Trương Nhân Tuấn
11-7-2024
Trong một quốc gia, khi mọi sinh hoạt kinh tế, xã hội của mọi pháp nhân đều “bình đẳng như nhau trước pháp luật”, bất kể nhà nước, tổ chức, hiệp hội hay tư nhân, thì xã hội đó chắc chắn là một xã hội pháp trị và nền kinh tế đó đã có thể là nền kinh tế thị trường rồi. Bởi vì kinh tế thị trường chỉ có thể đặt nền trên một nhà nước trọng pháp (pháp trị).
Ta đã thấy tại các quốc gia EU, điển hình là nước Pháp, liên tục trong nhiều thập niên, các tập đoàn xí nghiệp “chiến lược”, kiểu điện, nước, gaz, hàng không, thông tin truyền thông, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, các kỹ nghệ quốc phòng… đều là xí nghiệp nhà nước. Không có gì ngăn cản nước Pháp là một quốc gia theo tư bản chủ nghĩa và có nền kinh tế thị trường vững chắc.
Điều cốt lõi của chế độ ở đây là mọi hoạt động (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…) đều tuân thủ theo pháp luật. Không có vụ ỷ lại “xí nghiệp nhà nước” thì được ưu đãi, hay “muốn làm gì thì làm”. Tức là “kinh tế đa thành phần mà bộ phận quốc doanh nắm phần chủ đạo” vẫn có thể được nhìn nhận là nền “kinh tế thị trường”.
Cái khó của nền kinh tế Việt Nam (để Mỹ nhìn nhận là kinh tế thị trường) là một bộ phận lớn các xí nghiệp nhà nước làm kinh tế với cây súng lận lưng.
Theo tôi thấy, với cây súng lận trong lưng, quân đội và công an “làm” kinh tế tới đâu, người dân trắng tay tới đó. Luật pháp, công lý là “cây súng”. Tài sản, đất đai ăn cướp, được “luật hóa”, gọi là “tài sản nhân dân”, là “đất quốc phòng”. Vụ đất Đồng Tâm, vừa giết người vừa cướp của, âm vang còn lồng lộng.
Việt Nam có nên giữ mãi nền kinh tế cầm súng hay không? Nếu vẫn còn thì đừng hy vọng Việt Nam sẽ “hội nhập”…