Nâng cao chất lượng bằng tiến sĩ Việt Nam

Võ Xuân Sơn

23-8-2024

Tôi vừa nghe được ý kiến của một số nhà báo, đề nghị chúng ta phải qui định làm luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh, và phải mời các giáo sư nước ngoài vô hội đồng.

Tôi không biết các nhà báo đề xuất ý kiến ấy đã từng làm tiến sĩ tại Việt Nam chưa, nhưng, với tư cách của người đã từng làm luận án tiến sĩ tại Việt Nam, tôi thấy những đề xuất ấy không thực tế.

Thứ nhất là việc làm luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh. Tôi thực sự không hiểu, tại sao phải viết luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh. Ở những đất nước mà ngôn ngữ của họ không đủ để giảng dạy, học tập ở bậc đại học hay tiến sĩ, thì họ phải làm luận án bằng tiếng Anh (hoặc tiếng gì đó) phát triển hơn. Còn tiếng Việt, nó đã phát triển đủ để giảng dạy, học tập và làm luận án tiến sĩ, thì mắc mớ gì phải làm luận án bằng tiếng Anh?

Trên thực tế, đã có quy định, người muốn lấy bằng tiến sĩ phải có trình độ C ngoại ngữ, bao gồm nhiều loại ngôn ngữ, có cả tiếng Anh. Theo qui định, thì trình độ ngoại ngữ C tương đương với việc đọc, viết nói, lưu loát. Nếu việc lấy bằng ngoại ngữ được tôn trọng, thì trình độ C đã xác định khả năng ngoại ngữ.

Như vậy, thay vì đề xuất viết luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh, các nhà báo nên đề xuất kiểm soát quá trình cấp bằng ngoại ngữ, hoặc đề xuất, muốn lấy bằng tiến sĩ thì bắt buộc phải có bằng C tiếng Anh, hoặc ILTS, TOEIC, hay TOEFL bao nhiêu…

Vấn đề thứ hai là mời các giáo sư nước ngoài vào hội đồng chấm luận án tiến sĩ. Đây là một đề nghị rất hay. Nếu làm được như vậy, hy vọng chất lượng của các luận án tiến sĩ sẽ tăng lên.

Nhưng cá nhân tôi thì thấy thế này. Không thiếu các giáo sư nước ngoài ba phải. Ngay cả bây giờ, nếu yêu cầu phải có các giáo sư nước ngoài tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ, chỉ vài trường hợp nghiên cứu sinh đầu tiên mới bị khó khăn. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, chỉ những giáo sư nước ngoài ba phải, xuề xòa, sao cũng được… mới được mời.

Tôi tin là trong nội bộ Việt Nam, có nhiều người trực ngôn, thẳng thắn, đã bị loại ra khỏi các hội đồng chấm luận án tiến sĩ, vì họ ngăn cản việc cho ra lò các tiến sĩ không đủ chuẩn. Trong khi đó, việc đào tạo ra các tiến sĩ là nguồn thu lớn cho các trường đại học, và cho những người tham gia vào quá trình này.

Vấn đề không kém phần quan trọng, là hiện nay, nghiên cứu sinh phải trả toàn bộ chi phí cho việc di chuyển, đi lại của các thành viên hội đồng chấm luận án. Việc chi trả vé máy bay, khách sạn, sinh hoạt… cho các thành viên từ Hà Nội vô Sài Gòn hay ngược lại, đã là một gánh nặng lớn cho nghiên cứu sinh. Bây giờ, trả vé máy bay quốc tế sẽ gia tăng gánh nặng đó.

Có thể còn nhiều người chưa biết. Khi học tiến sĩ, các nghiên cứu sinh phải đóng khá nhiều tiền cho quá trình đào tạo. Tuy nhiên, cứ mỗi môn học, mỗi lần thi, thì nghiên cứu sinh lại phải đóng tiền. Nói chung, quá trình học và ra tiến sĩ tốn khá nhiều tiền. Nếu tăng thêm gánh nặng tài chính cho nghiên cứu sinh, thì e rằng, việc mua bán bằng cấp, học vị lại càng gay gắt hơn.

Để bảo đảm chất lượng của các bằng tiến sĩ tại Việt Nam, theo tôi, cần chú ý những điểm sau:

Thứ nhất, cần đặt rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ chỉ để phục vụ nghiên cứu khoa học. Còn nếu bằng tiến sĩ giúp lên chức, kể cả chức vụ trong chính quyền, lên lương, và nhiều quyền lợi vật chất khác, thì việc sính bằng cấp, gian lận bằng cấp, gian lận trong đào tạo tiến sĩ… sẽ không thể hết được, kể cả khi mời giáo sư nước ngoài hay viết luận án bằng tiếng Anh.

Thứ hai, ở Việt Nam hiện nay, liêm sỉ, danh dự không được đánh giá cao. Bằng chứng sống động nhất là cái bằng tiến sĩ của ông Thích Chân Quang.

Biếm họa về bằng giả của ông Vương Tấn Việt – Thích Chân Quang. Nguồn: Họa sĩ Đỗ Anh Dũng

Nếu không đề cao liêm sỉ, danh dự, thì người ta sẽ bất chấp tất cả để thỏa mãn tính háo danh của mình. Bản thân các trường đại học, cũng sẽ vì lợi nhuận mà tăng tốc đào tạo tiến sĩ, vì lợi ích kinh tế mà cho ra lò những tiến sĩ không đủ khả năng làm tiến sĩ thực thụ, với những luận án vô bổ, không có giá trị gì trong thực tế.

Tuy nhiên, cả hai giải pháp trên đều gần như là bất khả thi trong điều kiện đất nước ta hiện nay.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thật ra cũng ” HƠI TỘI NGHIỆP ” cho ông Tiến sĩ Thích Chân Quang vì ĐÃ HƠN MẤY MƯƠI NĂM NAY, từ sau 75, Bộ Giáo Dục Đào Tạo của CHXHCN VN ĐÃ MẶC NHIÊN “CHO RA LÒ” VÔ SỐ loại tiến sĩ này để chứng tỏ với lân bang và thế giới là XHCN VN CÓ NHIỀU TRÍ THỨC CAO CẤP ( dù chỉ qua Danh Thiếp ).
    Trước đây đã có bà tiến sĩ chưa tôt nghiệp trung học phổ thông. rồi có bà “tiến sĩ lu”. ông “tiến sĩ cầu lông”…..kể không hết. Và cái Trường ĐH Luật Hà Nội KHÁ NỔI TIẾNG TỪ LÂU trong việc cấp bầng vô tội vạ.
    Do đó ông Thích Chân Quang CHỈ LÀM CHUYỆN THƯỜNG TÌNH ( dù không đươc sạch sẻ ) mà thôi. Vì đã có NÀNG TRĂM HÀNG NGHÌN NGƯỜI LẢM RỒI, KHÔNG THẤY AI BẮT TỘI GÌ ĐÂU.
    Chỉ có điều ông này dùng TIỀN CÚNG ĐƯỜNG CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT TỬ TÍN ĐỒ để MUA CHUỘC GIÁO CHỨC CHO VIỆC NÀY LÀ VÔ CÙNG BẬY BẠ và HƯ ĐỐN.
    Và việc CÓ NHỮNG “QUAN QUYỆN TRÍ THỨC” ĐÃ ĐẾN SÙNG BÁI CA NGỢI TRỌNG VỌNG ông “tiến sĩ rỡm” này là RẤY BUỒN CƯỜI, cho thấy cái xã hôi VN XHCN này còn đầy HÀNH VI BÁN KHAI, THIẾU Ý THỨC.

  2. Việc đầu tiên là xem lại trình độ, tư cách của đám giáo sư tiến sĩ ở Việt Nam cái đã và tống cổ đám khật khùng ở trường đại học luật Hà Nội làm gương

  3. Chặt chẻ như tổ chức Đảng mà còn lòi ra hàng loạt Đảng viên không đủ tư cách thì chả còn tổ chức nào có thể nói đủ tư cách đạo đức để mà chọn lựa người cho bất cứ tổ chức nào- kể cả hội đồng xét duyệt tiến sĩ,giáo sư!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây