Vua Tiếng Việt, từ sai chính tả đến lỗi văn hóa

Thái Hạo

8-4-2024

Chương trình truyền hình Vua Tiếng Việt của VTV trở nên ồn ào từ giữa năm 2023 khi mắc lỗi sai chính tả (và nhiều lỗi khác) ở mức khó mà tưởng tượng được ngay trên sóng truyền hình, kể từ thời điểm được ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra. Tuy nhiên, nếu lỗi về chuyên môn làm người ta bất ngờ 1, thì lỗi về văn hóa ứng xử có thể khiến người ta ngạc nhiên tới 10.

Kể từ thời điểm ấy, đến nay đã một năm trôi qua, nhưng chưa từng thấy những người chịu trách nhiệm chính về Vua Tiếng Việt lên tiếng. Và hầu như hiếm người nào biết họ là ai, vì tất cả đều được đẩy cho cố vấn và người dẫn chương trình bước ra đối mặt với dư luận.

Cuối tháng 4 năm 2023, với lỗi “chậm chễ” bị cộng đồng chỉ trích gay gắt, báo Dân Trí dẫn lời hai vị cố vấn là TS Đỗ Thanh Nga và TS Đỗ Anh Vũ, vừa xin lỗi vừa biện minh cho sự sai sót buồn cười ấy. Cũng trong bài báo này, một người là có tên là “chị Nhung” được Dân Trí giới thiệu là “đại diện chương trình” đã thay mặt nhà đài trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, cũng không ai biết “chị Nhung” là ai, chức vụ ra sao và giữ vai trò gì ở chương trình này.

Cho đến mùa 3 này, khi những sai sót vẫn tiếp tục xảy ra và không có chiều hướng “thuyên giảm”, nhưng trước những lần “bắt quả tang” và phân tích rành mạch của người “gác đền tiếng Việt” là ông Hoàng Tuấn Công, thì thậm chí không còn thấy ai bên nhà đài lên tiếng thanh minh hay xin lỗi nữa, kể cả cố vấn, người dẫn chương trình hay một “chị Nhung” nào đó như trước đây. Tất cả đều đồng lòng im lặng.

Sai thì phải sửa, lên tiếng đính chính, xin lỗi và không lặp lại sai lầm nữa. Đó là ứng xử tối thiểu của những người làm văn hóa. Còn nếu thấy mình không sai thì dõng dạc đăng đàn tranh luận, phản bác. Nhưng cũng không.

Thông tin trên báo chí nhà nước cho biết, chỉ đạo sản xuất của Vua Tiếng Việt là “nhà báo quyền lực nhất VTV3” Tạ Bích Loan, còn đạo diễn chương trình là người con gái “kín tiếng” của bà, cô Khuất Ly Na. Nhưng lạ thay, cho đến nay, trước các sai sót, cả lặp lại và phát sinh, hai nhân vật chính giữ vai trò chủ đạo này chưa từng có bất kỳ phát ngôn nào nhận trách nhiệm hay có một lời phân trần lấy lệ. Thậm chí, họ “kín tiếng” tới nỗi, không mấy ai biết rằng họ chính là “người đạo diễn” Vua Tiếng Việt.

Trước đây chương trình còn chiếu cố dư luận bằng cách đẩy các vị cố vấn, người dẫn chương trình hay “chị Nhung” ra để nói vài lời, thì nay, ngay cả đến cái động tác chiếu lệ ấy cũng không thèm làm nữa.

Ngạc nhiên hơn nữa, ngay sáng nay (8.4) trước một lỗi sai khác được ông Hoàng Tuấn Công mới chỉ ra, báo Tiền Phong viết bài đề cập và dẫn lại lời của TS Đỗ Anh Vũ – cố vấn Vua Tiếng Việt – phát biểu một cách hết sức kỳ lạ, rằng “sơ suất là khó tránh”; vì “Không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng vậy, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục“.

Nói rằng “kỳ lạ” vì đây là một lập luận chống chế nhưng rất vụng về. Ngôn ngữ nói chung thì vô cùng, đúng, nhưng “đề thi” và “đáp án” trong một chương trình cụ thể phát trên đài truyền hình quốc gia, có cả một e-kip hùng hậu cùng thực hiện, thì không; bởi nó [chương trình] là giới hạn, được chuẩn bị trước, và bắt buộc phải nghiên cứu kỹ đến mức không được phép mắc sai lầm. Mà hy hữu, lỡ có mắc sai lầm thì phải chân thành nhận trách nhiệm, sửa chữa, đính chính chứ không thể nói tỉnh bơ rằng “sơ suất là khó tránh”.

Đã gọi là “sơ suất” thì tại sao những sai sót lại lặp đi lặp lại như vậy? Và còn nữa, ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với lịch sử, văn hóa, phong tục (và nhiều lĩnh vực khác), chứ không phải “cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục”; đánh đồng tất cả chúng để biện minh cho những sai sót của mình là một một thao tác ngụy biện.

Phải chăng, ngay từ đầu, với cái cách những người chịu trách nhiệm chính về Vua Tiếng Việt đẩy các vị cố vấn ra làm bia đỡ đạn, cho đến những phát ngôn quanh co, chống chế của chính các vị này, đã dự báo một lối ứng xử tất yếu sẽ đến như hôm nay: Không thèm chống chế nữa, chứ đừng nói đến xin lỗi và sửa lỗi?

Và phải chăng, phía sau và phía trong của tất cả các lỗi về chuyên môn đã và đang xảy ra, là một lỗi lớn hơn đã bao trùm và chi phối đến chất lượng của chương trình này: Lỗi văn hóa?

______

(*) Theo tôi được biết, đến giờ này thì duy nhất chỉ có một vị cố vấn của Vua Tiếng Việt dám công khai xin lỗi và nhận sai sót khi giải thích thành ngữ “đá đưa đầu lưỡi” qua một comment tương tác trên Facebook của ông Hoàng Tuấn Công hồi giữa năm ngoái. Còn lại, tất cả vẫn điềm nhiên xuất hiện trên chương trình mỗi tối cuối tuần, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “Không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng vậy, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục“.
    – Chống chế kiểu này thì quá sơ hở , quá lúng túng đấy, ông TS Vũ ạ .
    Đã không biết tất cả thì sao cứ phải khư khư ra đáp án ( sai ) mà buộc người tham dự phải tuân theo, phải chấp nhận ?
    Thứ hai, người ta chỉ ra cái sai mà không phản biện nổi thì sao không chịu học hỏi để sửa chữa ?
    Thứ ba, khi quý vị nêu ra một câu hỏi là quý vị phải nắm chắc đáp án rồi chứ . Nắm chắc đến đợ không ai có thể phản bác được quý vị .
    Một trò chơi, đồng thời cũng là một cuộc thi để “tìm vua” . Vậy, một kì thi quốc gia ( ví như thi TNPT cho HS L.12 chẳng hạn ) , bộ giáo dục ra đáp án mà thiên hạ nhau nhau lên bảo là đáp án sai . Bộ có dám “thủ khẩu như bình” ( nghĩa là im hơi lặng tiếng ) để tiếp tục chấm không ạ ?

    • Vâng, không ai biết tất cả.
      Nhưng khi tự anh lựa chọn một vấn đề để ra câu hỏi, anh buộc phải tìm hiểu và nắm chắc vấn đề đó, nắm chăc tới mức có thể trả lời chính xác mọi phản biện, đảm bảo rằng đáp án không sai sót.
      Nếu không đạt được mức đó mà vẫn đưa ra đáp án, rõ ràng là anh đã làm bừa, làm ẩu, coi thường thí sinh, coi thường khán giả.
      Chảng may có sai sót thì thành thật nhận lỗi và sửa lỗi.
      Còn cứ làm ẩu rồi cãi chày cãi cối, to mồm lấp liếm, cậy thế cậy thần cả vú lấp miệng em thì không phải là cách làm của người có văn hóa.

  2. Đòi hỏi người Cộng sản và tay chân của họ xin lỗi chẳng khác gì yêu cầu họ cắn lưỡi. Đã thấy bao giờ họ xin lỗi về bất cứ sai lầm nào của họ dưới gầm trời Vn này chưa? Vua Tin Vịt (VTV) là độc quyền thì nó cần gì phải xin lỗi ai.
    Hơn thế nữa, chúng ta không lạ gì các loại Gs, Ts của chế độ này. Ông viện trưởng Viện KTTU còn phải kêu lên “Có những Gs, TS ăn không nên đọi, nói không nên lời” mà. Chấp họ làm gì!

  3. Cái lũ làm văn hóa trên VTV như tạ bích loan, vũ kiều trinh, đoàn hương, xuân bắc… là một lũ vừa bước lên từ than bụi lầy bùn. Chúng vô văn hóa.
    Nói với chúng như nước đổ đầu vịt.
    Chúng nằm trong chính sách ngu dân của cộng sản ba đình.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây