Kêu than như vô can

Huy Đức

31-5-2024

Hôm trước, nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trên tivi, tôi phải chạy vào coi có đúng ổng không. Từ 2008 – 2014, các bộ ngành Việt Nam đẻ thêm khoảng 7.000 giấy phép con và điều kiện kinh doanh. Nhưng, theo tôi, chỉ cần Bộ Kế hoạch Đầu tư bỏ Luật Quy Hoạch và Luật Đầu Tư là đã đủ để người Việt Nam “làm như vũ bão“.

Trong thời đại ngày nay, chậm đầu tư vài tuần đã là có thể mất cơ hội, thế nhưng ở Việt Nam, chỉ riêng xin chủ trương, các nhà đầu tư đã có thể đợi hàng năm.

Nhà nước làm sao nhạy bén thị trường bằng doanh nhân mà lên quy hoạch với phê duyệt đầu tư. Thay vì quy hoạch nhà nước chỉ được đưa ra các nguyên tắc, ví dụ: Cấm làm nhà bám mặt tiền những con đường liên huyện, liên tỉnh; Cấm chuyển sang đất xây dựng ở những vùng “bờ xôi ruộng mật” nhằm đảm bảo an ninh lương thực; Câm công nghiệp gây ở nhiễm ở đầu nguồn nước, gần khu dân cư…

Tách bạch đất đai thành tài sản công, tài sản tư. Đất công, thì nhà nước đấu giá [kèm theo điều kiện sử dụng đất]. Đất tư thì để doanh nghiệp tự nhận chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng xong là “đầu tư”. Nhà nước không thu hồi đất và giao đất, không cấp giấy phép xây dựng mà những công ty tư vấn thiết kế, giám sát đủ điều kiện hành nghề tự làm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư.

Giảm bớt tối đa những ngành kinh doanh có điều kiện mà nhà nước có thể quản lý bằng một số thủ tục.

Chỉ có cải cách theo hướng này thì mới có thể giải phóng môi trường đầu tư, cắt giảm biên chế, tăng lương và ngăn chặn sự nhũng nhiễu của bộ máy.

***

PS: Chỉ nửa tiếng sau khi tôi post bài này, một nhà đầu tư trong ngành hàng không gửi cho tôi ý kiến sau đây: LUẬT ĐẦU TƯ ĐEO GÔNG CHO HÀNG KHÔNG

Trước đây, để thành lập, xin giấy phép hàng không, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện theo một luật là Luật Hàng không, do Bộ GTVT là cơ quan chủ trì và cấp giấy phép. Năm 2016 Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa giấy phép hàng không thành đối tượng của Luật Đầu tư, mặc dù hãng hàng không không sử dụng tý tài nguyên đất đai nào.

Từ đó đến nay để thành lập hãng hàng không phải thực hiện theo 2 luật: đầu tiên theo Luật Đầu tư, rồi sau đó theo Luật Hàng không.

Cả hai quy trình thủ tục đều phải lên đến tận Thủ tướng để được chấp thuận chủ trương. Lần thứ nhất, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ KHĐT, rồi Bộ KHĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lần thứ hai, Thủ tướng chấp thuận theo kiến nghị của Bộ GTVT, rồi Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Ở lần đầu, Bộ KHĐT lấy ý kiến của Bộ GTVT trước khi báo cáo Thủ tướng. Ở lần hai, Bộ GTVT lấy ý kiến của Bộ KHĐT trước khi báo cáo Thủ tướng.

Ở Việt Nam, ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet chỉ có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vì khi họ thành lập thì Luật Đầu tư chưa “quản” việc cấp phép hãng hàng không. Hai hãng sinh sau đẻ muộn là Bamboo Airways, Vietravel Airlines có “những” hai giấy phép: giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ GTVT cấp (giống 3 hãng kia), cộng giấy chứng nhận đầu tư do Bộ KHĐT cấp.

Mặc dù có nhiều hơn các hãng cũ một giấy phép cho Bộ KHĐT cấp, nhưng giấy phép này không tạo lợi ích gì cho các chủ nhân của giấy phép này, mà về bản chất là họ bị một vòng kim cô quàng lên đầu.

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vô thời hạn, còn giấy chứng nhận đầu tư phải có thời hạn theo dự án đầu tư xin phép (30 năm, 50 năm), làm cho các hãng có giấy phép này bị “mất giá” so với các hãng không có nó.

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không không giới hạn số lượng máy bay, còn giấy chứng nhận đầu tư giới hạn số lượng máy bay, hãng sử dụng hết quota lại phải xin giấy chứng nhận đầu tư mới rồi mới được tăng máy bay.

Luật Đầu tư làm khổ các hãng thành lập sau rất nhiều so với các hãng thành lập trước ngày Luật Đầu tư “ôm” cấp phép hãng hàng không.

Câu hỏi là ba hãng hàng không không có giấy chứng nhận đầu tư vẫn hoạt động bình thường, trong đó có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vậy Luật Đầu tư “quản” cấp phép thành lập hãng hàng không để làm gì?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hề… hề…., tác giả này:
    1. Ông lý thuyết nhiều quá chứ thực ra thầy cô giáo đưa đón học sinh ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học rất kinh bọn HỔ SỔNG CHUỒNG (ông đã nghe tới chuyện các thầy cô giáo trong nghề NUÔI DẠY TRẺ bị biến thành nghề NUÔI DẠY HỔ chưa!!?). Bởi thế, ta có thể hình dung thế này: khi xe đưa đón học sinh dừng để cho học sinh xuống xe vào trường thì các thầy cô giáo làm nhiệm vụ đưa đón phải vội vàng xuống xe để quản lý LŨ HỔ, cho nên có thể có sai sót là vẫn còn MỘT HỔ ở trên xe mà các thầy cô không có tâm để ý, điều này đôi khi dẫn đến việc xảy ra thảm họa, như ở trường Gateway (Hà Nội) và ở Mầm non Hồng Nhung Thái Bình (nguyên nhân để tác giả viết bài viết này!).
    2. Xử lý thảm họa trong các trường hợp này cực đơn giản: Nhà trường khi ký hợp đồng với lái xe đưa đón phải có một điều khoản bắt buộc, đó là anh ta phải rà xoát thật kỹ xem còn có HỔ NGỦ QUÊN nào không trước khi xuống xe và khóa kín nó!!

    • Hề…hề…, sao admin thay bài vở lộn xộn thế. Tôi có “còm” với Huy Đức đâu nhỉ!?

      _______

      Editor: Bác xem lại mỗi khi viết comment. Chúng tôi không có thời gian để đọc comment, nói chi tới chuyện thay đổi hay dời chỗ. Nói thêm: chúng tôi không có khả năng di chuyển comment của ai đó, mà chỉ có thể cho ra ngoài, hoặc không mà thôi.

      • Vâng, thưa admin, bài “còm” của tôi hôm trước nhằm để thảo luận với tg KVC trong bài viết mà ông ấy nói về cháu bé 5 tuổi bị nhốt trong xe tại Thái Bình. Hình như bài này bị admin gỡ bỏ ạ!?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây