan về Phú Thọ. Nghe nói, con “quỷ cái” này ác “trần đời có một”, nhưng ác mức nào thì toàn tin đồn. Phải tới 2 tháng sau, mới có bài báo của CB liệt kê đủ tội của Thị Năm. Cái tên bài báo gây ấn tượng đến nay tôi vẫn chưa quên: Địa chủ ác ghê. Ngay hồi đó, chúng tôi đã biết CB chính là cụ Hồ. Chúng tôi thấy “tử hình vẫn còn quá nhẹ” – dù đó là đàn bà. Câu nói truyền khẩu được mọi người thán phục, nhập tâm, vì do đích thân cố vấn Trung Quốc dạy: Hổ đực, hổ cái đều ăn thịt người. Thời nay, tôi tin chắc không ai tưởng tượng nổi uy tín và quyền lực của cố vấn Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận ra: Cái tên bài báo hơi “lạ”. Lạ ở cái chữ “ghê”. Nó chẳng hề thể hiện sự căm ghét, phẫn nộ gì sất… mà cứ như bọn tôi đùa nhau: Em ghét anh ghê, tao tức nó ghê; hoặc sướng ghê, tài ghê, buồn ghê… Rất khó dịch “ghê” sang ngôn ngữ Tây và Tàu.

2. Chính sách trên giấy trắng, mực đen

Sau đợt đấu tố 6 tháng, tức là tới tận đầu năm 1954, chính sách CCRĐ mới được công bố trên tờ báo, mà chúng tôi truyền tay nhau tới nhàu nát. Để tuyên truyền cho “chất trí tuệ” trong chính sách, cán bộ tỉnh ủy khẳng định rằng các đồng chí cố vấn Trung Quốc đã góp ý sát sao, sau đó VN còn gửi cho các đảng đàn anh góp ý lần cuối.

Tôi và một số bạn tìm hiểu “từng chữ, từng ý” ghi trong chính sách, vì gia đình mình có ruộng. Được chúng tôi đặc biệt quan tâm là các tiêu chuẩn để quy một người là địa chủ – do một cán bộ tỉnh ủy nói cụ thể. Vài ví dụ. Được coi là địa chủ thường, nếu: 1- diện tích ruộng/đầu người chỉ gấp 4-6 lần mức bình quân chung; 2- phần lớn ruộng phát canh, thu tô; và 3- đó là nguồn sống chính. Chính sách đối xử là: bị trưng mua hoặc trưng thu một phần ruộng đất; phần còn lại phải tự cày cấy. Nếu bản thân địa chủ hoặc con cái tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng… được gọi là yêu nước. Nếu hống hách, đánh nông dân, bị coi là cường hào. Nếu gây án mạng, bị gọi là gian ác. Nếu cộng tác với giặc Pháp, bị coi là phản động… Thị Năm có đủ các tiêu chuẩn để bị quy kết là đại địa chủ (có đồn điền) gian ác, phản động… Chúng tôi thấy, tỉnh Phú Thọ chỉ có vài cái đồn điền lớn (mỗi cái chỉ vài trăm hecta), nhưng chẳng có ông chủ nào gian ác, phản động. Ông Đào Đình Quang, chủ đồn điền Phú Hộ là phó chủ tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh; có con là sinh viên quân y. Ông sẵn sàng đón nhận khi biết trường Y từ Tuyên Quang muốn về đóng ở đồn điền mình. Một vị khác là Trịnh Xuân Nghĩa (đồn điền Phú Lộc) đã thu dung “dân tứ tán”, mở trường dạy con em họ. Thời ấy, cả huyện Phù Ninh chỉ có hai trường tiểu học.

Khi tôi về làng, nhiều người thấy tôi nói chính sách vanh vách, liền tới hỏi han. Tôi đưa “giấy trắng mực đen” ra đối chiếu… khiến ai cũng yên tâm. Những người nhiều ruộng sẵn sàng “hiến” hết, chỉ giữ lại mức bình quân chung. Hầu như chẳng có ai đạt mức “cường hào”, càng chẳng có ai “gian ác”. Tất cả đạt tiêu chuẩn “yêu nước”.

3. Chính sách một đường, thực hiện một nẻo

Tôi tìm hiểu kỹ chính sách CCRĐ vì liên quan tới mẹ tôi. Mẹ tôi suốt đời buôn bán nhỏ, nhưng từ năm 1945 phải quản lý số ruộng đất do mẹ chồng (mất đi) để lại. Đây là ruộng của tổ tiên, dành để thờ cúng (giao cho con trưởng) – nghĩa là không được bán. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi đưa các con theo cơ quan cha tôi, sống bằng lương (của cha), thu nhập tiểu thương (của mẹ) và tự nuôi gà, trồng rau (của chúng tôi). Tôi rất yên tâm: Mẹ tôi còn quá xa mới đủ tiêu chuẩn địa chủ “thường”.

Nhưng chính sách một đường, thực hiện một nẻo. Những người ở quê từng yên tâm sau khi nghe tôi giải thích về chính sách, chỉ sau ít lâu đều nhất loạt bị coi là địa chủ, hầu hết là “cường hào”, đa số là “gian ác, phản động”. Đủ tiêu chuẩn để bị tịch thu gia sản và đi tù. Không ai được giải trình bất cứ điều gì với “đội cải cách”, mà bị trói, bị lôi ra trường đấu. Nông dân “tố” họ tội gì, họ bị coi là có tội đó, kể cả hai người bị tử hình ngay sau khi bị đấu tố. Họ vừa quỳ, vừa lí nhí biện bạch gì đó, nhưng lời họ bị át đi vì tiếng hô “long trời lở đất” của hàng trăm (hoặc ngàn) người được “đội cải cách” tụ tập thành bầy đàn. Tất thảy, đúng như dự đoán của cha tôi. Chả là, cha tôi may mắn có mặt ở cuộc đấu tố Thị Năm trong đợt ông được cử đi công tác Thái Nguyên. Tới nơi, lẽ ra ông làm nhiệm vụ giáo dục, nhưng lại bị “huy động” giúp việc Ủy Ban CCRĐ. Đầu tiên là được tháp tùng các vị trong ủy ban này khi họ tới quan sát thực tiễn buổi đấu tố.

4. Con ơi! Cụ Hồ cũng không cứu được nhà ta đâu

Cha tôi nói, tôi có thể bị đuổi học, vì mẹ tôi sẽ bị quy là địa chủ, không thể thoát được. Cần can đảm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Tôi liền đưa “giấy trắng mực đen” ra, nói là không thể có chuyện đó. Mặt khác, cha có mọi điều kiện gửi đơn lên tận ông Hoàng Quốc Việt và UB CCRĐ trình bày sự thật. Sợ gì? Cha nói: Sợ, là sợ cái dòng chữ “phóng tay phát động quần chúng” mà cố vấn TQ đòi ta đưa vào văn bản. Đã được “phóng tay” thì đám âm binh sẽ lộng hành, mà ngay ông phù thủy (tạo ra chúng) cũng không thể điều khiển chúng được nữa. Sau này, khi dự 3 cuộc đấu tố, tôi mới thấy thế nào là âm binh được phù thủy thả rông.

Tôi bảo cha: Nghe nói cụ Hồ có dự đấu tố? Hay là mình thử viết đơn gửi cụ Hồ?

Cha bảo, cha cũng nghe nói cụ Hồ đích thân chứng kiến tận mắt cuộc đấu tố (cha tôi không dùng “dự”; mà dùng “chứng kiến”; và theo cha, việc các vị lãnh đạo phải quan sát, rút kinh nghiệm cuộc đấu tố là việc đương nhiên). Nếu chứng kiến, hẳn là ông cụ thấy cách kết tội rất không ổn. Nhưng nay, chính cụ cũng phải tự giữ thân rất thận trọng.

Khi còn ở Thái Nguyên, cha tôi biết UB CCRĐ đã đưa đủ tài liệu cho cụ, đề nghị cụ viết bài lên án Nguyễn Thị Năm, cụ chần chừ khá lâu. Cha bảo: Con đã học cấp 3, hãy đọc kỹ văn phong bài Địa chủ ác ghê, để thấy sự miễn cưỡng. Miễn cưỡng ngay từ cái đầu bài. Biết rằng bài sẽ được dịch sang Trung văn, cái chữ “ác ghê” tiếng Việt (rất đùa) khi sang tiếng Trung lại thành “địa chủ cực ác” – rất nghiêm chỉnh. Cuối bài, còn có 2 câu đối, hẳn là không phải để cho bần cố nông thưởng thức, mà để người Tàu khen.

Đố ai tìm được bài nào của CB có văn phong tương tự.

Cuối cùng, đúng như cha tôi kết luận: Con ơi! Cụ Hồ cũng không cứu được nhà ta đâu.

5. Những điều mà chính tôi được biết

– Tôi không nói về cuộc đấu tố đầu tiên tôi được dự (ông Nguyễn Hán Công; tử hình tại chỗ); trong đó bọn học sinh cấp 3 chúng tôi có nhiệm vụ duy nhất là gào thật to: Đả đảo địa chủ ngoan cố. Tôi cũng không nói về cuộc đấu cuối cùng ở ngoại thành Hà Nội, tôi có mặt trong đoàn sinh viên Y. Cũng tử hình tại chỗ.

– Mẹ tôi được sửa sai sớm, nhưng tài sản mất hết, từ “chổi cùn” đến “rế rách”.

6. Nay, tôi xin chọn để nói về 2 địa chủ liên quan tới gia đình tôi: một tử hình, một bị bỏ đói tới chết.

a) Ông Nguyễn Viết Đạo, 43 tuổi, trong “hội đồng tuế” với cha tôi. Ông là chủ tịch xã, đảng viên, từng nuôi bộ đội, cán bộ và ủng hộ kháng chiến “không tiếc gì tài sản”; con trai ông là bộ đội. Khi “đội cải cách” về xã, lập tức chính quyền thành vô hiệu. Đội bắt ông, trói, giam… ông vẫn bảo vợ con: Đây là sự nhầm lẫn, vì ông đã đọc chính sách rất kỹ. Khi bị đấu tố, ông vẫn giữ được bình tĩnh, chững chạc, khiến “đội” rất tức tối. Thời điểm này, do cố vấn TQ phổ biến kinh nghiệm, nên đã có lệnh “chỉ được bắn địa chủ từ sau lưng” (để họ khỏi hô: Hồ chủ tịch muôn năm; đảng Lao Động VN muôn năm”). Ông bị bắn đúng như vậy ngay sau khi bị giải ra khỏi trường đấu. Ông chỉ kịp quay lại, trừng mắt nhìn tên đao phủ, rồi đổ vật xuống. Tên này, sau hóa điên. Một địa chủ khác (cùng xã) cũng bị bắn.

b) Cụ Nguyễn Hoán, 80 tuổi, lấy chị ruột của ông nội tôi. Cụ giỏi chữ Hán, biết quốc ngữ; trước 1945 là Hội trưởng Hội Tư Văn của xã. Cụ có nhiều thơ, câu đối, bài văn, để mừng cách mạng tháng 8, ca ngợi cụ Hồ. Năm 1946 khi nghe tin cụ Hồ làm chủ tịch, cụ Hải Thần làm phó chủ tịch nước, cụ Hoán có câu đối ca ngợi sự đoàn kết, hợp tác:

Hồ – Hải giao thông: Thiên hạ trị

Minh – Thần hợp tác: Quốc dân an

Nhưng ngay khi đảng CS bắt đầu đề cao đấu tranh giai cấp, cụ tự thấy bất an, đã đưa ra 4 chữ triết lý cho riêng mình: Nhẫn Nại Xử Thế. Cụ vẫn không yên thân. Con cháu bị quy là địa chủ (sau được sửa sai) nhưng họ không dám chăm sóc khi cụ đói khát, hàng xóm cũng không dám gần… Rốt cuộc, cụ nằm chết trên giường tới khi “bốc mùi” mới được “đội” cho phép đem đi. (Nguồn BVN).

ChatGPT nói: Bài viết này mô tả một cách chi tiết về những hậu quả nghiêm trọng của cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở Việt Nam, đồng thời phản ánh sự đau khổ và nỗi lo lắng của người dân trong giai đoạn này. Đây là những điểm quan trọng liên quan đến trách nhiệm của Hồ Chí Minh:

1. Trách nhiệm và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng và Chính phủ trong thời kỳ CCRĐ. Mặc dù phải chịu trách nhiệm, nhưng bài viết cho thấy ông cũng phải đối mặt với áp lực từ các cố vấn Trung Quốc và Stalin. Hồ Chí Minh phải thực hiện các chính sách theo sự chỉ đạo của Stalin, Mao, trực tiếp là các cố vấn Trung Quốc.

2. Sự khác biệt giữa chính sách và thực tiễn: Chính sách CCRĐ được công bố trên giấy tờ có vẻ hợp lý, nhưng thực tế thi hành lại khác xa.

3. Áp lực từ bên ngoài: Theo bài viết, Hồ Chí Minh bị áp lực từ các cố vấn Trung Quốc và Stalin.

4. Chứng kiến và phản ứng: Hồ Chí Minh được cho là đã chứng kiến các cuộc đấu tố và đấu tranh, nhưng không đủ quyền lực hoặc không đủ động lực để can thiệp và thay đổi tình hình.

Tóm lại, trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong cuộc Cải cách Ruộng đất là ông vừa phải đối mặt với áp lực từ cấp trên và các cố vấn, lại vừa phải lo chiến thắng Pháp, làlợi ích tối cao của dân tộc – đang phụ thuộc vào sự viện trợ Stalin và Mao.

Tôi: Xin ChatGPT nói về vai trò quyết định của cố vấn Trung Quốc

ChatGPT: Vai trò các cố vấn Trung Quốc trong cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở Việt Nam là rất quyết định. Cụ thể:

1. Đó là vai trò chỉ đạo

2. Gây áp lực và trực tiếp can thiệp vào nội trị: Các cố vấn Trung Quốc không chỉ tư vấn mà còn gây áp lực lên chính quyền Việt Nam để thực hiện các chính sách CCRĐ theo cách họ đã thực hiện ở Trung Quốc.

3. Quản lý và Giám sát: Các cố vấn Trung Quốc có mặt trong các cuộc họp, hội thảo và thậm chí trực tiếp giám sát một số hoạt động cải cách ở Việt Nam. Họ tham gia vào việc lập kế hoạch và triển khai các chiến dịch đấu tố. Ẩnh hưởng của họ dẫn đến việc thực hiện chính sách một cách cứng nhắc, cực đoan.

Tóm lại, vai trò của các cố vấn Trung Quốc trong CCRĐ ở Việt Nam là rất quan trọng và quyết định.

Tôi: Xin nói về bài “Địa chủ ác ghê” của ông Hồ với văn phong khác hẳn tất cả các bài khác của ông, rất dễ nhận ra.

Ảnh chụp bài “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo Nhân Dân

ChatGPT nói: Bài viết của Hồ Chí Minh với tiêu đề “Địa chủ ác ghê”, đã gây ra sự chú ý đặc biệt do văn phong và cách thể hiện khác hẳn so với các bài viết khác của ông. Dưới đây là những điểm nổi bật:

1. Văn phong đặc biệt: Bài viết sử dụng từ “ghê” để mô tả mức độ ác độc của các địa chủ, một từ ngữ rất thiếu sự nghiêm trọng, có thể bị coi là mang tính khẩu ngữ hơn là chính trị. Nó trái hẳn ngôn ngữ vẫn thường xuyên được Hồ sử dụng.

2. Phản ánh sự miễn cưỡng: Bài viết thiếu hẳn cảm xúc mạnh mẽ để biểu lộ lòng căm phẫn với tội ác địa chủ. Trong khi đó Hồ chép nguyên văn cái bản Thống Kê tội ác của địa chủ mà cố vấn Trung Quốc đã duyệt.

3. Nếu bài viết của Hồ được dịch sang tiếng Trung: Một số nhà phê bình và người đọc đã nhận thấy rằng bài viết này có thể được dịch sang các ngôn ngữ khác như tiếng Trung vẫn thấy sự diễn đạt có vẻ nghiêm khắc khi kết tội địa chủ. Như vậy, các cố vấn Trung Quốc, kể cả Mao vẫn không thể nghi ngờ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nói thẳng ra là nhân danh cái gọi là “bạo lực cách mạng (cs) người đi theo
    Cs.phải coi mệnh lệnh hay cương lĩnh của đảng là trên hết, nghĩa là quyền
    lợi của tổ quốc, gia đình, tôn giáo phải xếp qua một bên để tuân lệnh.
    Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo cao nhất là HCM. cũng đành phải tuân lệnh
    đàn anh (bảo trợ) Tàu cộng mà thi hành. Làm như thế là để làm gương cho
    tầng lớp cán bộ và chứng tỏ nhiệt tình cách mạng của ông ta !

  2. “Trúc Nam sơn không ghi hết tội
    Nước Đông hải không rửa sạch mùi”
    ( Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi )

  3. Tôi đọc bài Địa Chủ Ác Ghê vô số lần, vì rất nhiều người đưa lên mỗi khi người ta thấy cần.
    Gần đây nhất là bài chửi tiên sư Hoàng Chí Bảo.
    Đến nay, mói nhận ra cái tên bài hơi lạ. Và hàng chục cái “gạch đầu dòng” kể tội ác địa chủ. Cứ như là sao chép nguyên xi từ một bản tin

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây