Sách “Hơi thở trong bàn tay”: Những khoảng trời tuổi thơ thăm thẳm đẹp

Huệ Hương Hoàng

2-8-2024

LGT: Cô Huệ Hương Hoàng là cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An. Sau đây là bài bình luận của cô về cuốn sách dành cho tuổi thơ của tác giả Thái Hạo “Hơi thở trong bàn tay”.

Ảnh chụp bìa sách “Hơi thở trong bàn tay” của tác giả Thái Hạo

***

Thái Hạo viết trên Facebook rằng, cuốn sách với mong mỏi góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cho các em nhỏ. Nhưng tôi thấy, những gì mà cuốn sách mang đến cho người đọc không chỉ là sự trong sáng của tiếng Việt. Cuộc sống qua những trang sách như một dòng chảy, lặng lẽ thâm trầm mà tràn đầy những phù sa cảm xúc, bồi đắp nên những bờ bãi mướt xanh, hay nuôi dưỡng những bông lục bình tím ngát rực rỡ trôi lững lờ như những lữ khách trên dòng đời.

Cả cuốn sách có 47 cái tản văn, cái nào – theo tôi, cũng đều là những áng văn tuyệt vời, đều xứng đáng để trích dẫn cho sách giáo khoa môn văn phổ thông hay dùng làm ngữ liệu cho đề thi văn phổ thông. Gặp thường xuyên là những câu văn, đoạn văn được viết tinh tế, tài tình đến mức (theo tôi) chúng trở thành chuẩn mực của văn chương: “Những ngày cuối xuân, nắng ghé vội qua cửa kính nhìn người châm trà, làm một thoáng mật ong, rồi ra đi, trả lại ngày cho mây phủ mênh mang. Giục lòng một chuyến đi” (Tháng Ba).

Những quan sát sắc bén nhưng là cái sắc bén của con mắt trẻ thơ: “Cứ mỗi ngày lúc trời nhá nhem là hắn nhảy ra đi kiếm ăn, bằng một cú nhảy rất gọn. Không phải cú nhảy dữ dội của con ếch, cũng không giống một mũi tên vút gió trong dáng lao của con chẫu chàng, cóc nhảy từng bước, chậm rãi, khoan thai, vững chãi. Trong cái bước nhảy ấy có phong độ của bậc đại nhân, khoan thai mà dũng mãnh tự tại” (Con cóc).

“Tôi chụp một bức hình buổi sáng khi mặt trời vừa nhô và cỏ dưới chân ướt đầm sương. Ướt, và lạnh. Màu xanh của núi và màu hồng của ánh ban mai dát vào vách đá trắng, dâng lên một niềm cổ tích. Buồn, lặng, trong vắt” (Cao Bằng).

Một triết lý có hơi già dặn với tuổi học trò, nhưng cũng là cần thiết để nhắc nhở chúng về cách sống. Những cây cỏ dại, biết cái đầm lầy chết chóc nếu chúng tách rời nhau, nên đã đan kết lại. Mà con người, loài tự cho mình là loài duy nhất có khả năng tư duy lại sống “trên xứ sở này, như những hạt cơm nguội khô dần dưới nắng, quắt lại, rời rã, lăn lóc. Càng sống càng không thể dính kết, càng sống càng khô đi và rời nhau ra…” (Cỏ dại).

Một thái độ sống nhu thuận với thiên nhiên: “Dường như bão đã trở nên thân quen, chúng tôi chẳng thấy ai hờn oán gì, cứ bão qua là dựng nhà sửa bếp, là dọn vườn gom cây. Rồi… lại xanh tràn trong những khu vườn…” Và “Năm tháng cứ đi qua và mặt đất cứ hoang vu dần, lòng người hoang vu dần…Bao giờ mắt trẻ mới lại trong veo… với rừng xanh phồn sinh ngàn ngạt, với trời lộng thênh thang, với những rãnh nước trong chảy mềm trên những con đường đầy cỏ hiền dưới chân đi?” là câu hỏi để lại cho thế hệ tương lai.

Những ký ức tuổi thơ thật rõ nét, như một cuộn phim được bảo quản kỹ trong đáy tâm hồn: “Mùi thơm đã bốc lên từ khi cơm sôi, rồi nồng nàn lúc cơm chín. Mẹ cẩn thận bới ra một bát đầy, đặt lên bàn thờ. Mùi cơm mới quện với mùi nhang và cái không khí ngày mùa của thóc vàng, rơm vàng làm thành cả một tiết trời đọng mãi trong trí nhớ tuổi thơ.”

Và Thái Hạo lý giải về Cái Thiêng một cách tinh tế: “Xưa có lẽ vì năng suất thấp, quanh năm đói kém nên hạt thóc thành hạt vàng. Mùa màng đến, người nông dân mang lúa về nhà như mang một báu vật vô giá mà trời đất vời vợi đã ban cho. Lòng biết ơn, sự trân quý vô ngần hòa vào cuộc mưu sinh cơ cực đã khiến lòng người thuần hậu, rưng rưng. Cái Thiêng cũng ra đời từ đó… Cái cuộc sống nhọc nhằn nhưng thẳm sâu ấy đang dần mất đi. Ngày mùa đã mất đi, chỉ còn lúc thu hoạch…” (Cơm mới).

Có khi, một mảng màu khác biệt của cuộc sống đập vào mắt người văn. Đó là một xóm đạo đơn sơ mà trong lành, với lũ trẻ con lễ độ hiếm có thời nay, với bà già bán nước trầm mặc như trong cổ tích, với đôi vợ chồng chị nông dân làm cói mà cái hạnh phúc bình dị thấp thoáng trong tiếng nói cười buổi chong đèn làm ruộng… (Xóm đạo).

Hay một làng đạo khác, sau mấy chục năm trở lại, những đời người thì đã trôi rất xa, mà cói thì vẫn ngút tầm mắt, như thể những đổi thay của xã hội hiện đại chưa từng chảy qua ngôi làng này. Và ông chú ngày xưa chài lưới trên sông, nay đã già, được phân công trông coi nhà thờ xứ đạo, triết lý cuộc đời theo cái nhìn của Kinh Thánh (Ngọc Lẫm).

Có cái tản văn lại là một bài thơ tình, nóng rực như một lõi than, cũng như một hồ nước đóng băng vì nỗi buồn. Sao lại không thể nói với các em về tình yêu? Vì trong đời sống này, có gì đẹp hơn là tình yêu? Những câu văn đầy sự ẩn dụ bóng bẩy đẹp đẽ của đam mê và đau khổ: “Trong lò sưởi mùa đông, khói trắng vỡ ra trong nghẹn ngào tức tưởi. Than đỏ vặn mình, lửa một mình vượt cạn. Một tiếng chim lạc bầy trong núi sâu thảng thốt, ngọn lửa giật mình bùng lên trong nghi ngút trắng. Vỡ ra hơi ấm, cay nồng hương thảo mộc. Ngọn lửa trở về sau đêm lạnh đi hoang, mê mải kể những giật mình du thủ” (Thức dậy). Hay một thoáng ưu tư: “Mùa đông xứ Bắc nghiệt ngã, nhưng gây thương nhớ như thương nhớ một người tình lạnh lùng và kiêu hãnh trong đời không với được” (Nắng Hanh).

Thái Hạo có xu hướng lý giải về văn hóa như là sự kết nối cộng đồng, tình yêu quê hương xứ sở. Và những lý giải trở thành những câu chuyện văn chương đầy gợi cảm, gieo trong lòng người đọc tình yêu nỗi nhớ những cái gì mơ hồ mà thật, xưa cũ mà vẫn nguyên vẹn, xưa cũ và nguyên vẹn như cha ông vẫn còn trong những tế bào máu thịt của chúng ta. Làng Cóc là một câu chuyện rất thú vị và rất cuốn hút như thế – dù nó chỉ dài có ba trang. Hay “Nước Am đã nâng đỡ rất nhiều người nông dân thất học quê tôi, những người suốt đời cúi mặt trên đồng dưới bãi, làm họ chạm vào cái “sang trọng” và thanh cao mà bình dị. Ở đây có cái gì đã vượt lên trên những toan tính vụ lợi thường nhật để thưởng thức cuộc sống như những trưởng giả, mà không màu mè làm dáng… Nó khiến những người nông dân tưởng giản đơn mà bỗng thành bí mật quanh mình…

Đúng. Phải có điều gì sâu lắm trong hồn của một giống nòi đã neo nó lại giữa những đói nghèo cúi mặt, giữa những tàn phá và đau thương, giữa những cường bạo và dối lừa, giữa những vật đổi sao dời, suốt mấy trăm năm qua…” (Nước Am).

“Nhìn cuộc đời của một ngôi làng, nhìn những biến thiên thay hình đổi dạng mất mát bời bời ở Tào Sơn mới thấy hết cái mong manh của văn hóa…” (Làng May).

Hay “Tết không phải chỉ là một ngày tình cờ bịa đặt. Đó hẳn là cái thời khắc kỳ diệu của trời đất và lòng người. Hoa đào bỗng nở tràn trước sân, những luống rau ngày thường còi cọc bỗng mã mướt xanh. Cả thiên nhiên và con người đều nhuần nhị trong những bộ cánh xúng xính xuân thì” (Nhớ Tết).

Đôi khi, ký ức làm cho ta nhớ da diết, chỉ vì nó là ký ức của tuổi thơ. Nó đẹp, nó lung linh vì nó sống trong tâm hồn tuổi thơ trong trẻo, như cái hương vị của tách cà phê loãng trong truyện Cà phê. Và vì nó gắn với người mà ta yêu quý: “Bà tôi đã đi xa, gian bếp xưa cũng không còn nữa, chỉ có sương mù trong ngày đông giá, gọi mãi một mùi hương xưa cũ”.

Văn hóa thờ ông bà tổ tiên được tác giả kể lại một cách tỉ mỉ trong truyện Đi họ, tưởng có thể thay thế được cuốn Tục thờ cúng ông bà, mà vẫn đầy cuốn hút với rất nhiều cảm xúc của nhân vật chính. Với câu chuyện này, có khi cả trăm năm sau, người trẻ đọc vẫn có thể hứng thú mà phục hồi, nếu tục lệ cúng rằm, cúng tháng bảy lúc đó không còn nữa.

***

Nói về văn chương của Thái Hạo, không thể không quan tâm đến những bài phản biện thẳng thắn, công minh, sắc sảo và khoa học. Trong bài Bánh chưng, anh phê phán bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài: “Tôi thích cái nhìn sắc sảo và lối văn độc đáo của chị Hoài. Nhưng bài này thì không. Vì nó đầy thiên kiến và ác cảm… Bánh chưng không ghê tởm như chị Hoài mô tả. Nó được làm từ loại nếp ngon nhất, đãi từng hạt, ngâm trong loại nước tinh khiết và trong và sạch nhất. Nó được những người già vốn đầy lòng cung kính và nghiêm cẩn ngồi xếp bằng thong dong gói bằng thứ lá đẹp nhất sau khi đã cẩn thận lau chùi sạch sẽ, gấp xếp gọn gàng. Những công đoạn trước khi luộc bánh có thể gọi là một thứ nghi lễ, không hề tùy tiện, tuềnh toàng… Bánh chưng, ra đời từ đặc điểm của nền nông nghiệp lúa nước với sinh hoạt đặc thù của cư dân, và ngày nay… nó đã đã gắn với đời sống của dân tộc như một biểu tượng của tết, biểu tượng của sum họp, đầm ấm. Tôi không phải là “tín đồ” của bánh chưng, nhưng tôi yêu cái khí quyển quanh nó” Và “Ai cũng có quyền thích hay không thích, nhưng mô tả nó như một cái gì hủ lậu, ghê tởm nhân danh tiến bộ, là thiên kiến và áp đặt… anh không thể nhân danh để biến nó thành một thứ kinh tởm. Tự bản thân nó, nó trong sạch và thơm tho. Anh không thể ăn được bánh chưng, cũng như tôi không thể ăn được món bò bít tết đang chảy máu rười rười ra đĩa. Tôi có nên ghê tởm không khi anh bỏ miếng thịt đỏ lừ ấy vào miệng?”.

Tôi thích quá câu kết của bài này: “Văn minh không mâu thuẫn gì với tình người, với hơi ấm, với lúa gạo và mùi hương của quê nhà cả. Một dân tộc hùng cường không nhất thiết phải từ chối quá khứ của mình, cũng không phải nhất thiết biến mình thành một người khác. Cũng như Tết, vấn đề của Việt Nam không nằm ở chiếc bánh chưng…”

Câu chuyện môi trường là chủ đề mà Thái Hạo đau đáu quan tâm. “… ngoài cảnh thiên tạo mê đắm, Trúc Khóa còn có sự sống đã thành hồn cốt của con người với những nếp nhà thanh bình gửi mình giữa non nước biếc xanh. Nhưng. Phóng tầm mắt ra bốn bề núi đồi, giật mình, những lưng núi đang bị vạc phơi xương, xe cuốc, xe ben rầm rộ… Đau xót và phẫn nộ, chỉ biết úp mặt vào núi mà thét lên không thành tiếng…” (Trúc Khóa).

Con sông quê trong lành ôm ấp tuổi thơ của anh và những bạn bè giờ hôi thối, lờ đờ chảy trong rác, trong xác động vật thối rữa. Và tác giả đặt câu hỏi: “có bao nhiêu ngôi làng như thế, có bao nhiêu dòng sông tuổi thơ đang chết đi như thế trên khắp nước mình?” (Thương sông).

Có lẽ trong câu chuyện môi trường, Tiếng cuốc là truyện đặc sắc nhất, ám ảnh nhất. Bởi nó không chỉ nói về môi trường, nó không chỉ nói về tiếng kêu, quyền được kêu, được sống của một loài chim. Nó làm ta phải nhìn lại cuộc sống của chính mình: “Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, khi một giống loài đã phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi tình tìm nhau trong lau lách mù tăm” (Tiếng cuốc).

Quá trình đô thị hóa với những bất cập cho đời sống và văn hóa, cho những vùng quê và con người cũng được đặt ra. “Giá đất bỗng bị thổi lên, người nông dân cắt đất bán đi, mua xe, sửa nhà, sắm đồ… như con thằn lằn tự ăn chiếc đuôi của mình trong mùa đông giá rét” (Đồng hoang).

Và trong mấy ngày đi suốt Đà Nẵng, Huế để tìm một ngôi làng cổ không thấy, tác giả về quê để gặp lại “làng tôi”. Nhưng làng đâu còn. Cả cái tên cũng đã mất. “Cuộc săn lùng tiện nghi và lối sống đô thị nửa mùa đã đẩy làng vào một vùng trí nhớ xa xăm mù khơi nào đó trong những người già… bọn con cháu không có gì làm vốn liếng để mà hình dung nữa. Chúng không biết làng, dù vẫn sống ở nông thôn – một nông thôn nghèo, nhà cấp 4 lỏng chỏng lẫn với tiếng karaoke xập xình” (Tìm làng).

Nói về văn hóa truyền thống, Địa danh là một bài luận sắc sảo, để chính quyền đọc được chính quyền phải giật mình lưu tâm, thế hệ trẻ đọc được, chúng sẽ biết được trong di sản văn hóa của dân tộc có địa danh. “Nếu cổ vật có giá trị đặc biệt trong khảo cổ học để tìm hiểu về một thời đại, thì địa danh mang giá trị lịch sử tịnh tiến trải dài suốt thời gian tồn tại của nó, nếu cổ vật chỉ có thể trưng bày trong tủ kính, thì địa danh đi vào và sống cùng đời sống hàng ngày của cư dân”. Và “nhân danh lịch sử, có thể bỏ ra cả triệu đô để mua về một món cổ vật có tuổi đời chỉ khoảng một trăm năm, nhưng lại nhân danh kinh tế để có thể thản nhiên phá hủy vô số “cổ vật” có niên đại nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, là những địa danh. Hành xử đó rất cần được nhìn lại, thận trọng, và điều chỉnh” (Địa danh).

Cũng trong mạch văn nghị luận này, có bài Lệ làng, kể câu chuyện thời phong kiến, có ông lý trưởng bị quan trên về đánh cho đến ngất đi vì không thu đủ thuế, rồi cách chức. Sau đó chính quyền huyện tổ chức bầu lý trưởng mới mà không ai dám nhận. Vì hương ước làng có ghi: “Ai làm gì mà làng không đồng ý, làng không nhận. Ai mà làng không bầu ra, làng không theo”.

Rồi chuyện giáo dục thời xưa, nhà nước không cần quan tâm ai dạy gì, ai học gì, nhưng việc thi cử là rất nghiêm minh. Cứ theo đó mà bổ nhiệm người làm quan. Các thầy đồ, các trường tư thục cũng theo đó mà xác lập uy tín của mình. Như vậy, ngày nay, xét về tính dân chủ, hay về tinh thần cởi mở khai phóng trong giáo dục, có khi còn có chỗ không bằng xưa.

Văn chương là để tái hiện cuộc sống qua cái nhìn riêng biệt của tác giả. Mà cuộc sống, thì không gì khác hơn là ta và những con người xung quanh ta. Thái Hạo viết về ông, bà của mình, về rất nhiều những nhân vật đã có mặt trong tuổi thơ của anh, những con người cổ xưa mà đầy minh triết, với đời sống giản đơn và tràn đầy sức mạnh của lòng yêu thương (Bà tôi; Ông tôi…).

Thái Hạo viết về mẹ bằng những câu chữ, những tình tiết vô cùng giản dị, như lời kể của chính mẹ, nhưng từ cuộc đời của một người mẹ bình thường ấy, cho chúng ta thấy tâm hồn đơn sơ mà sâu sắc và cuộc đời đầy hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ Việt Nam. Thủa thanh xuân bà đi bộ đội, làm anh nuôi, nấu cơm và đi hái từng ngọn rau rừng, hay xin bà con dân bản thêm ngô sắn để độn thêm cho bộ đội đỡ đói. Rồi chiến tranh biên giới với Trung Quốc, đơn vị hành quân ra Bắc, trên những chiếc xe tải. Ra đến Lạng Sơn, “đêm nào ngủ cũng nghe báo động và vác súng chạy. Cứ chạy theo mọi người như mộng du thế thôi chứ chẳng biết đi đâu”. (Đọc câu này, mới thấy cái vô định, vô phương hướng và vô nghĩa của chiến tranh). Rồi mẹ về nhà, lấy chồng sinh con. Rồi bắt đầu một cuộc sống tần tảo, cho những đứa con của bà một tuổi thơ nơi quê nghèo trong trẻo và đầy niềm vui. Một ngày mới đây, người ta gọi bà gia nhập hội cựu chiến binh, và tặng cho bà một cái thẻ bảo hiểm y tế – Một đền đáp của xã hội cho một thời tuổi trẻ đã để lại nơi chiến trường. Nhưng “mẹ luôn nhắc những năm tháng bộ đội, mẹ nhắc những đau khổ và chết chóc, nhắc Hoàng Liên Sơn, nhắc những dãy núi cao và rừng sâu hun hút, mẹ kể những kỷ niệm với các cô các chú, kể đường đi và đường về…mẹ nhớ từng tên làng, từng ngọn núi, nhớ từng câu chuyện li ti nhỏ nhặt…” và vì thế “tôi có cảm giác những năm tháng trong quân ngũ ấy là đẹp nhất trong cuộc đời con gái của mẹ” (Mẹ tôi).

***

Dù cuộc sống thăng trầm dữ dội như tính cách của anh, Thái Hạo lại có cái nhìn trong trẻo lạ thường trong văn chương. Đó là khi anh viết về nữ sĩ Giáng Vân trong Vẽ sáng. Thái Hạo nhìn thấy trong tranh của chị ánh sáng, thứ ánh sáng “trong nốt lặng thời gian của người đàn bà đã yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng sương muối mặn”.

Và “Giáng Vân không phải là một người trẻ trong tranh, vì tuổi trẻ thì lạc quan trong khổ đau rã nát những bồng bột đến đi. Cơn bão đã đi qua, những cơn bão khác đang sinh nở nơi một chân trời chưa biết. Không phải một ngày nắng vàng phơi trải, không phải cuồng phong xô ngã…”. Là khi anh viết về một anh xích lô, nguyên là một học sinh trường chuyên, lẽ ra tương lai sán lạn, nhưng không dung hòa được với những bụi bặm ô nhiễm cuộc đời, cuối cùng vào chùa và viết nên những bài thơ đầy chất thiền minh triết (Phan Đạo).

Thái Hạo không trải qua chiến tranh. Nhưng với anh và tất cả chúng ta, chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong cuộc đời này. Câu chuyện của bạn anh, khiến người đọc không thể không trăn trở. Người bạn ấy có người chú đã hy sinh nơi chiến trường, mà hai mươi năm sau anh mới cùng cha anh vào thắp hương cho chú được một lần nơi nghĩa trang Trường Sơn – Quảng Trị.

Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng ông thắp hương được nơi mộ của người em mà dịp giỗ năm nào ông cũng khóc vì thương nhớ. “Lần ấy, chú hành quân vào Quảng Trị, đơn vị đi qua làng, chú xin phép và chạy tạt về nhà thăm bà. Chú dúi vào tay bà tờ tiền màu đỏ rồi vội cầm mấy củ khoai sống bỏ vào trong áo, và chạy đuổi theo đơn vị. Vừa chạy vừa ăn. Chú đói. Đó là lần cuối cùng cha nhìn thấy chú. Từ lần ấy chú không về nữa”.

Còn cha anh cũng từng vào sinh ra tử nơi chiến trường Bình Trị Thiên. Khi không còn sức để chiến đấu thì được phục viên. Ông về nhà, lấy vợ, sinh sáu đứa con. Rồi một lần nhà bị hỏa hoạn, cháy hết tài sản, cháy cả giấy tờ. Để đến những năm 1998 – 2000, khi nhà nước có chính sách làm chế độ cho thương bệnh binh. Theo lời khuyên của mọi người, ông làm lại giấy tờ để được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước.

Nhưng rồi, làm đi làm lại, chạy đi chạy lại mấy năm vẫn không được. Những người đã làm được nói nhỏ với ông “cần phải theo cơ chế”, vợ ông cũng bảo: “Hay là ta chi cho họ ít tiền“. Ông nổi giận: “Tau đi chiến đấu thật, đồng đội tau còn đó, xóm giềng còn đó, thân thể ốm yếu do ăn sương nằm đất còn đây, giờ bảo tau chạy giấy tờ, thế hóa ra tau bịa, tau mua à”? Rồi “Cha xé nát mớ giấy, ném vào lửa. Hỏa hoạn lần nữa trong đời cha”. Từ đó “Cha sống cô đơn, ra đi cô đơn – giữa một xã hội mà cha cũng không hiểu, cái xã hội mà cha và chú đã để lại một phần xương thịt”.

Thái Hạo cũng viết về những con người của thời đại văn minh với đời sống khó khăn tăm tối: Những công nhân trong nông trường cao su, hay viết về những trí thức, tài năng đức độ mà không thể vượt lên được những cơn gió chướng trái chiều của xã hội (Cô giáo).

Một góc văn chương, Thái Hạo dành để nói về triết lý sống của chính mình. “…Tôi trồng thêm sen… Những búp sen đua nhau nở sát chân cầu, từ chiều hôm trước tôi mang trà ra bỏ vào lòng sen, dùng lá sen gói lại, để qua đêm. Sớm mai thức dậy thật sớm, với tay hái lên và đun nước ngay trên cầu ao, pha trà giữa sương mờ giăng mắc…” Và “…tôi đã từng trải qua một giai đoạn “trà đạo” và “trà thiền” nghiêm mật và rất “đúng bài”. Đó là một trải nghiệm đẹp, sâu lắng, sẽ còn đọng mãi trong nội tâm mình. Nhưng tôi đã chọn bước ra, để sống một đời sống khác…”. Như Thoreau “Sau khi đã im lặng để cho “chim làm tổ trên đầu”, Thoreau trở ra như một luồng ánh sáng dữ dội có thể xuyên qua mọi bóng đen, viết Bất tuân dân sự trứ danh bên cạnh Một mình sống trong rừng đã trở thành kinh điển. Có một Dionysus say mê, cuồng nộ, đắm đuối với đời sống, bên cạnh một Apollo lý tính mẫu mực và đầy ánh sáng” Và Thái Hạo đã chọn “Lấy niềm vui làm mục đích sống”, một chọn lựa đúng đắn. Vì đời người, niềm vui đích thực chính là ánh sáng. Ánh sáng chính là sự thăng hoa tinh thần, vì lẽ đó, niềm vui đem đến sự tiến hóa của mỗi kiếp người (Chuyện trà)

Rồi anh viết về đời mình, với những cuộc thi tuyển dụng vào ngành giáo dục… Những câu chuyện này không phải để kể lể, chúng là để thế hệ con cháu nhìn ra, biết sống và hành động trong tương lai.

Kết thúc cuốn sách, là hai tự sự ngắn của anh: Nghệ thuật và Lười biếng. Một nói lên quan niệm của anh về Nghệ thuật. Nghệ thuật đích thực, dù nó diễn tả điều gì, luôn là để cứu rỗi cuộc sống: “Một vụ tự tử không có gì giống với một tác phẩm diễn tả sự tự tử”. Nó sẽ “không dẫn đến cái chết”. Minh chứng bằng việc anh ngẫu nhiên đọc tác phẩm Tự thú của văn hào Tonstoy, trong thời điểm mà anh đang “rơi vào một trạng thái bi quan thống thiết nhất”. Và “Một cơn đau dữ dội cuối cùng đã cân bằng lại đời sống”. Trải nghiệm và cái nhìn của Thái Hạo rất logic và khoa học. Điều này đúng với cơ thể vật lý, đúng với cơ thể tinh thần của chúng ta, và đúng với vạn vật: “Vật cùng tắc biến”.

Lười biếng là quyết định của tác giả: “Phải mất nửa đời để tập được sự lười biếng… Lười những đúng sai, đẹp xấu, lười những áo quần giày dép, lười những giữ gìn giao đãi, lười những còn mất đa đoan, lười những hờn giận đến đi…” để “bận buông mình vào mớ lau lách. Chân đồi trắng xóa…”

Anh đã chọn lười tức là buông. Buông không phải để yếm thế. Buông để sống với những niềm vui, với cái đẹp của cuộc đời, và để hướng tới những “cao vọng cho cuộc sống không rơi vào tầm thường vô nghĩa” (Ngọc Lẫm) .

Đọc ‘Hơi thở trong bàn tay’ của Thái Hạo, viết dành cho trẻ em, mà tôi đã không bỏ một dòng nào. Xin lỗi bạn đọc nếu như bài này dài quá. Vì trùm lên tất cả là một tâm hồn thật thanh cao và một tài năng văn chương đích thực.

Như trong bài viết trước, tôi đã viết: Hơi thở trong bàn tay đáng có trong tủ sách của mỗi học trò.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây