Ý đồ ban đầu của Dự án xây dựng sân bay Long Thành là để thay thế và khai tử sân bay Tân Sơn Nhất (Bài 1)

Nguyễn Thiện Tống

14-6-2024

Trong Tóm tắt Báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mục tiêu của dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… đến năm 2030 bảo đảm vai trò thay thế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (tr.2 và 49, Tóm tắc Báo cáo – tháng 3 năm 2015). Do đó số phận sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) rất mong manh, trong giai đoạn 2030-2035 sân bay TSN sẽ được xem xét như là sân bay dự phòng hoặc ngưng khai thác và không sử dụng nữa (tr.23 Tóm tắc Báo cáo – tháng 6 năm 2013).

a) Di dời sân bay Tân Sơn Nhất là “có tội với lịch sử”.

Tại Hội nghị về rà soát, góp ý Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện Sở GTVT TP.HCM đề xuất nghiên cứu dời sân bay Tân Sơn Nhất đến các điểm thuận lợi cho kết nối đô thị như Củ Chi.

Ý kiến di dời sân bay Tân Sơn Nhất như thế là “có tội với lịch sử” khi Tân Sơn Nhất là sân bay có uy tín và nổi tiếng, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kinh tế.

b) Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế tài chánh thương mại lớn nhất của Việt Nam cần phát triển và giữ vững vị trí trung tâm hàng không lớn nhất nước của Tân Sơn Nhất.

Lịch sử cho thấy sự hình thành và phát triển những thành phố lớn trên thế giới luôn luôn tùy thuộc vào vị trí quan trọng của chúng trên con đường giao thông buôn bán. Đường giao thông bao gồm cả đường thủy và đường bộ, nhưng ngày nay người ta sử dụng giao thông đường hàng không nhiều nhất và thành phố lớn gắn liền với trung tâm hàng không lớn. Những ví dụ quá hiển nhiên là các thành phố lớn nổi tiếng thế giới như London, Singapore, Hồng Kông, Tokyo, New York… chúng đều có những trung tâm hàng không với những sân bay lớn đông khách.

Ở Việt Nam sự phát triển mạnh mẽ của TP Đà Nẵng trong 50 năm qua cũng nhờ có sân bay Đà Nẵng. Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử phát triển lâu dài và có thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng nhờ sự đóng góp to lớn của sân bay Tân Sơn Nhất.

Sự phát triển của thành phố lớn với hoạt động kinh tế, tài chánh, thương mại, dịch vụ, du lịch… tạo ra nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và sự thuận tiện cho khách đi lại qua các đường bay liên kết với trung tâm hàng không giúp phát triển thành phố lớn. Thành phố lớn và trung tâm hàng không của nó phát triển cùng nhau.

Vì thế việc dời trung tâm hàng không đến nơi xa thành phố lớn chẳng những làm thiệt hại cho thành phố về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, du lịch… mà còn làm cho trung tâm hàng không mới đó bị thiệt hại vì nhu cầu sẽ giảm đáng kể do sự cách xa trung tâm thành phố. Đó là chưa kể nhân lực trình độ cao phục vụ cho trung tâm hàng không đó sẽ không dễ di dời theo và vùng nông thôn được chọn làm nơi xây dựng sân bay mới không có khả năng cung cấp nguồn nhân lực đó.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành ở Đồng Nai nhằm khai tử sân bay Tân Sơn Nhất hay cho sống tạm một thời gian với vai trò sân bay phụ nội địa chẳng những gây thiệt hại cho TP Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước, cho cả chính ngành hàng không Việt Nam, nhất là khi Long Thành không có triển vọng trở thành sân bay trung chuyển quốc tế.

Việt Nam hiện có nhiều sân bay quốc tế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất là cổng chính của đường hàng không quốc tế đến Việt Nam để đưa đón khách vào thành phố lớn nhất nước mà con đường từ TSN đến trung tâm thành phố qua cầu Công Lý và dinh Độc Lập đã được đầu tư sửa chữa làm đẹp cho mặt tiền của thành phố. Sân bay Long Thành ở Đồng Nai không thể nào là cổng chính của đường hàng không quốc tế vào Việt Nam mà cũng không đưa khách đi vào hướng mặt tiền đẹp đẽ đó của TP.HCM được.

c) Trên thế giới có bao nhiêu sân bay lớn trong trung tâm thành phố?

Một lập luận được những người chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra mà nghe có vẻ dễ thuyết phục là sân bay TSN trước đây thuộc khu vực ngoại thành, nay thành phố phát triển làm cho TSN lọt vào nội thành cho nên cần phải di dời ra xa trung tâm thành phố tương tự như cách xây dựng và phát triển sân bay lớn của các nước khác.

Ngày 12-12-2013 tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lê Hoàng Quân có nói rằng “Hiện nay trên thế giới có rất ít sân bay nằm trong nội thành, còn sân bay TSN chỉ cách trung tâm thành phố 13km đường bộ và 5km đường chim bay. Đó là chưa kể việc hằng ngày máy bay lên xuống gây tiếng ồn cho nhà dân và ảnh hưởng nhiều vấn đề khác, nhất là những máy bay có khối lượng lớn lên xuống trên hệ thống nhà dân là không an toàn, cho nên cần phải di chuyển, sắp xếp lại”.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cũng đã nói vào cuối năm 2013 rằng “Trên thế giới không sân bay nào quy mô trên 10 triệu khách lại nằm trong thành phố cả”. Khi điều này được nói ra bởi những người có chức vụ lớn thì người dân dễ tin. Khi có một nỗ lực tuyên truyền cho điều đó thì dần dần có nhiều người dân tin hơn.

d) Trên thế giới có 30 trong số 100 sân bay lớn cách trung tâm thành phố 10km trở xuống

Tuy nhiên nói như cựu Chù tịch Lê Hoàng Quân và cố Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu là không có căn cứ, không đúng sự thật, là nói dối.

Chỉ cần nêu một số sân bay nổi tiếng sau đây cũng đủ để phủ nhận điều nói trên. Sân bay Schiphol có 61,9 triệu khách năm 2023 cách trung tâm thủ đô Amsterdam của Hà Lan 9km. Sân bay McCarran có 57,6 triệu khách cách trung tâm thành phố Las Vegas ở Mỹ 8km. Sân bay Madrid có 62,2 triệu khách chỉ cách trung tâm thủ đô của Tây Ban Nha 9km. Sân bay Kingsford Smith có 38,7 triệu khách cách trung tâm thành phố Sydney ở Australia 7km. Sân bay Ninoy Aquino có 45,3 triệu khách cách trung tâm thủ đô Manila của Philippines 7km. Sân bay Benito Juarez có 48,4 triệu khách chỉ cách trung tâm thủ đô của Mexico 5km. Sân bay Logan có 40,8 triệu khách chỉ cách trung tâm thành phố Boston ở Mỹ 4,8km.

Thu thập số liệu về khoảng cách từ sân bay đến trung tâm thành phố của 100 sân bay có sản lượng lớn nhất thế giới năm 2011 theo liệt kê của Airports Council International thì có đến 30 sân bay cách trung tâm thành phố từ 10km trở xuống, trong khi chỉ có 8 sân bay cách trung tâm thành phố trên 40km.

Sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 10km đường bộ và 6km đường chim bay. Như thế việc TSN ở vị trí như hiện nay là bình thường và hợp lý nên không có lý do gì để di dời sân bay ra khỏi thành phố cả. Chưa kể khoảng cách sân bay Tân Sơn Nhất gần trung tâm thành phố như thế là một điều rất thuận lợi cho hành khách, trong khi sân bay Long Thành cách xa trung tâm thành phố trên 40km đường bộ là một bất lợi rất lớn.

e) Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi và tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành.

Một trong các lý do quan trọng nhất mà những người chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra là sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, vượt năng suất thiết kế 25 triệu khách/năm vào năm 2020 và việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn việc xây dựng sân bay Long Thành.

Tóm tắt Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay long Thành (3/2015) có đoạn: “Trường hợp chuyển giao đất quốc phòng (sân Golf hiện nay) cho hàng không dân dụng để mở rộng Tân Sơn Nhất thì việc xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách công suất 20 triệu khách/năm ước khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng thêm 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu); chưa kể chi phí và số lượng dân phải giải tỏa để làm thêm 01 đường giao thông tiếp cận, ảnh hưởng đến cấu trúc giao thông thành phố.” (Trang 13)

Trong thời gian 2013-2015, một lý do quan trọng được Bộ GTVT liên tục đưa ra để thuyết phục Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, vượt năng suất thiết kế 25 triệu khách/năm vào năm 2020 và việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn việc xây dựng sân bay Long Thành.

Những thông tin trên không có căn cứ tính toán khoa học khách quan, nhất là con số chi phí 9,1 tỷ USD. Từ đó cho rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành là loại lập luận mơ hồ để đánh lừa công chúng, đánh lừa cả Quốc Hội, vì kết quả tính toán đó đã chỉ nhằm minh họa cho chủ trương xây dựng sân bay Long Thành mà thôi chứ đó không phải là kết quả nghiên cứu tính toán một cách khách quan của những nhà chuyên môn có trách nhiệm.

f) Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành cho rằng việc cải tạo sân bay Biên Hòa hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi.

Báo cáo giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành (10/2014) có đoạn:

“Sân bay quân sự Biên Hòa bị bao bọc bởi khu dân cư và hiện là khu vực nhiễm chất độc dioxin cao nhất Việt Nam. Chi phí, thời gian tẩy độc và GPMB rất lớn làm tăng cao chi phí đầu tư của Dự án.

Trong trường hợp cải tạo, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòacho hoạt động dân dụng với công suất 25 triệu khách/năm, ước tính chi phí lên đến 7,5 tỷ USD và phải giải tỏa 6.000 hộ dân.” (Trang 9)

Trong khi đó Tóm tắt Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành (6/2013) có phần cải tạo mở rộng sân bay Biên Hòa gồm hai giai đoạn mà giai đoạn 1 việc đền bù giải tỏa thêm 605ha ảnh hưởng đến 6.000 cư dân với chi phí 13.310 tỷ đồng (634 triệu USD) và giai đoạn 2 việc đền bù giải tỏa để sân bay Biên Hòa có diện tích 5.000 ha (như Long Thành) sẽ ảnh hưởng đến 133.000 dân cư với chi phí 93.310 tỷ đồng (4,44 tỷ USD). Trong bảng so sánh chi phí thực hiện giai đoạn 1 để có năng suất 25 triệu khách/năm thì sân bay Long Thành tốn 7,82 tỷ USD, sân bay Tân Sơn Nhất tốn 9,15 tỷ USD, sân bay Biên Hòa tốn 7,51 tỷ USD. (trang 23)

Những thông tin trên không có căn cứ tính toán khoa học khách quan, nhất là con số chi phí 7,51 tỷ USD để cải tạo mở rộng sân bay Biên Hòa, chỉ nhằm đánh lừa công chúng, đánh lừa cả Quốc Hội.

g) Tình hình hiện nay bắt buộc sân bay Tân Sơn Nhất phải được mở rộng lên năng suất 50 triệu khách/năm.

Ngày 01 tháng 10 năm 2018 Bộ GTVT công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng diện tích đất sân bay Tân Sơn Nhất khi được điều chỉnh quy hoạch là 791 ha, trong đó bổ sung hơn 171 ha phía Bắc. Cùng với xây mới nhà ga T3, việc cải tạo 2 nhà ga hiện hữu giúp nâng khả năng phục vụ của sân bay lên khoảng 50 triệu lượt khách mỗi năm. Theo Công bố điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ngày 1/10/2018 của Bộ Giao thông vận tải, chi phí đầu tư để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên năng suất 50 triệu khách/năm là 25,000 tỷ đồng (1,08 tỷ USD).

Nếu so sánh chi phí 1,08 tỷ USD ở trên với 9,15 tỷ USD để nâng năng suất sân bay Tân Sơn nhất lên mức 50 triệu khách/năm trong Báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành thì càng thấy Dự án xây dựng sân bay Long Thành không đáng tin cậy.

Hiện nay nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang được thi công với diện tích sàn 112.500 m2 và vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng (so với 200.000 m2 theo dự toán 25.000 tỷ đồng của quy hoạch ban đầu) và dự kiến tháng 6/2025 sẽ đưa vào hoạt động để cùng nhà ga T1 và T2 đưa năng suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/ năm.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bon Bắc + muôn dẹp tất cả vết tích của Saigon và làm suy yêu kinh tế Hồ Chó Đẻ để đám Nam+ kh còn thế lực và tiếng nói trong Băng Đảng Mafia cằm quyền

  2. Dời sân bay đi rồi để coi khách du lịch có còn hứng bay đến việt nam du lịch không,đặc biệt là người pháp,họ du lịch chủ yếu ở sài gòn.Nói chung là người việt nam hay thích kiểu nói có mách sách có chứng thì cứ làm thử rồi biết.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây