Phiếm và biếm: Bác sĩ khoa thần kinh

Quốc Anh

8-7-2024

Dạo này ông Thái biếng ăn, ngủ ít, quên quên nhớ nhớ, xem TV thấy cái gì cũng chướng tai, hay bức xúc. Bà vợ khuyên ông nên đi khám.

Ông Thái đến bệnh viện, bác sĩ nghe ông nói, chẳng nói chẳng rằng, viết vào phiếu khám bệnh: Chuyển khoa thần kinh.

Khoa thần kinh đông nghịt người, ông tìm mãi không có chỗ ngồi, mệt quá ông ra góc cột bệt xuống đất đợi.

Khoảng hai tiếng lúc người đã mệt rũ ra, rồi cũng đến lượt. Bác sĩ nói với ông:

– Cụ bị rối loạn tâm thần, dạng thường gặp liên quan đến ăn uống, môi trường, cụ về uống thuốc theo đơn, và chịu khó tập tành, nghĩ ít thôi, bây giờ cái gì cũng để ý đến thì có khi điên loạn cũng chẳng đùa.

Ông Thái nhìn cậu bác sĩ thấy có nét gì quen quen, liền hỏi:

– Tôi hỏi anh này khí không phải anh bỏ qua, anh có phải con trai ông giáo Lộc không?

Bác sĩ ngạc nhiên và nói:

– Cháu là con ông Lộc đây, hình như cụ là bạn bố cháu, cháu nhớ ra rồi, khi ông cháu còn sống, cụ thường đến chơi.

Bác sĩ xem đồng hồ đã gần 12 giờ, đứng dậy mở cửa ngó ra ngoài, không còn bệnh nhân nào đợi khám nữa, đóng cửa quay vào.

– Hết giờ khám rồi, con đưa cụ về nhà, trên đường đi hai cụ cháu mình nói chuyện.

Ngồi trên xe ô tô mát mẻ, cậu bác sĩ lại vui chuyện, ông Thái như khỏe hẳn ra. Bác sĩ bắt đầu:

– Con nói với cụ thế này, ở Việt Nam có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, con số này có thể cao hơn vì có rất nhiều người vì lý do này hay lý do khác không đi khám, đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Với tỷ lệ cứ 3 người có một người bị rối loạn tâm thần, cho nên đừng chủ quan, có thể bất kỳ ai cũng mắc căn bệnh này.

Một điều đáng quan tâm rối loạn tâm thần đang rơi vào nhóm có học vấn và địa vị cao trong xã hội chiếm một tỷ lệ tuyệt đối rất cao (tỷ lệ tính số người bị mắc trong cùng một nhóm). Để hiểu về tỷ lệ tương đối và tuyệt đối ta lấy ví dụ:

Con số 30% người (trong tất cả mọi người) bị mắc bệnh rối loạn tâm thần chính là tỷ lệ tương đối.

Tỷ lệ số người bị mắc bệnh trong một nhóm có cùng điều kiện làm việc (đại biểu Quốc hội, cán bộ công đoàn, mặt trận …) hoặc có địa vị kinh tế, chính trị (có chức, có quyền, có tiền) trên tổng số người trong nhóm gọi là tỷ lệ tuyệt đối.

Nếu xét về tỷ lệ tuyệt đối của những người mắc bệnh rối loạn tâm thần nó không phải là con số 30%, đó là con số rất cao có thể đến 80-90%, đặc biệt trong một số trường hợp cụ thể có thể đến 100% bị mắc trong một số nhóm.

Để biết thế nào là những người bị mắc bệnh rối loạn tâm thần, có 14 biểu hiện, trong đó có những biểu hiện đáng chú ý sau đây:

– RỐI LOẠN NHÂN CÁCH: Những người có những hành động cực đoan gây cản trở xã hội, phiền nhiễu cho người khác nhưng luôn ngụy biện, luôn giải thích vòng vo, và khi không thể giải thích được nữa thì lật mặt tráo trở, dùng quyền lực để trấn áp, cả chị lấp miệng vú em… đã thế còn lên mặt rao giảng đạo đức, tấm gương này nọ…

Rối loạn nhân cách rõ ràng thường rơi vào những người có địa vị, có chức quyền và chức quyền địa vị càng cao càng dễ mắc, bệnh càng nặng.

– RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ: Những người được giao nhiệm vụ, có chức trách quyền hạn nhưng luôn thấy lo lắng việc mình làm bị sai, bị nhòm ngó không dám từ bỏ công việc, cũng không dám chống lại, ngồi ỳ ra đấy…

Những người này khác với những người biết sai, biết phạm pháp là tội ác nhưng vì lợi ích vẫn cứ làm, họ không bị mắc bệnh rối loạn tâm thần…

Biểu hiện của loại rối loạn này thường tập trung vào những người có địa vị, quyền lực trực tiếp giải quyết trong công việc, nó phổ biến ở cán bộ, công chức, viên chức…

RỐI LOẠN PHÂN LY: Đây gọi là rối loạn đa nhân cách, tức là họ giống như con tắc kè đổi màu, gió chiều nào, che chiều ấy, mũ nỉ che tai, ngậm miệng ăn tiền, thứ nhất im lặng, thứ nhì đồng ý… Biểu hiện này từ hai nguyên nhân:

– Bản năng tồn tại: Có như thế mới có cái đút vào mồm, theo voi ăn bã mía.

– Bản năng sợ hãi, vì nói ra không cẩn thận bị quy chụp, mất đoàn kết, mất quan điểm, lập trường… bị kỷ luật, không thăng tiến được là nồi cơm sẽ vơi đi.

Sống như thế nó rất căng thẳng không bị rối loạn tâm thần mới lạ. Cái này nó nguy hiểm cho cá nhân họ thì ít mà cho xã hội cực kỳ lớn.

Số đông những người này thường là các đại biểu của dân, trong các tổ chức đoàn thể xã hội như Mặt trận, Công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Theo ngành y chúng cháu xét về biểu hiện lâm sàng có khi phải chiếm đến 80-90% theo tỷ lệ tuyệt đối.

RỐI LOẠN GIẢ TẠO: Cái này nó tinh vi và phức tạp hơn, vì người bệnh cố tạo ra, kịch tính hoá có khi vô thức, hoặc chủ động, nhưng việc làm và hành động của họ khác bình thường, mục đích đánh lừa dư luận dẫn dắt định hướng dư luận để che bịt sự thật… mới ban đầu không sao, nhưng sống mãi trong môi trường giả tạo, lường gạt thành quen đến khi lừa gạt, giả tạo ngay cả với chính mình, với người thân sẽ trở thành người mắc căn bệnh rối loạn tâm thần.

Theo thống kê, tỷ lệ những người mắc rối loạn giả tạo thường rơi vào những người làm việc trong môi trường quản lý về văn hoá, nghệ thuật, tuyên giáo…

Ông Thái nghe đến đây choáng thật sự, những người có kiến thức xã hội, hiểu biết theo lăng kính chính trị vứt đi hết, cần phải mổ xẻ bằng kiến thức y học mới sáng mắt ra được.

Ông hỏi:

– Theo cậu, đây có phải căn bệnh xã hội có tính quốc gia hay không?

Cậu bác sĩ nghĩ một lúc, trả lời:

– Để trả lời câu hỏi này cần phải có một đề tài quốc gia một cách nghiêm túc, không cẩn thận họ lại liệt mình vào rối loạn tâm thần.

Cái nguy hiểm mình bảo họ là rối loạn tâm thần, nhưng họ lại không nhận ra điều đó và cứ thế cả một xã hội toàn những kẻ rối loạn tâm thần sống với nhau…

Có một cụ nghe con nói chuyện, hỏi: Có khi nào anh nghĩ mình cũng bị rối loạn tâm thần không?

Con nghĩ: Xung quanh mình toàn kẻ rối loạn tâm thần, mình vẫn phải sống chung với họ, thậm chí bị họ chỉ đạo, dẫn dắt, vẫn phải phục tùng thì cũng là kẻ rối loạn tâm thần.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có những kẻ ngỡ rằng mình là nhà tư tưởng, cho xuất bản hết sách này đến sách nọ toàn nói về những chuyện dai ngoách, vô bổ như cái gân gà, tốn tiền của in ấn giấy má nhưng lại bắt lũ tay chân tung hứng rầm rầm, thì là thuộc loại rối loạn tâm thần gì ạ.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây