Vụ bé lớp 1 không có suất ăn: Đừng nói một nửa sự thật

Thái Hạo

28-5-2024

Vụ bé lớp 1 không có suất ăn ở trường tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, Hải Dương: Đừng nói một nửa sự thật.

Tóm tắt cho những ai lười đọc. Từ kết luận của Sở GD-ĐT Hải Dương và những thông tin do vị phụ huynh đăng tải thì:

Thứ nhất, con chị ta không có suất ăn là thật và không được ăn ké suất ăn ấy với bạn nào cả (bánh kẹo chỉ là đồ tráng miệng);

Thứ hai, vị phụ huynh này không phải không đóng tiền nhưng lại đòi ăn, mà là do giáo viên và ban đại diện đã không thông báo về nguồn tiền dùng cho liên hoan, dẫn đến vị phụ huynh này đinh ninh rằng mình đã đóng tiền quỹ lớp rồi (mà quỹ lớp thì còn) nên đã không có ý kiến, chỉ đến khi diễn ra liên hoan thì mới thấy con mình không có suất ăn (do ban phụ huynh nói dùng tiền quỹ phụ huynh mua chứ không dùng tiền quỹ lớp);

Thứ ba, đây là một vụ trả thù của tập thể phụ huynh (mà Ban đại diện và giáo viên chủ nhiệm là đầu têu) đối với một phụ huynh “cứng đầu” vì đã không chấp nhận nộp các khoản trái quy định;

Thứ tư, những thông tin do nick Mưa Mùa Thu đăng tải là bịa đặt (và có thể phải đối diện với một vụ kiện);

Thứ năm vị phụ huynh này không chấp nhận nộp 100k trái quy định nhưng lại là người đã thường ủng hộ các lớp học những khoản tiền lớn hơn số đó. Nghĩa là, đây không phải là người ích kỷ mà là một người rạch ròi, có ý thức pháp luật cao và phân minh trong thái độ, “một con cừu không ngoan”. Chi tiết xin xem nội dung phía dưới.

***

Hôm qua, liên quan đến vụ việc một em bé lớp 1 không có suất ăn liên hoan vì mẹ bé không đóng quỹ, sau khi xuất hiện các ý kiến trái chiều, cho rằng vị phụ huynh này là người bịa đặt, quá quắt, ích kỷ, luôn chỉ biết đòi hỏi cho bản thân mình, tôi đã nói lên ý kiến của mình, bênh vực vị phụ huynh ấy.

Là một người đã làm việc nhiều năm trong môi trường giáo dục, lại cũng là phụ huynh, từ các thông tin ít ỏi tìm kiếm được, tôi xâu chuỗi và kết hợp với những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân về môi trường giáo dục, tâm lý phụ huynh và tình trạng thu chi bát nháo hiện nay do có nguyên nhân từ “cánh tay nối dài” mang tên Ban Đại diện ha mẹ học sinh, tôi đi đến nhận định rằng, vị phụ huynh kia là người có nhận thức pháp luật và hiểu quy định về thu chi, chị ta cũng là kẻ cô độc vì bị cô lập bởi cái có tên là “tập thể”, người như chị là hiếm nhưng rất có thể sẽ “tuyệt chủng” sau cuộc đấu tố lần này (xem 1).

Đến chiều qua, 27 tháng 5, một loạt báo đăng tin nêu “kết luận” về vụ việc từ Báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Dương gửi Bộ GD-ĐT. Nội dung cơ bản là thừa nhận sự thật rằng đã không có suất ăn cho em bé kia trong buổi liên hoan; và đây là một “thiếu sót” của giáo viên chủ nhiệm, và yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” (xem 2).

Đọc các bài báo này, tôi không thấy thỏa mãn và thỏa đáng, vì còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ và rốt ráo, như: Thu các loại quỹ này (quỹ lớp và quỹ phụ huynh) là đúng hay sai quy định; lớp đã thông báo đến phụ huynh những nội dung cụ thể gì về buổi liên hoan sẽ diễn ra chưa, có nói rõ về nguồn kinh phí sẽ dùng để mua đồ ăn là từ loại quỹ nào không; việc phụ huynh này không đóng tiền quỹ phụ huynh là đúng hay sai quy định; ai là người đã quyết định mua 31 suất ăn thay vì 32 suất (giáo viên chủ nhiệm hay Ban đại diện cha mẹ học sinh); trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về ai và ở mức độ nào…

Tất cả các câu hỏi trên phải được trả lời rõ ràng, minh bạch thì câu chuyện này mới coi như được giải quyết đúng nghĩa. Còn cái Báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Dương gửi Bộ GD-ĐT là một kiểu lấp liếm, hòa cả làng, chưa làm sáng tỏ được hầu hết những vấn đề từ cơ bản đến các chi tiết cụ thể.

Với kinh nghiệm và những thông tin mà tôi tìm kiếm được, như đã nói, tôi tin rằng vị phụ huynh kia đúng và chị ta là người cô độc đang bị bôi nhọ, đấu tố bằng những thông tin bịa đặt và những lý lẽ nặng mùi đạo đức của chủ nghĩa tập thể. Đang loay hoay tìm kiếm thì thật may, chiều hôm qua vị phụ huynh ấy đã mở lại Facebook và đăng bài “GÓC THẮC MẮC VÀ EM XIN ĐÍNH CHÍNH” (xem 3).

Nội dung bài đăng cơ bản đã cung cấp hầu hết câu câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi vừa nêu lên ở trên. Chị này nói rõ, về hai loại quỹ ấy, “Cái vấn đề nộp quỹ hội này e đã nói đầu năm học là e k đóng khoản quỹ hội (khoản này trên tinh thần tự nguyện)”. Và chị đã đúng. Xin nói thêm với chị rằng, cả quỹ lớp cũng là một loại quỹ không đúng quy định, chị ạ.

Về thông tin liên quan đến những thông báo trước buổi liên hoan thì chị cho biết: “Vừa rùi liên hoan cuối năm e ko thấy cô giáo đăng lên nhóm thông báo là quỹ lớp còn ít hay hết nên vấn đề này e ko dc biết vì e nghĩ Quỹ Lớp vẫn đủ, nếu e biết ko đủ e sẽ ủng hộ thêm cho các con”.

Nghĩa là tiền chi cho liên hoan đương nhiên phải lấy từ quỹ lớp (chứ không phải từ quỹ phụ huynh), nhưng chính Ban đại điện đã không thông báo về số tiền thuộc quỹ lớp này còn bao nhiêu và chị phụ huynh này do nghĩ rằng quỹ lớp còn đủ cho liên hoan nên đã không hỏi đến. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, họ dùng quỹ phụ huynh để mua đồ ăn và không mua suất ăn cho 1 em bé vì mẹ bé đã không đóng cái quỹ này.

Một thông tin nữa, là nói rằng em bé ấy vẫn được ăn các loại bánh, chỉ không có suất gà rán mà thôi, tuy nhiên vị phụ huynh cho biết “Bánh kem và kẹo phụ huynh mua tặng ủng hộ trong lớp cho các con, con e vẫn được ăn, cái này không liên quan tới Quỹ Lớp và Quỹ Hội”. Tóm lại, là bánh kem và kẹo không phải suất ăn, nó chỉ như đồ tráng miệng và may mà có phụ huynh mua cho lớp dưới dạng ủng hộ, nếu không con chị chỉ còn cách ngồi nhìn mồm, đến một cái kẹo cũng không có. Điều này nói lên rằng, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn Ban đại diện đã dứt khoát loại bé ra ngoài bữa ăn, do mẹ bé không đóng quỹ.

Thêm một thông tin nữa, là cô giáo và hiệu trưởng đã đến nhà, thừa nhận sai và nhận lỗi với vị phụ huynh này. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Sở GD-ĐT Hải Dương thì không nói như thế. Báo viết: “Khi nhận được thông tin đăng tải trên facebook cá nhân bà V.T.S. thì hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C cùng đại diện phụ huynh học sinh của trường đã trực tiếp đến nhà riêng gặp gỡ, trao đổi với bà V.T.S. để hiểu rõ hơn về nội dung sự việc trên và bà S. cơ bản đã nhất trí với giải thích của nhà trường”.

Nghĩa là sao? Là do vị phụ huynh này hiểu lầm nhưng may mà nhờ sự tận tình giải thích của nhà trường và giáo viên mà phụ huynh mới hiểu ra? Vậy rốt cuộc lỗi thuộc về phụ huynh? Quái lạ là, cũng trong báo cáo này thì nhà trường lại nói là giáo viên chủ nhiệm có “thiếu sót”, rồi yêu cầu rút kinh nghiệm!

Riêng về những thông tin từ một người có nick Mưa Mùa Thu là phụ huynh của lớp ấy thì, như tôi đã phân tích và chứng minh trong bài viết hôm qua, đó là có sự bịa đặt để nhằm bôi nhọ vị phụ huynh này. Sau khi bài “đính chính” của vị phụ huynh có con bị phân biệt đối xử được đăng lên, thì lòi ra thêm nhiều thông tin khác nữa, cũng hoàn toàn sai sự thật. Và gần như tất cả đều là bịa đặt.

Về người này, vị phụ huynh nhắn trong bài đăng rằng: “Nhưng em có đôi lời gửi tới chị phụ huynh có nick Mưa Mùa Thu trong lớp con em, em cho chị trong 24h nếu trong 24h chị không đến nhà e xin lỗi và đính chính lại những lời chị nói trên mạng là sai sự thật nếu không em sẽ làm đơn kiện chị vì tội vu khống xúc phạm danh dự nhân phẩm gia đình em và con em”.

Vị phụ huynh này có phải là người quá quắt, ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi hay không? Thứ nhất, vị ấy không đóng tiền quỹ phụ huynh là đúng quy định; tuy nhiên không đóng quỹ nhưng lại tích cực ủng hộ tiền cho các lớp (ngoài tiền quỹ lớp đã đóng). Vị này rất rạch ròi, không đóng dù chỉ một đồng nếu đó là thu sai, nhưng sẵn sàng ủng hộ những món tiền gấp nhiều lần số đó. Như vậy, chẳng phải đáng quý và đáng nể lắm sao?

Tóm lại, cho đến thời điểm này, từ sự ấp úng nhận lỗi và trả lời kiểu lấp liếm ma lanh của nhà trường và Sở GD Hải Dương, cộng thêm với bài đăng của vị phụ huynh này, tôi đã có thể kết luận rằng, vị phụ huynh ấy không những đã phản ánh đúng mà còn là một người có tinh thần chính trực, có thái độ phân minh và ý thức pháp luật cao. Một số phụ huynh trong lớp này, bao gồm cả Ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên, nhà trường là những người thiếu trung thực (trước đó họ đã đối xử tàn nhẫn với một đứa trẻ chỉ vì để trả đũa/ trả thù mẹ nó bởi đã không đóng quỹ phụ huynh; đây là một sự “trừng phạt” hoàn toàn vô giáo dục và đang xấu hổ).

Câu chuyện về vụ liên hoan này một lần nữa nhắc ta về nạn lạm thu, loạn thu và sự tồi tệ của cái gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường hiện nay. Nó một lẫn nữa cũng nhắc lại câu hỏi, là có nên để tồn tại Ban đại diện ấy trong nhà trường nữa hay không, khi nó chủ yếu chỉ làm cánh tay nối dài và hợp thức hóa các khoản thu sai trái cho nhà trường. 70% tiền quỹ phụ huynh do cái Ban này thu là nộp về cho trường, như vậy có vi phạm pháp luật chưa? Họ tồn tại ở đó để làm gì ngoài chức năng “thu tiền hộ” và gây ra những vụ việc tồi tệ như để một đứa trẻ không có suất ăn trước mặt tất cả bạn bè nó để trả thù người mẹ?

Giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và Sở GD-ĐT Hải Dương không thể lấp liếm câu chuyện này bằng một cái báo cáo hòa cả làng như thế. Đúng sai phải rạch ròi, trách nhiệm phải được quy về cho từng đối tượng cụ thể và phải truy về nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để giải quyết nó chứ không phải “rút kinh nghiệm sâu sắc” rồi vẫn tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng nguồn bệnh. Cuối cùng, tôi không đồng ý với cái Báo cáo kia của Sở GD-ĐT Hải Dương. Các vị cần trung thực và có trách nhiệm hơn với trẻ em.

Từ chỗ bịa đặt đến nói một nửa sự thật, sự thật còn xa lắm.

_______

Chú thích:

(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=842804341059920&id=100059910855657

(2) https://www.giaoduc.edu.vn/bo-gd-dt-xac-minh-vu-viec-be-lop-1-phai-ngoi-nhin-cac-ban-an-lien-hoan-vi-me-khong-dong-quy.htm

(3) https://www.facebook.com/nhan.thuy.148/posts/2168666970154114

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học giả NĐK

    (“Hội phụ huynh” là cách gọi trước đây, còn tên chính thức trên văn bản giấy tờ bây giờ là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, giống kiểu như “thu phí” với “thu giá” vậy).

    Với kinh nghiệm 3 năm liền làm Trưởng ban đại diện CMHS lớp, Phó trưởng ban đại diện CMHS trường (ở một trường tiểu học tại TP.HCM) tôi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo nên cân nhắc bỏ hẳn cơ cấu “Ban đại diện CMHS” hiện nay tại tất cả các trường công.

    Theo dõi câu chuyện lạm thu hơn 15 năm nay ở các trường (kể từ khi mới bước chân vào nghề báo, cho đến khi thực tham gia trực tiếp vào hoạt động của ban đại diện CMHS mới đây) tôi thấy hoạt động chủ yếu, tích cực và xuyên suốt của hầu như tất cả các ban đại diện chỉ có một, đó là: THU TIỀN QUỸ.

    Thực ra cũng không cần trải nghiệm thực tế, chỉ để ý quan sát một chút cũng thấy ngay, đầu mối của tất cả các khoản lạm thu được phản ánh trên báo chí những năm trước và thời gian gần đây đều ở một chỗ đó là: BAN ĐẠI DIỆN CMHS (HỘI PHỤ HUYNH).

    Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên, bấy lâu nay chưa thấy ai đặt câu hỏi về việc có nên hay không để tồn tại một cơ cấu ban đại diện CMHS này trong các trường công?

    Qua trải nghiệm ba năm trong ban đại diện của mình quả thực tôi thấy vai trò của ban đại diện CMHS trong việc phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi – dạy các con là vô cùng hạn chế. Hạn chế đến mức, tôi có thể nói chắc rằng có hay không ban đại diện CMHS cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy – học và hoạt động của học sinh tại trường.

    Vậy tại sao các Ban đại diện CMHS vẫn được lập ra? Và ai sẽ là người sốt sắng lập nên Ban đại diện CMHS này nhất? – Xin thưa, tất cả những ai từng có con học trong hệ thống trường công đều có thể dễ dàng trả lời ngay đó là: BAN GIÁM HIỆU.

    Như đã nói ở trên, nếu không có cơ cấu gọi là ban đại diện CMHS các ban giám hiệu các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn với các khoản tiền cần “xã hội hóa” hàng năm để: mua máy chiếu, mua tivi, mua rèm cửa… vân vân và vân vân. (Một điều kỳ lạ là năm nào cũng có những khoản kiểu như thế này, như thể sau mỗi năm học, qua một kỳ nghỉ hè, ngôi trường lại rơi vào thế giới của Kafka, trang thiết bị năm cũ đột nhiên biến mất hết không một dấu tích vậy).

    Mỗi lần nghe các vị lãnh đạo các trường lên báo chí giải thích về các khoản thu của cha mẹ học sinh đều là “tự nguyện”, “đồng thuận”… nói thật tôi thấy buồn nôn kinh khủng (“mắc ói dễ sợ” – nói theo kiểu miền Nam).

    Cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị là gì?

    – Là bóng gió gợi ý (nhiều khi là thẳng tuột luôn), là giả đò lấy ý kiến, rồi phổ biến cho ban đại diện trường, rồi đưa xuống cho giáo viên chủ nhiệm, đưa xuống cho ban đại diện lớp, rồi lấy biểu quyết ở lớp theo cùng một mô-típ như sau: Sẽ có vài vị phụ huynh có điều kiện đứng lên ủng hộ nhiệt thành, thậm chí còn đòi tăng thêm các khoản đóng góp. Sẽ một vài ý kiến yếu ớt chất vấn, hay phản đối. Sẽ nói qua nói lại một hồi, rồi hết thời gian họp phụ huynh. Biểu quyết. Đa số đồng ý. Xong.

    Khốn thay, trong một trường, hay một lớp học bao giờ cũng thế, những gia đình, những phụ huynh có điều kiện nhất là những người mạnh miệng (lớn tiếng) nhất. Ở chiều ngược lại, những gia đình, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất lại chính là những người ít có tiếng nói nhất. Họ là những người yếu thế. Họ không dám lên tiếng. Hoặc có thể tệ hơn, vừa nghe đến những khoản thu kiểu như vậy thì họ đã ngay lập tức xây xẩm mặt mày, vội nghĩ cách xoay xở cho ra cái khoản đó để kịp đóng góp cho con, chứ làm gì đã nghĩ đến chuyện lên tiếng phản đối hay chất vấn.

    Như thế, cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị thực ra chỉ là “ném đá giấu tay”, mượn tay ban đại diện thực hiện các mục tiêu của mình, và lấy đa số (to tiếng) áp đặt thiểu số (yếu thế) không có tiếng nói.

    Nói đến đây tôi chắc phải dừng lại một chút, để có vài lời thanh minh. Thứ nhất, tôi không nói tất cả các trường, các ban giám hiệu đều như thế (bản thân tôi cũng đã có may mắn gặp được những thầy, cô giám hiệu thực sự hết lòng vì các con), nhưng hầu như chắc chắn các trường có chuyện lạm thu phụ huynh đều như thế. Thứ hai, có lẽ mọi phụ huynh đều nghĩ những khoản quỹ đóng góp cho ban đại diện CMHS là để lễ tết thầy cô, để tỏ lòng biết ơn. Nhưng thực tế, như cá nhân tôi nhìn nhận, quả tình thầy cô cũng không có mặn mà gì với các món quà của phụ huynh đâu, họ thường cảm thấy miễn cưỡng, khó xử khi nhận được các món quà này hơn là thích thú. Trong đa số trường hợp, thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm cũng là nạn nhân của nạn lạm thu này (vừa chịu o ép từ trên ban giám hiệu, vừa phải chịu tiếng oan o ép phụ huynh)

    Nói tiếp về chuyện lạm thu. Việc lạm thu của Ban đại diện CMHS diễn ra ở tất cả các cấp học, nhưng nó đặc biệt tệ hại với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhà nước đã chủ trương miễn học phí để mọi trẻ em đều có thể đến trường, phổ cập tiểu học (tiến tới phổ cập trung học cơ sở), thế nên, việc lạm thu đầu năm ở các trường không gì khác là phá hoại chính sách đúng đắn, nhân văn này.

    Điều cuối cùng, nếu cần có tiếng nói, có sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con cái tại trường, chúng ta có thể cân nhắc thiết lập một mô hình khác hiệu quả hơn đó là thiết lập các học khu (có thể phân theo phường, xã), mội học khu sẽ có một Ban giám học là đại biểu nhân dân, giáo chức về hưu hoặc những nhà chuyên môn khác có quan tâm đến giáo dục, để hỗ trợ, theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục tại tất cả các trường công trong phạm vi học khu của mình. Tôi tin, “Ban giám học” này sẽ có nhiều chuyên môn, trách nhiệm và sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hỗ trợ, giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục các trường công tốt hơn nhiều các “Ban đại diện CMHS” hiện nay.

    Nguồn Mạng.

  2. Có cái gì tôi nói sai mà phải “Bình luận của bạn đang chờ kiểm duyệt”?
    ______

    Editor: Do website này bị hacker tấn công liên tục bằng phương pháp DDoS, nên tất cả các bình luận đều không hiện ra ngoài ngay sau khi gửi, chứ không riêng gì bình luận của bác.

  3. Hãy làm sáng tỏ từng chi tiết của sự việc để “trắng ra trắng, đen ra đen”
    Sự mập mờ, lấp liếm có thể gọi là đểu cáng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây