Mách cho công an (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

3-8-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Như kỳ 2 đã nêu, trường đua Phú Thọ là khu đất cực rộng dành cho hoạt động thể thao. Diện tích 444.500m2 (44,5ha) ấy được bao bọc bởi 5 con đường hiện nay, gồm Lý Thường Kiệt, 3 Tháng 2, Lê Đại Hành, Lữ Gia, Nguyễn Thị Nhỏ trên địa bàn quận 11. Tôi đã có lần thử chạy xe máy ở cạnh dài nhất Lý Thường Kiệt, ngó đồng hồ đo cây số thấy gần 700m, những cạnh kia ngắn hơn chút nhưng cũng 400 – 500m.

Đắc địa nhất là 5 mặt tiền. Ở đô thị, tiêu chuẩn “mặt tiền” nhiều khi vô giá. Lại nhớ câu thành ngữ mới “nhà mặt phố, bố làm to” khi trai gái “tìm hiểu” thời bao cấp. Về sau thì bố to cũng không ăn thua bởi quan niệm đã thay đổi “5 yêu không có bà bô/6 yêu Văn Điển ông bô sắp về”, to chả là cái đinh gì. Hồi nào, người ta còn chế câu hát trong bài “Tiến về Sài Gòn” của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước) thành “Tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền. Tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật toooo”. Không ít quan to, đấng bậc, nhà này nhà nọ của bên thắng cuộc đã chia nhau nhà mặt tiền, nhất là biệt thự, có những căn mấy nghìn cây vàng, chứ đâu phải chỉ là con búp bê biết nhắm mắt mở mắt hoặc chiếc khung xe đạp của anh bộ đội. Ngay cả búp bê cũng phải mua, còn biệt thự thì biếu không hoặc hóa giá như cho.

Chính vì địa thế mặt tiền nên trường đua Phú Thọ gặp tai họa. Bao kẻ lăm le dòm ngó, xẻ thịt nó. Nhẽ ra cấp cao nhất là chính phủ (trung ương) phải ra quy định gìn giữ, bảo vệ bởi nó là nơi tốt nhất, thuận lợi thuận tiện nhất cho việc xây dựng một khu liên hợp thể dục thể thao hoành tráng bậc nhất Đông Nam Á với đủ cả sân bóng đá, bóng chuyền, đường đua xe, hồ bơi, nhà thi đấu… dư sức phục vụ những giải thể thao quốc tế và khu vực, thì họ lại ngó lơ, bỏ mặc, để đám lãnh đạo thành phố (địa phương) tự tung tự tác. Giờ thì người ta đang loay hoay tìm chỗ cho một công trình liên hợp thể thao ở quận 2 (TP Thủ Đức hiện nay) hoặc nơi nào đó xa tít tắp.

Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo tầm nhìn của họ chỉ đến thế thôi, họ nhìn xuống chân chứ có chịu dõi mắt ra xa bao giờ. Cứ ngó cái khu đất kim cương ấy tan nát, nhôm nhoam, chắp vá với vài tòa nhà thi đấu, cái hồ bơi, sân tennis, còn lại là nhà hàng, quán cà phê, quán nhậu, và nhất là những khối nhà cao tầng sừng sững, hoành tráng bao bọc gần hết mặt tiền mà thực sự giận dữ, buồn. Nhớ câu đề từ trong cuốn tiểu thuyết “Những con đường đói khát” của nhà văn Nam Mỹ Gorge Amado mà tôi được đọc hồi thập niên 60, “Đất hỡi, ngươi ăn gì mà quá khát; sao uống nhiều nước mắt, máu tươi”. Đất trường đua Phú Thọ và rất nhiều vùng đất ở nước này gần nửa thế kỷ qua đã vận vào câu ấy.

Ai muốn biết rõ những công trình ăn đất khu Phú Thọ thế nào cứ xách xe chạy 5 cạnh mặt tiền nói trên, rõ nhất là đường Lê Đại Hành, 3 Tháng 2. Đó không phải là những chung cư, nhà ở xã hội do nhà nước xây cho dân, bán cho dân mà đều thuộc các đại gia. Các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân muốn sử dụng đều phải mua, thuê với giá cực cao. Tài sản, tài nguyên của đất nước bị chiếm dụng, lọt vào túi kẻ tham là vậy.

Giờ công an mà rảnh cứ lật lại quá khứ, nhất là từ năm 2011, coi xem ông bà nào ở cái thành phố mang tên vàng này cầm quyền hồi ấy đã phê duyệt cho “chúng nó” chia năm xẻ bảy, xây cất trên đất vàng, đất kim cương. Thời ấy, Lê Thanh Hải làm bí thư, Lê Hoàng Quân làm chủ tịch. Cả cấp quận nữa, quận 11. Chả lòi ra cả đống. Lò nếu vẫn còn cháy thì sẽ thêm củi cho lò.

Một bác nhắn hỏi, thế có định nói gì về sân gôn Tân Sơn Nhất không, tôi nhắn lại, chỗ ấy, siêu công an cũng chả đụng được hoặc dám đụng, huống hồ công an.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây