Vụ Võ Văn Thưởng: Cộng Sản nói và Cộng Sản làm, là khác nhau (Phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

21-3-2024

“Nhà nước XHCN” chủ động dựng lên Chủ tịch Nhà nước và chỉ trong vòng một năm “nhất trí” thay hai cá nhân đảm nhận trọng trách ấy. Nguồn: AP

“…Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị…”

Một ngày sau khi Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 “nhất trí” cho ông Võ Văn Thưởng “xin thôi” các chức vụ trong đảng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng), trong hệ thống công quyền (Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh) [1], Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tập hợp bất thường để bỏ phiếu miễn nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước và Đại biểu Quốc hội khóa 15 của ông Thưởng [2]

Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chính thức xác nhận, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng phát giác ông Thưởng “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước”, đồng thời xác định “những vi phạm, khuyết điểm của ông Thưởng “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân” song thay vì xử lý ông Thưởng theo qui định của đảng, truy cứu trách nhiệm của ông theo pháp luật nhà nước thì BCH TƯ đảng lại khuyến khích ông Thưởng gửi “đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác” để cùng… gật đầu, bất kể hành xử kiểu đó chẳng khác gì phủ nhận “nhà nước XHCN” vốn luôn đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, thực thi “pháp chế XHCN”, xây dựng CNXH nhằm tạo ra một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”!

Nhà nước XHCN” thường xuyên khẳng định “của dân, do dân, vì dân”, tạo lập – duy trì “dân chủ XHCN” để bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng tự lựa chọn, tự sắp đặt Chủ tịch Nhà nước và khi cần tự tổ chức các vở diễn để loại bỏ. “Nhà nước XHCN” chủ động dựng lên Chủ tịch Nhà nước và chỉ trong vòng một năm “nhất trí” thay hai cá nhân đảm nhận trọng trách mà về lý thuyết phải do dân cử này nhưng chỉ thông báo gọn lỏn là các đương sự có… “vi phạm, khuyết điểm”!

Cách nay một năm, khi nhiều người thắc mắc, phán đoán về việc loại bỏ ông Phúc và sắp đặt ông Thưởng làm Chủ tịch Nhà nước, hệ thống truyền thông phục vụ “nhà nước XHCN” cao giọng khẳng định, những thắc mắc, phán đoán vốn vừa là quyền hiến định, vừa được thiên hạ khẳng định là nhân quyền ấy là… “lưu manh chính trị”! Hãy thử tham khảo một trong những lập luận nhằm quy chụp, biến tự do biểu đạt thành “lưu manh chính trị” của các cơ quan truyền thông phục vụ “nhà nước XHCN” [3]:

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình. Lợi dụng sự kiện này, các “nhà bình luận”, “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do” đã ra sức xuyên tạc thông tin nhằm chống phá đảng, nhà nước... Trong những thông tin, bài viết được đưa ra, các đối tượng xấu tiếp tục giở thói “lưu manh chính trị”. Chúng bàn tán, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo đảng, nhà nước nói chung và ông Võ Văn Thưởng nói riêng. Chúng ra sức chọc ngoáy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đảng, nhà nước ta và lồng ghép những quan điểm sai trái, thù địch, sai lệch bản chất sự việc. Chúng vu khống cho rằng nội bộ đảng, nhà nước ta lục đục, không đoàn kết, “đấu đá, tranh giành quyền lực”… Suy cho cùng, việc tung ra những luận điệu sai trái, độc hại này cũng không ngoài mục đích gây nhiễu dư luận, kích động sự hoài nghi trong xã hội, tạo cớ để chống phá đất nước.

Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được đảng ta thực hiện một cách vô cùng thận trọng, đánh giá kỹ và cân nhắc nhiều chiều. Nguyên tắc trong việc thực hiện công tác cán bộ là kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến công tác cán bộ được thực hiện quyết liệt, bài bản như thời gian vừa qua. Theo đúng tinh thần “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”, khi cán bộ có sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, chúng ta còn xử lý cả trách nhiệm liên đới. Ngược lại, với những cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, uy tín, có tinh thần trách nhiệm, có thành tích nổi trội, có triển vọng phát triển thì đều được tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và cất nhắc vào các vị trí phù hợp theo đúng quy định. Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước khi tuổi đời còn rất trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Liên quan đến việc Quốc hội khóa 15 bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước, đây là sự lựa chọn hết sức khách quan. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra giải pháp: “Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên”. Đối chiếu với quy định này, ông Võ Văn Thưởng hoàn toàn phù hợp… Bản thân ông Võ Văn Thưởng là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang được các “nhà dân chủ” đưa ra là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, không thể chấp nhận.

Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước cũng đánh dấu việc chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi ngay tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”. Từ việc nhìn thẳng vào thực tiễn, đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tế, các “nhà dân chủ” đều là những kẻ “lưu manh chính trị”, có những chiếc “lưỡi không xương” nên đã “trăm đường lắt léo”. Khi đảng ta bầu cán bộ có kinh nghiệm dày dạn, có tuổi đời lớn giữ chức vụ lãnh đạo thì chúng vu cáo là “tham quyền cố vị”. Ngược lại, khi chúng ta lựa chọn cán bộ trẻ thì chúng lại rêu rao là “không đủ sức lãnh đạo đất nước”, “thăng tiến thần tốc”, “chỉ ngồi cho đủ ghế chứ không có quyền hành trên thực tế”. Đúng là không thể chấp nhận!

***

Đem lập luận vừa trích dẫn đặt bên cạnh quyết định mới nhất của BCH TƯ đảng khóa 13, sau đó là quyết định của Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng nói riêng và hàng loạt “cán bộ cấp chiến lược” như: Trần Văn Nam (Bí thư Bình Dương), Chu Ngọc Anh (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Hải Dương), Nguyễn Thành Phong (Phó Ban Kinh tế BCH TƯ đảng), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Khối các cơ quan trung ương), Bùi Thanh Sơn (Ngoại trưởng), Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), Nguyễn Phú Cường (Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Điểu K’Ré (Phó Bí thư Thường trực Đắk Nông), Lê Đức Thọ (Bí thư Bến Tre), Phan Việt Cường (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Quảng Nam), Trần Đức Quận (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Lâm Đồng), Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng), Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Vĩnh Phúc) và sắp tới là Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội),… sẽ thấy cộng sản… nói khác xa với cộng sản… làm và ngoài “lưu manh chính trị” còn cách nào khác để diễn đạt sự trâng tráo bất chấp khác biệt ấy?

(Còn tiếp)

Chú thích

[1] https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html

[2] https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-mien-nhiem-chuc-danh-chu-tich-nuoc-doi-voi-ong-vo-van-thuong-102240321120607504.htm

[3] https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142340/luu-manh-chinh-tri

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. – Luật sư Đặng Đình Mạnh –

    Đã xuất hiện những lời bào chữa, thông cảm dành cho Thưởng, nào là người miền Nam, nào trâu bò tranh ghế húc nhau, nên Thưởng “chết” oan, nào là Thưởng còn trẻ nên ngây thơ chính trị… Nói thế, chắc mọi người vẫn chưa biết Thưởng là một trong những người soạn thảo và cổ súy hàng đầu cho chủ trương đàn áp quyền tự do ngôn luận, là người từ chối ân xá cho tử tù oan dẫn đến việc tử hình em Lê Văn Mạnh, là người đã từng ngửa tay nhận số tiền hối lộ 60 tỷ đồng…
    Thưởng bất tài, điều đó không cần bàn cãi. Thưởng tự biết nên đã lập công với đảng bằng cách soạn thảo các chủ trương gia tăng đàn áp nhân dân một cách khốc liệt để thể hiện sự trung thành với đảng… Và cũng để bù vào sự bất tài.
    Cho nên, Thưởng là tội đồ chứ oan nỗi gì?
    Cái đau của Thưởng là đã hí hửng tưởng mình là một phần “xương thịt”, “giọt máu” của đảng, nên đã dẫn lại câu thơ “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu…” khi được bơm lên ghế chủ tịch nước. Hôm nay thì Thưởng đã trắng mắt về hắn và về đồng chí của hắn.
    Cái đau khác là vài triệu đồng chí của Thưởng. Trước ngày Thưởng bị lộ mặt, họ phải ngồi chăm chú lắng nghe từng lời giảng đạo đức kách mệnh của Thưởng.
    Cái đau kế là hệ thống báo chí kách mệnh. Cũng đã phải cúc cung tận tụy hầu hạ khi Thưởng ban lời phủ dụ cấm bài viết này, cho phép đăng tin kia khi hắn ngồi ghế trùm tuyên giáo.
    Giờ cả bọn, cả hệ thống trơ mắt ếch. Nghĩ cũng tội mà thôi cũng kệ.
    Vì thế, Thưởng không hề oan. Số mang thẻ đảng, leo cao đến trung ương, luồn sâu vào ban chấp hành, bộ chính trị thì có kẻ nào oan? Kẻ nào không nhúng chàm? Những Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Đức Chung, Đào Ngọc Dung, Trịnh Đình Dũng, Mai Tiến Dũng… oan phổng? Những kẻ còn lại, đang ngồi đó là chưa lộ mặt mà thôi.
    Nói về oan, thì 95 triệu đồng bào không mang thẻ đảng, bị tước đoạt các quyền tự do, phẩm giá bị chà đạp, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn bị cướp đoạt, phải sống kiếp nô lệ… Chưa hết, phải chịu đựng những kẻ tội phạm đại diện cho mình ngồi ghế nguyên thủ quốc gia mới là đại oan.
    Phổng ạ!
    Nguồn Mạng.

  2. Tôi theo dõi thấy tác động của các bài viết của tác giả Trân Văn là lớn lắm, và tôi cũng trân quý và thích đọc các bài viết của ông; tuy nhiên nên chăng để nâng cao hơn nữa sự kính phục và mến mộ, và “dẫn dắt” sự chính xác trong sử dụng từ ngữ Việt trong những bài khác sau này, tôi mong tác giả lưu ý trong việc này.
    Ví dụ trong bài này, trường hợp ông V.V.Thưởng là “bãi nhiệm, bãi chức” chớ không phải là “miễn nhiệm”, mặc cho “ai” thích dùng sai; và còn nhiều những ngôn từ khác trong những trường hợp khác. Kính.

  3. Một lão thành cách mạng 50 năm tuổi Đảng ở Hà Nội nói với tôi:
    “Bác Hồ mất rổi.
    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp chết.
    Toàn Đảng (= là đạo đức, là văn minh – lời Hồ Chí Minh) đang giãy chết!
    Thật là một lũ chết tiệt!”
    Tôi đáp lời:
    “Bác có tâm Phật.
    Đức Phật dạy vô thường, vô ngã, tránh tham, sân, si
    ta sẽ tỉnh thức (= nhận biết, giác ngộ, có tâm Phật), không lụy khổ
    và sẻ đạt hạnh phúc viên mãn (đến cõi niết bàn–nirvana) ngay trong cuộc đời này.
    Bác không nói gì thêm chỉ thở dài thườn … thượt ….
    Thiền sư Thích Nhất Đảng

  4. Một lão thành cách mạng 50 năm tuổi Đảng ở Hà Nội nói với tôi:
    “Bác Hồ mất rổi.
    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp chết.
    Toàn Đảng (= là đạo đức, là văn minh – lời Hồ Chí Minh) đang giãy chết!
    Thật là một lũ chết tiệt!”
    Tôi đáp lời:
    “Bác có tâm Phật.
    Đức Phật dạy vô thường, vô ngã, tránh tham, sân, si
    thì sẽ thức tỉnh (= nhận biết, giác ngộ, có tâm Phật), không lụy khổ
    và sẻ đạt hạnh phúc viên mãn (đến cõi niết bàn–nirvana) ngay trong cuộc đời này.
    Bác không nói gì thêm chỉ thở dài thườn … thượt …. Thiền sư Thích Nhất Đảng

  5. NHÀ THƠ NHÂN DÂN: TBT.
    “Chính nó, đảng cộng sản,
    Làm tha hóa con người,
    Không cho sống tử tế
    Với đúng nghĩa con người.

    Chính nó, đoàn cộng sản,
    Làm thui chột thanh niên.
    Không cho bọn trẻ sống
    Trung thực và hồn nhiên.

    Chính nó, mớ lý tưởng,
    Vớ vẩn và ẫm ương,
    Đã làm cả xã hội
    Thành rất không bình thường.

    Vì sao? Vì cộng sản
    Thứ chủ nghĩa dở hơi,
    Về mọi mặt, đi ngược
    Với bản chất con người
    …………………………”
    Nguồn Mạng

  6. Minh chỉ tự hỏi, cái tên viết bài “tuyên giáo’ này, có bao giờ đọc lại những bài nó viết hay không ? Nếu không, thì xem như nó vừa đui vừa điếc . Nếu có, thì nó còn chút lương tâm nên bẻ bút mà ném vào sọt rác cho rồi như một hành động gột rửa lương tâm của người cầm bút .

  7. Dám đưa lên, dám hạ xuống các nhân sự chủ chốt có “vi phạm, khuyết điểm”, mặc mẹ thiên hạ nói gì thì nói, “đảng ta” đã Tài tình, Sáng suốt thiết lập được một nhà nước dân chủ xhcn để lãnh đạo dân ta xây dựng một xã hội giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng.
    Dân được sống trong một nước có chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưởng phải biết ơn đảng, ơn chính phủ, chứ không được bắt bẻ, phản biện gì. Đừng có bắt chước mấy nước tự do dân chủ kiểu tư bản thối rữa mà gây mất ổn định khiến chxh đến cuối thế kỷ này, thậm chí đến cuối thế kỷ sau, vẫn chưa có được ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây