Trân Văn
26-4-2024
Tiếp theo phần 1
Trong vòng 27 tháng từ khi BCH TƯ đảng khóa 13 nhận nhiệm vụ lãnh đạo toàn đảng, toàn dân (1/2021 – 4/2024), có 20/180 Ủy viên chính thức bị kỷ luật, gần một nửa bị tống giam và nếu thật sự tôn trọng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” thì hơn một nửa còn lại cũng phải vào tù.
Đáng lưu ý là trong số đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Nhà nước, Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế BCH TƯ, Võ Văn Thưởng – Chủ tịch Nhà nước). Nếu tin đồn là đúng, sắp có thêm Ủy viên thứ năm của Bộ Chính trị lãnh… “búa”!
Nếu chịu khó quan sát thì chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, các Ủy viên Bộ Chính trị liên tục bị “búa”. Tháng 12/2022 là ông Phạm Bình Minh. Tháng sau (1/2023) là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tháng 1/2024 tới lượt ông Trần Tuấn Anh. Tháng 3/2024 là ông Võ Văn Thưởng. Tháng này dường như sẽ là ông Vương Đình Huệ!
Vì lẽ gì mà những cá nhân vốn ở vị thế còn cao hơn những cá nhân được xưng tụng là… “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” liên tục bị “búa”? Những người am tường chính trị Việt Nam bảo rằng nguyên nhân nằm ở các quy định về quy hoạch nhân sự.
***
Tháng 1/2020, BCH TƯ đảng khóa 12 ban hành Quy định số 214-QĐ/TW nhằm định “khung” để xác lập “tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” thì chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” [1].
Đến tháng 2/2022, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành thêm Hướng dẫn 16-HD/BTCTW xác lập “một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”. Hướng dẫn này nhấn mạnh “quy hoạch chức danh cao hơn”, đòi hỏi “chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm”.
Theo hai văn bản vừa đề cập, những Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị “búa”, nếu không bị “búa” đều đủ tư cách trở thành ứng viên cho năm vị trí cao nhất vì đáp ứng được tiêu chuẩn đã “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên” và khi tiến hành quy hoạch nhân sự phải đặt họ vào vị trí cao hơn.
Loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị chính là loại trừ những đối thủ cạnh tranh các vị trí cao nhất: Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch Nhà nước, Tổng Bí thư. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà việc loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa 13 diễn ra vài tháng sau khi Hướng dẫn 16-HD/BTCTW ra đời!
***
Trừ ông Phạm Bình Minh là nhân vật duy nhất không có tai tiếng nhưng bị loại bỏ khỏi Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng khóa 13 và vị trí Phó Thủ tướng Thường trực vì liên đới về trách nhiệm đối với scandal “giải cứu”, các Ủy viên Bộ Chính trị bị “búa” (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng) đều thừa tai tiếng.
Tại sao ông Trần Tuấn Anh đã có thể nhẹ nhàng rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm khi điều hành Bộ Công Thương với hậu quả như đã biết để tiếp tục tham gia BCH TƯ khóa 13 và nhảy tót vào Bộ Chính trị, thay đảng định hướng kinh tế quốc gia… ông Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng từ lâu vì vợ con “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” song không chỉ vô sự mà còn được đặc miễn về tuổi tác để tiếp tục tham gia BCH TƯ đảng khóa 13, tham gia Bộ Chính trị và trở thành Chủ tịch Nhà nước… Ông Võ Văn Thưởng vẫn tiếp tục thăng tiến dù đã có rất nhiều tai tiếng khi làm Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM… nhưng sau khi có Hướng dẫn 16-HD/BTCTW thì cả ba tuần tự bị xử lý do “liên đới trách nhiệm” với các sai phạm mà thiên hạ đã kháo nhau từ lâu? Ngoài chuyện diệt trừ đối thủ chính trị, còn có cách nào khác để lý giải việc công an Việt Nam đột ngột xuống tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn khiến ông Thưởng từ nhiệm bởi trót dây với Phúc Sơn 12 năm trước?
Tương tự, trong mười năm qua Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An liên tục thắng các gói thầu từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ ở Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn,… năm năm gần đây, doanh nghiệp này tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, chưa kể bốn gói thầu đang chờ kết quả, tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ nhưng vì sao công an Việt Nam không thấy, không nghe, không lên tiếng, không hành động. Đột vào Thuận An, bắt Phạm Thái Hà còn lý do nào khác ngoài quy hoạch nhân sự BCH TƯ đảng khóa 14?
Từ tháng 8 năm ngoái, các cơ quan trung ương và các địa phương bắt đầu tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH TƯ đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026 – 2031). Thiên hạ bắt đầu dự đoán về nhân vật sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được xem là sáng giá nhất và đột nhiên… công an vào cuộc!
(Còn tiếp)
Chú thích