Góp ý với nhà báo (Bài 3)

Nguyễn Thông

10-8-2024

Tiếp theo bài 1bài 2

Góp ý với nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Cành, nhánh, nhành

Hôm 9.8, tin thời sự nóng được thiên hạ quan tâm là vụ chết người ở công viên Tao Đàn (TP.HCM), cành cây gẫy từ trên cao rơi xuống làm chết ha người, bị thương ba người khi các nạn nhân đang tập thể dục buổi sáng. Tội nghiệp. Còn hôm trước là vụ gần chục chiếc xe tông nhau lúc xuống cầu Phú Mỹ, tan nát cả, cũng ở TP.HCM.

Đó là những điều “bất khả kháng”, khó tránh hoặc không tránh được. Nhưng tôi muốn đề cập chuyện khác, là việc dùng tiếng Việt của báo chí quốc doanh.

Hầu hết báo khi đưa tin về vụ công viên Tao Đàn, kể cả những báo lớn, chững chạc như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VnExpess, Vietnamnet đều rút tít “gãy nhánh cây”. Có nhẽ chỉ hai tờ chững chạc hơn là Thanh Niên và Lao Động viết gần đúng “gãy cây”.

Những bức ảnh chụp hiện trường cho thấy không phải “gãy/gẫy nhánh cây”, cũng không phải chung chung “gãy cây”. Phải nói/viết “gãy cành cây” mới đúng, mới chính xác.

Trong tiếng Việt, cành, nhánh, nhành để chỉ những bộ phận/phần của cây. Cây thân gỗ khi mọc lên, phát triển, sẽ cao và nẩy ra nhiều cành. Cành sinh từ thân cây, có những cành to gần bằng những cây to khác. Ai từng đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 Sài Gòn, lúc dừng đèn đỏ ở ngã tư đường này giao với đường Hai Bà Trưng sẽ thấy trước mặt khoảng hai chục mét một cây dầu khủng, có lẽ là câu dầu to nhất vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, trồng từ thời Pháp, tuổi cả trăm năm, gốc nó khoảng vài người ôm, còn những cành trên cao cũng cỡ một người ôm không hết. Tôi mà phụ trách cái hội di sản gì đó sẽ phong, cấp cho nó bằng chứng nhận “cây di sản Việt Nam”, rào gốc lại cẩn thận, chứ không để chèn gốc, o ép bừa phứa như hiện nay. Có nghe kể căn biệt thự thời Pháp phía sau “di sản” là nhà một ông cựu to lắm, hồi đương chức ổng còn bắt dẹp cây xăng gần đó cho an toàn. Có quyền hành, đốt cây xăng còn được, họ chỉ bắt dẹp còn may chán.

Cành nẩy ra từ thân cây. Lưu ý “xuất thân” của cành là thân cây, trực tiếp từ thân. Cây họ gỗ nào cũng có cành. Ở cây gỗ, cành là đơn vị to thứ hai sau thân. Cây đào hoa ngày tết, người ta có thể trưng cả cây, hoặc chia cây thành nhiều cành để cắm vào lọ. Chả mấy ai trưng nhánh/nhành hoa đào tết. Phải là cành đào, tuy nó không to như những thứ cành loại cây khác nhưng so với đào thì to. Ông Chế Lan Viên viết “Cành đào năm chiến thắng/Lấp lánh màu hoa tươi”, vác cành đào chứ đâu vác nhánh đào đi trên phố. Ngay cả tre cũng sinh cành. Thi sĩ Nguyễn Duy viết “Chẳng may thân gẫy cành rơi/Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng”. Mãn Giác thiền sư thời Lý viết “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (chớ bảo xuân tàn thì hoa rụng hết/đêm qua có cành mai nở hoa trước sân”, chi tức là cành.

Vậy nhánh/nhành là gì. Trước hết cứ tra từ điển. Thời nay từ điển tùm lum, có những vị chỉ tí chữ cũng “soạn” từ điển, thực ra trộm nơi này một tí, nơi kia một tí, chắp vá vào dán nhãn từ điển để bán đồ hàng mã kiếm tiền. Anh Hoàng Tuấn Công xứ Thanh đã chỉ ra nhiều đồ từ điển dỏm lắm rồi, không bàn nữa. Tôi khuyên những ai còn yêu tiếng Việt hãy sắm cho mình cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ do một nhóm biên soạn, cụ GS Hoàng Phê chủ biên. Vài chục năm trước, giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ người nào ra người nấy, không như bây giờ.

Từ điển cụ Phê giải nghĩa “nhành” và “nhánh” đều là “cành nhỏ mọc ra từ thân cây hoặc cành lớn”, là cái nhỏ hơn được phân ra từ cái chính. Ví dụ: cành đào nhiều nhánh.

Về cấp độ, lớn nhất là cây, nhỏ hơn là cành, nhỏ hơn nữa là nhánh là nhành. Nhánh, nhành là từ dùng để chỉ cái nhỏ sinh ra từ cái lớn, chẳng hạn nhành hoa, nhánh cây, nhánh sông. Ông Chế Lan Viên trong bài thơ về cụ Hồ viết “Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”, ngắm nhành hoa, thế mới tâm hồn run rẩy, chứ ai lại ngắm cành hoa nặng nề bao giờ. Trai gái tặng nhau nhành hoa nhánh hoa, thậm chí một bông vài bông, chứ đâu tặng cả cành hoặc cả cây, nó lại chả nguẩy đi thì vỡ tan cuộc tình.

Cũng cần giải thích thêm, có những trường hợp nhánh hoặc nhành để chỉ phần nhỏ được mọc lên từ gốc cây, tách ra khỏi thân chính. Một cây có thể mọc nhiều nhánh. Nhưng nói gì thì nói, nhánh/nhành để chỉ phần nhỏ của cây.

Nói tóm lại, cái của nợ từ trên cao vườn Tao Đàn kia rơi xuống lấy mất mấy mạng người không phải là thứ nhẹ nhàng nhành, nhánh như các nhà báo tả, mà là cành. Cả cành cây dài to nặng mấy trăm ký mới đè chết người được chứ không phải nhánh nhành phơ phất, các anh chị nhà báo ạ. Ai chưa tin, cứ coi lại những bức ảnh chụp cành cây khủng ấy thì rõ.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung: Hề… hề… Nguyễn Thông này: Một cành cây rơi xuống đất và ông có thể phân biệt được LÚC NÀO thì nó BỊ GÃY hoặc lúc nào thì nó BỊ BỬA hay không!!!?

  2. Hề… hề…, nếu dùng cụm từ này để mô tả vụ tai nạn ở cv Tao Đàn là CÂY DẦU BỊ BỬA CÀNH thì có sai không!!?

  3. Cầu mong lão tiền bối Nguyễn Thông sống lâu trăm tuổi, 800 năm như Bành Tổ càng tốt, để dạy dỗ đám báo chí việt cộng nên người và cả lũ lợn viên. Hồi ấy chúng nó không xông vào cưỡng chiếm Miền Nam thì thầy Nguyễn Thông đâu vất vả như bây giờ. Thôi trót mang nghiệp vào thân thầy ạ, cầu mong thầy chân cứng đá mềm.

  4. Hề… hề…
    1. Tôi chỉ muốn nói thêm là CÀNH mô tả CÁC CHI có MỘT ĐỘ CỨNG nào đó, còn NHÁNH (NHÀNH) lại mô tả CÁC CHI có MỘT ĐỘ MỀM vừa đủ để PHẤT PHƠ trước gió. Cho nên, mô tả chính xác vụ tai nạn ở công viên Tao Đàn ngày hôm qua phải là: CÂY DẦU BỊ BỬA CÀNH (chứ không phải là Gãy, mà từ BỬA này chưa thấy Nguyễn Thông bàn đến nhỉ!?)
    2. Sau này, CHI được hình dung từ để chỉ các CHI LƯU của một dòng sông. Người Việt chúng ta gọi chúng là CÁC NHÁNH SÔNG chứ chẳng ai gọi chúng là CÁC CÀNH SÔNG vì tính mềm mại của các dòng sông suối. Vậy thôi!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây