Quy hoạch nhân sự, kế thừa và… ‘hồng phúc’ đính kèm đại họa (Phần 3)

Blog VOA

Trân Văn

31-3-2024

Thân phụ của hai anh – ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng Việt Nam – tài ra sao, đức thế nào có lẽ khỏi bàn vì ai cũng biết nhưng bất kể thế nào thì có lẽ các “anh” cũng sẽ là như thế…

Trước khi bà Trần Huyền Trang (ái nữ của một Ủy viên BCH TƯ đảng đang đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy) được lựa chọn, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc, đã có hàng loạt cá nhân “thăng tiến thần tốc” với thân thế tương tự, theo con đường tương tự…

Gần nhất là trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh, người tốt nghiệp chuyên ngành Cờ Vua của Đại học Thể dục Thể thao, khởi đầu sự nghiệp… chính trị bằng con đường… tình nguyện làm cán bộ đoàn để tích lũy các tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW (Bí thư Tỉnh đoàn, Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND tỉnh), nhằm… tạo điều kiện thuận lợi cho Tỉnh ủy Bắc Ninh – nơi được đặt dưới quyền chỉ đạo, điều hành của thân phụ ông – nhất trí chỉ định ông làm… Bí thư thành phố Bắc Ninh! Vụ chỉ định ông Chinh làm Bí thư thành phố Bắc Ninh cũng gây ra một trận bão dư luận và để “giải độc dư luận”, chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục… nhất trí, điều động ông Chinh sang làm Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTBXH) [1]. Giống như bà Trang, ông Chinh chỉ tạm lui. Tiền đồ chính trị của “con ông, cháu cha” được Nghị quyết số 26-NQ/TW bảo đảm bởi yêu cầu “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới”. Với yêu cầu như thế, biết nhẫn nại thì “cờ” ắt đến tay!

Trên thực tế, chỉ sáu tháng sau khi đảm nhận vai trò Phó Gím đốc Sở LĐTBXH Bắc Ninh, ông Chinh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở LĐTBXH Bắc Ninh vì giám đốc đương nhiệm… nghỉ hưu, lập kỷ lục nửa năm… “kinh qua ba… “vị trí chủ chốt [2]. Song cũng như bà Trang, “sự nghiệp chính trị” của ông Chinh có thể sẽ dang dở bởi ông Nguyễn Nhân Chiến, thân phụ ông cũng vừa bị bắt vì… “nhận hối lộ” như thân mẫu bà Trang [3].

Giống như trước kia, công cuộc chuyển giao quyền lực cho ”lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” không phụ thuộc vào tài, đức của đương sự. “Sự nghiệp chính trị” của các cá nhân là “con ông, cháu cha” phụ thuộc hoàn toàn vào thế, lực của gia đình mà thế, lực của gia đình thì phụ thuộc vào thế, lực của phe nhóm trong đảng CSVN – tổ chức mà các thành viên vừa nhất trí phải duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, vừa không từ bất kỳ thủ đoạn nào để khống chế nội bộ!

Có thể chọn Nguyễn Bá Cảnh và Nguyễn Xuân Anh hai cá nhân thuộc nhóm “con ông, cháu cha” làm ví dụ minh họa. Ông Nguyễn Bá Cảnh là quý tử của ông Nguyễn Bá Thanh. Thân phụ của ông Cảnh là Ủy viên BCH TƯ đảng, đảm nhận vai trò Chủ tịch, rồi Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng, sau đó là Trưởng Ban Nội chính của BCH TƯ đảng kiêm Phó Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Giống như những cá nhân được ví von là… “hồng phúc dân tộc”, ông Cảnh tham gia… công tác đoàn và chỉ trong một thời gian ngắn được tổ chức đoàn TNCS… tín nhiệm cử làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng. Bốn năm sau khi ông Thanh đột tử (2015), thuộc hạ bị tiễu trừ vì từng thừa lệnh ông Thanh gây ra hàng loạt đại án, ông Cảnh Thành ủy viên, Phó Ban Dân vận của Thành ủy Đà Nẵng bị tước bỏ tất cả chức vụ vì… “vi phạm luật hôn nhân gia đình[4].

Giống như ông Cảnh – cũng ở Đà Nẵng và cũng là “con ông, cháu cha” (quý tử của ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH TƯ đảng, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng) – sau khi đột ngột thôi làm phóng viên, ông Nguyễn Xuân Anh lập tức trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, 18 tháng sau được chọn làm Phó Chủ tịch quận, năm sau chuyển thành Phó Bí thư quận, thêm bốn tháng thì trở thành Bí thư quận, rồi là Ủy viên dự khuyết BCH TƯ đảng, được sắp đặt làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Đà Nẵng. Năm 2016, sau khi trở thành Ủy viên chính thức của BCH TƯ đảng, ông Anh trở thành một trong hai Bí thư cấp tỉnh, thành trẻ nhất Việt Nam (nhân vật còn lại là ông Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư Kiên Giang – cũng là “con ông, cháu cha”, quý tử của ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Việt Nam). Tuy nhiên do thế, lực gia đình suy giảm, một năm sau, ông Anh bị tước sạch mọi thứ chức vụ vì đủ thứ sai phạm đã có từ lâu và đảng của ông đột nhiên muốn làm rõ [5].

***

Nếu Nghị quyết số 26-NQ/TW tạo điều kiện cho “con ông, cháu cha” đạt được cái gọi là “thăng tiến thần tốc” thì nghị quyết này cũng là nguyên nhân giáng họa xuống chính họ. Theo tinh thần nghị quyết vừa đề cập, ông Võ Văn Thưởng là một trong số vài “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trênđã “kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” để có thể trở thành lãnh đạo tối cao của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái, BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này bắt đầu thảo luận về “quy hoạch nhân sự” cho nhiệm kỳ tới [6] và sau đó chỉ nửa năm, “sinh mạng chính trị” của ông Thưởng – ứng cử viên hàng đầu của chức vụ Tổng Bí thư – bị kết liễu vì những vi phạm cách nay khoảng… chục năm [7], những vi phạm vốn nhiều người biết nhưng đảng chẳng thèm ngó tới! Bất kể hậu họa đối với xứ sở và dân tộc thế nào, các phần tử “tinh hoa” trong đảng CSVN cũng sẽ tiếp tục sử dụng Nghị quyết số 26-NQ/TW làm thang cho mình và làm thòng lọng treo cổ đối thủ chính trị.

Ông Thưởng đã… “hi sanh” như nhiều cá nhân là “con ông, cháu cha” từng… “hi sanh” do gia đình, gia tộc của họ thất thế nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thế. Không chỉ đang có mà các hệ thống này sẽ còn tạo ra nhiều cá nhân như ông Thưởng. Cứ lấy tiểu sử của ông Thưởng so với tiểu sử của ông Nguyễn Minh Triết – người mà hệ thống đoàn TNCS gọi là “anh” sẽ thấy đó là một bản sao. “Anh” Triết rời Việt Nam đến Anh Quốc du học lúc mới 16 tuổi. Tám năm sau (2012), vừa quay về Việt Nam “anh” đã được BCH TƯ Đoàn TNCS HCM mời làm “chuyên viên” và chỉ trong vòng hai năm, “chuyên viên” Triết đã được chọn làm “Phó Giám đốc”, rồi “Giám đốc” của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam, sau đó được bầu làm “Ủy viên BCH TƯ Đoàn”, giữ vai trò “Phó Ban Thanh niên Trường học của BCH TƯ Đoàn”. Hai năm tiếp theo (2014-2016) “anh” Triết về Bình Định làm “Phó Bí thư Tỉnh đoàn”, rồi “Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định” và được bầu làm “Ủy viên” của Tỉnh ủy Bình Định.

Giống như khi vừa về Việt Nam (ở Hà Nội hai năm), “anh” Triết chỉ luân chuyển về Bình Định hai năm rồi lộn ra Hà Nội bởi đã đủ điều kiện để tham gia “Ban Thường vụ Trung ương Đoàn”, đảm nhiệm vai trò “Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam”. “Anh” Triết đã tiếp tục bước tới làm “Bí thư Trung ương Đoàn”, “Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam[8]. Giờ, “anh” Triết đã hội đủ tiêu chuẩn để sẵn sàng tham gia BCH TƯ đảng, lãnh đạo một địa phương, một bộ hay một ngành nào đó. Bào huynh của “anh” Triết – “anh” Nguyễn Thanh Nghị cũng y hệt như vậy. Thân phụ của hai anh – ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu Thủ tướng Việt Nam – tài ra sao, đức thế nào có lẽ khỏi bàn vì ai cũng biết nhưng bất kể thế nào thì có lẽ các “anh” cũng sẽ là như thế, đã được dán nhãn “hồng phúc dân tộc” thì không thể khác thế, còn trong thực tế, xứ sở hỗn loạn thế nào, dân chúng lầm than ra sao không phải là vấn đề mà thế hệ “con ông cháu cha” đã “trưởng thành trong hòa bình cần bận tâm!

Chú thích

[1] https://vnexpress.net/ong-nguyen-nhan-chinh-lam-giam-doc-so-lao-dong-thuong-binh-xa-hoi-4216355.html

[2] https://tuoitre.vn/chi-trong-6-thang-ong-nguyen-nhan-chinh-da-kinh-qua-3-vi-tri-lanh-dao-tai-bac-ninh-202101050959434.htm

[3] https://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/khoi-to-bat-giam-ong-nguyen-nhan-chien-nguyen-bi-thu-tinh-uy-bac-ninh-658518.html

[4] https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/ky-luat-ong-nguyen-ba-canh-bai-hoc-dat-gia-doi-voi-can-bo-tre-70028.html

[5] https://znews.vn/ong-xuan-anh-bi-cach-chuc-bi-thu-da-nang-thoi-uy-vien-trung-uong-post785289.html

[6] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xem-xet-quy-hoach-nhan-su-trung-uong-khoa-moi-119231002123320706.htm

[7] https://camthach.camthuy.thanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/tin-tuc-su-kien/dung-thay-song-ca-ma-nga-niem-tin.html

[8] https://www.tuyengiao.vn/anh-nguyen-minh-triet-lam-chu-tich-hoi-sinh-vien-viet-nam-khoa-xi-152274

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. This mite be the problem rite there

    “được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”

    Nên chăng VN cần chuyển hướng đào tạo, chỉ nên đưa cán bộ tới đào tạo ở những nước có thể chế chính trị tương đồng ?

    Chiện “hồng phúc” thì đúng là như thía . Cứ thử tưởng tượng với những người xuất thân từ những gia đình có truyền thống Cách mạng, mà chỉ mới gửi đi đào tạo ở những nước có thể chế chính trị khác đã bầy hầy như vầy rùi, thì những người có lý lịch hổng rõ ràng, thậm chí đen tối, nếu được đưa lên thì hậu quả còn … Did anyone ever entertain the thought 1 người trong đám ruồi muỗi lên làm lãnh đạo các bác ? it couldve been much worse. Những người đó sẽ dụ Sao Thổ nhậu con mình mát trời văn tự lun, Nguyễn Lân Thắng, Phạm Chí Dũng … chả là cái đinh rỉ gì đâu

    Chúng ta nên tập hài lòng với những gì mình có . Nếu thấy tệ hại quá thì kiến nghị Đảng xoay trục đào tạo nữa là xong . Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đó, đức độ & tài năng của ổng đem lại hòa bình, ổn định cho Tp Hồ Chí Minh tới giờ lun . Ổng thừa hưởng được nền giáo dục & văn hóa nơi ổng được đào tạo, namely Staasi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây