Trân Văn
18-3-2024
Bà Lan làm người ta nhớ đến Vingroup vì đây không phải là lần đầu tiên thiên hạ thấy bóng dáng Vingroup phảng phất quanh các đại án.
Cuối tuần vừa qua, khi trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ án “tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan,… bà Trương Mỹ Lan khẳng định, bà có thể khắc phục hậu quả, chẳng hạn gia đình bà có thể bán cao ốc Capital Palace tọa lạc ở quận Ba Đình, Hà Nội để nộp một tỉ Mỹ kim bồi thường thiệt hại (1)…
Cao ốc Capital Place là một phần của Dự án Vinhomes Metropolis của Vingroup (2). Năm 2016, UBND Hà Nội ban hành quyết định thu hồi hơn 35.000 mét vuông ở số 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình để thực hiện “Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp – Vinhomes Metropolis”. Nếu chịu khó tìm kiếm thông tin trên Internet hẳn sẽ thấy, chính quyền thu hồi và giao đất thực hiện dự án vì hai lý do: Thứ nhất, Thông qua SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước), nhà nước góp một phần vốn vào dự án nhiều hứa hẹn này. Thứ hai, dự án nhắm tới việc “phát triển nhà ở xã hội” – loại nhà dành cho những người cần được hỗ trợ về nơi ở (3).
Lời khai của bà Lan khiến thiên hạ buôc phải hỏi: Dự án Vinhomes Metropolis đã hỗ trợ “phát triển nhà ở xã hội” như thế nào? “Phát triển nhà ở xã hội” có phải là một loại “đầu dê” được “treo” để “bán thịt chó”? Những ai tham gia “treo” nhà nước lên giá để thực hiện thương vụ này? Giá trị đất – phần vốn mà nhà nước đã góp là bao nhiêu, việc định giá có thỏa đáng không? Tại sao nhà nước lại rút vốn ra khỏi dự án vốn được xem là giúp hái ra tiền? Phần vốn mà nhà nước rút ra có tương xứng với lợi nhuận do việc đầu tư vào dự án tạo ra? Theo lời khai của bà Lan thì bà đã trả tới 700 triệu Mỹ kim khi nhận chuyển nhượng lại chỉ một phần dự án (cao ốc Capital Palace)…
Khi điều tra, công an không bận tâm đến chuyện này. Khi giám sát hoạt động điều tra, xem xét – đối chiếu Kết luận điều tra để lập cáo trạng, Viện Kiểm sát cũng không bận tâm và dường như HĐXX cũng chẳng chú ý. Song công chúng thì khác! Chẳng hạn, trên mạng xã hội, ông Kim Van Chinh có nhắc điều này. Ông Chinh liệt kê ít nhất bốn khối tài sản trị giá cả tỷ Mỹ kim của Vạn Thịnh Phát đều là nhận chuyển nhượng từ Vingroup. Không chỉ ông Chinh, cho đến giờ, nhiều người vẫn chẳng hiểu tại sao, nhà nước lại giao nhiều khu đất được ví von là “kim cương”, là “vàng” cho Vingroup để Vingroup tạo ra hàng hóa rồi chuyển nhượng lại cho những doanh nghiệp như Vạn Thịnh Phát (4)…
***
Bà Lan làm người ta nhớ đến Vingroup vì đây không phải là lần đầu tiên thiên hạ thấy bóng dáng Vingroup phảng phất quanh các đại án. Vingroup từng là một trong những doanh nghiệp tiếp nhận rất nhiều người Việt phải cách ly khi hồi hương do đại dịch COVID-19 [5] hoặc đến Việt Nam trong giai đoạn đại dịch hoành hành (6). Bởi việc cung cấp dịch vụ lưu trú cho những người bị buộc cách ly tạo ra khoản lợi khổng lồ nên Bộ Công an từng yêu cầu các địa phương cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về quá trình tham mưu, lựa chọn doanh nghiệp tham gia thực hiện chủ trương cách ly… song cuối cùng, chỉ có một vài viên chức, doanh nghiệp bị xử lý vì đưa hối lộ và nhận hối lộ (7).
Ngoài đại án “giải cứu”, người ta còn thấy bóng dáng Vingroup thấp thoáng trong đại án “Việt Á”. Tuy đại án “Việt Á” đã được xét xử sơ thẩm nhưng thiên hạ vẫn không biết tại sao sau khi điều chỉnh vốn đăng ký từ… 80 triệu đồng lên… 1.000 tỉ đồng, Việt Á liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (TP.HCM) và chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được chọn thực hiện 1.500 dự án? Bao giờ thì thiên hạ được biết những ai đã góp 800 tỉ vào Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (8)?
Tương tự, bao giờ thì thiên hạ được biết vì sao Vingroup lại chọn ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Việt Á làm cổ đông nắm giữ 30% vốn cùa “Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare” – doanh nghiệp được Vingroup thành lập để sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu? Vingroup bất cẩn khi chọn lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới cả ngàn tỉ nhưng chỉ… mượn địa chỉ một căn nhà ở TP.HCM để… đăng ký trụ sở chính chứ không đặt văn phòng, hay vì những cổ đông của Việt Á? Quan hệ giữa ông Phan Quốc Việt với Vingroup chỉ giúp ông Việt khoa trương thanh thế như báo chí cách mạng từng bơm thổi (9) và là một trong những tiền đề tạo ra đại án “Việt Á” hay còn những lý do khác?
Chú thích
(2) https://tienphong.vn/can-canh-toa-nha-1-ty-usd-o-ha-noi-cua-ba-truong-my-lan-post1620530.tpo
(3) https://kinhtedothi.vn/ha-noi-thu-hoi-hon-35-000m2-dat-tai-29-lieu-giai-de-xay-sieu-du-an.html
(8) https://tuoitre.vn/bi-an-dong-tien-ngan-ti-o-cong-ty-viet-a-20211220080348561.htm
Bs. Võ Xuân Sơn
Lâu lắm rồi không xem TV. Hôm nay, qua phòng ăn hơi trễ, cô giúp việc đang mở TV, đoạn nói về vụ luận tội và đề nghị mức án đối với bà Trương Mỹ Lan. Thấy TV nói, bà Lan đã sử dụng các biện pháp tinh vi để lũng đoạn ngân hàng SCB, tham ô tài sản, chiếm đoạt tài sản…
Tôi nghĩ, bà Trương Mỹ Lan phạm tội rõ ràng thật, chiếm đoạt số tiền lớn thật, hậu quả của những việc làm của bà Lan là rất lớn, rất nặng nề. Nhưng nói bà Lan phạm tội một cách tinh vi thì tôi không đồng ý. Bà Trương Mỹ Lan phạm tội một cách liều lĩnh, bất chấp tất cả, chứ có tinh vi gì đâu. Bà ấy vi phạm hàng loạt các qui định, các điều luật, chứ có tinh vi, trí tuệ gì đâu.
Sở dĩ bà Trương Mỹ Lan phạm tội lâu dài, chiếm đoạt số tiền lớn khủng khiếp, lôi kéo bao nhiêu người, trong đó có cả cháu gái mình vô vòng lao lý, là do cái hệ thống này nó thối nát quá. Người ta bảo có những cán bộ lãnh đạo cao cấp chống lưng cho bà Lan suốt một thời gian dài. Tôi không biết chuyện đó có thật hay không, nhưng rõ ràng là cái bộ máy quản lý bà Lan quá thối nát, đã để cho bà Lan dùng đồng tiền cướp đoạt được mua nó, lũng đoạn nó, để tiếp tục vi phạm trắng trợn các điều luật, các quy định, đạp lên trên pháp luật.
Nói cho đúng hơn, là cả một bộ máy kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, cả một thể chế với nhiều bộ máy được lập ra để kiểm tra chéo lẫn nhau, để bảo vệ luật pháp, đã cùng với bà Lan đạp lên trên pháp luật, cùng với bà Lan chiếm đoạt tiền của. Thần giữ của đã câu kết với bọn cướp, trở thành kẻ cướp, họ dùng quyền lực của thần giữ của, để cùng với kẻ cướp, cướp của mà họ được giao cho làm thần giữ của. Tệ hơn nữa, 100% thần giữ của đã mang theo quyền lực của mình để trở thành tay sai và phụng sự cho kẻ cướp Trương Mỹ Lan.
Thực ra, bà Lan chỉ là một kẻ dám liều lĩnh tận dụng sự thối nát của bộ máy này. Ngoài bà Lan, vẫn còn những nhân vật khác, có học nhiều hơn bà ấy, không liều lĩnh bằng bà ấy, hoặc chưa có kẻ chống lưng mạnh như bà ấy, phạm tội theo kiểu giống như bà ấy. Ngày hôm nay, mạng xã hội lại xôn xao với 10.030 tỉ đồng trái phiếu do Tân Hoàng Minh, phát hành trên cơ sở các dự án ảo. Rõ ràng, mức độ phạm tội chỉ phụ thuộc vào mức độ liều lĩnh, chứ làm gì có chút trí tuệ, tinh vi nào đâu.
Để không còn những Trương Mỹ Lan, những Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng… thì thể chế này phải được làm lại, phải loại bỏ những kẻ như Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… và đồng phạm của chúng, những kẻ đưa chúng lên những vị trí để phạm những tội ác tày trời, ra khỏi bộ máy quyền lực.
Ồ. Xin lỗi, tôi hơi quá mất rồi. Nếu làm vậy thì lấy ai điều hành nhỉ? Ờ, mà nếu không làm vậy, thì sẽ ra sao nhỉ? Các cụ nói “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.
Nguồn Mạng
Hoá ra, thế lực đỡ đầu Vingroup ghê gớm thật, do đó mà phất lên nhanh chóng, khác
gì phóng … hoả tiễn lên qũy đạo !