Nguyên nhân VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975 (Kỳ 2)

Trương Nhân Tuấn

2-4-2024

Tiếp theo kỳ 1 

Kỳ 2: Yếu tố tinh thần đấu tranh

Trong một cuộc chiến tranh, ở đâu cũng vậy, nếu một bên không nỗ lực hy sinh để bảo vệ đất nước, dân và quân không ý thức được ở đâu là quyền và lợi ích của họ trong công cuộc bảo vệ đất nước, chắc chắn bên đó sẽ thua trong cuộc chiến.

Một chuyên gia quân sự Tây phương, lúc bàn luận chiến sự Ukraine trên TV vài tuần trước, có nói câu đại khái như sau: “Người ta không sợ một đoàn quân sư tử do con cừu chỉ huy mà người ta chỉ sợ một đàn cừu do con sư tử lãnh đạo”.

Ta có thể hiểu rằng, chuyên gia ám chỉ đạo quân hỗn hợp dân-quân Ukraine là một “đàn cừu” được con sư tử Zelensky chỉ huy.

Trên chiến trường thực tế cho thấy dân và quân Ukraine cực kỳ lợi hại. Đúng trên quan điểm “cừu, sử tử” của chuyên gia quân sự. Nhìn lại hai đạo quân thân Mỹ ở Kabul và Sài Gòn. Các chiến binh của hai đạo quân này có nỗ lực chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước của họ hay không? Hai đạo quân này do cừu hay do sư tử chỉ huy?

Theo tôi yếu tố dũng mãnh của cấp chỉ huy chưa đủ để thắng trận.

***

Sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan thân Mỹ ở Kabul, 30 tháng 8 năm 2021, nhiều người đã so sánh với trường hợp sụp đổ VNCH 30 tháng 4 năm 1975. Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam, cũng như ở Afghanistan, bằng một “hiệp ước hòa bình”. Sự so sánh đầy ác ý nhưng không phải là không có lý do.

Tại Afghanistan, ngày mà Mỹ chính thức rút quân cũng là ngày quân đội Afghanistan tan hàng và chính phủ thân Mỹ ở Kabul sụp đổ.

Tháng 2 năm 2020, chính phủ Donald Trump thỏa thuận với Taliban về thời khóa biểu và các điều kiện để quân Mỹ rút lui. Người kế nhiệm Joe Biden ra quyết định “Chiến dịch di tản 17 ngày”, thời hạn chót là ngày 31 tháng 8 năm 2021.

Người lính Mỹ cuối cùng vào đến phi trường Kabul thì quân Taliban cũng đã đuổi theo tới cửa cổng phi trường.

Người ta đặt vấn đề, với biết bao nhiêu vũ khí cùng quân trang, quân dụng của Mỹ để lại, quân đội Afghanistan hầu như không giao chiến với quân Taliban một trận nào. Thấy lính Mỹ rút lui, họ bỏ súng chạy theo. Rốt cục Mỹ phải thương lượng với phe Taliban để cuộc thoái binh diễn ra không tiếng súng.

***

Chiến tranh Việt Nam, với Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ thỏa thuận với CSVN để được “kết thúc chiến tranh” và đem lại “hòa bình trong danh dự” cho nước Mỹ. Trong vòng 60 ngày, quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.

Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam ngày 29 tháng 3 năm 1973. Từ đó chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc “nội chiến”.

Tương tự quân Afghanistan, Mỹ cũng để lại cho VNCH nhiều vũ khí tối tân cùng quân trang quân dụng.

Trong thời gian hơn hai năm nội chiến, quân đội VNCH một mình phải đối phó trước một đạo quân thiện chiến (gồm Việt Cộng, tức quân Mặt trận Giải phóng Miền Nam và bộ đội miền Bắc) mà đại cường Mỹ đứng đầu thế giới (cùng với đồng minh) đánh không lại. Nên biết, người Mỹ đổ 50 vạn quân, trang bị vũ khí tối tân, được hỏa lực không quân, thiết giáp, pháo binh yểm trợ… Với chiến phí lên đến cả ngàn tỉ đô la. Trong suốt 8 năm ở Việt Nam, quân Mỹ đã không đánh bại đạo quân CSVN và Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Quân VNCH còn chống quân CSVN và MTGPMN trong hoàn cảnh thế giới gặp khó khăn và phương tiện quốc nội eo hẹp. Năm 1973, Trung Đông đã có cuộc khủng hoảng lớn về dầu hỏa. Giá dầu thế giới tăng vọt lên (đến 10 lần). Quân xa, phi cơ, tàu bè, chiến xa… của Mỹ để lại đa số không sử dụng được. Do thiếu xăng dầu, hoặc do hư hỏng mà thiếu phụ tùng thay thế. Hoạt động của không quân, hải quân gần như tê liệt. Các đơn vị thiết giáp, pháo binh… cũng hạn chế chiến đấu vì thiếu đạn dược và nhiên liệu.

Quân Mỹ bỏ cuộc nhưng quân đội VNCH tiếp tục cuộc chiến tranh do chính người Mỹ đã gây ra (và để lại). Nhiều đơn vị VNCH chiến đấu cho tới khi súng hết đạn. Nhiều tướng lãnh VNCH tự sát. Quân VNCH tháo lui, và thất bại, vì những mệnh lệnh bất cập (như di tản chiến thuật Tây Nguyên) đến từ Dinh Độc Lập. Cuối cùng, cũng từ Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lệnh yêu cầu quân lính “buông súng” đầu hàng. Sài Gòn sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

***

Quân đội Afghanistan thân Mỹ đông đảo, trên 300 ngàn quân được vũ trang tận răng. Quân Taliban hay quân chính phủ Kabul thân Mỹ cũng đều là dân Afghanistan. Phải có lý do tâm lý nào đó mà một bên sẵn sàng ôm bom để chết, trong khi bên kia lại không muốn cầm súng bảo vệ quê hương của họ.

Tương tự, quân VNCH cũng như bộ đội miền Bắc, tất cả “máu đỏ da vàng”, giống nhau “một lá gan”. Không thể phê phán bên này can đảm, bên kia hèn nhát.

***

Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tinh thần chiến đấu của dân và quân Ukraine, dưới sự chỉ huy của tổng thống Zelensky, chứng minh được hiện tượng “châu đấu đá nghiêng xe”. Quân đội Nga với một lực lượng áp đảo so với quân Ukraine, hỏa lực cũng như nhân sự. Các nhà quan sát quốc tế đánh giá tương quan lực lượng hai bên với tỉ số 10/1. Không ngoại lệ, tất cả đều tiên đoán Kiev sẽ sụp đổ trong vài ngày.

Thực tế trên chiến trường chứng minh tất cả đều đoán sai. Thần chiến đấu của dân và quân Ukraine thể hiện như là con gà mẹ dũng mãnh, liều chết, quyết chiến đấu chống lại con diều hâu hung tợn để bảo vệ đàn con. Các nhà quan sát quốc tế đồng thuận ở một điều là, yếu tố Zelensky đóng vai trò cốt lõi.

Dân và quân Ukraine, nếu không có một Zelensky cực kỳ thông minh, biết vận dụng mọi cơ hội để được sự ủng hộ của quốc tế, lúc sứ quán Mỹ đề nghị di tản Zelensky và gia đình, ông này trả lời sứ quán Mỹ rằng: “Chúng tôi cần vũ khí chớ không cần một chuyến taxi”.

Zelensky đã thành công trong việc kích động tinh thần “quốc gia dân tộc” trong toàn thể dân chúng Ukraine, cũng như xiển dương một “quốc gia Ukraine độc lập có chủ quyền” trước trường quốc tế.

Ukraine là một “quốc gia” mới được khai sinh, năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Trong khi dân Nga và dân Ukraine có cùng một nguồn gốc, cùng một “nation”.

Không có Zelensky chắc gì dân và quân Ukraine đã có được tinh thần “quốc gia dân tộc” mãnh liệt như hôm nay?

Không có một Zelensky chưa chắc quốc tế đã ủng hộ và viện trợ vũ khí cần thiết để cho Ukraine tự vệ như đã thấy.

Cuộc biểu quyết ở LHQ tháng 3 năm 2022, ta thấy, đại đa số các quốc gia lên án Nga “xâm lược” Ukraine. Dư luận quốc tế, ngay cả Tổng thống Biden, lên án Putin phạm tội ác diệt chủng (crime génocide). Dư luận quốc tế, thông qua ý kiến một cựu thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tế, cũng lên án quân Nga phạm tội ác chiến tranh (crime de guerre).

Trở lại câu nói của chuyên gia quân sự dẫn trên, so sánh ba quân đội, đâu là cừu, đâu là sư tử?

Ý kiến của chuyên gia nhấn mạnh ở tinh thần chiến đấu của cấp chỉ huy.

Mỹ vào Việt Nam cũng như vào Afghanistan. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, người Mỹ trực tiếp hay gián tiếp, chỉ huy tất cả. Cấp chỉ huy Mỹ có phải là những con sư tử dũng mãnh hay không? Chuyện này hãy để sử gia Mỹ thẩm định.

Rõ ràng quân đội thân Mỹ ở Kabul, những ngày cuối Mỹ rút quân, đã tan đàn rã nghé. Họ không có tinh thần chiến đấu.

Còn quân VNCH?

Quân VNCH thừa dũng cảm nhưng theo tôi, yếu tố dũng cảm của đạo quân không đủ để một bên giành chiến thắng.

Vấn đề đặt ra, VNCH và Afghanistan có sụp đổ hay không, nếu dàn lãnh đạo VNCH (và Afghanistan) có một nhân sự bản lĩnh như Tổng thống Zelensky?

***

Trường hợp Việt Nam, ý kiến cá nhân tôi, từ khi hiệp định Genève 1954, số phận của VNCH đã là “chiến trường”, sinh ra nếu không chiến thắng ắt là hủy diệt. Người Mỹ lật đổ ông Diệm năm 1963, sau đó đổ quân vào trực tiếp mở đầu cuộc chiến tranh. Sự tồn tại của VNCH đã bắt đầu tính ngày.

Hiệp định Genève 1954, các đại cường cam kết dân tộc (nation) Việt Nam là một khối duy nhứt, không thể phân chia. Lãnh thổ Việt Nam ba miền Bắc, Trung, Nam thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhứt. Vĩ tuyến 17 chỉ là “lằn ranh quân sự tạm thời”.

VNCH cùng số phận với Đài Loan – Lục địa và Nam Hàn – Bắc Hàn, là những quốc gia bị phân chia (Etats divisés – States Divided). Khi mà một bên có thể vịn lý do thống nhứt (hay giải phóng) đất nước để gây chiến tranh thì bên kia (như VNCH) trước sau cũng sẽ trở thành bãi chiến trường.

Miền Nam và Mỹ “đồng sàng dị mộng” về nội dung Hiệp định Genève 1954. Mỹ không nhìn nhận nội dung Hiệp định vì đã bỏ qua “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Tức là Mỹ hàm ý miền Nam đã là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Phía Quốc gia Việt Nam, Bảo Đại làm quốc trưởng, lại không nhìn nhận Hiệp ước vì điều khoản “chia đôi đất nước”. Tức là Bảo Đại muốn một Quốc gia Việt Nam bao gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Năm 1965, vịn vào “biến cố vịnh Bắc Việt”, Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Mỹ còn “đồng sàng dị mộng” với tất cả các đồng minh cật ruột.

Trong lúc Tổng thống Johnson tuyên bố, “chúng ta sẽ không thất trận. Chúng ta sẽ không thối chí”, thì quan điểm của thủ tướng Wilson nước Anh (tháng 2 năm 1965), “chỉ có sự tôn trọng toàn diện các điều ước của hiệp định Genève mới đưa tới sự đình chỉ cuộc chiến tranh, do đó chấm dứt cuộc xâm lăng miền Nam do CS miền Bắc chủ trương”. Tổng thống De Gaulle nước Pháp (tháng 7 năm 1964) biểu lộ lập trường về một hội nghị mới, tương tự Hội nghị Genève với những thành phần tham dự trước kia để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho Việt Nam… Tức De Gaulle cũng nói về việc tôn trọng Hiệp định Genève 1954…

Phía Cộng sản miền Bắc, qua tuyên bố của Phạm Văn Đồng 8 tháng 4 năm 1965, lập trường tương đồng với Anh và Pháp: Tôn trọng Hiệp định Genève 1954.

Riêng VNCH, thủ tướng Phan Huy Quát ngày 1 tháng 2 năm 1965 có tuyên bố: “Cuộc chiến đấu của VNCH rõ ràng là một trường hợp tự vệ chính đáng, chỉ có mục đích đập tan quân cộng sản xâm lăng…”.

Lập trường của VNCH và Mỹ, trước việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam, đã không được sự ủng hộ của đồng minh và dư luận quốc tế.

Vậy thì, làm cách nào Zelensky, giả sử có tư cách lãnh đạo tối cao VNCH, có thể vận động LHQ để lên án miền Bắc “xâm lược” miền Nam?

Vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, các vụ pháo kích bừa bãi vào chợ búa, trường học, các vụ ám sát, đặt mìn… làm cách nào để LHQ lên án CSVN vi phạm “tội ác chiến tranh”?

Điều quan trọng hơn hết, làm cách nào để thuyết phục quốc tế viện trợ vũ khí cho VNCH “tự vệ”, sau khi Mỹ rút?

Không có cách nào hết. Hiệp định Paris 1973 đã trói tay tất cả. Bởi vì theo Hiệp định này Mỹ nhìn nhận nội dung Hiệp định Genève 1954, nhìn nhận “Nước – Nation” Việt Nam bất khả phân chia và lãnh thổ Việt Nam thống nhứt ba miền.

Luật quốc tế định nghĩa “xâm lược – agression”, quốc gia này đem quân xâm chiếm lãnh thổ quốc gia kia. Nam và Bắc Việt Nam cùng một “nation – dân tộc”, cùng một lãnh thổ Bắc, Trung, Nam, bất khả phân chia. Hiển nhiên không có vấn đề “xâm lược”.

Luật quốc tế cũng ngăn cản việc một quốc gia can thiệp vào nội bộ của một quốc gia khác. Mọi sự viện trợ của một quốc gia nào đó cho VNCH, sau khi Mỹ rút, đều vi phạm luật quốc tế.

Từ khi đất nước chia đôi, các thế hệ lãnh đạo VNCH chưa bao giờ xác định được “tinh thần quốc gia dân tộc” là gì, có ý nghĩa thiêng liêng ra sao.

Họ không xác định được vì Hiến pháp VNCH ghi rõ lãnh thổ Việt Nam từ “Nam Quan tới mũi Cà Mau”. Quốc gia Việt Nam bao gồm luôn miền Bắc.

Chiến sĩ VNCH chiến đấu đơn thuần vì lý do “chống cộng sản xâm lược” chớ không nhằm “bảo vệ chủ quyền quốc gia”, “bảo vệ dân tộc VNCH” hay “bảo vệ lãnh thổ VNCH” như trường hợp Ukraine với Zelensky.

Từ sau năm 1954, các lãnh đạo VNCH đã bỏ qua nhiều cơ hội phòng ngừa chiến tranh, qua cách nương theo lập trường của Mỹ, qua việc tuyên bố miền Nam là quốc gia độc lập (từ vĩ tuyến 17). Năm 1955 ông Diệm trưng cầu dân ý lật đổ Bảo Đại nhưng ông Diệm không trưng cầu dân ý về một “Nam Việt dân quốc”.

Ông Diệm bị giết năm 1963, trong lúc đang vận động thống nhứt đất nước với miền Bắc. Sau này, ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu… cũng đều bỏ qua cơ hội phòng ngừa chiến tranh bằng cách tuyên bố quốc gia độc lập. Đài Loan hiện nay cũng muốn tuyên bố Đài Loan độc lập, mục đích để tránh việc lục địa “thống nhứt đất nước”.

Việc này để lại hệ quả sâu xa. Ngoài việc dành cho phía CS miền Bắc quyền gây chiến tranh để “thống nhứt đất nước” (và giải phóng dân tộc), còn có vấn đề khích động tinh thần “quốc gia dân tộc” trong khối dân chúng miền Nam, cũng như quân đội VNCH.

Rốt cục, VNCH tồn tại hay không tùy thuộc vào ý chí dân miền Nam có sẵn sàng hy sinh để bảo vệ “lối sống” khác biệt của mình hay không. Rõ ràng người dân và quân lính miền Nam đã không ý thức được ở đâu là quyền và lợi ích của họ trong công cuộc bảo vệ miền Nam độc lập, không cộng sản.

Số phận VNCH đã định trước. Bất kể cấp chỉ huy can đảm tới mức nào và quân đội dũng mãnh ra sao. Bất kể khi VNCH (từ 1973) có một Zelensky lãnh đạo hay không. Bắn hết đạn, quân VNCH ắt phải thua.

Nguyên nhân do dàn lãnh đạo chính trị VNCH, tất cả đều thiếu tầm nhìn.

***

Trường hợp Afghanistan. Đây chỉ là một “quốc gia tình cờ”, một loại “quốc gia trái độn – etat tampon”, không phải là một thứ “Etat-Nation” (Dân quốc, quốc gia thành hình trên một khối dân tộc có cùng ngôn ngữ, nguồn gốc, văn hóa và lịch sử. Thí dụ như Việt Nam). Afghanistan được thành hình do ý chí của Anh và Nga.

Lãnh thổ Afghanistan được “vẽ trên bản đồ”, trong văn phòng, bất chấp thực tế khu vực này bao gồm nhiều bộ tộc có tiếng nói, nguồn gốc, tập quán khác biệt nhau, thậm chí thù nghịch với nhau. Gộp họ lại tổ chức thành một quốc gia đã khó. Vấn đề dân chủ hóa lại càng khó.

Vì vậy, các bộ tộc ở Afghanistan không có chung một tinh thần “Quốc gia Qân tộc – Etat Nation” mà chỉ có niềm tin vào bộ tộc và tôn giáo. Họ sẵn sàng chống đối lẫn nhau, xâu xé lẫn nhau và sẵn sàng bán rẻ “đất nước” để phục vụ cho lợi ích bộ tộc, nếu có cơ hội. Còn các lực lượng khủng bố như Taliban, Al-Qaeda… sẵn sàng “ôm bom” tự sát để bảo vệ nềm tin.

Không có ý thức nào về “quốc gia dân tộc” thì việc cầm súng chỉ là “đánh mướn”. Còn trả tiền thì họ đánh. Hết tiền thì họ buông súng.

Zelensky liệu có thể thống nhứt ý chí các bộ tộc ở Afghanistan hay không? Có hòa giải được niềm tin tôn giáo và lợi ích quốc gia hay không? Rõ ràng là chuyện cực kỳ khó.

***

Trở lại câu nói của chuyên gia quân sự đã dẫn trên. Chuyên gia quân sự này ví Tổng thống Zelensky như một con sư tử. Đúng ra phải nói Zelensky là một con sư tử mạnh mẽ với trí thông minh của một con chó sói đầy kinh nghiệm.

Còn quân đội Kabul tương tự một đàn cừu mà người chỉ huy là con sư tử Mỹ. Con sư tử từ bỏ ngôi vị đầu đàn, hiển nhiên cả đàn cừu không còn can đảm để chiến đấu.

Còn quân đội VNCH, chiến đấu chống lại một đạo quân mà 50 vạn quân Mỹ không đánh lại. Họ chiến đấu trong điều kiện eo hẹp, bị đồng minh bỏ rơi và quốc tế không quan tâm. Họ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Họ buông súng vì tổng thống ra lịnh họ buông súng.

Họ xứng đáng là đàn sư tử. Điều đáng tiếc, đạo quân sư tử này được lãnh đạo bởi những lớp lãnh đạo “cừu”, nếu không có tầm nhìn thì là phản phúc.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây