Cúng dường

Chu Mộng Long

24-5-20224

Tăng đoàn đi khất thực trên chuyến bay đặc biệt. Khoảng mấy chục nhà sư ngồi ghế hạng thương gia. Không cần vỗ ngực “chúng sinh biết chúng sư là ai không” cũng có vô số người sụp lạy. Nhiều người móc túi cúng dường. Nhà sư đầu đàn thoăn thoắt trút tiền từ bình bát vào bao.

Cũng có những người chỉ trố mắt nhìn. Chẳng đảnh lễ cũng chẳng cúng dường. Nhà sư đầu đàn nói:

– A di đà Phật. Máy bay sắp rơi. Những ai vô tâm với Phật sẽ không thoát chết…

Lập tức những kẻ “vô tâm với Phật” hoảng hốt, vội vàng đến trước tăng đoàn đảnh lễ và cúng dường. Tiền lẻ bị thầy mắng tội báng bổ Phật.

Vừa đáp xuống sân bay, tăng đoàn rồng rắn đi dọc phố. Trưa nắng, không một bóng người. Chỉ có một cô bé bán hàng rong ở lề đường. Cô bé gầy guộc, tàn tật, ngồi trên chiếc xe lăn. Nhìn thấy tăng đoàn, cô bé vui mừng như hứng được phước báu. Mắt cô bé thăm thẳm chờ điều kì diệu Đức Phật ban cho…

Một chốc rồi tăng đoàn cũng đến và dừng lại. Nhà sư đầu đàn dí cái bình bát vào mặt cô bé:

– A di đà Phật. Con có muốn được hưởng phước báu không?

Cô bé nhìn vào bình bát. Chỉ thấy trong đó mấy tờ tiền lẻ. Cô bé đưa tay ra và hỏi:

– Thầy cho con?

Nhà sư lắc đầu:

– Không, không. Con muốn được hưởng phước thì bỏ tiền vào đấy. Bỏ tiền lẻ như có người đã bỏ vào đây thì sẽ bị tàn tật suốt đời.

Cô bé chạnh lòng khóc. Cả ngày nó bán hàng rong, chỉ được mấy đồng lẻ để sống qua ngày. Nhà sư nhìn đôi chân cô bé rồi liếc nhìn cái túi tiền treo trên móc xe. Nhà sư hỏi:

– Con có biết kiếp trước con đã mắc tội gì không?

Cô bé lắc đầu:

– Dạ con không biết.

Nhà sư giải thích:

– Kiếp trước con hay đi du lịch mà không cúng dường cho chùa, nên kiếp này con phải chịu bại liệt. Vậy con có muốn kiếp sau tiếp tục bị bại liệt nữa không?

Cô bé run bắn người lên khi nghĩ đến kiếp sau vẫn chưa được giải thoát. Nó chắp tay:

– A di đà Phật. Mong thầy giải nghiệp cho con!

Cô bé lấy túi tiền ra, có bao nhiêu tiền bỏ hết vào bình bát cho nhà sư. Nó khóc nức nở: “Từ sáng đến giờ con chỉ có được bấy nhiêu tiền lẻ. Mong thầy nhận cho. Đến chiều nếu con bán được cả chiếc xe lăn này, con sẽ gửi hết cho thầy. A di đà Phật”…

Nhà sư hứa chiều sẽ quay lại. Trên đường đi, nhà sư làu bàu: “Giải nghiệp cho mày với số tiền lẻ này, kể cả tiền bán cái xe lăn ấy, có mà lỗ chỏng vó”…

Ảnh minh họa. Sư cướp cũng không chừa em bé tàn tật!
Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. U Mê.

    Buồn buồn lắm, bạn ơi tôi buồn lắm
    Vạn nỗi đau đang cào cấu trái tim tôi.
    Thương lũ trẻ tập tu nơi hang quỷ
    Để ma tăng dẫn dắt chúng lạc đường.

    Học làm người, phải học nơi thánh thiện
    Muốn tập tu, cần tìm chốn chân tu.
    Nơi ma tăng lộng hành vì tiền bạc
    Dạy làm người, chúng có dạy được không?

    Thương lũ trẻ, trách cha trách mẹ trẻ
    Nỡ u mê, để ma quỷ dạy con.
    Ở cái nơi, cọng cỏ thành xá lợi
    Có đáng tin, gửi con tới tu thân?

    Nơi cửa thiền phải là nơi thanh tịnh
    Nay là nơi dụ trẻ tới thu tiền.
    Trách ai đây, lẽ nào không tự trách.
    Để đám người, dẫn trẻ sống u mê!

    Nguồn mạng.

  2. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  3. Học giả: BÙI CHÍ VINH

    Hai bên thiện ác chánh tà
    Bên đạo hạnh, bên quỷ ma rành rành
    Một bên bán Phật mua danh
    Một bên nhân ái thiện lành từ tâm

    Tham sân si lẫn tà dâm
    Lộ ra ánh mắt, đố lầm được ai
    Hạnh đầu đà chỉ chắp tay
    Mà sao y bát bỗng đầy hào quang

    Có câu “Chùa rách Phật vàng”
    Hết thời bịp bợm : Bọn – quan – thầy – chùa !

    Nguồn mạng

  4. Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
    Học giả BCV.

    Người ta tu hạnh đầu đà
    Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
    Người ta tu để vô danh
    Sư dởm tu để lưu manh truyền đời

    Người ta đi bộ khắp nơi
    Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
    Người ta cái miệng “nam mô”
    Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”

    Nguồn mạng.

  5. Gs VL
    Tham tu chèn ép chân tu.
    Là tối hại sáng là mù lấn tinh.
    Những mong non nước an bình.
    Tăng ni, phật tử giữ mình tu thân.

    Nguồn mạng

  6. Gs VL

    Cùng là họ Thích đi tu
    Chân tu thời ít tham tu quá nhiều.
    Người xưa thương xót nàng Kiều
    Dân nay khinh đám tu điêu hại đời.

    Chân tu tô đẹp cho đời
    Tham tu vấy bẩn đất trời thời nay.
    Thích Ca ngài hãy xuống tay.
    Loại đám tu bẩn chỉ say kim tiền.

    Nguồn Mạng

  7. GS VL

    Chân trần, áo rách, tâm trong
    Một đốm lửa sáng sưởi lòng lương dân.
    Giúp đời gạt bỏ bụi trần
    Nước nhà thêm đẹp người dân an lành.

    Đức tin nay quá mong manh
    Giờ tìm được đấng chân thành tu thân.
    Không là thánh, chẳng phải thần
    Ngài đang quét đám bất nhân tu tiền.

    Nguồn mạng

  8. Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng đang hàng ngày hàng giờ đưa tin về vị chân tu Thích Minh Tuệ, xin chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi, một kẻ vô thần về phật giáo ở ta thời nay.

    Buôn chức bán quyền, buôn thần bán thánh, buôn quá khứ bán tương lai, lẽ nào lại vậy?. Từ chỗ đập phá đền chùa, coi đình chùa là nơi khởi nguồn của tệ mê tín dị đoan tới chỗ lấy hàng ngàn héc ta đất giao cho tư nhân xây đình to chùa lớn, kinh doanh tâm linh có thể coi là một bước ngoặt, chẳng hiểu sau bước ngoặt này dân tộc Việt có thể vươn lên hoá rồng hay lại đưa xã hội Việt quay về thời mông muội giống thuở nhà Lý suy tàn.

    Chùa Bái Đính rồi chùa Tam Chúc những ngôi chùa bề thế, hoành tráng được coi là to nhất khu vực, to nhất thế giới nhưng không hiểu những kẻ đầu tư hàng nghìn tỷ, hàng vạn tỷ, những kẻ cấp đất và cho phép xây dựng những ngôi chùa này có ai thật tâm hướng về cõi phật hay chỉ với mục đích kinh doanh tâm linh trong thời buổi nhiễu nhương. Liệu những kẻ bỏ tiền xây tượng to, chùa lớn có hiểu rằng: “Phật giáo là tôn giáo mang tính duy lý và vô thần. Hệ thống giáo lý của phật giáo không mang tới sự sùng bái thần linh mà hướng tới nhận thức chân lý hay còn gọi là giác ngộ”. Cơ sở cốt lõi của phật pháp gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, nếu ai thấu hiểu triết lý này của đạo phật sẽ hiểu được chùa to, tượng lớn đâu phải là bến đậu của Đức Phật Như Lai cũng như các đệ tử của mình. Vậy người ta xây chùa hoành tráng, nguy nga như cung điện của các đế vương để làm gì? Phải chăng núp dưới chiêu bài sùng kính đạo phật để kinh doanh tâm linh, buôn thần bán thánh, kiếm lời từ một bộ phận dân chúng nhẹ dạ cả tin ở cái thời mà đức tin đang bị đổ vỡ. Triết lý của phật giáo là thứ triết học hướng con người tới Chân-Thiện-Mĩ, nếu hiểu được điều này có lẽ người ta đã bỏ tiền, dành đất để xây trường học, xây bệnh viện để dạy người và cứu người. Phải bỏ tiền mới được vào chùa bái phật như những gì mà người ta đang làm ở Bái Đính và ở Tam Chúc là hình thức kinh doanh thần thánh, không hiểu loại hình kinh doanh này có bị đánh thuế như những người buôn thúng bán mẹt hay những bác xe ôm?. Nếu người dân hiểu được triết lý trên, thay việc bỏ tiền nhờ nhà chùa dâng sao giải hạn bằng việc sống có đức có nhân với đồng loại có lẽ cái ác và thói hư tật xấu ít hiện hữu trong xã hội thời nay. Thật buồn giữa mảnh đất ngàn năm văn hiến mà hàng vạn người quan có, dân có đóng tiền để các vị sư chùa Phúc Khánh giải hạn cầu an. Giáo lý của phật giáo không cổ vũ sự sùng bái thần linh, lẽ nào các vị sư thày chùa Phúc Khánh và hàng vạn người tự coi là đệ tử của phật môn lại không nắm được giáo lý trên. Đồng tiền dùng để giải hạn có giúp ai đó che mắt thần thánh những việc làm sai thậm chí cả những việc làm hại người, hại đời hay không? Nếu thánh thần cũng vì tiền che dấu cái xấu cái ác của người đời liệu có đáng được người đời tôn kính không? Ta cầu an, cầu điều lành nhưng tâm không an, làm việc không lành thì có an để mà cầu? Không hiểu những người Việt xấu xí dùng cả ô tô để tranh cướp những lẵng hoa trang trí trên nhiều con phố Hà Nội trong mấy ngày vừa qua có bao nhiêu người từng đóng tiền dâng sao giải hạn trong các ngôi chùa vào dịp tết vừa qua. Những người làm công tác tư tưởng và văn hoá nước nhà liệu mấy người thấu hiểu được triết lý của phật giáo, nếu hiểu được và là người tử tế chắc họ không để cho loại buôn thần bán thánh xây chùa to tượng lớn kinh doanh tâm linh. Ông tổ của đạo phật, Đức Như Lai từ bỏ ngôi vị thái tử, từ bỏ giàu sang phú quý liệu có hiển linh tại Bái Đính, tại Tam Chúc để giúp lũ người buôn bán tâm linh?

    Tôi là kẻ vô thần nhưng tôn trọng tín ngưỡng của người khác bởi vẫn nghĩ người vô thần, người theo Phật giáo, người theo Kito giáo hay người theo Hồi giáo vẫn có thể sống hoà đồng với nhau nếu biết làm điều thiện, tránh điều ác. Tôi vẫn nghĩ rằng, người Việt ta, từ quan chức đến dân thường chưa biết cách giữ thăng bằng trong cuộc sống nên thường quá về phía bên này hay phía bên kia. Có lẽ vậy nên nhiều người đang bị một nhóm người lợi dụng tâm linh để làm những điều bất thiện kiếm lợi cho cho bản thân. Nếu ta cứ mông muội, cứ tin vào những kẻ buôn thần bán thánh liệu xã hội có thể tốt đẹp, đất nước có được bình an được không? Chân tu Thích Minh Tuệ đang góp sức lấy lại lòng tin của người Việt với đạo phật đã bị đám ma tăng Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh phá nát trong chục năm nay. Vậy mà, trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam lại không công nhận chân tu Thích Minh Tuệ là tu sĩ của giáo hội thì thật là buồn. Lẽ nào “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật”, câu nói của bị can Diệp Thị Hồng Liên cựu trưởng phòng khảo thí sở giáo dục Hoà Bình lẽ nào lại cũng đúng trong giới tu hành?

    Nguồn mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây