17-6-2024
Hôm qua nước Đức kỷ niệm ngày 17.06.1953, ngày công nhân Đông Đức nổi dậy nhằm phản đối chính sách tăng giờ làm mà không tăng lương của nhà nước công nông thời đó.
Facebook có nhắc, nhưng lúc này tôi đang bận tối mặt tối mũi nên không post bài. Đời còn nhiều việc cần thiết hơn là suốt ngày dính đến Facebook.
Việc đảng SED cầm quyền ở CHDC Đức tăng giờ làm để cạnh tranh với tư bản phương Tây là một giọt nước tràn ly, khiến giai cấp công nhân nổi giận. Ở Đức đã có nhiều giọt nước tràn ly như vậy nên cho dù các cuộc phản kháng của người lao động, của giới trí thức, văn nghệ sỹ đều lần lượt bị STASI đè bẹp thì cuối cùng cái bình cũng vỡ tan.
Ở Việt Nam ít khi có giọt nước tràn ly mà chỉ có nồi cơm Thạch Sanh, cơm cứ nở mãi mà không đầy. Tôi ví như vậy vì thấy thời gian qua dân mạng sôi sục vì biết bao chuyện. Từ chuyện các quan chức chóp bu lần lượt bị hạ bệ một cách rất tự nguyện, rất đoàn kết, đến việc nhà tu hành Thích Minh Tuệ bỗng dưng biến mất, rồi lại xuất hiện một cách rất đặc biệt trên VTV. Rồi gần đây nhất là việc nhà báo Trương Huy San (Osin Huy Đức) bị bắt khẩn cấp. Cư dân mạng sục sôi lên một thời gian, xong đâu lại vào đấy… Cho đến khi có một sự kiện khác.
Những người như nhà tu hành Thích Minh Tuệ hay nhà báo Trương Huy San là những hiện tượng xã hội đặc biệt và được nhiều người mến mộ, khâm phục. Thiết nghĩ không cần phải kể nhiều về họ. Họ bị trừng phạt vì dám làm những việc nhiều người không dại gì làm. Những người trừng phạt họ biết rằng biện pháp này là hạ sách. Nhưng hạ sách ở Việt Nam không có hậu quả nên chẳng sao.
Đối với tôi những việc đó không hề gây ngạc nhiên. Từ bé tôi đã quen cách hành xử như vậy trong xã hội. Duy có một điều tuy không làm tôi ngạc nhiên, nhưng mỗi lần được nghe đến đều rất khó chịu. Đó là cách VTV đưa tin về ông Thích Minh Tuệ.
Tôi đã có 20 năm làm việc cho VTV, từ năm 1971 đến 1991, đã làm được khối việc đình đám ở đó. Những gì tích lũy được ở VTV đã giúp tôi hội nhập tốt vào nghề kỹ thuật truyền hình ở Đức. Những khi nghĩ đến bạn bè và đồng nghiệp cũ tôi luôn bồi hồi về nhiều kỷ niệm và mỗi đợt tôi về Việt Nam đều được anh chị em đón tiếp rất cảm động.
Tuy chỉ là tay thợ, nhưng tôi biết rất rõ những trò tuyên truyền dối trá và rất dị ứng với kiểu tuyên truyền theo định hướng ở đó. Có lẽ cũng một phần vì vậy mà tôi bỏ đi.
Trong những năm gần đây thỉnh thoảng tôi lại liên hệ với một số biên tập viên để chất vấn các cháu về các tin thất thiệt mà các cháu đưa ra để bôi nhọ những người biểu tình vì cây xanh, những người đấu tranh chống cướp đất… Khi nghe tôi giới thiệu các cháu đều vui vẻ, nhưng khi đọc các câu hỏi của tôi các cháu lặn một hơi. Tôi biết là khó cho các cháu.
So với trước 1991 thì các biên tập viên bây giờ được học hành, đào tạo rất bài bản nên các cháu đều có trình độ, đều là những người nổi tiếng. Do vậy tôi nghĩ là các cháu biết nhiều điều phải trái, không bị bưng bít như thế hệ chúng tôi. Biết sự thật mà vẫn bẻ cong ngòi bút nói bậy thì hoặc là kẻ có dã tâm hoặc đơn giản là kẻ chỉ sống vì miếng ăn.
Tuy làm ở VTV có nhiều cơ hội hơn, nhưng nếu bỏ ra ngoài thì các cháu chắc chắn không khổ, có khi lại giàu có hơn. Thời đại này ai có tài thì vẫn sống khỏe, dù có khó hơn chút. Nhưng cái tâm thanh thản thì lại dễ sống kiểu khác.
Tôi dị ứng với kiểu bình luận: Đã ở trong hệ thống đó thì biết làm thế nào? Câu hỏi đó không dành cho người tự trọng. Thời bỏ nhà nước là chết đói đã không thì thời này lại càng không.
Rất buồn nếu như trong số các cháu nói dối vì kiếm ăn có con cháu của bạn mình.