15-4-2024
Trích từ Nhật ký Chiến tranh Hà Nội – Quảng Trị – Hà Nội 1972 – 1975
Đối với đồng bào cả nước, thì thời hậu chiến chỉ bắt đầu từ 30-4-1975, nhưng riêng đối với miền Bắc thì hai năm 1973-1974 đã tạm coi là hòa bình. Hai năm hậu chiến ấy cho phép xã hội như tự sốc lại chính mình, nhìn lại chính mình trên mọi phương diện kinh tế, xã hội, giáo dục.
Một cái gì mất đi là điều ai cũng cảm thấy rất rõ, mỗi khi va chạm với mọi chi tiết của đời sống. Xu thế càng rõ khi có dịp soi vào một cuộc mít tinh. Từ lâu với người Hà Nội những cuộc mít tinh là nơi người ta bộc lộ toàn bộ tính tổ chức và sự nghiêm túc của những vấn đề tư tưởng. Nhưng cuộc mít tinh diễn ra trong ngày 1-5-1973 thì lại mang một màu sắc nhiều phần khác.
Dưới đây là những ghi chép của tôi trong ngày mùng 1 tháng 5 đó.
***
1/5
CON NGƯỜI SỐNG SÓT, THÀNH PHỐ SỐNG SÓT
Hội hè là gì? Là những ngày vui, sau công việc. Là những ngày xả hơi buông thả sau những “chiến dịch” mệt nhoài.
Thử tìm ý nghĩ của đám tham gia duyệt binh. Họ quen tùy tiện buông thả. Mà duyệt binh trước tiên cần trật tự, ý chí, nghị lực. Từ thực tế đánh nhau trở về, người ta dễ xem đây là một việc tội nợ phải làm.
Nhưng rồi máu anh hùng nổi lên, lại nhớ rằng việc đó rất có ý nghĩa. Và người ta cắn răng lại để làm.
Rút cuộc thì cảm giác về một cái gì lớn lắm quay lại chi phối!
Nhờ đi theo phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, tôi được vào sâu quảng trường, ngay dưới chân khán đài. Tôi nhìn kỹ những nét mặt đi qua quảng trường. Rất ít những nét mặt đẹp. Người chúng ta, không phải là những người để đi duyệt binh. Khuôn mặt thô, nước da xám, mắt tròn, mắt dẹp, cờ ra côm… đủ chuyện. Không có ai đẹp!
Cuối xuân, đầu hè, lá đã bắt đầu xanh sau mưa. Khẩu hiệu đỏ rực các đường phố. Thú thực, tôi hơi ngần ngại khi nhìn đâu cũng bắt gặp cái màu đỏ này. Nó gợi cảm giác hỗn loạn. Nó tượng trưng một sự phá phách.
Sau khi dự lễ để tìm lại một chút bình thản, tôi đi về phía sông, phía cát, phía màu xanh. Nhưng mà vẫn không dứt khỏi ám ảnh về buổi mít tinh vừa có mặt.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cuộc mít tinh lộn ẩu thế. Người đi dự mít tinh thì ít (mỗi khối phố định lấy 20 người, mà lấy được có 10). Sau này nhìn TV thấy trên quảng trường nhiều chỗ trống.
Người đi xem thì đông, họ nằm la liệt mọi ngả đường. Đây là cái cảnh không có trong những đám mít tinh hồi trước năm 1964.
Độ 8h, những người phải đứng thì bỏ về, trong khi người đi xem tràn lên. Như một thứ lũ lụt: Người ta chui vào giữa các khối Công an – bộ đội. Người ta len vào giữa khách nước ngoài. Người vỡ ra từng mảng xô đẩy. Công An, Công An Nhân dân vũ trang, đám trật tự viên, tất cả bất lực.
Ở quãng đường Hùng Vương, phía bên phải lễ đài, nơi thoát ra của đoàn người diễu hành, người ta xô lên, đường chỉ còn lại một nửa. Tan nát, lộn ẩu ở phía người diễu hành đi qua, trong khi đó, ở phía sau, không gian rỗng ra.
Đến nỗi người như Tính cũng phải nhận:
– Người ta đã quen với cách sống thời chiến. Lúc này mới hiểu chiến tranh…
Vẫn theo Tính, chắc người đi qua lễ đài cũng chán ngán mệt mỏi. Không có Cụ Hồ để hy vọng chào đón, người ta ngoảnh đi lung tung. Lòng người phân tán quá chừng. Các lãnh tụ cười, vẫy tay chỉ vì nhớ rằng ống kính các nhà quay phim đang chĩa vào mình.
Lúc gần kết thúc, tôi nghe tiếng lao xao: “Thế này thì người nước ngoài cười chết. Khu vực quần chúng trống quá”.
Một giọng hét rất to: “Quân nhạc cử Giải phóng miền Nam”. Khi điệu nhạc Giải phóng miền Nam vừa dứt, lại tiếng lao xao từ khu vực chỉ huy: “Đáng nhẽ ông Đồng phải ra nói trước mọi người”.
Chờ đợi. Rồi ông ấy cũng ra:
– Chúng ta đã cử hành ngày lễ một cách rất thắng lợi (!).
Và ông không quên cái điều thực chất nó khiến ta phải làm mít tinh:
– Chúng ta yêu cầu các nước anh em tiếp tục đồng tình ủng hộ chúng ta về mọi mặt.
Tôi nghĩ bây giờ thì dân họ cũng biết mọi chuyện rồi. Nhưng họ mệt mỏi không thiết gì nữa.
Đêm trên thành phố là khi con người trở về với cái hoang dại. Người ta chú ý đến tất cả những gì chung quanh, một tiếng lá rơi, một ngả đường rộng. Có thể có ai đó đang lo chạy cấp cứu vì vợ đẻ, con đau. Nhưng nói chung những khốn khổ hàng ngày lùi đi rất xa. Cái lối phớt lờ mọi chuyện của những cặp tình nhân được coi là có lý nhất. Trong đêm, tiếng người nói to hơn, tiếng móng xe bò gõ trên đường nhựa, nghe nhộn nhạo hơn. Ở đấy là tất cả những gì đang sống.
Nhớ một ý Xuân Quỳnh nói buổi chiều:
– Giá những người đi duyệt binh kia về cày cuốc, thì được bao nhiêu việc.
Lúc ấy tôi chỉ hùa theo: “Ai mà quay về được nữa. Ở mình bây giờ, những thứ quân sự đã hóa dễ quen hơn dân sự!”.
Lúc này tôi nghĩ lan man thêm. Vậy thì ở mình chỉ những sự phá phách là toàn thắng. Nó ào ào như nước lũ vỡ bờ vô tận, như các dân tộc khác – tự tin, hào hứng, làm ra của cải vô tận và thẳng đường tiến tới văn minh.
***
2/5
HÀ NỘI THAY ĐỔI
Nhớ lại cái phía đời thường của ngày lễ. Công việc được bàn nhiều ở các khu phố là lấp nốt những hố cá nhân. Một mặt thì ở đó chứa chất tất cả những gì cần phải đổ đi, than xỉ, bùn cống.
Mặt khác, cái miệng cống vẫn quẩn lên một lớp váng như một thứ ký ức không chịu tan biến đi cho. Dĩ vãng có mặt trên mỗi đoạn đường chúng ta đi tới.
Là người công dân Hà Nội lúc này nghĩa là gì? Là người thợ may vá chữa quần áo. Là người thợ thiếc nhặt từng ống bơ cũ về làm lại cái đèn, cái ấm đun nước. Là mấy chị phe phẩy lo chạy hàng phục vụ đám dân Hà thành từ nơi sơ tán trở về. Là… cô giáo cũ đi thu nhặt lại đám học sinh… Họ đang là những nhân vật chủ yếu của thành phố!
Người ta mang về các vườn hoa một ít dụng cụ đồ chơi. Và đây quả thật là những “quả nhỏ” của chiến tranh: Những cái khung đồ chơi bằng sắt trông nặng, chắc. Những lớp sơn tạm bợ. Tiếng khung sắt động vào mặt đất xi măng nghe rào rạo một thứ âm thanh xa lạ.
Người ta thích nói tới Hà Nội tài hoa vì đó là cái bề ngoài dễ thấy mà cái phần sâu lắng tìm khó hơn nhiều. Hà Nội dũng cảm vì Hà Nội nghèo khổ. Hà Nội từng trải, lì lợm, vì Hà Nội sống sát mặt đất.
Đã bao nhiêu lần tôi nghe được những người khác nhau nói về Hà Nội. Có những chuyện vui nhất lẫn những chuyện buồn nhất. Và tôi hiểu cộng những cái đó lại, mới là Hà Nội.
Sấu rụng. Lá sấu rơi như mưa, phủ trên mặt đất một lớp dày, người đi lá sấu rụng trên vai, đứa trẻ ngửng mặt hứng lấy chiếc lá không cho nó kịp rơi xuống đất.
Cành sấu không bao giờ trơ lá. Lá sấu già mới rụng đi, lá sấu non đã nẩy, và trong một sớm một chiều, sấu trên đường vẫn xanh um.
Với chúng ta, những sắc phượng đỏ thường gắn liền với thời khắc buổi trưa. Những trưa hè, màu đỏ như lửa loá lên trong nắng, tưởng như nắng quá, ngọn cây là một chất dễ cháy, đã bốc lên thành ngọn lửa. Nhưng lúc này phượng hiện ra kinh sợ đối với tôi bởi hình như đó đã là một thứ phượng khác.
Buổi chiều phố vắng. Bóng tối mùa hè ngập ngừng dâng lên, dâng lên. Không khí trong suốt tối dần. Bóng tối ập cả vào mặt. Trong cái giờ khắc ấy, tôi ngước lên nhìn hàng phượng, thấy màu đỏ đã thẫm lại, tím lại, mà nó vẫn cứ không chịu lẫn đi với màu xanh đã trở thành nhợt nhạt của lá, màu nâu đã hết bản sắc của cành. Tôi nghĩ đến tình yêu của tôi. Tôi lại nghĩ đến những vết thương rơm máu của xã hội này. Tất cả đều là hiện thực.
3/5
Tiếng trẻ con hát lảnh lót bài “Oan ta mê la”. Âm thanh đi lại uốn lượn trên vòm trời, như một tiếng cầu kinh của những tín đồ trung thành (và cái mà nó gợi theo, đấy là chủ nghĩa tự do, một thứ tự do vô dụng nên lang thang vô mục đích).
Những thanh niên nhộn nhạo, ầm ĩ trên đường. Cái quần loe họ mặc, cái áo màu nghệ thối họ khoác trên người. Những chuyến đi suốt đêm, có thể là gần suốt đêm bên nhau. Những trận cười thâu đêm, những tình yêu nồng cháy. Hoà bình là thế, hoà bình phải có những cái ấy, dù đây là một nền hoà bình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
4/5
Thế nào là dấu hiệu của một xã hội suy vi? Người ta, những người dân thường, không ai muốn làm ăn cẩn thận. Còn lại, chỉ những người tốt là khổ.
Đã rõ là xã hội không thể, không làm được cái việc tối thiểu là động viên mọi người làm việc. Mọi người cứ nhớn nhác chờ một cái gì đó. Chờ một may mắn từ trên trời xuống, chờ một phép màu. Chỉ có làm việc (mà ta gọi là sản xuất) thì không ai nghĩ tới.
Một điểm nữa làm tôi kinh sợ: Tôi nhận ra xã hội đang như một dòng họ thoái hóa. Những lớp người sau ngày càng còi cọc đi, so với những lớp người trước. Khôn ranh hơn, năng động hơn mà hóa ra hư hỏng thực sự. Tôi nhớ tới hai chữ đồng huyết. Đây là một khái niệm sinh vật học: Những người khác giới cùng dòng máu phối hợp với nhau, không tạo ra những biến dị tốt – mà chỉ làm sinh thể thoái hóa dần.
Có lẽ trong công tác tư tưởng cũng có những vấn đề tương tự. Tư tưởng, khi không được tiếp xúc với những tư tưởng khác, sinh ra thoái hóa, luẩn quẩn! Và đấy là hiện tượng thấy ở xã hội hôm nay. Chúng tôi có biết được gì ngoài mình?
Xã hội nào cũng có những luật pháp ghi thành văn bản, và những tập tục, thói quen, thậm chí cả những thể chế, những luật pháp quy định những điều được phép và không được phép không ghi thành văn bản.
Xã hội của chúng ta hiện nay, luật pháp thì ngặt, ảo tưởng, hóa ra vớ vẩn, không thực hiện được. Thói quen thì tự do hoành hành, không bị một ràng buộc gì hết. Người ta cho phép mình làm mọi điều trong bóng tối.
Sao tự nhiên, tôi khao khát mọi nền nếp của xã hội trước 1945, một thứ pháp điển mới tới với xã hội Việt Nam từ hồi Tây phương xâm nhập, mà sao quá quen thuộc như tự ngàn đời đã vậy. Những căn nhà yên tĩnh, những khu phố sạch sẽ, những người làm việc với niềm tin lâu dài. Những bài giảng về văn học cổ điển. Phút nhẩn nha khi đọc một áng thơ dịch. Bức tranh treo trên tường.
Lâu nay, xã hội tôi sống nặng về tàn phá mà không xây dựng, nặng về ồn ào ngày lễ, mà không có cái sâu xa của ngày thường. Trong nhà trường, trẻ con biết đến cả những tên tuổi văn học rất là vớ vẩn, nhưng không biết những giá trị lớn.
Đất nước này, người ta chỉ nói tới lịch sử khi cần che giấu cái trống rỗng hiện tại.
Việt Anh (đang dạy toán ở trường Chu Văn An): Tôi cảm thấy thời gian sau này người ta đã bắt đầu chú ý tài năng.
Nhàn: Chưa bao giờ, chưa bao giờ. Ngay cái khái niệm tài năng cho chính xác chưa đặt ra, thì làm sao mà chú ý được.
Việt Anh: Tôi cảm thấy cái hướng nghịch của học sinh bây giờ là phá phách.
Nhàn: Nói phá phách còn nhẹ. Nó là cái mầm của mất lòng tin, mất phương hướng.
Bao giờ cho cuộc sống ổn định lại! Tôi vốn nghiêng về sự bùng phát, sự phá cách chứ không phải rập khuôn theo mẫu. Tôi vốn nghĩ những chuyện hôm nay là chưa từng có trong lịch sử, vậy phải khai mở lấy con đường của mình. Nhưng phải biết cái cũ, kể cả những sự phá cách cũ, thì người ta mới có điểm tựa để nghĩ về cái mới.