Vũ Ngọc Tiến
20-6-2024
Mấy năm gần đây cơ quan tôi có quan hệ làm ăn với nhiều công ty bên kia biên giới. Phòng kinh doanh duy nhất có tôi từng du học ở Vũ Hán – Trung Quốc nên mặc nhiên được sếp tin tưởng giao việc liên lạc giữa đôi bên đối tác. Mỗi lần tôi có việc sang Trung Quốc công tác vào mùa rét, bà xã đều cẩn thận gấp chiếc áo blu-dông lông thú vào va ly hành lý cho chồng mang theo. Chiếc áo là quà của nàng mua tặng tôi trong chuyến đi công tác ở Bắc Âu. Nền áo là vải sợi pha len đắt tiền màu xám tro. Cổ áo, ngực áo và cửa tay có đính các mảng lông chồn màu trắng xen lẫn màu nâu đen rất nổi. Nếu trời lạnh, tôi khoác thêm chiếc áo bành tô dạ màu cà phê sữa bên ngoài đủ ấm rực người. Nhiều lần dự tiệc với các bạn hàng ở Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu… mọi người thấy tôi cởi áo bành tô đều trầm trồ khen ngợi chiếc áo blu-dông lông thú vừa sang lại vừa đẹp làm tôi trẻ ra dăm tuổi. Những lúc ấy, tôi có chút hãnh diện về món quà vợ tặng, thầm khen nàng có mắt thẩm mỹ tinh tường.
Lần ấy đi Quảng Châu, anh bạn Trương Lợi Sinh ở Tập đoàn May mặc Hưng Quảng nhiệt tình dẫn tôi đi thăm thú nhiều nơi: công viên văn hóa bên bờ sông Châu Giang, nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, các siêu thị lớn, và lên lầu kính tầng thứ 63 của khách sạn Bạch Vân uống rượu Mao Đài, ngắm toàn cảnh thành phố, cứ sau 45 phút cả tầng lầu sẽ xoay hết một vòng…
Nhớ lời vợ dặn, tôi vẫn luôn miệng nhắc lão bản Trương là muốn đi thăm ngôi chùa trên núi Bạch Vân có Thiền ni Từ Đàm viết nhiều sách biện giải về Phật pháp mà nàng ngưỡng mộ. Lão bản Trương là người điềm đạm, tế nhị, nghe tôi thúc giục cứ nheo mắt, mỉm cười nhỏ nhẹ đáp:
– Đừng vội. Thư thả vài ngày nữa là ngày rằm hẵng hay. Ta lên chùa phải khởi hành thật sớm trước lúc bình minh để kịp ngắm cảnh mới là tuyệt thú. Sau đó, khoảng giờ Thìn ta vào nhà thuyết pháp xem các đệ tử tụng kinh và nghe Thiền ni Từ Đàm thuyết pháp.
– Đệ tử đến chùa nghe giảng đạo có đông không?
– Đông lắm! Ngày rằm nào cũng vậy, đệ tử khắp nơi kéo về tụ tập ở chùa hàng vài trăm người dâng hương, niệm Phật và nghe giảng đạo.
– Nếu vậy ngày mười tư tôi sẽ không uống rượu để hôm sau lên chùa thật sớm.
– Phải thành tâm ăn chay kiêng cả chuyện với đàn bà nữa… Lão bản Trương cười ngả ngớn, vỗ vai tôi nói.
Bữa tối trước ngày lên chùa, lão bản Trương mời tôi đến quán ăn nổi tiếng ở tầng trệt của tiệm cao lâu Mai Hoa Thôn bên bờ Châu Giang thưởng thức những món chay độc đáo của người Lưỡng Quảng, nghe những bài đạo ca du dương, thấm đẫm giáo lý nhà Phật. Sáng, tôi dậy từ lúc năm giờ đã thấy lão bản Trương ngồi uống trà hoàng cúc, chờ mình ở sảnh khách sạn.
Tiết trời Quảng Châu vào cuối thu chớm sang đông nên khá lạnh. Tôi mặc chiếc áo blu-dông lông thú, khoác bên ngoài chiếc áo gió bằng vải simili màu be. Lão bản Trương thoáng chút e ngại nhưng sau vài phút phân vân, anh quay lại nhìn tôi kỹ hơn rồi gật đầu “hảo hảo”, kéo tôi ra cổng.
Xe ô tô đưa chúng tôi bon bon trên đường ra ngoại ô thành phố, hai bên là những hàng cây phong lá đỏ. Xa xa núi Bạch Vân mọc lên cô độc giữa bao la đồng lúa, dân gian quen gọi là núi sót, còn khoa học địa chất gọi đó là cấu tạo sót trong kỷ Mezozoi phổ biến ở vùng Hoa Nam. Xe dừng lại ở chân núi và chúng tôi phải leo dốc, chặng đường thử thách các đệ tử và khách thập phương bởi 999 bậc đá để lên một rừng thông bằng phẳng, nghe nói rộng chừng 100 mẫu.
Những cây thông cổ thụ gốc hai, ba người ôm được trồng theo hàng lối thẳng tắp. Tiếng thông reo trong gió bấc đầu mùa như bản đàn du dương bất tận. Từng đàn chim trĩ đuôi dài nửa mét, sắc màu rực rỡ, nhởn nhơ bay lượn, ca hót líu lo. Chúng rất dạn người, có con bay đến gần tôi đập cánh sà xuống mặt đất, nhảy từng bước một, như cô gái trong xiêm y vũ hội diêm dúa, mời chào tôi vào điệu tăng gô.
Người đi chùa đông như trẩy hội dưới ánh bình minh vừa ló rạng. Họ thận trọng bước đi dè dặt, né tránh từng ngọn cỏ non, từng con kiến nhỏ.
Ngôi chùa nằm trong khuôn viên bao bọc bởi hàng cây dâm bụt lá to hoa vàng, nhưng hoa nhỏ hơn hoa dâm bụt đỏ ở các ngôi chùa làng Việt Nam. Cổng tam quan đi vào sân chùa xây bằng đá hoa cương, có hai tầng mái cong lợp ngói hoàng lưu ly. Sân chùa lát gạch sứ lá dừa tráng men màu lục, bày la liệt các chậu cây uốn tỉa công phu thành các con long-ly-quy-phượng. Hai bên là hai dãy nhà chín gian khung gỗ, lợp ngói thanh lưu ly để khách thập phương ngồi chờ làm lễ. Điện thờ là ngôi nhà gỗ lớn, thiết kế theo kiểu các ngôi chùa cổ thường gặp vùng Triều Dương miền Triết Giang. Các cột gỗ lớn và ván bưng nơi chính điện chạm khắc nhiều sự tích nhà Phật.
Tôi bước qua bậc tam cấp vào nhà thuyết pháp đông nghịt những đệ tử nửa quỳ nửa ngồi chờ đổi sang tư thế kiết già để hành lễ. Thiền ni Từ Đàm là bà lão tuổi ngoài chín mươi, mình mai vóc hạc, nhưng còn giữ được nét đẹp tôn quý của thời thanh xuân xưa, đôi mắt tinh anh khác thường. Bà từ trong hậu đường khoan thai bước ra, ngồi trên sập bát tiên dưới chân điện thờ Phật, xoay lưng về phía các Phật tử, trước mặt là giá gỗ nạm ngọc phỉ thúy đặt cuốn kinh Mai hoa tông. Bà rung chuông gõ mõ, đọc từng đoạn kinh nghe như điệu hát ru của các bà mẹ Việt Nam xứ quan họ vùng Kinh Bắc và tất cả đồng thanh đọc lại với giọng thành kính, vời vợi đức tin. Tôi như mê đi, hồn lạc vào một thế giới khác. Một thế giới con người chan hòa sống với nhau trong tình tương thân tương ái, đùm bọc và bao dung.
Sau giờ tụng kinh, các đệ tử ngồi nghỉ tại chỗ, yên lặng uống nước chờ nghe thuyết pháp. Lúc này Thiền ni Từ Đàm mới xoay lưng lại, nhìn về phía các Phật tử, nhấp ngụm trà sâm trong tách sứ cổ cuối Minh đầu Thanh do tiểu đồng mang lại. Bà lướt mắt nhìn hết lượt đệ tử rồi cất giọng trầm ấm giảng đạo. Bà giảng giải cho họ thế nào là tam quy ngũ giới, là Tứ diệu đế; thế nào là Tướng là Nghiệp; vì sao phải ăn chay, kiêng sát sinh, lánh xa sắc dục; vì sao phải tự giác giác tha, tự độ độ tha… Đời là bể khổ mênh mông, đức Phật thả ta vào đó để tự thử thách, rèn tâm tĩnh trí. “Tâm như sư họa công – Họa chủng chủng ngũ ẩm – Nhất thiết thế giới trung- Vô pháp nhi bất tạo”. Vậy nên cái tâm ta như người thợ vẽ đã vẽ nên mọi điều hay điều dở, cái thiện cái ác ở cõi đời. Cái tâm hướng thiện thì vũ trụ thanh bình, xã hội yên vui, vạn vật sinh trưởng. Cái tâm hướng ác thì đất trời u ám, xã hội đảo điên, vạn vật điêu tàn. Phải rèn cái tâm biết yêu từ con kiến, ngọn cỏ, cành cây rồi mới biết yêu đến đồng loại, mới biết đem lòng từ bi hỉ xả thi triển ở cõi nhân sinh vốn đầy sự cám dỗ bởi sắc dục, lòng tham…
Trời đang lạnh giá mà sao những lời của Thiền ni Từ Đàm khiến lòng tôi ấm lại, con tim nóng rực như hòn than. Tôi cởi áo khoác ngoài ra cho đỡ nóng. Lão bản Trương thấy vậy toan ngăn lại nhưng không kịp. Một nửa áo khoác đã tụt khỏi bờ vai, lộ ra cổ và ngực áo blu-dông bằng lông thú. Thiền ni Từ Đàm chợt nhìn thấy, mặt tái nhợt như chết lặng hồi lâu. Bà ngừng bài giảng, nghiêm sắc mặt mời tôi ra ngoài. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn về phía tôi trách móc, giận dữ. Lão bản Trương vội đứng dậy chắp tay vái lạy đại lão Thiền ni, nói lời tạ lỗi với mọi người rồi hốt hoảng lôi tôi ra khỏi chùa, vừa đi vừa lầu bầu nói:
– Khổ quá! Sáng sớm nay thấy anh mặc áo này tôi đã ngần ngại, nhưng sau thấy chiếc áo gió choàng bên ngoài che hết lông thú bên trong nên cũng yên tâm. Ma quỷ ở đâu hiện về xui khiến anh cởi áo khoác giữa nhà thuyết pháp, trước mặt Thiền ni Từ Đàm?
– Như vậy là thế nào, tôi chẳng hiểu gì cả?
– Thiền ni Từ Đàm thời trẻ có tên là Thạch Tiểu Hoa, nổi tiếng là con hồ ly tinh ở bến Thượng Hải. Chuyện đời của nàng Thạch Tiểu Hoa ly kỳ và phức tạp lắm.
– Nó liên quan gì tới chiếc áo lông thú của tôi?
– Về nhà cơm tối xong tôi sẽ kể anh nghe…
Đêm ấy chúng tôi ngồi uống rượu trên tầng 63 lắp kính chịu lực tự xoay của khách sạn Bạch Vân. Dưới chân là màn sương mờ đục, trên đầu lác đác mấy vì sao nhạt nhòa. Toàn cảnh thành phố hiện ra thay đổi đến chóng mặt. Xa xa dòng Châu Giang ầm ào vỗ sóng, gió thổi lộng.
Lão bản Trương đã kể tôi nghe chuyện đời của Thiền ni Từ Đàm sáu mươi năm trước. Tôi hiểu ra rằng chiếc áo lông thú của tôi đã xúc phạm đại lão Thiền ni ghê gớm thì đã muộn…
***
Thành phố Thượng Hải cuối những năm 1930 ngột ngạt trong không khí Thế chiến lần thứ Hai. Người Nhật gây ra sự biến Lư Cầu Kiều mở đầu cuộc xâm lăng Trung Quốc. Trong chớp nhoáng Thượng Hải trở thành thuộc địa của ngoại bang. Bên kia phía trời Âu liên quân Đức – Ý dàn trận trên biên giới, lăm le nuốt chửng các nước láng giềng. Chiến tranh là thảm họa đối với mọi quốc gia dân tộc, nhưng xét cho cùng mọi thống khổ đều trút lên đầu dân nghèo. Các tiểu thư, mệnh phụ phu nhân, vương tôn công tử ở các châu lục vẫn nhởn nhơ ăn chơi, đắm mình trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Thượng Hải, chốn ăn chơi bậc nhất Trung Hoa cũng không ngoại lệ.
Thời ấy thời trang Âu – Mỹ chuộng các loại áo choàng lông thú nên các nhà thiết kế đua nhau săn tìm da lông chồn làm nguyên liệu, nhưng hàng hóa trong chiến tranh cứ ngày một khan hiếm. Những lão bản trên bến Thượng Hải nhanh chóng chuyển hướng sang buôn bán các bộ da lông mèo gọi tên cho đẹp là da lông tiểu hổ. Họ chọn những giống mèo to con gấp đôi, gấp ba mèo thường có bộ lông dày và mượt để thay thế lông chồn.
Ở vùng Bắc Đại Hoang tỉnh Thiểm Tây có một giống mèo đặc chủng bởi nó rất to lớn, nặng hơn mười ký, bộ lông đã dày lại dài và mượt, nhiều màu sắc bắt mắt. Dân chúng nơi đây đua nhau nuôi giống mèo này lấy thịt ăn và bán lông. Vì là mèo rừng mới được thuần chủng thành vật nuôi nên tính hoang dã vẫn còn. Chúng khá hung dữ và chỉ ăn thịt nên dân bản địa phải nhốt trong cũi, với thức ăn là rắn rết, cóc nhái hoặc xác động vật đã chết. Mèo Bắc Đại Hoang thường hay bị đói nên gầy và chậm lớn, sản lượng lông thu mua được không cao, ngày một khan hiếm. Giá một bộ da lông tiểu hổ Bắc Đại Hoang cứ leo thang chóng mặt, từ năm Mỹ kim một bộ lên tới năm mươi Mỹ kim và sẽ còn tăng nữa.
Nằm ở cuối đại lộ chạy qua cửa chính công viên Đại Thế Giới có tòa biệt phủ lộng lẫy thiết kế theo kiểu nửa Á nửa Âu, khuôn viên chiếm hàng chục mẫu đất, ngập đầy chậu hoa, cây cảnh quý hiếm. Trong phòng khách lớn, một thiếu phụ chừng ngoài ba mươi đang ngồi thả hồn mơ màng tựa lưng vào thành ghế cổ đời Minh có những đường chuốt thẳng, vài nan uốn lượn thanh mảnh, gợi một vẻ đẹp thanh tao, kiêu sa phù hợp với bà chủ tòa biệt phủ.
Nàng có khuôn mặt trái soan, nước da trắng mịn, cặp mắt đen thẫm huyền bí như trời đêm cuối đông. Người đầy tớ già cúi rạp mình nâng chiếc khay bạc lên ngang đầu, dâng lên bà chủ một tách trà sâm. Nàng khoan thai nhận lấy rồi gật đầu đưa mắt cho lão lui ra, không muốn đứt mạch suy nghĩ của mình. Nàng đang nhẩm tính số Mỹ kim thu được sau mấy lứa lông thú tiểu hổ Bắc Đại Hoang. Một món lợi nhuận lớn chưa từng thấy trong lịch sử kinh doanh của hãng vải sợi, tơ tằm và lông thú trên bến Thượng Hải. Nàng khẽ mỉm cười hồi tưởng lại ngày tự bán mình chuộc nợ cho cha, vào biệt phủ này làm vợ bé của đại nhân họ Vương.
Hồi ấy, mới mười sáu tuổi đời nàng đã nung nấu ý chí sẽ có ngày đoạt lại toàn bộ gia sản họ Vương mới hả lòng. Với sắc đẹp trời cho và mưu kế hiểm độc, chỉ sau bảy năm nàng đã toại nguyện. Vương đại nhân năm đó sáu chín tuổi nhưng còn tráng kiện, vượng đầy khí dục lại đang kinh doanh rất thành đạt, thâu tóm toàn bộ ngành vải sợi, tơ tằm và lông thú ở Trung Hoa Dân quốc. Đã năm thê bảy thiếp ông vẫn chưa thỏa mãn, chỉ say đắm Thạch Tiểu Hoa, con gái Thạch Kiện là kế toán xưởng lông thú. Ông lừa cho Thạch Kiện đánh bạc, mang nợ mấy trăm lượng vàng của đám xã hội đen trên bến Thượng Hải. Chúng bắt giam Thạch Kiện ông đòi chuộc đủ tiền, nếu không sẽ xử theo luật giang hồ. Thạch Kiện cùng đường chỉ còn biết khóc lạy con gái thuận tình làm vợ bé Vương đại nhân.
Cắn răng nuốt lệ bước lên xe hoa, cô gái họ Thạch thề quyết lôi kéo Vương đại nhân chìm đắm trong sắc dục để thừa cơ soán ngôi đổi chủ tòa biệt phủ. Nằm bên ông lão hơn cả tuổi cha mình, cô chợt cười chợt khóc, lúc vui lúc buồn, khi say đắm cuồng nhiệt, khi lạnh lùng hờn dỗi. Vương đại nhân ngày càng xa lánh hắt hủi bà vợ cả, chán ngấy đám tỳ thiếp nhõng nhẽo, chỉ quanh quẩn chiều chuộng vợ bé Thạch Tiểu Hoa, nghe theo nàng xử đoán mọi việc lớn nhỏ trong phủ.
Qua vài năm, khi đã khôn khéo gợi tình lôi kéo được viên quản gia họ Bạch, lại dùng tiền và quyền mua chuộc hết lượt đám gia nhân, tỳ thiếp trong phủ, Thạch Tiểu Hoa quyết định ra đòn hiểm độc loại bỏ mẹ con bà vợ cả. Gặp lúc Vương đại nhân lâm trọng bệnh, nàng cùng quản gia họ Bạch bày mưu lừa bà cả vào tròng rồi vu cáo bà ta cùng hai con trai lén bỏ thuốc độc vào chén thuốc chữa bệnh hãm hại chồng mình để chiếm đoạt gia sản. Được mọi người trong phủ hùa theo tố giác thêm nhiều vụ việc khác, Vương đại nhân nổi giận đuổi bà cả và hai người con trai về quê Triều Dương trông coi điền sản, cấm tiệt họ quay về Thượng Hải.
Sau khi Vương đại nhân qua đời, Thạch Tiểu Hoa sai quản gia họ Bạch tìm người làm giả chúc thư, giao lại toàn bộ tòa biệt phủ, nhà máy, tiệm buôn, tiền vàng ở các nhà băng cho nàng quản lý, rồi ngay lập tức thuê băng đảng ngầm ở bến Thượng Hải giết cả hai người diệt khẩu. Quản gia mới của biệt phủ là một anh chàng thư sinh điển trai họ Chu, có họ xa đằng ngoại với Thạch Kiện. Anh ta vừa là tình nhân thỏa mãn nhu cầu xác thịt của chủ nhân, vừa là con thoi liên lạc với băng đảng ngầm để khi cần dùng họ tiêu diệt đối thủ cạnh tranh trên thương trường hoặc các phu nhân quyền quý dám coi thường bà chủ Thạch, gọi nàng là con hồ ly tinh trên bến Thượng Hải.
Tài sản họ Vường từ khi chuyển qua tay họ Thạch nhờ thế mỗi ngày thêm sinh sôi nảy nở theo quyền uy của Thạch Tiểu Hoa. Gặp lúc thị trường thế giới đổ xô thu mua da lông tiểu hổ, anh chàng quản gia láu cá họ Chu trong một đêm ân ái đã hiến kế cho bà chủ Thạch nuôi giống tiểu hổ Bắc Đại Hoang bằng chuột bao tử. Chu nói:
– Nghề kinh doanh cốt yếu là giá thành và chất lượng mặt hàng. Người dân Bắc Đại Hoang nuôi tiểu hổ bằng rắn rết, cóc nhái kiếm được nên con vật ăn uống thất thường, gầy và chậm lớn. Đã gầy thì bộ lông xơ xác kém dài kém mượt. Nhưng nếu ta thu mua giống tiểu hổ đó về nuôi bằng thịt cá, giá thành sẽ rất cao, chỉ có thể nuôi chúng bằng chuột bao tử. Giống chuột đồng ra ngoại ô thu mua dễ ợt, chỉ cần mỗi ngày có đủ ba con chuột bao tử là đủ nuôi một tiểu hổ.
– Biết vậy, nhưng chuột bao tử lấy đâu ra?
– Thì ta nuôi cả chuột đồng chứ sao. Ta cho chuột ăn ngô cả lõi, còn chúng cho ta thức ăn bổ dưỡng nuôi tiểu hổ. Giống chuột đồng đẻ mắn lại đẻ dày. Ta nuôi mười chuột sẽ đủ nuôi một tiểu hổ.
– Hay lắm! Anh hãy làm qua phép tính rồi nói ta nghe thử.
– Năm đầu ta tung tiền thuê người đi Bắc Đại Hoang thu mua hai ngàn con tiểu hổ, chọn ra một ngàn con đủ cả đực cái nuôi riêng gây giống, còn lại một ngàn con ta nuôi thịt bán cho các tiệm cao lâu giả làm thịt cầy hoang dã, lột da lấy lông cho vào xưởng thuộc da lông thú. Mặt khác ta thu mua hai vạn con chuột đồng để lấy chuột bao tử làm thức ăn cho tiểu hổ. Chỉ sau vài tháng đầu phải tạm dùng thịt cá ươn nuôi tiểu hổ, còn sau đó thừa sức lấy chuột bao tử nuôi chúng. Như vậy các anh chàng, chị chàng tiểu hổ mỗi ngày dư sức được ăn ít nhất ba con chuột bao tử, tha hồ trơn lông đỏ da, béo mượt để ta hóa kiếp lấy da lông thú, còn thịt bán cho các tiệm cao lâu. Tôi tin chỉ trong hai năm sản lượng và chất lượng ở xưởng lông thú của ta sẽ tăng mạnh, tha hồ hốt bạc, chẳng có nghề nào lãi hơn đâu. Kế hoạch này phải tuyệt mật. Sau khi lập trại nuôi chuột và tiểu hổ, ta đàm phán với băng đảng ngầm ngoài bến Thượng Hải canh gác nghiêm ngặt vòng ngoài, bên trong nuôi và giết tiểu hổ lột da xẻ thịt cũng do người của họ tuyển chọn kỹ lưỡng không để thông tin lọt ra khỏi trại. Giới giang hồ vốn tàn độc, giết người như ngóe nhưng lại rất trượng nghĩa. Ta nên đãi ngộ họ thật thỏa đáng. Họ sẽ tuyệt đối trung thành giữ kín bí mật kinh doanh này…
– Tuyệt diệu! Ta giao cho anh nội trong tám tuần trại nuôi tiểu hổ phải ra đời, nhanh chóng đi vào hoạt động, tốn kém bao nhiêu cũng duyệt.
Sau một đêm ân ái mặn nồng với bà chủ, anh chàng quản gia láu cá họ Chu hăm hở thực thi kế hoạch đã bàn và trại nuôi tiểu hổ Bắc Đại Hoang ra đời theo đúng mọi yêu cầu đặt ra của Thạch Tiểu Hoa. Trong vụ này, anh ta cũng bớt xén nhiều khoản nên kiếm được không ít ngân lượng bỏ túi. Bà chủ Thạch biết hết nhưng vẫn tươi cười, khen ngợi lại còn thưởng thêm cả tiền lẫn tình. Tới khi trại nuôi tiểu hổ đi vào nền nếp, quản gia họ Chu đột nhiên biến mất. Người ta tìm thấy xác hắn trên sông Hoàng Phố, chỉ mình Thạch Tiểu Hoa hiểu vì sao anh ta chết, bởi kẻ đã ăn cắp lần một sẽ có lần hai, và chắc gì hắn giữ được bí mật kinh doanh trại nuôi tiểu hổ nếu được người khác trả tiền hậu hĩnh.
Nàng tổ chức tang lễ cho quản gia Chu rất linh đình, cấp cho vợ con anh ta một khoản tiền về quê sinh sống. Thay thế quản gia họ Chu là nữ quản gia đảm đang xinh đẹp họ Đặng, vốn là tỳ thiếp của Vương đại nhân được nàng tin tưởng giữ lại vì đã từng giúp đỡ nàng thưở hàn vi mới bước chân vào biệt phủ.
***
Đang miên man thả hồn theo dòng hồi ức với niềm kiêu hãnh, sung sướng đê mê, Thạch Tiểu Hoa chợt bừng tỉnh. Nàng lắc chuông gọi nữ quản gia Đặng:
– Ngài Pitơ Acnet đã đến chưa?
– Dạ thưa, ngài Pitơ đang chờ ngoài lầu thưởng nguyệt bên hồ Đông Các. Vì sợ kinh động đến bữa trà sáng của bà chủ nên tôi chưa dám bẩm báo.
– Mời ông ta vào đây.
– Thưa vâng.
Quản gia Đặng khẽ mỉm cười, ý tứ bước ra khỏi phòng khách. Pitơ Acnet là thương gia Hồng Kông gốc Mỹ, từng nhiều lần tiếp xúc làm thân với quản gia Đặng nên hai người khá hiểu nhau. Anh ta còn rất trẻ, dáng người dong dỏng cao, gương mặt thanh thoát, đôi mắt màu tro mơ mộng. Ngay lần đầu tiếp xúc, quản gia Đặng đã sớm nhận ra Pitơ là người khá hấp dẫn, dẻo miệng lại khéo nịnh đầm. Mẫu đàn ông này sẽ có sức hút đặc biệt với bà chủ Thạch đang khao khát ái ân nhưng lại chán ngán đàn ông người Hán.
Kể từ ngày quản gia Chu mất tích, hình như bà chủ Thạch bỗng dưng hụt hẫng, thường hay vô cớ cáu gắt. Cùng là đàn bà nên quản gia Đặng hiểu nỗi lòng thầm kín của chủ nhân. Gã họ Chu kia gian manh, láu cá thật đáng tội chết, nhưng gã rất giỏi các ngón nghề làm tình khi hầu hạ chủ nhân. Gã chết rồi, bà chủ Thạch cũng đã mấy lần thay tình nhân nhưng không ai vừa ý, chỉ qua một vài đêm là bị tống cổ ra khỏi biệt phủ. Vì thế nên khi Pitơ đưa tiền nhờ cậy làm môi giới, quản gia Đặng vui vẻ nhận lời không chút đắn đo.
Pitơ theo chân quản gia Đặng bước vào phòng khách, nghiêng mình thi lễ bằng thứ tiếng Hoa rất chuẩn mực:
– Thưa Thạch thái thái xinh đẹp quyền quý! Tôi hân hạnh được thay mặt chi nhánh Hồng Kông của Hãng Lông thú Hoa Kỳ lời chúc an làng phát đạt và xin tình nguyện làm kẻ nô bộc cho bà trong các thương vụ giữa hai hãng lông thú lớn nhất hành tinh.
– Không dám, chào ngài Pitơ Acnet, mời dùng trà!
Bà chủ Thạch hờ hững đáp lời. Người đầy tớ già bưng lên một tách trà sâm. Pitơ tay đỡ lấy tách trà, mắt vẫn đắm đuối nhìn bà chủ Thạch, miệng dẻo kẹo nói;
– Thưa thái thái! Người Tây Phương chúng tôi có lệ chưa dùng trà nếu không được hôn lên búp tay ngà ngọc của bà chủ.
Hắn được nữ quản gia họ Đặng gợi ý từ trước rằng đêm qua bà chủ Thạch trằn trọc không ngủ được vì nhớ mùi đàn ông của quản gia Chu nên gần sáng đã thủ dâm trong bồn tắm, đứng bên ngoài còn nghe rõ tiếng rên của bà ta. Gần đây mỗi tháng đều thấy bà chủ một lần như vậy. Có lẽ vì thế nên Pitơ dám liều lĩnh lại gần, quỳ một chân xuống sàn, nâng bàn tay Thạch Tiểu Hoa hôn lên từng ngón, vuốt ve cổ tay của nàng.
Một cảm giác đê mê ngây ngất dâng lên trong lòng bà chủ Thạch. Nàng khẽ rùng mình, quay đi giấu nụ cười thỏa mãn. Pitơ liếc nhìn chủ nhân một cách tình tứ, khoan thai ngồi xuống ghế nhấm nháp vài ngụm trà sâm.
Hồi lâu trấn tĩnh lại, bà chủ Thạch nghiêm giọng nói:
– Tôi được quản gia Đặng nhắc lại lời đề nghị trong hai lần gặp trước của ngài. Rất tiếc là tôi không thể chiều theo lời đề nghị ấy.
– Vì sao, thưa thái thái?
– Điều đó tự ngài hiểu lấy.
– Nhưng nếu tôi không được tận mắt nhìn một vạn con tiểu hổ thì ông chủ hãng của tôi sẽ không yên tâm về thời gian và số lượng da lông thú trong hợp đồng, thưa thái thái, xin bà hiểu cho cái khó của kẻ hèn mọn này!
– Tin hay không là quyền của ngài. Chỉ cần biết rằng luật chơi trong thương vụ này là do phía chúng tôi đặt ra và tôi không thể đưa ngài thăm trại tiểu hổ, thế thôi. Xin ngài vui lòng báo lại cho ông chủ bên đó như vậy. Gia nhân đâu, tiễn khách…
Mặc cho quản gia Đặng khoanh tay đứng chờ ngoài cửa phòng khách, Pitơ vẫn lì lợm thi gan ngồi lại, hướng cặp mắt màu tro nhìn thẳng vào mắt chủ nhân như thôi miên. Thạch Tiểu Hoa cảm thấy bối rối, mặt nóng bừng, hàng mi cụp xuống, ngực phập phồng, toàn thân gai nhột. Pitơ không bỏ lỡ thời cơ, y vờ đánh rơi hộp kính trắng rồi quỳ xuống ôm lấy đôi bàn chân của bà chủ Thạch ve vuốt, mút từng ngón một. Quản gia Đặng chăm chú quan sát từng cử chỉ, thái độ của chủ và khách, thấy vở diễn khá thông đồng bén giọt, lặng lẽ mỉm cười rút lui ra ngoài, kín đáo khép kín cửa lại.
Pitơ vùng dậy bế thốc Thạch Tiểu Hoa quay mấy vòng giữa phòng khách, hôn như mưa lên mắt, môi, đầu vú nàng. Y từ từ đặt nàng xuống tấm thảm trải sàn, cởi bỏ mọi thứ.
Sau những giây phút ái ân cuồng nhiệt, trái tim sắt đá của bà chủ Thạch nhũn ra, tan chảy như cục đá lạnh. Nàng đồng ý tự mình dẫn Pitơ đi thăm trại tiểu hổ…
***
Từ trại tiểu hổ về, Thạch Tiểu Hoa thấy đầu nhức như búa bổ. Nghìn vạn đốm lửa cứ nhập nhoàng trong mắt nàng khiến nước mắt ràn rụa chảy. Thực ra, kể từ ngày lập trại nuôi tiểu hổ, nàng cũng chưa hề đặt chân tới đó bởi mọi việc đã có thuộc hạ dưới quyền lo liệu. Nàng chỉ có mỗi việc lạnh lùng ra lệnh thực thi các hợp đồng rồi hớn hở đếm tiền bỏ vào két sắt hay gửi nhà băng. Đây cũng là lần đầu tiên nàng được chứng kiến cuộc tàn sát đồng loạt các sinh linh còn đỏ hỏn, chưa kịp mở mắt chào đời.
Từng đàn tiểu hổ Bắc Đại Hoang hung dữ nghêu ngao thích thú gào thét, tung những con chuột bao tử lên cao rồi giơ móng sắc vồ lấy, ép chặt con mồi xuống sàn xi măng vầy vò cào cấu trước khi làm bữa tiệc nhầy nhụa máu tươi. Xen giữa bữa tiệc ấy là những bàn chân móng sắc thi nhau nhảy múa, hững cái miệng gào rống lên thành dàn đồng ca đinh tai nhức óc. Trên mặt những con tiểu hổ đang nhảy múa ấy vẫn còn nhoe nhoét máu và những vụn xương tòi ra hai bên mép.
Khi nàng bủn rủn tay chân, lạnh toát sống lưng thì bên cạnh là một Pitơ Acnet nom như quỷ sa tăng, mặt đỏ gay, ngoác mồn cười nói huyên thuyên, khen ngợi sự kỳ diệu của cỗ máy in tiền của bà chủ Thạch. Nàng cảm thấy ghê tởm cái con người vừa cùng mình truy hoan, tiếc cho tấm thân bị vấy bẩn. Giờ đây, về tới biệt phủ, nàng vẫn không sao thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng vò xé tâm can. Nàng gào thét to, lăn lộn trên giường. Càng nhắm mắt thì những hình ảnh kinh khủng vừa qua càng hiện ra rõ nét trong tâm trí.
Thạch Tiểu Hoa mở mắt nhìn ra xung quanh. Trong biệt phủ dường như đâu đâu cũng chỉ thấy máu tươi và những vụn xương. Hai bàn tay nàng ròng ròng máu chảy như mạch nước ngầm phun ra vô tận. Không gian nồng nặc mùi tanh tưởi của những xác chết. Chăn đệm, quần áo tanh tưởi và từng tảng thịt người cứ đùn ra từ chiếc gối đang kê đầu nàng trên giường giống như tổ mối khổng lồ…
Nàng mệt mỏi thiếp đi, chìm trong giấc ngủ sâu mờ mịt. Và nàng mơ thấy mình đang rơi tõm xuống một cái giếng sâu hun hút, rơi mãi rơi mãi, càng rơi càng lạnh run người. Nàng rơi tận xuống chín tầng địa ngục, biến thành đứa hài nhi trần truồng, đỏ hỏn. Đứa bé nằm trong chiếc nôi dát vàng nạm ngọc khóc to, lơ láo nhìn quanh, tay chân huơ lên giữa khoảng không tối thẫm như mực tàu. Bỗng một bầy quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa ùa tới vây quanh đứa bé. Chúng la hét, nhảy múa rồi tranh nhau tung đứa hài nhi Thạch Tiểu Hoa còn đỏ hỏn lên cao như tung một trái bóng. Thỏa thê, chúng tranh nhau xé hài nhi ra từng mảnh, bỏ vào miệng nhai rau ráu, máu chảy ròng ra hai bên mép đỏ lòm.
Nhưng đứa hài nhi này như có phép lạ, khiến bầy quỷ dữ vừa ăn thịt xong lại nhìn thấy một hài nhi khác nằm trong nôi oe oe khóc. Lũ quỷ sau giây phút ngỡ ngàng lại hớn hở reo hò, la hét, nhảy múa quanh vành nôi, tiếp tục bữa tiệc thịt người hết đợt này đến đợt khác.
Cứ thế giấc mơ lặp đi lặp lại khiến Thạch Tiểu Hoa mỗi lần tỉnh giấc chiêm bao lại lăn lộn vật vã, ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần.
Chứng bệnh điên loạn của nàng ngày một trầm trọng. Quản gia Đặng vội sai người treo trước cửa biệt phủ tấm biển “Miễn tiếp khách” và đón một bác sĩ tâm thần giỏi nhất Thượng Hải đến túc trực bên giường bệnh cùng gia nhân trong phủ chăm sóc, thử nghiệm nhiều liệu pháp tâm lý kết hợp uống thuốc chữa bệnh cho bà chủ.
Sau một thời gian, nhờ được bác sĩ giỏi hết lòng chữa tri, bệnh tình thuyên giảm, bà chủ Thạch dần dần hồi tỉnh, minh mẫn trở lại nên nữ quản gia xin nghỉ việc, theo Pitơ đi Hồng Kông kết hôn và lập nghiệp. Thạch Tiểu Hoa giờ cũng chẳng thiết tha việc kinh doanh làm giàu, nhưng cỗ máy nghiền thịt chuột bao tử của nàng vẫn quay đều không nghỉ. Hàng tháng những thùng hàng da lông tiểu hổ vẫn được đóng gửi đi thị trường Âu – Mỹ, và Mỹ kim trong két bạc, tài khoản cứ đều đặn tăng lên…
Có những lúc buồn, nàng thẫn thờ ngồi lặng đi, ghê sợ nhẩm tính: Mỗi ngày một vạn con tiểu hổ tàn sát ba vạn sinh linh đỏ hỏn. Một lứa tiểu hổ sáu tháng là 180 ngày. Để có một vạn bộ da lông tiểu hổ, phải tàn sát 540 vạn sinh linh chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời, chưa kịp ngậm bầu vú mẹ. Chao ôi… thật kinh khủng, mạn rợ, độc ác biết bao… !
Thế rồi bỗng một ngày, nàng quyết định từ bỏ tất cả…
Bà chủ Thạch ra lệnh hỏa thiêu trại tiểu hổ và sai người về Triều Dương đón mẹ con Vương phu nhân lên Thượng Hải trao lại toàn bộ gia sản. Nàng chỉ giữ lại cho mình một trăm triệu Mỹ kim ở nhà băng Thụy Sĩ. Nhưng điều làm nàng đau buồn là thấy cái ác vẫn tiếp tục đẻ ra cái ác. Pitơ Acnet là thằng lưu manh, láu cá đã nắm được bí mật kinh doanh ở trại nuôi tiểu hổ, lại được nữ quản gia họ Đặng cung cấp toàn bộ danh sách bạn hàng cùng các bản hợp đồng béo bở. Hai người sang Hồng Kông là để lập một trại nuôi tiểu hổ to hơn trại Thượng Hải. Cái ác từ tay bà chủ Thạch chuyển qua tay Pitơ bỗng trở nên hiện đại, nấp bóng áo khoác văn minh càng thêm hào nhoáng, dễ kiếm tiền hơn.
Tạo hóa sinh ra muôn loài cùng tồn tại giữa thế giới bao la nhưng con người là động vật tàn ác nhất bởi chỉ có con người mới ý thức về sự ham muốn hưởng lạc, về sức mạnh của quyền uy, tiền bạc, và đó chính là cội nguồn của cái ác.
Thạch Tiểu Hoa dùng tiền ở nhà băng đi du ngoạn khắp nơi từ Á sang Âu để vơi nhẹ nỗi lòng. Ở đâu nàng cũng ăn chay niệm Phật, tổ chức các cuộc phát chẩn cứu giúp nạn nhân chiến tranh hay những phận người nghèo khổ cô đơn, không nơi nương tựa.
Thế chiến Hai kết thúc, Thạch Tiểu Hoa về nước, tìm đến Quảng Châu, dồn hết số tiền còn lại ở nhà băng để cải tạo ngọn núi Bạch Vân khi ấy còn rất hoang sơ, nổi lên giữa bao la đồng lúa. Nàng xuống tóc đi tu, lấy pháp hiệu Từ Đàm chỉ nói điều hay lẽ phải, khuyến thiện ngừa ác. ]
Phật tử và dân chúng quanh vùng nghe theo bà đua nhau góp sức trồng cây, xây chùa nên mới có được cơ ngơi như hôm nay, trở thành danh thắng bậc nhất xứ Lưỡng Quảng.
***
Đêm đã về khuya. Không gian tĩnh lặng. Sương rơi mỗi lúc một dày. Dòng Châu Giang mênh mang chảy vào huyền thoại. Tôi thẫn thờ nhìn cây đào trong hoa viên giữa sân khách sạn. Ở Quảng Châu hoa đào nở sớm hơn bên ta. Những cánh hoa thẫm ướt sương đêm, lắc rắc bay trong gió rét.
Lão bản Trương ngừng kể, đôi mắt đăm chiêu mơ màng như có bụi sương mù rắc lên hàng mi. Tôi nắm tay anh siết nhẹ, bồi hồi xúc động. Chuyện đời của nàng Thạch Tiểu Hoa năm xưa, đại lão Thiền ni Từ Đàm bây giờ cứ ám ảnh tâm trí, làm tôi liên tưởng đến chậu cây hoa đá nhỏ xinh do vợ mình mua về bày ở phòng khách và bàn thờ Phật trên sân thượng.
Những cánh hoa đá dãi dầu mưa nắng, chịu đựng bao mùa giá rét vẫn nguyên vẹn màu xanh sự sống. Cả khi một cánh hoa rơi xuống cũng tự bám đất mọc rễ mới rồi lớn dần thành cây hoa đá khác, như nàng Thạch Tiểu Hoa rơi vào cửa thiền đã thành Thiền ni Từ Đàm.
Mới hay hết thảy mọi thứ quyền uy, tiền bạc chỉ là ảo ảnh phù du. Chỉ có đức hạnh và tình người hướng thiện là trường tồn, vượt lên trên mọi biên giới của không gian, thời gian.
Làm người ai chẳng muốn sung sướng nhưng vẫn phải kiên trì rèn dũa thân tâm, “tự độ độ tha – tự giác giác tha”, bởi mọi sự đều do thập nhị nhân duyên tác thành. Có duyên thì không hẹn cũng đến, chẳng cầu mà vẫn gặp.
Trái đất này, cũng như các vì sao nhạt nhòa phía trời xa kia có khác gì cánh hoa đá nhỏ li ti đã rơi thõm vào cõi Phật bao la…
Xin Ngàn lời Vĩnh biệt Một Hiền tài Thời loạn vừa Từ giã Thăng Long…
**************************
“Độc tôn của Hệ Tư tưởng tất sẽ dẫn đến độc quyền Chân lý, con người dễ bị mê lạc, cái Ác lấn cái Thiện, thói kiêu căng và tự mãn, ích kỷ và gian dối sẽ lộng hành trong Đất Nước”
Nhà Văn Vũ Ngọc Tiến
Chân thành chia buồn cùng Gia đình và Gia tộc Nhà Văn Vũ Ngọc Tiến…
NHV – HÀNG CHỤC TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
Kẻ sĩ Thời loạn vừa về Bạch vân
Hoa lạc Thiền môn giữa Cõi trần
Ma tăng quỷ tăng Quỷ Vương đầt ngõ
Thăng Long nay đồi trụy độc ác phi nhân
Yên Tử Thiền môn gieo Mầm Sức Sống
Bạt ngàn Mầu Xanh réo gọi Canh tân
Sóng hận Sông Lô trùng trùng điệp điệp
Sông Thương trong Ánh mắt lớp lớp hàng hàng
Giao Châu tụ nghĩa tránh Kim cô Tân Giao Chỉ
Câu lạc bộ tỷ phú toàn cửu vạn vác hàng
Xe điên xe điện Hoa Vi = Vi Lan phần mềm “nhũn” nhái
Eo ôi ! Thương quá kiếp phận ô sình cô dâu Đài Loan !
Cỏ Hôi Cái chúa cao chạy xa bay Hà L..ội phố
Biết đâu hóa Thạch Tiểu Hoa : Thanh Nhàn ! ******
Thành cây Hoa Đá trời Đông-Tây Đức ??
Chắc khó xẩm Trương Muội…*** = Thiền ni Từ Đàm
Liêu Trai lại đực cùng heo nọc “2 nhật”
Đông Đô + Thăng Long + … chắc vỡ toang !!!
Xuôi Hương Giang nghe Chuông Chùa Thiên Mụ
Quê Hương, Cố quận réo gọi Chùa Từ Đàm
Cố nhânhoài cảm buồn nhung nhớ ?
Khói mây Yên Tử gợi khói chiều lam !!!
Quân sư Đào Duy Từ giã từ Đất Bắc
Lũy Thầy lũy Trường Dục phòng thủ lúc vào Nam
Hiền tài Thời loạn vừa về Bạch vân
Hoa rụng Thiền môn giữa Cõi Bụi trần
Ma tăng quỷ tăng quỷ vương đầy ngõ
Hà L..ội triều cường đồi trụy phi nhân
Canh tân bạt ngàn Mầu Xanh ơi réo gọi !
Gieo Mầm Đà Sống Yên Tử Tiền nhân…
Sĩ phu Bắc Hà cùng Nam Hà đại đoàn kết
Ngày ấy Thanh bình – Tự do : Chúng ta Chủ nhân !….
HÀNG CHỤC TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
Tập hợp chữ in đậm là tên các Tác phẩm của Nhà Văn Vũ Ngọc Tiến
****** xin hỏi chú Minh Chính để có câu trả lời
*** xin hỏi chú chệt “năm vùng” LÃ thanh hải biệt danh ‘chúa tể Hồ thành’ bí danh 2 nhật để có câu trả lời