Thời sự Hậu Pháo (Kỳ 5)

Nguyễn Thông

6-5-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2kỳ 3 và kỳ 4

Trong cuộc chống tham nhũng gượng gạo “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, buộc phải làm bởi không làm sẽ chết, thiên hạ có quyền nghi ngờ độ nóng của lò, nhất là sau những vụ xử lý cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật.

Mới ra quân mà ông trùm lý luận đã tiên khởi chỉ thị “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình” là biết sẽ chẳng đi đến đâu rồi. Lại khẳng định “chống tham nhũng không có vùng cấm”, cấm hay không thì chỉ cần qua xử lý vài vụ vài người liên quan tới Việt Á, “bay giải cứu”, Hậu Pháo, Hưng Thuận An là rõ ngay.

Ngay cả người dân khù khờ nhất cũng hiểu một cách sách vở rằng chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho nước cho dân, do dân bầu ra (còn có được bầu hay không thì họ cũng lờ mờ biết). Thay người đứng đầu đảng là quyền của đảng, dân không quan tâm, mà có quan tâm cũng chẳng được, nhưng thay nguyên thủ, kỷ luật nguyên thủ thì phải quyền của dân. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, lý luận, thực tế diễn ra ngược lại.

Dân có quyền biết tại sao, vì sao, vì lý do gì ông Phúc, ông Thưởng hai ông chủ tịch nước, và cả ông Vương Đình Huệ chủ tịch quốc hội nữa, bị kỷ luật, cách chức, bãi miễn, đào thải, văng ra khỏi ghế, chứ không thể chỉ nói chung chung là sai phạm, “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Phúc/Võ Văn Thưởng/Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân…”.

Nếu các đương sự chỉ “sai phạm” thì làm gì đến mức phải thay thế cái rụp. Chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, hai chức trong 4 chức to nhất ở xứ này chứ đâu phải trưởng thôn trưởng ấp mà muốn thay thì thay, muốn bỏ thì bỏ. Thay, bỏ phải có lý do để dân tâm phục khẩu phục, dân tin rằng thể chế này đang chống tham nhũng thực sự, không có vùng cấm thực sự.

Chỉ “vi phạm quy định” thì đâu cần cách chức cho về vườn, mà hãy để đương sự cơ hội sửa chữa, tiếp tục “phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa”. Chỉ có phạm tội, vi phạm pháp luật, thậm chí tội thật nặng, cực kỳ nghiêm trọng, đáng bị khởi tố, truy tố, bắt giam, xử lý hình sự, ra tòa, vào tù… mới tới mức bay chức.

Tội gì? Dân không biết. Phải công bố cho dân biết, chứ không thể ỡm ờ, để lâu cứt trâu hóa bùn như khá nhiều vụ việc khác, trường hợp khác từng xảy ra ở xứ này.

Lúc nào cũng chăng khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” toàn diện về mọi mặt, “chính quyền của dân, vì dân, do dân” nhưng khi kỷ luật cán bộ lại phớt lờ dân đi, giấu tội cán bộ như mèo giấu cứt.

Giấu tội của Phúc, Thưởng, Huệ, của cả đám Nguyễn Văn Bình, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh… nữa là quyền của các vị, nhưng kèm theo đó hãy bỏ ngay những lời hoa mỹ về chống tham nhũng, vỡ bình vỡ biếc, vùng cấm vùng kiếc đi, nghe trái tai lắm, mắc cười lắm.

Nên chấm dứt ngay cái kịch bản “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.

Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo, đứa nào nghĩ ra cái trò mánh này, nó cứ tưởng hay lắm, nhưng sao bịt được tai mắt dân, chỉ có điều nó cứ thực hiện, chả ai làm gì được nó, dù trò trẻ con.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chẳng có gì lọa khi chúng nó ưu ái bầu cho một anh dạng tâm thần lú lẫn, nó nghĩ đất nước này là của riêng nó, cái điều 4 hiếp pháp là cướp pháp và đày đọa nhân dân. Bắt đầu thế nào thì khi kết thúc cũng thế ấy, chờ mà xem.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây