Biếm: Vợ nhà báo cách mạng

Quốc Anh

22-6-2024

Có một cặp vợ chồng sống với nhau có vẻ rất hạnh phúc. Anh chồng làm nhà báo, dĩ nhiên là làm cho báo nhà nước.

Thời kỳ chưa mở cửa dân nhà báo nghèo, sống lay lắt nên mới có câu thơ “Nhà văn, nhà báo, nhà đài/ Nhà nào cũng có, nhà ở thì không”.

Cô vợ thấy thế ca cẩm: “Biết thế này tôi chẳng lấy nhà báo cách mạng. Báo gì mà viết khô khan làm giấy vệ sinh không đáng, ai nó đọc, làm gì mà không nghèo”.

Anh chồng nghe thấy tức lắm, tím hết cả mặt. Cái dân có tí chữ trong đầu nó chịu nhục tốt, vả lại con vợ nó nói có phần đúng nên ngậm tăm không phản ứng lại.

Rồi thời “mở cửa” đến, gọi là “mở cửa” cho sang, thực chất tự mình trói mình, tự giam hãm mình vì hai chữ “cách mạng” nay phá cũi sổ lồng thoát ra cũng là một cuộc cách mạng.

Nên hiểu “báo chí cách mạng” như thế sẽ không còn nghèo đói nữa, anh chồng nghĩ như thế.

Con vợ mình nó bảo, báo viết khô, không đáng làm giấy chùi đít thì cách nào làm cho nó ướt? Báo chí phải gắn với hiện thực, hiện thực là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu khai thác nó, lấy tâm lý người đọc ra mà viết thì chẳng mấy chốc mà giàu.

Anh chồng đem ý nghĩ này nói với Tổng biên tập. Ông Tổng biên tập nghe xong tâm đắc, khen “Đấy mới là cách mạng” và giao cho anh ta tiến hành cuộc cách mạng trong toà báo.

Nhận nhiệm vụ mới anh chồng phấn khởi lắm về khoe với vợ, rồi hỏi: Làm thế nào cho hết khô khan? Cô vợ cười ngặt nghẽo nói:

– Làm cho sướng thì có mà ướt hết cả đũng quần, có thể mà cũng hỏi.

Độc giả người ta thích các chuyện giật gân, chuyện thâm cung bí sử, chuyện đời tư của giới văn nghệ, của quan chức, chuyện ân oán giang hồ, chuyện trai trên gái dưới… cứ đẻ ra mấy cái chuyên mục, mấy cái phụ trương… đại loại như thế là ướt hết. Báo có người đọc sẽ có doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thế là có tiền – cách mạng gì thì cũng phải nuôi được cái mồm, theo cách mạng mà đói nghèo chỉ có thằng dở hơi.

Anh chồng nghe xong choáng, đúng là cách mạng là sự nghiệp trong quần chúng, đến cái con quạ nhà mình cũng trở thành nhà cách mạng, có gì cao sang mà độc quyền hả các bố.

Và một cuộc cách mạng thực sự đã diễn ra trong toà báo, chuyện trên trời dưới đất, buôn gian bán lậu, cướp, hiếp giết, đời tư của đủ hạng người nhất là giới Showbiz được đăng tải, số lượng người xem và truy cập từ vài nghìn nay đến hàng chục triệu.

Các doanh nghiệp vì thế đua nhau chạy đến ký hợp đồng quảng cáo. Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng quảng cáo, cho đăng hết miễn có tiền.

Cuộc sống của vợ chồng nhà báo trở nên khá giả, cô vợ có tí quần áo, son phấn, ngày càng nõn nà, đêm đến nó thủ thỉ: Bây giờ đã hết khô chưa.

Thế rồi không biết nó học ở đâu, hay thiên bẩm của một nhà cách mạng nó nghiêm mặt:

– Làm cách mạng với nhà cách mạng là hai cái khác nhau. Muốn làm cách mạng, ta phải là nhà cách mạng.

Mấy cái trò đánh vào thị hiếu tầm thường là cuộc cách mạng “cơm áo, gạo tiền” nhưng muốn bền vững vẫn phải định hướng quần chúng, mấy thứ quang vinh, vĩ đại, vì dân, vì nước, tấm gương này nọ vẫn phải quán triệt đấy…

Anh chồng đến đây động vào chỗ ngứa, tự ái nói:

– Làm cách mạng thì tôi kém, nhưng tư chất của tôi là nhà cách mạng, cô không phải dạy đĩ vén váy.

Vừa rồi “Chuyến bay giải cứu” có bài “Bay vào tâm dịch đưa kiều bào về nước”, Vụ test kit đều có bài đăng nói về sự quan tâm của đảng, nhà nước, nêu gương những cán bộ đảng viên hết lòng vì nhân dân… Ngoài ra, những lời vàng ý ngọc chỉ đạo của lãnh đạo đều được đăng trên trang nhất… Rồi có cả một chuyên mục “phản bác quan điểm sai trái của thế lực thù địch” … Như thế đã là báo chí cách mạng chưa?

Mấy năm sau, vu “Chuyến bay giải cứu”, vụ test kit bung bét, một loạt lãnh đạo từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội… bộ trưởng này, ủy viên bộ chính trị kia, tha hoá biến chất, cô vợ nhà báo nói với anh chồng:

– Anh đã thấy chưa, làm cách mạng thì dễ, làm người cách mạng không dễ đâu, tìm nhà cách mạng bây giờ khó hơn tìm kim đáy biển.

Các anh nói “Báo chí cách mạng” nhưng chẳng hiểu gì về cách mạng, nhà cách mạng. Nhà cách mạng mà không đem đến cơm áo gạo tiền, sung sướng thì làm cách mạng làm cái đếch gì.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Báo bây giờ in ra không ai đọc, cái sự ấy đã rõ rồi, chẳng cần bàn đến nữa.
    Báo làm giấy chùi đít cũng khõng xong. Vì để làm việc ấy người ta đã có loại giấy riêng mềm mại thơm tho.
    Báo dùng để gói này gói nọ cũng không được, vì đã có túi ni lon, có hộp bìa in xanh đỏ tím vàng làm việc ấy.
    Báo ấy mang ra đốt lại làm ô nhiễm môi trường.
    Chỉ còn mỗi việc là báo in xong, còn chưa ráo mực, được dưa về nhà máy giấy, nghiền ra thành bột, tẩy trắng, rồi dùng bột ấy làm ra giấy in báo.
    Cái chu kỳ luẩn quẩn ấy, tự nó không chạy được mà người ta phải đổ tiền đỏ sức, hao tâm tổn trí để thúc cho nó chạy.
    Để làm gì ? Chỉ có giời mới biết.

  2. Hằng đêm, cô vợ vẫn được làm ướt, làm sướng.
    Cái sự sướng ấy nó có từ lâu lẩu lầu lâu rồi. Có cần phải cách mạng mới được sướng đâu.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây