Biện pháp tu từ hay thủ thuật ngụy biện?

Mai Bá Kiếm

22-5-2024

TS Lê Kiên Thành viết một status dài 85 chữ để hỏi “những người muốn và đang đi theo thầy Thích Minh Tuệ” bằng ba câu dạng tu từ (Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho thầy dùng bữa? Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho thầy mặc? Ai sẽ giữ bình yên trên con đường thầy sẽ đi?).

Và, GS.TS Trương Nguyện Thành viết một Status ngắn 29 chữ bằng một câu hỏi cùng dạng tu từ: “Tự xưng là con, ‘không là tu sĩ’, ngủ màn trời chiếu đất, sống từ của người cho, cái TÔI và SĨ DIỆN của người này ở đâu nhỉ?”.

Đối tượng được TS Thành hỏi là “những người muốn và đang đi theo thầy Minh Tuệ”, còn đối tượng được GS Thành hỏi là “100 triệu người Việt, trừ thầy Minh Tuệ”. Kết quả là hai vị khoa bảng này bị dư luận xã hội phản biện nặng lời.

TS. Thành bị hỏi câu tu từ “Nếu ai cũng đi theo chị em của TS Thành sang Liên Xô học thì còn ai ở Việt Nam đi đánh Mỹ?”. TS Thành không phản bác và lặng lẽ gỡ status.

Ảnh chụp màn hình status của TS Lê Kiên Thành

Trái lại, GS Thành phản biện bằng bài “Tấm Gương Di Động” dài 1.500 chữ, gồm 87 dòng co chữ 12, tức dài gấp 167 lần “câu hỏi tu từ” (cái TÔI và SĨ DIỆN của người này ở đâu nhỉ?) của GS đưa ra (1.500/11 chữ). GS Thành sợ mọi người không hiểu ông nói gì nên phải viết dài, viết dai, không những “thanh minh” mà còn “thanh nga… út bạch lan, thành được, hùng cường, mai lệ huyền, trung chỉnh, hoàng oanh, kim loan, thanh tuyền, ngọc giàu, bạch tuyết…”.

GS Thành tự hào câu hỏi “Cái TÔI và SĨ DIỆN của người này ở đâu nhỉ?” là “câu hỏi mở và khá thâm sâu vì nó có thể hiểu nhiều cách khác nhau tùy theo cảm nhận của người đọc”, nên GS phải dùng Tháp Maslow để giải thích xu hướng mong muốn được đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người bắt đầu từ tầng thấp nhất rồi lên dần. Sau đó, GS cho rằng “Sư Minh Tuệ đưa nhu cầu cuộc sống của con người xuống mức thấp nhất có thể để mọi người có thể dùng nó làm cái chuẩn… Phải chăng Sư đã biến mình “trở thành tấm gương di động” để bất kỳ ai không phân biệt tôn giáo cũng có thể dùng nó để tự soi chính mình?”.

GS hỏi: “Tôi có đáng bị chỉ trích không? Đương nhiên là có vì con người ‘nghe những gì mình muốn nghe, thấy những gì mình muốn thấy và hiểu theo cách mình muốn hiểu’.” Nghĩa là, GS cho rằng những người chỉ trích mình là CẢM TÍNH, CHỦ QUAN. Nhưng, GS và TS cùng tên đưa ra các câu hỏi tu từ có CHỦ QUAN không?

Theo định nghĩa của Hội Việt Mỹ (VUS), câu hỏi tu từ (Rhetorical Question) được đặt ra để thu hút sự chú ý của người nghe. Chúng không dùng để tìm kiếm câu trả lời hoặc thông tin mà chủ yếu dùng để thu thập phản ứng của những người đối diện về một vấn đề nào đó.

Câu hỏi tu từ có đặc điểm: “Luôn ẩn chứa ý kiến khẳng định hoặc phủ định của người nói nhằm kêu gọi sự đồng tình từ người nghe”, nên mang tính chủ quan, định hướng dư luận.

Câu hỏi của TS Lê Kiên Thành (Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho thầy dùng bữa? Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho thầy mặc? Ai sẽ giữ bình yên trên con đường thầy sẽ đi?) là câu hỏi tu từ dạng khiển trách (Epiplexis) những người muốn và đang đi theo thầy Minh Tuệ.

Câu hỏi của GS Trương Nguyện Thành (Cái TÔI và SĨ DIỆN của người này ở đâu nhỉ?) là “Câu hỏi tu từ dạng thể hiện quan điểm (Erotesis) một cách mỉa mai (Người đặt câu hỏi thể hiện quan điểm của mình một cách mạnh mẽ về việc ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề nào đó).

Vì vậy, tôi đồng tình với nhiều Facebookers cho rằng: TS Thành và GS Thành đã dùng biện pháp tu từ để che đậy thủ thuật ngụy biện!

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  2. “biện pháp tu từ để che đậy thủ thuật ngụy biện”

    Cái này gọi là phép ẩn dụ Mạc Văn Trang . Và hổng sao đâu, trí thức các bác vưỡn thường xuyên áp dụng . Mún tớ trích thẳng bác hông ?

  3. Chế độ cộng sản kiểu hoang dã có ở miền Bắc từ 1954 và cả hai miền từ 1975. Tầng lớp gọi là tinh hoa mấy đời được đào tạo ở trong nước hoặc ở Liên xô, Trung Quốc hoặc các nước XHCN đông Âu . Họ là sản phẩm của chế độ và tư tưởng toàn trị . Ở đó không có chỗ cho những quan điểm hay tư tưởng khác ngoài những gì hệ thống tuyên truyền đã bầy sẵn . Từ ngày mạng XH có ở VN một số ông bà trong số này bắt đầu viết . Họ phê chỗ này một tý , chỉnh chỗ nọ một tý . Hay dạy chỗ này một ít rồi bảo ban chỗ kia một ít . Dân chúng lầm tưởng và hy vọng những con người này muốn những thay đổi thực sự cho XH Việt nam thành một XH văn minh đa màu sắc trong mọi lĩnh vực !
    Nhưng chỉ cần vài lời cũng đã lột trần họ là ai và thực sự họ muốn và nghĩ gì!
    Chế độ cộng sản trong 70 năm qua đã tiêu diệt hoàn toàn tầng lớp trí thức thực thụ của Việt nam và tạo ra một quần thể những kẻ thừa hành trong hành động cũng như tư tưởng .
    Ai và tầng lớp nào sẽ làm nhiệm vụ khai sáng cho đất nước và dân tộc việt nam hậu cộng sản?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây