Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nguyễn Huy Cường

16-4-2024

(Bài tiếp theo về nước ở Đồng bằng sông Cửu Long)

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực, vừa mơ hồ, như: Do biến đổi khí hậu. Do biến động ở thượng nguồn sông Mê Kông. Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước v.v…

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện, đó là chính sách “An ninh lương thực” (ANLT) được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Bài viết hôm nay sẽ làm sâu sắc vấn đề này.

Để dễ hình dung, ta hãy tưởng tượng đến một vùng nhỏ hơn, là một huyện. Huyện này mỗi năm tiêu dùng hết 100 tấn lương thực. (Tôi giả định nên làm tròn số cho dễ hình dung).

Để tạo được an ninh lương thực, huyện phải sản xuất ra 150 tấn. Nếu mất mùa, sẽ đủ ăn qua một vụ. Là đủ. Nếu để huyện này phải “bao” ANLT cho một… tỉnh, phải sản xuất ra 200 tấn. Tạm hiểu là gấp hai lần mức tiệu thụ cho dân huyện này.

Trở lại vấn đề sản xuất lương thực và tiêu dùng lương thực ở ĐBSCL. Sản xuất lương thực của vùng ĐBSCL chiếm 49,6% sản lượng cây lương thực có hạt của cả nước, bình quân lương thực có hạt theo đầu người ở đây là 1.360 kg/ năm.

Nên biết, về đại thể, mỗi người dân một năm chỉ tiêu thụ hết 150 kg gạo là cao, còn ở vùng đô thị chỉ 50 kg, đã dư. Bình quân theo tính toán của một nhà chuyên môn là khoảng 8 kg/ tháng. Như vậy, lượng lương thực ĐBSCL nếu để đáp ứng an ANLT cho họ rồi còn dư khoảng 1.250 kg mỗi đầu người!

Khi vươn rộng ra hai chữ “quốc gia” thì hơi khác. Thử xem xét, nếu vùng này khó khăn, chỉ sản xuất ra một nửa số thóc trên, tức khoảng 650 kg, ăn hết 150 kg, vẫn dư ra nửa tấn, thì sao? Thì mười bảy trịêu dân ĐBSCL vẫn “nuôi” được một dân số gấp hơn ba lần dân vùng này, là khoảng 50 triệu người. Số còn lại làm lấy mà ăn chứ!? Làm lấy mà giữ gìn ANLT chứ?

Số 45 tỉnh còn lại, trong đó nhiều tỉnh có diện tích nông nghiệp khá lớn như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương v.v… họ cùng gánh vác với Đồng Bằng Nam bộ này chứ!?

Xin ngó sang một đại lượng khác để thấy câu chuyện này thực ra đã vượt ra khỏi mấy chữ cao quý “An ninh lương thực”. Đó là xuất khẩu gạo. Việt Nam mười năm nay thường “Nhất thế giới, nhì thế giới” về xuất khẩu gạo!

Nghe rất hào hứng. Nghe rất lạc quan. Nó vượt ra ngoài cái “ngưỡng” giữ gìn ANLT rồi. Nhưng…

Cần biết số tiền xuất khẩu 4-5 triệu tấn lương thực mỗi năm ít ý nghĩa về năng lực tài chính lắm. Nêu để so sánh cụ thể, nó chưa bằng số tiền ta nhập phân hóa học, nhập các chất tiền chế để sản xuất phân hoá học, thuốc trừ sâu và mua thức ăn gia súc mỗi năm của Thái Lan đâu!

Ấy là nói chuyện với kiểu “sông bằng nước phẳng” chứ nếu so với số tiền thất thoát từ vụ Trương Mỹ Lan thì số tiền bán 4-5 triệu tấn này “Không là cái đinh gì”, theo cách nói của các cháu tuổi teen.

Cần nói thêm là, như năm 2023, thu được 4,8 tỷ USD từ tiền bán gạo. Ta thường tưởng “tiền bán gạo” là lợi nhuận nhưng đó là nói đại thể. Nếu nhìn sâu số tiền xem như “lãi” thực của hai giới, giới Doanh nghiệp buôn bán gạo không hơn 500 triệu USD; giới nông dân trồng lúa, ít hơn nhiều.

Vậy thì số tiền còn lại trong 4,8 tỷ USD kia đi đâu? Đó là nội dung cốt lõi trong bài hôm nay. Đó là tiền công lao động thủ công, tiền “bao” cả những vụ mất mùa, sâu bệnh, tiền mua phân hóa học vân vân.

Và tiền bán… nước.

Tôi đã bám rất sâu đề tài này (cùng với Đỗ Hồng Cường, Voọc Hành và các nhà khoa học) từ nhiều năm nay và không khó để nhận thấy: Để đáp ứng chủ trương “tăng một triệu tấn lương thực” ở vùng ĐBSCL, ta đã bắt đầu bằng cái nhìn dễ dãi theo kiểu ngạn ngữ xứ bắc nói “Càng bở càng đào”.

Ai đó cảm thấy muốn thêm một triệu hay ba triệu tấn gạo ở vùng này dễ như bỡn. Việc đầu tiên là đắp đê ép dòng sông hẹp lại, đồng ruộng rộng ra để có đất theo … chủ trương.

Có rất nhiều hệ quả xã hội khác mà trong bài này tôi chỉ kể thêm một nét.

Trước chủ trương này hệ sinh thái nước vùng này phong phú vô cùng, sản lượng cũng rất lớn.

Một bác nông dân đi thả lưới ba giờ về, đổ ra sân một đống tôm cá, vợ con ngồi lựa vài giờ chưa hết. Số tôm cá ngon đem bán (Thu nhập cao hơn thóc lúa nhiều) số phụ phẩm còn lại làm mắm, chăn nuôi, thu nhập gia đình rất vững.

Từ ngày đắp đê, sông hẹp lại, tôm cá giảm xuống 20 lần so với trước, cuộc sống khó khăn hơn và con em họ lên thành phố ly hương để bán hương ngày càng nhiều.

Nước: Vấn đề lớn nhất hiện nay là nước. Khi chưa đắp đê, chưa đuổi mặt nước đi chơi chỗ khác, thì hai cánh đồng lớn nằm bên sông Tiền, sông Hậu có tư cách là hai hồ chứa nước ngọt khổng lồ. Nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về chỉ hai ba trận mưa cuối mùa, mưa đầu mùa khô là lấp đầy hai cái siêu hồ này.

Lượng nước này tồn lại “gối đầu” đủ cho dân sinh sống đến mùa mưa năm sau. Lượng nước này cũng đủ cho nguồn thuỷ hải sản, bảo đảm cuộc sống người dân khá vững vàng. Nhưng, điều tuyệt vời nhất là lượng nước này đủ để tạo sức ngăn chặn nước mặn từ biển xâm thực vào đồng bằng này.

Đó là sứ mệnh lịch sử, là giá trị không thể tính bằng USD của hai túi nước, hai “siêu hồ chứa” nói trên. Khi ta từ chối nguồn lợi này thì một là liều, hai là chưa… tính đến.

Tôi nghĩ, những tác giả của cú “Tăng một triệu tấn lương thực” dù là cấp nào, dù có học hàm học vị nào nhưng không thể thấu được nội dung này, không thấy được hiện tình hôm nay chính là cái “Quả” của cái “Nhân” có tên “tăng 1 triệu tấn” khi xưa.

Hiện nay, song hành với hiện tượng này còn có vùng café vĩ đại trên Tây Nguyên. Mùa khô người ta hút hàng tỷ mét khối nước từ độ sâu vài chục mét để có lượng café hiện nay, có lúc vươn lên hàng hai thế giới!

Người đời nói “bể dâu” nhưng với cung cách làm ăn này từ nương cà phê Tây Nguyên có chung nguy cơ thiếu nước với vùng ĐBSCL là hiển hiện. Dâu sẽ thành bể, bể cạn.

Viết bài này, tôi thề là không phê phán ai, mà chỉ CHỈ RA cái các cụ nói là “thái quá bất cập” mà thôi.

Thấy, để hiểu ra, không đổ vấy cho trời cho đất. Thấy để sau này, muốn xây dựng chính sách, làm ơn đi ra ngoài phòng máy lạnh, đến nơi cần thấy.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hề… hề…., có 2 thứ cấn phải nói rõ:
    1. Gạo có giá trị thương phẩm thấp nhất trong mọi thứ nông sản khác, vậy mà nước Việt mình lại rất hào hứng xuất khẩu gạo bất chấp chuyện người ta mua về không phải để ăn mà để chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho các loại giá súc, trong khi, nước Việt mình lại phải nhập khẩu thức ăn gia súc. Vậy, câu hỏi đặt ra là việc xuất gạo làm lợi cho nhóm lợi ích nào!?
    2. Thái Bình chẳng hạn, nơi đây có mật độ dân số rất cao, nếu như trong chiến tranh họ chấp nhận thua thiệt và luôn luôn thực hiện nghĩa vụ THÓC KHÔNG THIẾU MỘT CÂN QUÂN KHÔNG THIẾU MỘT NGƯỜI, lẽ ra sau chiến tranh thì Thái Bình phải là nơi được ưu tiên CÔNG NGHIỆP HOÁ trước hết, nhưng vì tư duy AN NINH LƯƠNG THỰC đeo bám quá lâu trong cái đám làm chính sách theo kiểu lợi ích nhóm, vì thế, chính Thái Bình là địa phương đầu tiên bị BẦN CÙNG HOÁ. Vậy thôi!!

  2. Theo ông tác giả thì Trung Cộng và những con đập chạy dài đến tận cao miên không phải là nguyên nhân gây nên nạn ngập mặn hiện nay ở một số vùng tại đồng bằng sông Cửu Long !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây