Hồn quê và những nỗi niềm

Đặng Bá Tiến

11-8-2024

LGT: Bài viết sau đây của tác giả Đặng Bá Tiến viết sau khi đọc cuốn sách “Hơi thở trong bàn tay” của Thái Hạo, do NXB Đà Nẵng phát hành tháng 5-2024. Bài viết này đăng trên báo Đắk Lắk cuối tuần số 29 (7613), ngày 10/8/24. Tác giả Đặng Bá Tiến từng là thầy giáo, nhưng đã thôi dạy học rồi trở thành một nhà báo, nhà thơ.

Ảnh chụp bài báo của tác giả Đặng Bá Tiến

Hồn quê và những nỗi niềm

Tôi thích đọc facebook của Thái Hạo. Ở đó, tôi tìm thấy hồn quê, tình người, những nỗi niềm và tâm sự của anh về nhiều vấn đề của cuộc sống, nhất là những vấn đề văn hóa, giáo dục, anh viết thẳng thắn, sâu sắc, được sự đồng cảm của nhiều người.

Bởi thế, khi nghe tin anh cho ra mắt cuốn sách đầu tay “Hơi thở trong bàn tay”, tôi liền nhắn tin cho anh đặt mua sách, với một tâm trạng háo hức, chờ đợi. Và rồi khi nhận được sách, đọc liền một mạch trong một ngày một đêm, tôi thấy mình đã không uổng công…

Cuốn sách có 46 bài viết. Thái Hạo bộc bạch: “Có thể gọi đây là tản văn, tạp văn, ký hay bút ký, tùy lòng. Riêng tôi, tôi chỉ muốn xem nó như những ghi chép hàng ngày về những gì thân thuộc chung quanh và gọi cho cô đúc bằng một chữ, là GHI”.

Tôi cũng đồng tình với Thái Hạo về điều này. Bởi gọi cuốn sách viết theo thể loại gì không quan trọng, cái quan trọng nhất là cuốn sách có rung động được trái tim người đọc hay không? Mang lại ý nghĩa gì, nhận thức gì cho họ…

Bằng lối viết giản dị, trong sáng, dễ hiểu, không cầu kỳ về bố cục, không rối rắm nhiều lớp lang, Thái Hạo phản ánh, ghi chép những sự vật, hiện tượng chung quanh như anh vốn thấy. Nhưng điều hơn người khác là Thái Hạo chỉ ra được, nói ra được cái tinh tế, sâu thẳm, hồn cốt nhất của người làng quê, của sự vật, hiện tượng; đồng thời thổi được cảm xúc của anh vào con chữ, khiến những sự vật bình thường, những việc tưởng như bình thường trở nên sống động, truyền được cảm xúc vào lòng người đọc, để người đọc nhận được những thông điệp ý nghĩa “sát sườn”, chí ít cũng là mơ hồ nhận ra một điều gì đó để rồi vương vấn mãi.

Chẳng hạn anh viết về con cóc già thường ngồi trong cái lu cũ bỏ dưới mái hiên nhà: “Cứ mỗi ngày vào lúc trời nhá nhem là hắn nhảy ra đi kiếm ăn, bằng một cú nhảy rất gọn, không phải cú nhảy dữ dội của con ếch, cũng không giống một mũi tên vút gió trong dáng lao của con chẫu chàng; cóc nhảy từng bước, chậm rãi, khoan thai mà vững chãi. Trong cái bước nhảy ấy có phong độ của bậc đại nhân, thong dong mà dũng mạnh, tự tại...”.

Rồi một ngày thu, mưa đầu mùa như trút, cái lu đầy nước. Mất nơi trú ngụ, con cóc bỏ đi, “bỏ lại chiếc lu một mình dưới mái hiên, bỏ lại bầu trời và khu vườn. Chắc bây giờ nó đang ngồi điềm nhiên mà nhìn một khung trời khác. Không biết có khi nào nó chợt nhớ về một chiếc lu và những xôn xao bên bậc cửa của người, rồi khẽ chớp mắt nhìn cơn dông đang tới bên kia trời...” .

Một tản văn ngắn về con cóc, nhưng Thái Hạo gợi cho ta thật nhiều mối liên hệ / liên tưởng, xui ta nhìn lại mình: Có khi nào ta để tâm đến những người quanh ta, đến những con vật, sự việc nho nhỏ quanh ta? Những con người tưởng như rất bình thường, không liên quan gì đến ta, những con vật ta tưởng như vô tri, vô tích sự, nhưng có thể ôm chứa trong cuộc sống riêng của họ/ của nó những điều diệu kỳ, thiêng liêng và kỳ lạ…

Trong bài “Ngõ quê”, viết về những cái ngõ rất bình thường ở miền Trung “Hai bên là những tre, mác và các loài cây dại đủ loại, từ quýt rừng, cang vôi đến hoa cỏ li ti chen chúc, giữa là con đường đất cát mịn màng có cái lối mòn cát xám uốn mềm theo bờ xanh phủ mát”. Đọc đến đây ta chỉ mới thấy Thái Hạo miêu tả bình thường, tuy đã gợi được chút hồn quê, nhưng chưa có gì đặc biệt để ta rung động. Nhưng khi anh viết tới những đêm trăng, cả nhà trải chiếu giữa sân ngồi ăn ốc. Mấy đứa trẻ được sai ra ngõ bẻ gai quýt rừng vào lể ốc, “Những chiếc gai thơm nồng nàn còn xanh vỏ, quyện với mùi ốc làm thành một mùi tuổi thơ chưa tan. Bây giờ, những ai lể ốc bằng tăm nhọn chắc không cách gì hình dung ra được cái hương vị đặc biệt ấy”, thì sự tinh tế về mùi vị hồn quê trong anh đã đi đến tận cùng, đã thực sự chạm vào trái tim tôi và có lẽ tất cả những ai quê ở miền Trung, xa quê mà sợi dây tình cảm với quê hương vẫn còn vương vấn chưa dứt. Đấy chính là sự “đặc biệt” của tâm hồn Thái Hạo và văn chương Thái Hạo.

Tản văn nào, ghi chép nào của Thái Hạo cũng gợi tình quê, hồn quê, nhưng ám ảnh với tôi nhất là tản văn về “Tiếng cuốc”. Con cuốc, một con vật gần gũi, cách đây vài ba chục năm làng quê nào ở xứ ta chẳng có. Tiếng cuốc kêu khắc khoải, thảm thiết những chiều đông, lúc hoàng hôn bóng tối nhá nhem, hay những sáng hè lúc sương sớm chưa tan như tha thiết, giục giã, gọi mời đã đi vào thơ văn nằm lòng nhiều thế hệ học trò, đã trở thành văn hóa, trở thành hồn quê, gợi về bao ký ức của những đứa con xa quê.

Nhưng bây giờ ở làng quê, những bờ cây, bụi rậm phần lớn đã bị phát quang, chặt bỏ, làng quê đã bê tông hóa gần hết, rừng cũng bị chặt phá tan hoang, cùng với nạn săn bắn chim tràn lan, bừa bãi, thì chim cuốc cũng hiếm hoi dần. Lâu lâu may mắn lắm ta mới thấy được bóng con chim cuốc vội vàng lủi qua một bờ bụi, một quãng vắng nào đó. Nó không còn dám kêu toáng lên như ngày xưa vì sợ bị lộ. Nó cũng biết “rút kinh nghiệm” để giữ thân chăng?

Phải chăng đó là sự “tiến hóa” của loài chim cuốc? Thái Hạo viết về điều này xót xa đến ám ảnh: “Cuốc phải giữ chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là bước “tiến hóa” oan nghiệt của loài chim. Chúng nén tiếng gọi bạn tình trong lồng ngực và lao vụt qua những bụi cây, qua đường đê, qua gốc dứa, qua lau sậy… như những ảo ảnh” . Với cái đà “tiến hóa oan nghiệt” này sẽ đến một lúc không còn tiếng chim cuốc.

Và Thái Hạo buông mấy dòng thật gan ruột: “Có một khởi sinh đã chết cùng âm thanh nén chặt nơi cuống lưỡi của một loài chim. Có một dòng lịch sử sẽ chết theo tiếng chim ấy, và một dòng văn học sẽ thành thần bí với hậu thế không xa? Mai kia, những đứa trẻ sẽ cười và bảo rằng cha ông chúng đã bịa ra tiếng cuốc để làm thơ…”. Có lẽ đây là tiếng kêu đớn đau nhất, như dao cứa vào trái tim ta; nó hơn mọi khẩu hiệu, mọi lời kêu gọi khẩn thiết về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.

Ngoài những nội dung nêu trên, cuốn sách của Thái Hạo còn có nhiều bài viết giàu chất thơ, ngôn ngữ đẹp, nhiều bài viết có tính phản biện sâu sắc về lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nhiều triết luận hay, chí lý về cuộc đời, lẽ sống. Có lẽ chẳng có lời nào thấm thía, sâu sắc hơn khi Thái Hạo viết về các địa danh: “Mỗi địa danh là một cuốn cổ thư đặc biệt: Ngắn nhất nhưng đã được viết lâu nhất và dung chứa nhiều nhất về thông tin và văn hóa. Vì thế xóa bỏ một địa danh lâu đời cũng gần như hành động đốt sách vậy”.

Do dung lượng của một bài viết giới thiệu tác phẩm để in báo, không thể viết dài hơn, nên tôi xin mượn lời của nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy để kết thúc bài viết này: “Hơi thở trong bàn tay” là ghi chép hàng ngày về những gì thân thuộc chung quanh, là câu chuyện “viết dưới hiên nhà”… tác giả không có mục đích theo đuổi những điều to tát những vấn đề đại sự. Nhưng bao nhiêu mất mát và trống vắng trong 46 tản văn, dù được thể hiện với giọng văn điềm đạm, ôn hòa và trầm tĩnh, cũng khiến ta giật mình nghĩ đến những việc lớn lao hơn”.

Đây chính là sự hấp dẫn của tác phẩm, nhất là với những người nhiều ngẫm nghĩ. Hẳn đó cũng là lý do để cả ngàn cuốn sách của Thái Hạo hết vèo sau một tháng phát hành và bây giờ đang phải in nối bản…

Ảnh chụp tờ báo đăng bài viết trên. Nguồn: Đặng Bá Tiến
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đặng Bá Tiến cũng là một người rất tinh tế nên đã phát hiện ở tác giả Thái Hạo những nét tinh tế, ví dụ nói về chuyện con cóc mà liên tưởng đến con người :”Những con người tưởng như rất bình thường, không liên quan gì đến ta, những con vật ta tưởng như vô tri, vô tích sự, nhưng có thể ôm chứa trong cuộc sống riêng của họ/ của nó những điều diệu kỳ, thiêng liêng và kỳ lạ…”
    Cảm xúc đau đớn, xót xa nhất là sự “tiên hóa oan nghiệt” của loài cuốc để bảo tồn giòng giống và sinh mạng ( người mN gọi là con quốc = quấc ) trong sự giết chóc, tàn sát của con người.
    Sau những cuộc dụ dỗ bằng tiếng cuốc kêu trong máy thu âm, người ta giang bẫy bắt hàng loạt chim quốc đem bán để giết thịt. Đến bây giời, tiếng cuốc kêu thê thiết gọi bạn từ những ruộng đồng, bờ bãi trong những buổi buổi chiều về đã trở thành chuyện cổ tích xa vời vợi .
    Không phải vô cớ mà Bà Huyện Thanh Quan ( thế kỉ 18 ) đã viết : “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” . Rồi , nhà thơ Nguyễn Khuyến ( đầu tk 19 ) cũng gởi gắm nỗi lòng buồn thương sâu kín qua những vần thơ não nuột :
    “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
    Ấy hồn Thục đế thác bao giờ
    Năm canh máu chảy đêm hè vắng
    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
    Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
    Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. . .”
    Nếu thơ của Bà Thanh Quan và cụ Yên Đỗ còn trong chương trình học thì trẻ con tha hồ mà tưởng tượng ra âm thanh tiếng cuốc .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây