Tín ngưỡng và nguy cơ

Chu Mộng Long

13-5-2024

Tranh vẽ sư Thích Minh Tuệ của họa sĩ Điệp Tuấn

Tôi không là Phật tử, cũng không là con chiên Thiên Chúa. Nhưng tôi có đức tin. Tin vào Đạo Trời, Đạo của Cha mẹ, Tổ tiên. Đó là đạo của sự biết ơn: Biết ơn Trời đất, Cha mẹ, Tổ tiên cho tôi sự sống. Còn đạo đức do chính mình tu rèn, đơn giản là mọi nhận thức và hành động đều luôn biết phản tỉnh và tự sửa, không ai cho ta cả! Trên đời, mọi tấm gương đều là ảnh ảo, giả. Phước từ đức mà ra, cũng chẳng ai cho và càng không thể mua bằng tiền.

Nhiều người tự hào, rằng mình đang theo đạo là có đạo đức. Thực chất đa số theo đạo là để cầu phước, giống như cầu vận may của con bạc, đạo như vậy thì tham ngay cả sau khi chết.

Tôi chẳng tin ai cứu độ cho mình, trừ chính mình tự cứu mình. Tôi không thần thánh hóa bất cứ ông nào bà nào!

Một cá nhân không tin vào chính mình mà chỉ tin vào “vận mệnh”, “số mệnh” (giới tu sĩ Phật giáo hiện nay gọi là “nghiệp”, “kiếp”) thì cá nhân ấy không khác con bạc lao vào canh bạc đỏ đen, hoặc tán gia bại sản hoặc không việc ác gì không làm nếu có cơ hội.

Tôi còn nhớ thời bao cấp, trong lý lịch, mục Tôn giáo khai là Lương giáo. Không rõ ai đã đặt ra chữ “Lương giáo” để đối lập với các loại tôn giáo. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, các tôn giáo đã từng làm những việc bất lương mới có khái niệm “lương giáo”. Cuộc Thập tự chinh của đế chế Roma chống Hồi giáo, Chính thống giáo phương Đông và các loại “ngoại giáo”. Cuộc truy sát người Do Thái giáo do Hittler phát động ở phương Tây và sự đối xử tàn bạo với các dân tộc ở phương Đông của người Nhật trong Đại chiến thế giới thứ hai đều có phần do xung đột tôn giáo. Cuộc chiến khủng bố của người Hồi giáo hiện nay như là thể hiện mối thù không đội trời chung với Do Thái giáo và Kito giáo…

Phật giáo tưởng là tôn giáo hòa bình, nhưng không hẳn vậy. Cuộc thảm sát Inn Din vào năm 2017 tại Miến Điện, nơi nổi tiếng là đất Phật (vừa rồi nổi đình nổi đám vì sở hữu sợi lông cỏ được cho là tóc Phật). Tờ New York Times và Al Jazeera ghi nhận, đã phát hiện các mồ chôn tập thể người Rohingya, ước tính có hơn 10.000 người Rohingya đã bị giết, và khoảng 700.000 người buộc phải sống lưu vong ở các nước láng giềng Bangladesh và Ấn Độ. Giám đốc Nhân quyền LHQ mô tả tình trạng trên như là “một ví dụ điển hình cho chính sách thanh tẩy chủng tộc và tôn giáo”.

Cũng trong một bài báo trên tờ New York Times, hai tác giả Dan Arnold và Alicia Turner đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta ngạc nhiên khi người Phật giáo bạo lực?”, “Làm thế nào, nhiều người tự hỏi, có thể là một xã hội Phật giáo – đặc biệt là các nhà sư Phật giáo – có điều gì đó liên quan đến bạo lực khủng khiếp như việc thanh tẩy chủng tộc hiện đang gây ra cho người thiểu số Rohingya lâu đời của Myanmar? Chẳng phải người Phật Giáo có lòng từ bi và hòa bình sao?”.

Và đây là câu trả lời: “Để hiểu vấn đề một cách rõ hơn, trước tiên chúng ta phải hiểu chủ nghĩa Phật giáo dân tộc ở Myanma. Chủ nghĩa này xuất phát từ nỗi sợ hãi hay sự hận thù đối với đạo Hồi và người Hồi giáo mà người Tây phương gọi là Islamophobia. Sự hận thù này thúc đẩy họ có thái độ bạo lực chống lại người Rohingya“.

Hiểu lịch sử của tôn giáo mới thấy tôn giáo, dù là “chính giáo” với đức tin vào điều tốt đẹp, lương thiện, vẫn manh nha cái ác và tiềm tàng sự nguy hiểm. Một là khác đức tin, cũng giống như khác ý thức hệ, ắt xung đột và bạo lực. Hai là đức tin sai lạc, ắt hành vi sai lạc, người ta nhân danh Thiên Chúa hay Phật để thực hiện hành vi ma quỷ.

Tại Việt Nam, vào năm 1874, phong trào Văn thân do các Nho sĩ (thực chất là nhân danh Đạo pháp Dân tộc – Tam giáo đồng nguyên, Nho – Phật – Lão) chủ trương bạo lực với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” đã tàn sát bừa bãi hàng vạn người Công giáo.

Mối nguy ấy đang ngày một hiển hiện trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh mà giới tu hành đang có tham vọng gây ảnh hưởng chính trị và nghĩ cách làm tiền, gọi là “kinh tế thị trường”. Kinh tế thị trường bệnh hoạn ngay trong hoạt động tôn giáo, mà chủ yếu trong nội bộ Phật giáo.

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp để độc tôn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì các cuộc mâu thuẫn lại tiếp tục diễn ra. Năm trước từng diễn ra khẩu chiến nảy lửa giữa Thích Trúc Thái Minh (đại diện phía Bắc) và Thích Nhật Từ (đại diện phía Nam). Sau đó là cuộc kiện tụng của Thích Nhật Từ đẩy giáo chủ Tịnh thất Bồng lai Lê Tùng Vân vào tù. Và nay, Thích Chân Quang tấn công nhà sư tự do Thích Minh Tuệ, còn hơn mấy mụ bán cá giành khách hàng.

Màu sắc kinh tế, kể cả chính trị ẩn sau cuộc chiến tôn giáo này. Ai cũng có thể nhìn thấy, đó là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, mà lại không đơn thuần là ảnh hưởng tinh thần mà liên quan sát sàn sạt đến vật chất, tiền tài, danh vọng. Nói trắng ra là tranh thị phần cúng dường với lợi ích mà Marx từng nói cho chủ nghĩa tư bản, nay vận vào nhà chùa: Lợi nhuận chỉ cần 300% chúng sẵn sàng đút đầu vào giá treo cổ. Từ khẩu chiến đi đến nguy cơ hỗn chiến bằng bạo lực là tất yếu, nếu không có biện pháp ngăn chặn.

Nhiều người nói đúng, rằng nhà sư Thích Minh Tuệ không nói xấu ai, không nhận tiền, vàng, chỉ nhận mỗi ngày một bữa cơm, bề ngoài tưởng không ảnh hưởng gì đến doanh thu của các chùa, nhưng thực chất lại rất ảnh hưởng, nếu không nói là “ảnh hưởng nghiêm trọng”. Việc hình ảnh Thích Minh Tuệ khổ hạnh được đưa lên mạng xã hội như hình ảnh Phật sống, rồi hàng ngàn tín đồ Nghệ An quét đường và đón nhà chân tu đi qua, tự thân điều ấy đã lột trần bản chất lừa bịp ma mị, hào nhoáng của các ma tăng đội lốt Phật. Mất ảnh hưởng đối với đại chúng là mất tất cả, tiền bạc, danh vọng. Thích Minh Tuệ trở thành đối tượng thù ghét. Cứ như Phật Tổ xưa cũng từng trải qua kiếp nạn như vậy.

Tất nhiên, bây giờ có thể thảm khốc hơn. Đã có thông tin Thích Minh Tuệ bị Phật tử giả côn đồ đấm vào mặt và lập tức Thích Minh Tuệ bị công an gây khó. Từ sự tuyên truyền gây thù ghét của các nhà sư quốc doanh, kéo theo hỗn chiến của giới Phật tử là điều có thể diễn ra chẳng chóng thì chầy.

Tôn giáo tham dự vào giáo dục, mạnh và sâu hơn giáo dục trong gia đình và nhà trường. Tự do tín ngưỡng của cá nhân không gây tác hại nếu tự do của người này không xâm hại đến quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Nhưng khi cái gọi là “Tự do tín ngưỡng” bị lạm dụng có tổ chức, tức được chính trị hóa, kinh tế hóa, ắt gieo rắc những thảm họa không lường.

Những bậc chân tu như Thích Minh Tuệ có thể bị chết bất đắc kì tử khi chính sự ảnh hưởng của ngài đẩy ngài vào thế tứ bề thọ địch. Nhưng không sao. Phật Tổ từng trải qua 81 kiếp nạn mới đến Niết Bàn. Ngài Thích Minh Tuệ nếu bị hại, ngài càng dễ được người đời tôn thành Phật. Chỉ đáng sợ là trên đất nước mông muội này, đại chúng với những đức tin khác nhau, không phải dân chủ đa nguyên mà rối loạn như hiện nay, có thể rơi vào cuộc hỗn chiến đẫm máu và nước mắt như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Bình Luận từ Facebook

12 BÌNH LUẬN

  1. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  2. Học giả: BÙI CHÍ VINH

    Hai bên thiện ác chánh tà
    Bên đạo hạnh, bên quỷ ma rành rành
    Một bên bán Phật mua danh
    Một bên nhân ái thiện lành từ tâm

    Tham sân si lẫn tà dâm
    Lộ ra ánh mắt, đố lầm được ai
    Hạnh đầu đà chỉ chắp tay
    Mà sao y bát bỗng đầy hào quang

    Có câu “Chùa rách Phật vàng”
    Hết thời bịp bợm : Bọn – quan – thầy – chùa !

    Nguồn mạng

  3. Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
    Học giả BCV.

    Người ta tu hạnh đầu đà
    Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
    Người ta tu để vô danh
    Sư dởm tu để lưu manh truyền đời

    Người ta đi bộ khắp nơi
    Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
    Người ta cái miệng “nam mô”
    Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”

    Nguồn mạng.

  4. Gs VL
    Tham tu chèn ép chân tu.
    Là tối hại sáng là mù lấn tinh.
    Những mong non nước an bình.
    Tăng ni, phật tử giữ mình tu thân.

    Nguồn mạng

  5. GS VL

    Chân trần, áo rách, tâm trong
    Một đốm lửa sáng sưởi lòng lương dân.
    Giúp đời gạt bỏ bụi trần
    Nước nhà thêm đẹp người dân an lành.

    Đức tin nay quá mong manh
    Giờ tìm được đấng chân thành tu thân.
    Không là thánh, chẳng phải thần
    Ngài đang quét đám bất nhân tu tiền.

    Nguồn mạng

  6. Học Giả: BÙI CHÍ VINH

    Cái dằm trong mắt của Thiền
    Làm đau những kẻ ngó lên cột nhà
    Cái dằm trong mắt của ta
    Không làm đau cái cột nhà của em

    Cái dằm cong giống trái tim
    Làm rung con mắt của Thiền em ơi
    Đạt Ma đang đứng bỗng ngồi
    Huệ Năng đang khóc bỗng cười ha ha

    Trong mắt ta cái dằm là…
    Nên trong em, cái cột nhà thì như…
    BỨT VÀ ĐỘNG
    Bứt mây sợ bị động rừng

    Cho nên ta bứt lung tung động trời
    Bứt gì thì bứt ta ơi
    Động sao cho thấu luân hồi mới ngon

    Động là động đến càn khôn
    Bứt là bứt đến biển cồn nương dâu
    Bứt tóc xanh động bạc đầu
    Bứt nay mà động nghìn sau để đời

    Bứt em sợ động thành lời
    Bứt ơi : bứt rứt. Động ơi : động phòng

    Nguồn mạng

  7. Rần rần chỉ một ông sư
    Khiến cho giáo hội tâm tư quá trời
    Chân trần y vá rạng ngời
    Bước đi đưa đạo vào đời thiện lương.

    Nguồn mạng

  8. Gs VL

    Cùng là họ Thích đi tu
    Chân tu thời ít tham tu quá nhiều.
    Người xưa thương xót nàng Kiều
    Dân nay khinh đám tu điêu hại đời.

    Chân tu tô đẹp cho đời
    Tham tu vấy bẩn đất trời thời nay.
    Thích Ca ngài hãy xuống tay.
    Loại đám tu bẩn chỉ say kim tiền.

    Nguồn Mạng

  9. Thầy Minh Tuệ theo Phật giáo Tiểu thừa (tiếp nối Phật giáo Nguyên thuỷ), còn, Đại thừa trong quá trình Bắc tiến đã THẦN HOÁ, thậm chí, khi du nhập vào Trung Hoa thì Đại thừa đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa (Đạo Lão – Thần Tiên) để tạo ra đạo Bồ Tát.
    Vì thế, chê trách việc thầy Minh Tuệ không hiểu hoặc hiểu lơ mơ về CHÚ ĐẠI Bi thì có nên không!?

  10. A dua a tòng, ấy là nói theo kiểu Tàu, đu trend bú fame, ấy là nói theo kiểu cõi mạng thời nay, còn dân ta thì đôi khi nói “thấy người ta ỉa cũng chổng mông” … chuyện thường ở trên đời, trí thức trí ngủ không ngoại lệ.
    Đại để như trên trang nhà của tác giả:
    “4. Một clip mới nhất giảng giái về Chú đại bi của ngài Thích Minh Tuệ được lan truyền chóng mặt trên cõi mạng. Nhiều trí thức thốt lên: “nhờ lời giảng này mà tôi sáng ra!”. Sáng ra điều gì? Thì ra lâu nay người ta vẫn đọc Chú đại bi mà không hiểu gì. Nay ngài Thích Minh Tuệ nói, ngài có đọc qua Chú đại bi nhưng không dùng, bởi dùng Chú đại bi diệt tà, diệt quỷ là ác.”
    Trí thức ở môn nào, có hiểu ma gì về chú Đại Bi đâu mà chả giật mình. May nhờ tác giả mới xem cái video này, quả là được mở to hai tròng con mắt.
    Thích Minh Tuệ theo phái Khất Sỹ, tu theo hạnh Đầu Đà, đấy là lựa chọn cá nhân, những người khác chọn Mật Tông là chuyện của họ. Cứ như Thích Minh Tuệ thì đám tụng niệm Đại Bi là nhảm nhí hết, cái này là phạm Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, chương I, điều 5 chứ chẳng chơi, coi chừng bị bỏ tù.
    Thích Minh Tuệ không hiểu chú Đại Bi nói gì, phát biểu lăng nhăng theo đám thày chùa nói xằng nói bậy, lấy đâu ra Định với Tuệ.
    Các quý ngài có thể xem các bản dịch chú Đại Bi có sẵn trên mạng, xem có chữ nào nói về trừ tà diệt quỷ không, có khả năng thì tham khảo thêm chính văn chữ Phạn.
    Xem phản hồi dưới video:
    “@UtTran-lt1wn
    5 ngày trước
    Thầy nói hay quá nhưng nói về ý nghĩa và công dụng của thần chú đại bi lại k hiểu biết gì về chú này.biết thì nói k biết thì thôi k ai ép.
    1 phản hồi
    @cityboyzgamers
    1 ngày trước
    Câu nói của sư rất thâm thuý do bạn không hiểu nên xúc phạm.
    Nếu tâm đã Đại Bi rồi thì không cần tụng chú Đại Bi nữa.”
    Tóm lại cũng hư danh mà thôi.

  11. Hề… hề…, bỏ qua sự sai lạc trong nhận thức về tín ngưỡng hoặc về tôn giáo của bài báo này, nên, tôi chỉ xin phép bàn về các THẦY CHÙA hiện nay thôi.
    1. Ngày xưa, THANH LÂU là nơi quy tụ các KỸ NỮ (các thanh nữ rẩt giỏi đàn, hát, múa…) về để biểu diễn nghệ thuật cho các TAO NHÂN MẶC KHÁCH, rồi sau đó, có một vài tên quan tham hoặc vài tên trọc phú học đòi làm sang ra vẻ mình CŨNG LÀ TAO NHÂN nên cũng đến THANH LÂU (hoặc là do bọn MẶC KHÁCH đểu chèo kéo). Nhưng ở đây, BỌN LỢN NÀY không tìm thấy thú vui ở trong thanh nhạc mà lại nhìn thấy thú vui xác thịt ở các thanh nữ, CHÍNH CHÚNG đã biến đổi khái niệm KỸ NỮ khi xưa thành ra khái niệm KỸ NỮ ngày nay (CON ĐĨ) và THANH LÂU khi xưa thành NHÀ THỔ hiện nay.
    2. NHÀ CHÙA cũng vậy, từ một nơi để dành cho các thiện nam tín nữ đến KÍNH PHẬT hoặc TU LUYỆN thì ngày nay RẤT NHIỀU CHÙA bị một bọn SƯ ĐỂU (sư hổ mang) chiếm cứ với tham vọng là MÓC TÚI CHÚNG SINH. CÁC CHÙA ẤY hiện nay cũng tự suy thoái thành NHÀ THỔ rồi!!!

  12. Phê bình phân tích tôn giáo hay tổ chức tôn giáo vậy, con người và tổ chức nào mà không có cái hay cái dở… ông không theo quyền của ông, sao lại phê bình các tổ chức hoặc những người hành đạo để ghép vào tôn giáo hoặc đạo giáo vậy… Ông theo đạo của sự biết ơn, biết ơn nhiều đối tượng vậy ông có biết ơn bác Hồ cho ông có được ngày hôm nay không ?? Xin lỗi ông nếu ông thấy bị xúc phạm khi tôi có cảm tưởng bài viết này mang nhiều tính chất kiêu ngạo

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây