Thích Minh Tuệ: Nhà sư đi bộ và chuyển động Việt Nam

Fulcrum

Tác giả: Hoàng Thị Hà

Hoang Dung chuyển ngữ

2-6-2024

Một tín đồ Phật giáo đi chân đất khắp Việt Nam là lời trách cứ sống động đối với một số tu sĩ Phật giáo tham nhũng, kém gương mẫu trong nước. Cho phép Thầy đi lại, theo đó chính quyền có cơ hội tích điểm nghiệp chướng với công chúng Việt Nam.

Trong những tuần gần đây, câu chuyện thu hút trí tưởng tượng của hàng triệu người Việt Nam không phải là cuộc tranh giành quyền lực gay gắt giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của họ. Đó là cuộc hành trình của một người khiêm nhường, Thích Minh Tuệ, người đã cống hiến hết mình cho Phật giáo thông qua Dhutanga – một bộ 13 phương pháp thực hành khổ hạnh nhằm đạt được vô ngã (Anatta) và từ bỏ mọi ràng buộc trần thế.

Vị tu sĩ đơn độc, người đã nhận được sự tôn trọng đa phần của công chúng thông qua việc đưa tin rộng rãi trên mạng xã hội về hành trình xuyên Việt của mình, đã đưa ra một thử thách độc đáo, chưa từng có đối với nhà nước Việt Nam trong việc thể hiện cam kết đối với tự do tôn giáo như được ghi trong Hiến pháp.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt khổ hạnh của Thích Minh Tuệ bao gồm việc đi chân đất, khất thực, tìm nơi trú ẩn trong rừng, bụi rậm hoặc nghĩa trang và từ bỏ mọi của cải vật chất. Cam kết kiên định của Thầy trong việc tuân thủ nghiêm ngặt giáo lý Phật giáo đã truyền cảm hứng cho người Việt thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả trí thức, nghệ sĩ, người Việt hải ngoại, các tu sĩ và thậm chí cả các linh mục Thiên chúa giáo. Thầy và chiếc áo choàng chắp vá của mình, được làm từ những mảnh vải vụn thu thập trong chuyến hành trình, đã truyền cảm hứng cho nhiều cách thể hiện nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, thơ, âm nhạc và thời trang.

Đi bộ chân trần từ Nam ra Bắc Việt Nam trong nhiều năm, Thích Minh Tuệ chỉ mới trở thành một hiện tượng toàn quốc nhờ một đội ngũ YouTubers, Facebookers và TikTokers theo dõi và ghi lại những bước đi của Thầy, phát sóng trực tiếp cho hàng triệu người xem háo hức. Nhiều người dân địa phương nồng nhiệt chào đón Thầy trên mỗi bước đường. Thầy không chỉ là một sức mạnh tôn giáo quan trọng mà còn là một hiện tượng truyền thông xã hội to lớn.

Sức hấp dẫn rộng rãi của Thích Minh Tuệ, với một tăng đoàn tu sĩ nhiệt tình ngày càng tăng và đám đông tò mò, ngưỡng mộ của công chúng theo sau Thầy, là rất quan trọng khi Thầy trở nên nổi tiếng mà không có sự hậu thuẫn của bất kỳ tổ chức tôn giáo nào được nhà nước phê chuẩn, một điều bất thường nổi bật trong bối cảnh nội bộ chính trị Việt Nam. Chính quyền thường hết sức thận trọng đối với bất kỳ cuộc huy động tự phát quy mô lớn nào có khả năng làm xói mòn sự ổn định của chế độ và xã hội.

Quả thực, những quan ngại chính thức đã được bày tỏ về Thích Minh Tuệ. Những chuyến hành hương của Thầy đã gây ra những cuộc tranh luận công khai về bản chất của việc tuân thủ tôn giáo trong Phật giáo, vốn là tôn giáo chiếm ưu thế ở Việt Nam với 14 triệu tín đồ, gấp đôi 7 triệu tín đồ Công giáo.

Trên mạng xã hội, mọi người ca ngợi Thầy như một hiện thân của sự cống hiến tinh thần chân chính cho các giá trị cốt lõi của Phật giáo về sự đơn giản và từ bỏ. Ngược lại, họ nhấn mạnh những trường hợp sai trái và theo đuổi vật chất của một số nhà sư Việt Nam và chỉ trích một số ngôi chùa là phương tiện kiếm tiền, được cho là hoạt động với sự chấp thuận ngầm từ các nguồn chính thức.

Trong khi Thích Minh Tuệ dấn thân vào hành trình đơn độc tìm kiếm sự giác ngộ và từ chối bất kỳ chương trình nghị sự chính trị nào, Thầy đã vô tình khuếch đại sự giám sát và phê phán của công chúng đối với các cơ sở Phật giáo được nhà nước chứng thực. Ngay cả chiếc bát khất thực của Thầy – vật đựng bên trong nồi cơm điện – cũng được coi là mối đe dọa đối với “bát cơm” của hàng ngàn nhà sư được nhà nước bảo trợ.

Phản ứng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tổ chức Phật giáo chính thức của nhà nước, là bác bỏ. Khẳng định Thích Minh Tuệ không phải là một tu sĩ Phật giáo cũng như không liên kết với bất kỳ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam nào. Lập trường phòng thủ này đã gây ra sự chế giễu của dư luận, vì thầy Thích Minh Tuệ đã tuyên bố rằng Thầy chỉ đơn giản là một công dân Việt Nam đang tìm cách học hỏi và thực hành giáo lý Phật giáo mà không trung thành với bất kỳ tổ chức Phật giáo nào.

Mặc dù vậy, nhà nước Việt Nam cho đến nay vẫn thể hiện sự kiềm chế đáng kể. Đó là cách tiếp cận chờ xem, không ủng hộ nhà sư cũng như không cấm việc tu tập của Thầy. Đáng chú ý, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng Thầy không phải là tu sĩ Phật giáo trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời phủ nhận tư cách tu sĩ Phật giáo của Thầy – một khác biệt tinh vi so với tuyên bố của Giáo hội Phật giáo. Nó tái khẳng định chính sách tôn trọng tự do tôn giáo và cam kết không cản trở việc theo đuổi giáo lý Phật giáo trên con đường đúng đắn. Điều này có thể báo hiệu sự không đồng tình của chính phủ đối với các tu sĩ Phật giáo lợi dụng đức tin để thu lợi tài chính và có thể là một sự chứng thực tinh tế của những hành giả Phật giáo chân chính như một biện pháp đối phó với những hiện tượng tiêu cực này. Đầu năm nay, chính quyền đã kỷ luật trụ trì chùa Ba Vàng vì trưng bày một sợi tóc Phật vì động cơ tài chính.

Tất nhiên theo thói thường, Ủy ban bày tỏ quan ngại về an ninh, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải ngăn chặn “các thế lực thù địch” lợi dụng các chuyến hành hương của Thích Minh Tuệ để gây bất ổn cho chế độ. Trên đường, bộ máy an ninh rộng rãi giám sát chặt chẽ các chuyến đi của Thầy nhưng đã cho phép Thầy và những người theo Thầy thực hành đức tin khi họ đi đến nhiều địa phương khác nhau. Sự khoan nhượng này vẫn tồn tại ngay cả khi thỉnh thoảng có sự gián đoạn lưu thông do đám đông nhiều người. Trong nhiều đoạn ghi âm, quan sát thấy được cảnh sát địa phương đang duy trì trật tự, điều tiết giao thông hoặc bảo đảm rằng đám đông không làm phiền các nhà sư trong thời gian họ nghỉ ngơi.

Thay vì nhượng bộ việc cấm các hiện tượng mà họ không thể kiểm soát hoàn toàn, chính phủ có thể tạo ra một vòng tròn đạo đức bằng cách đưa chuyện này ra xem như tự do tôn giáo và tận dụng cơ hội để giải quyết nạn tham nhũng trong hệ thống Phật giáo chính thức một cách nghiêm túc hơn.

Hiện tượng này cũng nói lên mạnh sức mạnh của mạng xã hội trong việc truyền tải thông tin đến công chúng Việt Nam, xuyên qua những lời tường thuật và những hạn chế của nó. Những người theo dõi bước chân của nhà sư trên mạng không dựa vào các phương tiện truyền thông chính thống – vốn vẫn tiếp tục không đưa tin về câu chuyện của Thầy – thay vào đó họ tham gia vào các nền tảng truyền thông xã hội. Khi các chuyến hành hương của Thầy tiếp tục diễn ra, liệu chính quyền có nghĩ là, có nên thắt chặt hơn nữa đối với không gian truyền thông xã hội của Việt Nam không?

Sự hiện diện của mạng xã hội làm phức tạp thêm cách xử lý của nhà nước Việt Nam đối với thầy Thích Minh Tuệ. Việc giám sát quyền tự do tôn giáo của đất nước theo truyền thống đến từ các nước phương Tây hoặc những người bất đồng chính kiến, nhưng với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, và những người theo dõi hiện đang đồng hành cùng hành trình của Thầy, bất kỳ sự can thiệp mạnh tay nào cũng có thể gây ra phản ứng dữ dội của quốc tế và công chúng.

Chính quyền Việt Nam phải đạt được sự cân bằng tinh tế giữa việc duy trì trật tự chính trị xã hội và tôn trọng quyền tôn giáo của công dân. Mặc dù các vấn đề tôn giáo rất nhạy cảm đối với nhà nước nhưng đây không nhất thiết phải là một lựa chọn nhị phân cấm hoặc không. Thay vì nhượng bộ việc cấm các điều mà họ không thể hoàn toàn kiểm soát, chính phủ có thể tạo ra một vòng tròn đạo đức bằng cách xem như là tự do tôn giáo và tận dụng cơ hội để giải quyết nạn tham nhũng trong hệ thống Phật giáo chính thức một cách nghiêm túc hơn. Điều này sẽ tăng cường mối liên kết với người dân Việt Nam, nhiều người trong số họ, được truyền cảm hứng từ nhà sư đi bộ, đang tham gia vào hành trình nội tâm của chính mình.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  2. Đặng Tuấn Trung

    Nhà tu hành Thích Minh Tuệ cũng đã tạm dừng bước. Điều này ko ngoài dự đoán của nhiều người, ko cần nhắc nữa. Nhưng qua đó, tui có vài thứ nhận thấy :

    1. Chỉ 1 mình nhà tu hành đơn độc, ko tiền, ko chùa, ko có cả ngàn đệ tử, cũng ko có mạng lưới truyền thông nào…nhưng đã làm cả thiên hạ tìm và hiểu rất nhiều về Phật giáo đích thực. Tui dám chắc phần lớn trong chúng ta lần đầu mới biết về hạnh đầu đà, Phật pháp nguyên thuỷ…mà trước đó chưa bao giờ chúng sinh được truyền dạy dù có cả ngàn chùa lớn nhỏ cùng các loại cao tăng, lùn tăng…
    2. Qua điều trên, bất ngờ bản chất của Phật giáo quốc doanh bị lột trần và bá tánh nhận ra Rolex, Audi, Dupon…mà cái loại sư quốc doanh xài đều từ tiền túi của mình mà bá tánh vẫn đinh ninh họ cúng dường để nhằm hoằng dương Phật pháp.
    3. Chính quyền để yên cho thầy Thích Minh Tuệ (TMT) hành du một thời gian dài chứng tỏ 2 lẽ: 1- Dư luận đã bắt đầu có tác động mạnh và việc tự do tôn giáo đã bắt đầu đc tôn trọng. 2- Thời gian đủ dài để Phật giáo quốc doanh lộ bản chất, hy vọng từ đó mà Chính quyền để mắt tới đám ma tăng ăn bẩn bu bám vào đức tin của bá tánh rồi reo rắc u mê.
    4. Tui thấy nhiều người chửi, ít nhất là phê phán đám đông đi theo. Đừng quên chúng ta ở vùng trũng văn minh thế giới, dân trí thấp nên đừng đòi hỏi gì cao sang. Tui chỉ nhìn thấy ở họ sự hướng thiện. Trong thời mạt pháp, như vậy đã là quá tốt. Còn các Y.er, Tt.er, FBer…bám theo cũng là bình thường, chúng ta chẳng thấy vì thế mà theo dõi được toàn cảnh câu chuyện sao ? Cũng đừng quên dù ko theo bước chân TMT thì chính chúng ta cũng đang bước theo ổng trên FB, Youtube, Tiktok…đấy thôi. Có khác nhau đâu ? Chỉ là thói cao ngạo thiển cận mà ta tự cho mình vị thế cao hơn mà thôi. Còn ông TMT thì ổng ko lấy đó làm phiền não đâu, khi ổng đã thoát tục thì ổng luôn an lạc, dù là đánh chửi…Đừng lo cho ổng !
    5. Chính quyền địa phương giải quyết mọi việc êm thấm và nhẹ nhàng. Điều này tốt cho tất cả. Ghi nhận ! Nhưng đừng nghĩ TMT sẽ ko bộ hành nữa. Đừng quên ổng từng nói “đi đến chết”. Mà bậc chân tu đã nói thì đó là sứ mệnh, ko gì lay chuyển và đó chính là sự khác biệt so với các loại ma tăng như TTTM, TCQ… Rồi một ngày nào đó, hẳn sẽ ko xa, TMT sẽ lại đi tiếp thôi.
    6. Qua hiện tượng TMT hy vọng bá tánh nhìn nhận rõ Chính Tà, đừng để Đức Tin của mình đặt sai chỗ. Cúng dường cũng tốt, nhưng cúng ở đâu, cho ai thì cần biết rõ. Đừng để lũ ma đầu móc tiền mồ hôi của mình mà ngồi trên cao tiêu xài nhìn mình như một lũ đần độn u mê. Phật ko phải là tôn giáo để phải thần thánh hoá, cầu xin nọ kia. Phật là lối sống, cách tư duy. Thế nên cần nhìn nhận cho đúng. Đừng quên chẳng có Phật nào ban phước cho ta hay giải hạn cho ta chỉ vì ta cúng dường nhiều tiền. Bằng chứng rõ nhất là các lãnh đạo chóp bu qua vợ con đã cúng dường xây cả cái chùa to như cung điện nguy nga. Vậy mà vẫn chết tươi bí ẩn khi đang ngồi chễm chệ trên đỉnh cao danh vọng. Vậy trong chúng ta đây liệu có mấy người cúng dường bằng cỡ đó ?!? Nói vậy để thấy cúng dường chả bao giờ đem lại cái gì an lạc đâu. Phật ko phải thánh ! Đừng quên điều Phật dạy “ở đâu có chùa, ở đó ko có Phật”. Ko phải vì ko cần xây chùa mà vì đó ko quan trọng bằng Chánh niệm. Nhưng chỉ cần cúng dường vài chục triệu xây điểm trường vùng cao cho các cháu, tui chắc chắn bá tánh sẽ hạnh phúc chưa từng có ngày khánh thành nhìn đứa trẻ mân mê cái ghế nhựa nó ngồi.
    7. Tạm đôi nhời vậy, mong sức khoẻ cho bá tánh và nhà tu hành Thích Minh Tuệ. Ông đến rồi đi để lại bước chân an lạc. Cám ơn Ông !

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây