Bi kịch của của tuổi trẻ

Lê Nguyễn

4-9-2024

Hình như chưa có bao giờ xã hội Việt Nam nổi lên những vấn nạn lớn lao với một tần suất dày đặc như thế. Chúng làm mất ngủ cả những người mà lẽ ra ở độ tuổi của họ, sự lắng tâm, ngơi nghỉ là điều cần thiết.

Từ hành vi, ngôn ngữ trái khoáy, xàm bậy của nhiều kẻ mang tiếng tu hành nhằm làm giàu bằng sự mê muội của một thành phần không nhỏ công chúng thiếu hiểu biết, đến những việc làm khuất tất của một cơ sở giáo dục, nơi đào tạo con người, qua việc thu nhận bằng cấp giả để rồi phát ra bằng cấp thật sau một thời gian “đào tạo” kỷ lục; từ thói mồm năm miệng mười, vo tròn bóp méo sự thật và cuối cùng trở mặt một cách thô bỉ nhất của một kẻ được tôn xưng là giáo sư này, tiến sĩ nọ, đến trò đấu tố một học sinh vị thành niên vì một câu nói bốc đồng trong sinh hoạt nhỏ hẹp 16 con người.

Từ những năm 1950 đến nay, xã hội chúng ta đã trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng thế giới năm châu, người ta tiến nhanh như vũ bão, mà đến thế kỷ 21 này, chiêu trò đấu tố trong cải cách ruộng đất, trong sự kiện Nhân văn Giai phẩm, trong “tiêu diệt tàn dư văn hóa phẩm đồi trụy”, nhân danh những giá trị cao siêu nhất, vẫn được vận dụng với những kỹ thuật ngày một tinh vi và khốc liệt hơn!

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn bỏ túi về việc dạy và học lịch sử trong tình hình hiện nay, mình có nêu lên một ý chính là khi mà nền giáo dục còn xơ cứng, lạc hậu, không theo kịp đà tiến triển về nhận thức chung của toàn xã hội thì hơn ai hết, bi kịch đó, thế hệ trẻ phải gánh chịu hậu quả. Họ trở nên hụt hẫng trước ngả ba đường, trong sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, giữa những gì họ được truyền dạy ở học đường và những gì họ tiếp nhận được ở xã hội, từ sự phát triển không gì ngăn cản nổi của mạng xã hội.

Ở thế hệ trẻ hôm nay, bi kịch không chỉ ở độ chênh giữa giáo dục học đường và nhận thức xã hội trong lãnh vực lịch sử, mà còn trong nhiều lãnh vực khác của đời sống. Những gì mà em Chu Ngọc Quang Vinh vừa nói lên là một hình ảnh tiêu biểu của bi kịch đó. Thay vì người lớn chúng ta tiếp nhận ý kiến của em, dù là ý kiến trái chiều, để xem lại mình và có cách giáo dục các em tốt hơn, thì cái trò đấu tố đã nhanh chóng nổ ra, khốc liệt và tàn bạo hơn bao giờ hết!

Qua sự kiện của em Vinh, chúng ta có thể nghĩ không sai rằng, đang có hàng trăm ngàn, hàng triệu em học sinh manh nha trong đầu những ý tưởng “xét lại” như thế, song họ không dám hay không có điều kiện nói ra vì sợ bị những trận đòn roi của xã hội.

Bi kịch này không khó tìm ra nguyên nhân. Đó là một nền giáo dục đã tạo ra những bậc “lương sư” sẵn sàng quỳ mọp trước một kẻ xàm tăng giàu tiền lắm của, sản sinh ra những gã giáo sư tiến sĩ dẻo miệng, khoác lác, tráo trở chỉ vì đồng tiền!

Đó là nền giáo dục vẫn còn dạy con người những bài học căm thù và kỳ thị với chính những đồng bào cùng chung sống trên một đất nước với họ, cho dù cuộc chiến đã qua đi, sự thống nhất về mặt địa lý đã hoàn tất từ cách nay gần nửa thế kỷ; một nền giáo dục cứ sau mỗi kỳ thi lại cho ra lò 99% những học sinh “tốt nghiệp”, thì sự dối trá và chạy theo thành tích đã trở thành căn bệnh bất trị.

Trong thời gian qua, ông Tổng Bí thư/ Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những việc làm mà nhiều người tiền nhiệm của ông chưa từng làm:

– Trên đường đi Trung Quốc, ông ghé lại Quảng Châu, thăm nghĩa trang 72 liệt sĩ Hoàng Hoa Cương và nghiêng mình trước anh linh của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người thanh niên yêu nước vì việc không thành, đã tìm đến cái chết trên dòng Châu giang;

– Ông đích thân đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, người nhạc sĩ tài hoa vẫn lận đận đến những năm cuối đời, những bài phát biểu của ông “thực chất” hơn, không còn mang tính khuôn sáo như những người tiền nhiệm, cho phép người nghe mơ nghĩ đến sự manh nha của điều được rao giảng từ gần 50 năm qua mà vẫn còn là cái bánh vẽ, đó là sự hòa hợp, hòa giải dân tộc thực sự, giúp đất nước Việt Nam của chúng ta, giống như nước Mỹ cách nay 160 năm, sớm phát triển trên tinh thần anh em một nhà, kề vai sát cánh, chia ngọt xẻ bùi.

Song trước hết, mình mong ông hãy ghé mắt vào nền giáo dục hiện nay, có sự thay đổi triệt để, thay đổi toàn diện, về nội dung giảng dạy lẫn các phương thức giáo dục hiện đại, để tạo ra những con người có suy nghĩ độc lập, có liêm sỉ, và có hoài bão thực sự.

Tất nhiên, bên cạnh giáo dục, người dân còn cần ở ông một bước đột phá khác nữa quan trọng không kém, đó là mở rộng dân chủ, lắng nghe mọi sự phản biện nhắm vào lợi ích chung của toàn xã hội, song đây không phải là chủ đề của bài viết hôm nay.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn tác giả đã có bài “tổng hợp” các sự kiện, gây xôn xao dư luận, rất hay trong thời gian qua . Đồng thời, tác giả cũng mở ra một chút ( chỉ một chút thôi ) ước mong của nhiều người về một sự “đổi mới” nào đó của ngài Tô Tổng – Chủ .
    Nhưng, bao giờ còn 10 ngàn người của lực lượng AK 47, còn những dlv say máu đấu tranh giai cấp thì xã hội vẫn cứ lao xao.
    Chỉ một thiếu niên phát biểu vài câu chẳng thấm tháp gì cho chế độ . Thế mà, bọn họ nhảy vào nguyền rủa, xỉa xói bằng đủ thứ ngôn từ xấu xa . Kể cả một vài nhà báo có tuổi cũng góp phần đấu tố, nhiếc móc cháu Vinh , mà không thấy có một lời khoan thứ nào . Đó không phải là cung cách của người lớn, của những người có tấm lòng giáo dục thế hệ trẻ .
    Bao giờ, xã hội còn cái kiểu “định hướng” bằng đòn thù, bằng chửi bới, thóa mạ, triệt hạ tới tận cùng những ý kiến trái chiều thì xã hội đó vẫn cứ dậm chân tại chỗ .

  2. VN. bây giờ không thiếu kịch bản bi thảm, kể cả hài hước.
    Chỉ xin kể ra một vài ngoài “bi kịch của tuổi trẻ” cón có bi kịch của giới trí thức,
    thảm kịch của tôn giáo, thảm kịch giáo dục v.v. và v.v.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây