Nghề Luật sư – Muôn nỗi truân chuyên…

Ngô Anh Tuấn

19-8-2024

Phí chồng phí

Một luật sư, bước chân vào hành nghề, phải đóng lệ phí gia nhập đoàn. Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chúng tôi, nhiều năm trước, phí này là 10 triệu/người, không biết nay có tăng lên chút nào hay chưa. Để hành nghề, mỗi năm luật sư đó phải đóng phí cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 1,2 triệu; đóng cho Đoàn Luật sư nơi họ hành nghề là 1,8 triệu; vị chi, số tiền tối thiểu cần chi là ba triệu tiền phí.

Nên nhớ rằng, thuế môn bài của mỗi doanh nghiệp đóng hàng năm cũng chỉ đóng ở mức 2 – 3 triệu đồng (mức cao nhất). Nếu một luật sư mở Văn phòng luật sư hay Công ty luật thì đương nhiên, họ vừa đóng lệ phí mà tôi nêu trên đây, vừa đóng thuế môn bài; cả hai loại này, dù tên gọi khác nhau nhưng tựu trung lại, nó giống như một loại “thuế thân” gắn liền với họ và được thu đều như vắt chanh hàng năm.

Nhìn qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác như Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Kiểm toán, Hội Kiến trúc sư… thấy chẳng chỗ nào đóng mức phí thường niên cao như vậy cả. Hay là có nơi cao hơn mà tôi không được biết tới?

Nghề khó, khổ

Là tổ chức xã hội nghề nghiệp có tiếng là độc lập nhưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng chịu sự lãnh đạo, quản lý về mặt chuyên môn và ngoài chuyên môn của nhiều cơ quan, đơn vị khác mà gần nhất là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Xét về mặt chuyên môn và quản lý nhà nước, chắc không có nhiều thứ để bàn và có thể chấp nhận được, không có nhiều luật sư ý kiến về vấn đề này. Thế nhưng, nghề luật sư chịu sự tác động của không ít các cơ quan khác, không hoặc ít mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, từ các cơ quan hành chính tới các cơ quan tư pháp…

Luật sư là những người tự mò mẫn kiếm việc để nuôi sống bản thân và lo cho quyền lợi người lao động, nếu họ có đủ sức mở doanh nghiệp. Thế nhưng, trên đe, dưới búa; nói năng phải uốn lưỡi chục lần, nhìn trước, ngó sau đủ kiểu xem có đụng chạm tới ai hay không. Không biết “giữ mồm, giữ miệng” thì dễ ăn kiến nghị tới Liên đoàn như chơi… Khổ lắm! Tới khi đụng chuyện, vướng trước vướng sau, Hội đoàn muốn bảo vệ đồng nghiệp gặp chuyện cũng khó; có khi là không bảo vệ nổi; không tính trường hợp là không muốn bảo vệ.

Trong một diễn biến mới đây, tại phiên toà liên quan tới đại án đăng kiểm, có vị Kiểm sát viên nhắc nhở luật sư là “không tôn trọng lựa chọn của khách hàng” vì vị này cho rằng bị cáo đã nhận tội, thành khẩn để được nhận khoan hồng trong khi luật sư lại phân tích hành vi bị cáo không cấu thành tội phạm. “Nhắc nhở” nghe chừng là còn nhẹ, trong phiên toà, có vị còn kiến nghị HĐXX kiến nghị lên Liên đoàn Luật sư về nội dung bào chữa của luật sư nữa.

Xin nhớ cho rằng, việc của luật sư (và cả Kiểm sát viên, HĐXX và những người khác có liên quan) là tìm ra sự thật khách quan của vụ án, chứ không lấy lời khai của bị cáo là chứng cứ để buộc tội họ và không cần phải chứng minh vô tội. Luật sư bào chữa theo hướng không có tội là quyền của họ khi họ thấy có cơ sở khoa học, nó không đi ngược lại quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo và đương nhiên, không ai có quyền lấy đó là cơ sở để làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Chứng minh là việc của các bên, kết luận là việc của HĐXX nhưng nhiều khi người ta muốn vô hiệu hoá vai trò của luật sư bào chữa ngay từ đầu, hay chí ít là khiến hình ảnh của luật sư xấu hơn trong mắt bị cáo để họ cân nhắc lựa chọn an toàn hơn, thay vì cố chứng minh những thứ mà người ta không muốn nghe.

Nay còn khổ hơn…

Trong Dự thảo Luật Luật sư mới có một số điểm mới chưa được làm rõ hoặc không thực sự thuyết phục, nó sẽ làm khó hơn cho nghề luật sư và mỗi một luật sư nói riêng. Nhiều người rất băn khoăn liên quan tới cụm từ luật sư phải có “bản lĩnh chính trị” – không hiểu nội dung những chữ này sẽ bao hàm những gì? Bản lĩnh chính trị ở đây liệu có tương tự như đạo đức của ngưởi đảng viên hay không?

Luật sư đã có một bộ quy tắc đạo đức rất dài rồi và chỉ sơ sẩy, lệch lạc đi một chút là đã có thể bị xử lý tương đối nghiêm khắc rồi. Vậy thì, liệu rằng có nhất thiết bổ sung thêm quy định này nữa hay không?

Nếu cương quyết vẫn giữ thì cần làm rõ ràng để không khiến các luật sư lo lắng, quy định này là cơ sở để người ta có thể quy chụp, đấu tố nhau vì ai đó “không có bản lĩnh chính trị rõ ràng”. Theo tôi nghĩ, quy định này chỉ nên áp dụng giới hạn cho những luật sư là đảng viên là đủ (và đa số họ cũng đều thuộc nhóm quản lý luật sư) vì nắm đầu được họ, quản lý được họ, đánh giá được bản lĩnh của họ là đã quản lý được đám lính lác như chúng tôi. Chúng tôi vốn đã chịu nhiều tầng quản lý rồi, không nên áp thêm những quy định mang tính mơ hồ nữa.

Một nội dung khác là quy định về việc cấp, đổi Chứng chỉ hành nghề luật sư khi hết thời hạn 5 hoặc 10 năm để sàng lọc đội ngũ luật sư. Quy định này tôi cho rằng rất không phù hợp.

Thực tế, trong quá trình hành nghề luật sư đã có rất nhiều sự sàng lọc: Nếu yếu kém chuyên môn, không có uy tín với khách hàng… khách không thuê thì tự đào thải; vi phạm các quy định của pháp luật, nhẹ thì bị kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo, nặng thì bị tước thẻ hành nghề, xoá tên; ngay cả việc chậm đóng phí thành viên quá hạn quy định cũng bị xoá tên thẳng thừng thì đã thấy luật sư bị giám sát, “sàng lọc” kỹ tới mức nào rồi.

Vậy cần thiết phải thêm một lớp sàng lọc nữa hay không? Tôi cho rằng quy định này khiến cho bộ máy quản lý luật sư lại thêm phình ra để giải quyết những thủ tục hành chính không đáng có; từ đó phát sinh thêm những hệ luỵ, thậm chí là thêm cả thủ tục chạy chọt, xin cho, phiền phức nhiều hơn cho luật sư mà hiệu quả không thấy đâu.

Thời gian hành nghề của tôi không còn quá dài nữa nhưng dù chỉ còn hành nghề 1 ngày thì tôi vẫn luôn mong và cố gắng đóng góp, lên tiếng để nghề luật sư của mình ngày một được trọng thị, được đối xử tốt hơn. Thế nhưng, để có được điều đó, mỗi một luật sư phải tự ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lên tiếng, phản biện chính sách liên quan tới mình, nếu không, nếu có bị bất lợi từ việc im lặng của mình thì sau này, khi hành nghề, gặp khó thì đừng than vãn, đừng đổ lỗi cho ai.

Không ai cấm chúng ta lên tiếng, không ai cấm chúng ta đòi hỏi nếu việc lên tiếng, đòi hỏi đó là đúng, cách trình bày phù hợp, khôn ngoan, mang tính xây dựng.

Mong rằng Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ lưu tâm và phản biện thiệt hơn các quy định, chính sách pháp luật sẽ áp dụng cho luật sư để quyền hành nghề hợp pháp của luật sư được đảm bảo và hình ảnh của người luật sư được tôn trọng hơn trong con mắt của đại đa số người dân.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hì hì, ngài luật sư NAT thắc mắc nhóm từ “bản lĩnh chính trị” và yêu cầu cần làm sáng tỏ ý nghĩa của nó ư ? Không phải ngài luật sư không hiểu mà muốn nêu vấn đề để luận bàn ?!
    Nhà cháu không thộng hiểu về luật pháp lắm đâu, song, lại hiểu “bản lĩnh chính trị” là ( rất đơn giản ) không được chống đảng và nhà nước, không miệt thị, xúc phạm luật pháp và chính quyền . Và đủ thứ những gì liên quan tới chế độ và nhà cầm quyền thì phải biết tránh né , kẻo mà vi phạm thì khó hành nghề .
    ( Làm thầy giáo, thầy thuốc …và toàn thể cán bộ công chức đều phải có “bản lĩnh chính trị” vững vàng . Mọi người cứ hiểu nó thế thế, không thắc mắc làm gì ).

  2. Vạch mặt: Sau năm 1945, trường đại học Luật ở Việt Nam bị tiêu diệt
    Chỉ được lập lại (theo mô hình của phe Xuống Hố Cả Nút) khi đất nước bị chia đôi, miền Nam vẫn có đại học Luật.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây