Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ

Đỗ Kim Thêm

22-6-2024

Ảnh Hội nghị thương đỉnh Thuỵ Sĩ, nguồn: Picture alliance/ AP/ Laurent Cipriani

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Bürgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2024 được coi là một thành công khiêm nhường cho Ukraine. 80 nước đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa đấu tranh của Ukraine, nhưng tiếp tục phát huy thành quả này sẽ là không chắc chắn.

Bối cảnh

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, quân đội Nga xâm lăng Ukraine, hiện chiếm giữ một số khu vực ở đông nam và còn đang tiếp tục tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng khác.

Từ đầu năm 2023, chiến sự ở tiền tuyến hầu như không có những chuyển biến nào đáng kể mà trở thành việc tranh giành các vị trí chiến lược, gây nhiều tiêu hao cho hai bên.

Cho đến nay, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn và cộng đồng quốc tế đã bắt đầu thảo luận về nhu cầu tái thiết hậu chiến cho Ukraine.

Nhưng diễn biến gần đây nhất là cuộc họp tại Bürgenstock, Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2024, được mệnh danh là hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine. Nhằm mục đích tạo ra bước mở đường hướng tới một nền hòa bình lâu dài, lần đầu tiên, một cuộc họp với 100 phái đoàn thuộc các nước tham gia. Vì Nga không có mặt, nên hội nghị chỉ đạt được những thành công khiêm nhường và các diễn tiến trong tương lai rất khó tiên đoán.

Mục tiêu

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Bürgenstock, Thuỵ Sĩ không nhằm đạt được một thoả thuận cụ thể nào. Mục tiêu chính của Ukraine là muốn giành thắng lợi chính trị của nhiều quốc gia thuộc Nam bán cầu, mà cho đến nay thái độ chính thức là trung lập. Đã đến lúc, các nước này cũng muốn tìm cách gia tăng áp lực Nga tham gia hội nghị, tạo cơ sở cho việc đàm phán.

Cộng đồng quốc tế luôn chủ trương, giải pháp cho chiến tranh Ukraine không bao giờ dựa trên thành tích của bạo lực súng đạn mà phải thông qua phương sách ngoại giao. Nhưng với một cuộc chiến tranh toàn diện làm phương tiện khởi đầu, Vladimir Putin đã công nhiên bác bỏ mọi giải pháp ngoại giao. Do đó, cộng đồng thế giới thấy rằng cần thống nhất cách đối phó trước các thách thức nghiêm trọng này.

Trước tình thế mới, vào ngày 6 tháng 6 năm 2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky đề ra kế hoạch mười điểm cho các cuộc hòa đàm, đòi hỏi chính là quân đội Nga phải hoàn toàn rút khỏi Ukraine, kể cả khỏi bán đảo Crimea. Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và bồi thường.

Vì những yêu cầu này của Ukraine chỉ được các nước đồng minh thân cận ủng hộ, nên những người khởi xướng hội nghị Thuỹ Sĩ cho rằng chỉ nên tập trung vào ba điểm chính ít gây tranh cãi và dễ thực thi hơn.

Một là vấn đề an ninh hạt nhân. Hiện nay Nga kiểm soát một nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhia. Hai là việc trao đổi tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em bị trục xuất bất hợp pháp khỏi Ukraine. Ba là là tìm cách bảo đảm nguồn cung lương thực thế giới thông qua xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Thụy Sĩ: Địa điểm hội nghị

Đối với Ukraine, Thụy Sĩ có thuận lợi với vị thế trung lập. Trong cuộc chiến, Thụy Sĩ tuyệt nhiên không viện trợ vũ khí hoặc đạn dược cho Ukraine mà chỉ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, cung cấp viện trợ nhân đạo, tiếp nhận người tỵ nạn và tài trợ cho các công trình tái thiết hậu chiến với kinh phí khoảng 5,1 tỷ euro. Đó cũng là tất cả các lý do mà Ukraine yêu cầu Thuỵ Sĩ đứng ra tổ chức hội nghị này.

Thành phần tham gia

Hơn 160 phái đoàn được mời, bao gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và đại diện các tôn giáo. Tổng cộng có các phái đoàn từ 100 quốc gia và tổ chức có mặt.

Nga không được mời tham gia. Để biện minh cho quyết định này, Zelensky cho rằng, trong cuộc hòa đàm vào mùa xuân năm 2022, Nga chưa bao giờ tỏ ra nghiêm túc đàm phán và không chịu nhượng bộ những yêu cầu tối đa. Do đó, thái độ của Nga là không đáng tin cậy và đã gây ra nhiều thất bại.

Nhiều chính trị gia phương Tây hy vọng, Bắc Kinh sẽ gây áp lực lên đồng minh Nga để chấm dứt chiến tranh. Nếu Trung Quốc tham gia hội nghị, có thể đó là một dấu hiệu bày tỏ thiện chí. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc cũng không gởi đại diện tới hội nghị Thụy Sĩ.

Quan điểm của Nga

Trước cuộc họp thượng đỉnh Thụy Sĩ, đài truyền hình trực thuộc điện Kremlin đưa tin chi tiết về việc các nguyên thủ quốc gia từ chối tham dự, lại còn tuyên truyền sự kiện này là “Cuộc khiêu vũ của những tên Satan”. Nga nhấn mạnh rằng, nếu được mời, Vladimir Putin cũng sẽ không tham dự.

Đồng thời, Nga cố tìm cách tung tin giả mạo, thí dụ như nhiệm kỳ của Zelensky đã hết nên không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine. Ngoài ra, Nga và Ukraine đã đồng thuận về một hòa ước vào mùa xuân năm 2022 và Nga có thiện chí sẵn sàng ngừng bắn, nhưng Ukraine luôn từ chối.

Ngay trước khi hội nghị bắt đầu, Putin công bố các điều kiện chính cho hòa đàm: Quân Ukraine phải hoàn toàn rút khỏi các khu vực Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhia, vì đây là các khu vực của riêng Nga – cũng như Crimea, nơi đã được Nga sáp nhập từ năm 2014. Các nước phương Tây bác bỏ yêu cầu này của Putin, vì cho rằng “hòa bình chỉ do Putin quyết định”.

Thực tế ngược lại, cho đến nay, quân đội Nga chỉ kiểm soát được một phần trong các khu vực này.

Sau hội nghị, Nga đã có phản ứng rằng, sẽ liên hệ với các quốc gia hợp tác với Ukraine và ký tuyên bố tại Thụy Sĩ để giải quyết. Đây có phải là mối đe dọa đối với Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia không, hiện nay vẫn chưa rõ.

Kết quả hội nghị

Như đã tiên liệu, không có một giải pháp cụ thể nào để chấm dứt chiến tranh Ukraine được công bố sau hội nghị. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị cũng không lên án Nga về vụ tấn công Ukraine mà chỉ tái khẳng định “các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine”.

Tuy nhiên, một số cường quốc kinh tế đã từ chối ký Tuyên bố chung là Brazil, Mexico, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Ấn Độ và Indonesia vì họ muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga. Armenia, Bahrain, Thái Lan, Libya và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Colombia và Vatican cũng không tham gia đầu phiếu.

Lời tuyên bố xác minh gồm ba đỉểm chính. Một là, mọi hoạt động sử dụng năng lượng hạt nhân và cơ sở hạt nhân phải an toàn, bảo mật, được giám sát và thân thiện với môi trường. Các cơ sở hạt nhân của Ukraine sẽ phải hoạt động an toàn và bảo đảm dưới sự kiểm soát của Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), được đặt dưới sự giám sát của cơ quan này.

Hai là, vấn đề an ninh lương thực không được sử dụng làm một loại vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, phải có vận tải thương mại tự do, an toàn và khả năng tiếp cận tại các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov.

Cuối cùng, tất cả các tù binh chiến tranh sẽ được trả tự do thông qua lịch trình trao đổi. Tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc và di dời bất hợp pháp, cũng như tất cả thường dân Ukraine khác bị giam giữ bất hợp pháp phải được trả về Ukraine.

Lời tuyên bố này còn nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên là cần thiết để đạt được hòa bình”; do đó, cũng nên được hiểu là, ngầm ủng hộ Nga tham gia các cuộc tham vấn trong tương lai, nhưng không cập đến việc tổ chức cuộc hội nghị tiếp theo.

Thách thức còn lại

Sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, đã đồng ý “làm việc trong các nhóm đặc biệt sau hội nghị về những ý tưởng đề xuất và sự phát triển cụ thể để có thể khôi phục nền an ninh ở nhiều khía cạnh khác nhau”. Khi “kế hoạch hành động vì hòa bình” được thực hiện, con đường dẫn tới hội nghị lần thứ hai sẽ rộng mở.

Như một điều kiện khởi đầu cho hòa đàm, Zelensky kêu gọi Nga rút khỏi lãnh thổ hợp pháp của Ukraine. Sau đó, các cuộc đàm phán với Nga có thể bắt đầu.

Kết quả

Nhìn chung, với số lượng các quốc gia tham gia và nội dung tuyên bố, hội nghị Thuỵ Sĩ là bước đầu tiên rất chậm hướng tới việc xây dựng hòa bình cho Ukraine.

Ngay cả Ukraine cũng không xem cuộc họp thượng đỉnh này thành công vượt bực. Tương tự như vậy, các nhà quan sát độc lập cũng nhận định, kết quả đạt được không nhiều hơn mức tối thiểu.

Điểm tích cực nhất là, 80 quốc gia lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và mong muốn hòa bình cho Ukraine trên cơ sở của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Ngược lại với các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, nơi chỉ có các đại sứ có liên hệ; nhưng lần này, ở hội nghị Thụy Sĩ, các tổng thống và các nhà lãnh đạo khác đã thể hiện quan điểm ủng hộ công khai Ukraine bằng sự hiện diện của họ. Khi làm như vậy, Ukraine đã đặt ra được những giới hạn nhất định mà không còn ai có thể phủ nhận.

Nhưng liệu Nga có đồng ý tham gia hòa đàm hay không và với điều kiện nào, là vấn đề then chốt. Tình hình chung cho thấy, con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine, vì nhiều lý do khác nhau, thực sự vẫn còn rất xa vời và không ai có thể xác định được tương lai.

__________

Bài liên quan: Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiếnChiến tranh Nga-Ukraine: Hiện tình, nguyên nhân, giải pháp và lịch sửKỷ niệm hai năm ngày Nga xâm lược Ukraine: Hiện trạng và triển vọngKỷ niệm 10 năm ngày Nga sáp nhập Crimea (18/3/2014 — 18/3/2024)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine hiện nay, các cuộc tấn công và phản công không làm thay đổi nhiều ở tiền tuyến. Phương Tây hy vọng là lòng dũng cảm của Ukraine và vũ khí phương Tây có thể làm cho Nga bị đẩy lui cũng như đạt được một lệnh ngừng bắn, đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập Liên Âu và nhận được sự bảo đảm an ninh từ phương Tây. Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò xây dựng trong các cuộc đàm phán, vì Bắc Kinh đã nhấn mạnh “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”. Trung Quốc nên nhớ rằng, khi chiều lòng Nga, tinh thần đạo đức giả này góp phần làm cho tình hình nghiêm trọng hơn và chiến tranh sẽ xảy ra. Hiện nay, trong cách đối xử với Nga, Trung Quốc đang lặp lại sai lầm đó như trước thời Đệ Nhất Thế chiến, khi Đức ủng hộ cho Đế Quốc Áo – Hung.
    Nhiều chuyên gia của Trung Quốc cũng cho rằng chiến tranh Đài Loan có nhiều khả năng xảy ra trong thời gian tới. Do đó, tình hình chung sẽ rối rắm cho Ukraine và Đài Loan. Nhưng yếu tố quan trọng quyết định cho tương lai sẽ là kết quả cuộc bầu cử Thống thống Mỹ vào tháng 11 này

  2. Ukraina có chính nghĩa nhưng quá yếu, trước một tên sâm lăng tàn bạo bất chấp tất cả, chiến tranh còn kéo dài hy vọng Ukraina đứng vững.

  3. Bên có chính nghĩa thì quá yếu, kẻ sâm lăng thì bất chấp, chiến tranh còn kéo dài hy vọng Ukraina đứng vững.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây