Cuba (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

21-3-2024

Tiếp theo kỳ 1

Cuba, đảo quốc nhỏ bé nằm sát nước Mỹ, theo cách nói bây giờ, có vị trí địa chính trị đặc biệt. Một thời gian khá dài, nó được nhóm cộng sản phong danh hiệu “tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa” (gồm 13 nước), ngọn cờ đầu chống chủ nghĩa tư bản bóc lột, chống đế quốc.

Anh em nhà Fidel sau khi nắm quyền (tháng 1.1959) đã thiết lập chế độ độc tài gia đình trị còn tệ hơn cả chính quyền Batista mà họ gán cho chữ “độc tài”. Chế độ Fidel được trang trí màu mè bằng “cộng hòa, dân chủ” để lừa mị. Họ thay nhau “anh truyền em nối”, già cốc đế đại vương vẫn cố giữ ghế cai trị, chẳng chịu nhường ai, xem người dân cả nước không ra gì.

Họ bắt toàn dân phải cùng họ tôn thờ cộng sản, thờ Liên Xô, kiên định theo chủ nghĩa xã hội, bất kể phải chịu phận chư hầu dễ bảo, phụ thuộc, đói nghèo. Họ vênh vang với thứ danh hão tiên phong chống đế quốc, bảo vệ thành trì chủ nghĩa xã hội.

Đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu, chả thế mà tháng 9.2009 ông Nguyễn Minh Triết chủ tịch xứ này trong chuyến công du Cuba đã thật thà như đếm mà tỏ bày “Việt Nam và Cuba như trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”. (Tôi dẫn nguyên văn, mà các báo quốc doanh khi đó đều đăng, thậm chí khen ngợi, thích thú với lối ví von “duyên dáng” dí dỏm của chủ tịch nước).

Ông Triết có cái may mắn hơn hai đàn em là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng bởi không dính phốt, không bị ép làm đơn từ chức, nên khi cáo quan được nhiều người khen hiền lành, chân chất. Ông Triết khi đó không biết, hoặc cố tình lờ đi Cuba của anh em nhà Fidel lúc ấy cô đơn, rệu rã, bị cả thế giới nghỉ chơi, ốc chưa mang nổi mình ốc, lấy đâu sức canh giữ hòa bình thế giới.

Mà cũng thông cảm, tinh thần AQ là thứ đặc trưng của giới lãnh đạo cộng sản, chả riêng gì ông Triết. Còn nhớ, tối hôm coi tivi phát cảnh “thức-ngủ canh gác” xong, lão hàng xóm nhà tôi cười bảo, giời ạ, ai khiến, hai ông cứ rửa chân đi ngủ, ngủ lịm đi càng tốt, cho thiên hạ nhờ.

Năm 1959 tới tận bây giờ, Cuba đắm chìm trong cuộc thử nghiệm ý thức hệ kéo dài. Từ một quốc gia phát triển, dân chủ, sung túc, cuộc cách mạng của anh em nhà Fidel, mà cụ thể là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đã mau chóng đẩy Cuba về điểm xuất phát nghèo nàn lạc hậu, thiếu thốn đói khổ vài trăm năm trước.

Sau hơn gần 2/3 thế kỷ “hiên ngang kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, bị Liên Xô bỏ rơi không thương tiếc, nay Cuba thực trạng thế nào, chả mấy ai không biết. Những idol của một thời, kiểu anh em nhà Fidel, dần rơi vào quên lãng, chê cười.

Người dân Cuba không thể ăn bánh vẽ mãi được, không thể say sưa với “tự do hay là chết” mãi được. Cần phải có thứ gì bỏ vào mồm thì mới tiếp tục làm cách mạng, canh giữ hòa bình thế giới, trong khi đó đám lãnh đạo Cuba chỉ biết hô hào và dọa dẫm dân, nhắm mắt lê lết trên lối mòn, chưa tìm ra con đường sáng cho đất nước. Giỏi lắm thì vác rá đi xin, nơi này một ít, nơi kia một tí, để sống cầm hơi, đợi tới ngày cách mạng thắng lợi trên toàn thế giới.

Ngày 25.11.2016, nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro Ruz qua đời, thọ 90 tuổi. Ông ta cầm quyền liên tục từ tháng 1.1959, mãi tới khi sức tàn lực kiệt, không trụ nổi vào năm 2011 mới chịu buông, nhưng không buông hẳn cho người tài, nguyên khí qyuốc gia, mà “nhường ngôi” cho em ruột còn… trẻ hơn, khi ấy cũng đã hơn 80 tuổi. Xung quanh nhân vật này, phe cộng sản tô vẽ thêm nhiều điều “khác thường” nên người ta nói “nhân vật huyền thoại” là vậy.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây