15-3-2024
Vụ Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc trong Vịnh Bắc Việt gây “giật gân” trong giới nghiên cứu và báo chí hải ngoại, khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng “chữa lửa”. Nhứt là BBC, trang này đăng ý kiến nhiều chuyên gia, có ý kiến đọc qua “té ghế”. Vụ này tôi nói rồi, hôm kia.
Việt Nam bị “nguy hiểm” về điều gì? Không thấy BBC nói tới.
Trên nguyên tắc, mục đích của “đường cơ bản” là xác định hệ thống các điểm chuẩn từ đó đo bề rộng lãnh hải của quốc gia.
Trung Quốc không hề “vẽ lại đường cơ sở” như chuyên gia nói trên BBC mà chỉ “bổ túc” thêm ở các khu vực chưa vẽ đường cơ sở (hay đường căn bản). Trường hợp này là từ giới điểm số 9 cho đến điểm cuối cùng (hệ thống đường căn bản) trên đảo Hải nam.
Câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có thể vịn vào hệ thống đường căn bản mới để yêu cầu Việt Nam phân định lại ranh giới trong Vịnh Bắc Việt hay không? Theo tôi là không.
Bởi vì phía Việt Nam cũng có thể công bố hệ thống đường căn bản của mình, mà điều này khiến phía Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu phải phân định lại.
Xét hình dưới đây. Đường màu đỏ là đường căn bản phía Trung Quốc (mới công bố). Đường vàng là đường căn bản của Việt Nam giả định sẽ công bố. Đường xanh là đường “trung tuyến có điều chỉnh”.
Nếu Việt Nam và Trung Quốc phân định lại ranh giới, theo nguyên tắc “đường trung tuyến có điều chỉnh” (tôi nhớ không lầm tỉ lệ 1:1,15). Từ đường màu xanh, ta thấy ngay giới điểm số 10 sẽ phải dời sâu về phía Trung Quốc.
Tất cả các giới điểm, từ số 11 cho tới số 21 đều phải dời qua phía Trung Quốc. Đặc biệt giới điểm số 17.
Tức là, giả định Việt Nam công bố hệ thống đường căn bản như trong hình, Việt Nam sẽ lấy lại 11 ngàn cây số vuông biển đã mất cho Trung Quốc qua cuộc phân định ngày 25-12-2000.
Từ 20 năm trước, khi hai bên Việt Nam và Trung Quốc công bố nội dung Hiệp định Phân định vịnh Bắc Việt 2020, tôi đã viết bài chỉ ra những thiệt hại phía Việt Nam. Trong đó có vấn đề Việt Nam không vẽ hệ thống đường căn bản trong Vịnh Bắc Việt, từ đảo Cồn Cỏ tới cửa sống Bắc Luân.
Hệ thống đường căn bản giả định do tôi vẽ hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Điều mà người ta lo ngại về việc Trung Quốc công bố hệ thống đường căn bản bổ túc (mà BBC News Tiếng Việt không thấy nói) là do hệ quả của nó có thể gây tiền lệ ở eo biển Đài Loan.
Eo biển Đài Loan, cũng như eo biển Quỳnh Châu (giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam), sẽ trở thành nội thủy của Trung Quốc.