Dạy thêm và học thêm

Dương Quốc Chính

1-9-2024

Báo phỏng vấn mấy ông quan chức ngành giáo dục này thì độc giả chỉ thấy thông tin một chiều từ phía ngành giáo dục. Đọc đã thấy thông tư như trò hề thả gà ra đuổi.

Thực tế là giáo viên bây giờ toàn lách luật, thông qua Ban phụ huynh trong việc dạy thêm. Đại khái là, phụ huynh phải xin gãy lưỡi cô mới chịu dạy đó, chứ cô không có ép học sinh học thêm bao giờ đâu! Nên cái gọi là giáo viên phải cam kết này kia là hết sức ngớ ngẩn và bất khả thi. Cái cam kết kia có tỷ cách để lách nhé.

Mình không bao giờ chống việc giáo viên dạy thêm một cách cực đoan, cũng không dè bỉu chuyện học thêm. Nhưng mình phản đối tuyệt đối chuyện giáo viên dạy thêm cho chính học sinh mà mình dạy chính khóa.

Việc giáo viên dạy thêm cho học sinh mình chỉ nên rơi vào hai tình huống: Một là luyện thi học sinh giỏi, tức là ngoài chương trình sách giáo khoa hoàn toàn (trường hợp này rất không phổ biến). Trường hợp hai là, dạy phụ đạo cho học sinh quá kém, khi đó phải chứng minh bằng điểm dưới trung bình của học sinh và trường, phụ huynh phải ký xác nhận.

Nên ngăn chặn tuyệt đối việc giáo viên dạy thêm chính học sinh mình, vì nó gây ra xung đột quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên. Khi đó dẫn tới hệ lụy là giáo viên cố tình dạy chính khóa chểnh mảng rồi chăn tiền dạy thêm.

Việc ngăn chặn này rất dễ kiểm soát. Vì chỉ cần phát hiện một học sinh học thêm chỗ giáo viên là xử lý được rồi, miễn trình bày.

Điều đó cũng không ngăn cản quyền được học thêm và dạy thêm của thầy và trò. Trò muốn học thêm thì kiếm giáo viên khác mà học, đâu khó khăn gì. Cô cũng kiếm học sinh lớp khác mà dạy, thì đỡ trò dạy tủ cho học sinh.

Chính vì dạy thêm học sinh mình, nên nó tạo ra hệ lụy là điểm cao ảo, do cô phím trước các dạng bài thi. Nên nhiều phụ huynh bị ảo tưởng là con học giỏi. Cô đã dạy thêm rồi nên có xu hướng tăng điểm cho học sinh để vừa lòng khách hàng là phụ huynh, một cách mua bán điểm trá hình.

Việc cấm giáo viên dạy chính học sinh mình còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Cô nào dốt sẽ không có học sinh học thêm. Chứ còn cho dạy thêm học sinh mình thì hòa cả làng. Cô nào cũng kiếm được như nhau.

Còn nhiều phụ huynh cực đoan đòi cấm tiệt giáo viên dạy thêm, mình cho là hơi ác và cũng ảo tưởng. Nó gần như hô hào đòi chống tham nhũng tuyệt đối. Lương giáo viên sao đủ sống mà cấm người ta dạy thêm?

Cũng như lương cán bộ sao đủ sống mà đòi chống tham nhũng?

Kiểu ra luật của Việt Nam nó vẫn mang màu sắc của nhóm lợi ích là vì thế. Ông ra luật có xu hướng bảo vệ lợi ích cho phe nhóm của mình. Ở đây hiệu trưởng có có quyền sinh sát với giáo viên, vì giáo viên phải báo cáo chuyện dạy thêm và phải được hiệu trưởng xác nhận, như dự thảo thông tư.

Chuyện này mình viết dựa trên trải nghiệm thực tế con mình học trường công và chứng kiến đủ mánh khóe của giáo viên rồi. Mình vẫn chấp nhận đương đầu, không cho con học thêm chỗ cô giáo (đã từng thử rồi bỏ). Con mình chỉ học thêm tiếng Anh ở cô giáo trường ngoài. Học vẽ và đàn thì không kể.

______

Ảnh chụp màn hình các bài báo liên quan:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Có một điều khá ngộ nghĩnh là, đến giờ phút này, vụ GD mới nêu dự thảo ban hành thông tư về việc dạy thêm học thêm (DTHT ) . Trong khi đó, việc DTHT đã diễn ra ì xèo từ đời tam hoánh nào rồi. Giờ, thông tư có ban hành với những yêu cầu mang tính ràng buộc thì nó chỉ có yếu tố kĩ thuật mà thôi .
    Và, để chứng tỏ mình có lưu tâm đến việc quản lý việc DTHT thì cũng là để , thêm một lần nữa, HỢP THỨC HÓA nó mà thôi .

  2. Ôi, ôi, con lạy các bác một nón luôn, lạy luôn ngài P.GS, TS Thành nữa. Các bác nói chuyện xa rời thực tế quá sá trời đất! Bây giờ, con ( xưng con là học sư Minh Tuệ ) trình bày ý kiến của con cho các bác nghe nhá :
    1/ Chuyện dạy thêm học thêm ( viết là DTHT , cho đỡ lòng thòng) đã có từ mấy mươi năm trước, chứ không phải mới phát sinh . Có khác là, bây giờ phong trào DTHT rầm rộ hơn, khí thế, hồ hỡi phấn khởi hơn .
    2/ Bây giờ, chính BGH nhà trường đứng ra tổ chức cho GV dạy thêm và buộc tất cả học sinh các lớp đều phải học thêm, chuyện phụ huynh giả bộ làm đơn xin học, xưa rồi, miễn bàn
    ( có trời chứng giám, con nói sai sự thật thì bỏ tù con đi ! ) . BGH thu tiền hoc sinh hàng tháng , sau khi trừ cái món gọi là “quản lí phí và hao hụt bàn ghế”, số còn lại trả cho GV theo số giờ dạy hàng tuần . Nghĩa là, tất cả đều hưởng lợi, một sự cộng sinh đúng nghĩa .
    Trước đây,khoảng 30 năm, Bộ GD có quy định, số tiền “quản lí phí” của BGH là 20% ( trên tổng số thu hàng tháng ) . Nay thì, nhiều hơn lắm lắm, không tính được .
    3/ GV mà không dạy thêm HS CỦA CHÍNH LỚP MÌNH thì có con ma nó học ! Ở Sài Gòn, những GV nổi tiếng thì có thể HS lạ tới nhà học thoải mái . Còn ở trong trường thì không có chuyện ấy nhá .
    Bởi, DTHT ở trường, ngoài việc bổ sung kiến thức ( chừa hoàn chỉnh trên lớp ), HS còn học thêm cách làm bài kiểm tra, bài thi học kì. HS nào không học thì cắn bút, tự chịu trách nhiệm cho cái sự ương bướng của mình vì KHÔNG HỌC THÊM .
    4/ BGH theo dõi, đôi khi kiểm tra đột xuất những GV nào dám dạy thêm ở nhà, để gom họ vào dạy trong trường. Ai vi phạm thì kỉ luật ( Sở GD không cho dạy thêm ở nhà, phải DTHT trong trường để BGH quản lí ?! Tất nhiên, chỉ quản lí tiền bạc thôi, còn chất lượng thì GV tự chịu trách nhiệm . BGH cũng từng là GV môn nào đó, chứ có phải người “đa khoa” đâu mà biết cả Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Văn .
    Tóm lại thì, ngài vụ trưởng kêu phải cam kết. . ., báo cáo…, không tiêu cực, không bắt buộc, cưỡng ép , v. . .và v. . .chỉ toàn là chuyện phi thực tế thôi . Còn cái hiện thực DTHT thì be bét lăm .
    Người ta ở chung chăn thì mới biết chăn nhiều rận .
    Dạ thưa, con nói vậy là đã đủ rõ chưa ạ ?
    ( Phần trên , nói chuyện DTHT của HS cấp 2 – 3 . Còn học sinh tiểu học, cháu của con , học lớp 1-2. . .vẫn phải đi học thêm dài dài . GV, họ nghĩ rất thực dụng, GV cấp 2-3 dạy thêm mà gìau lên trông thấy, tội gì mình không dạy chứ ?! ) .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây