Trân Văn
9-3-2024
Bởi cũng là lực lượng chính yếu bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cộng sản thành ra Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cũng giống như Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa – không phải giải trình về chi tiêu cho quốc phòng…
Quốc hội Trung Quốc vừa chuẩn thuận đề nghị nâng chi tiêu cho quốc phòng của năm nay thêm 7,2%. Tổng chi cho quốc phòng của Trung Quốc trong 2024 sẽ là 236,1 tỉ Mỹ kim. Đây là năm thứ ba chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc tăng thêm 7% so với năm trước đó. So với các lân bang, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc gấp bốn lần Nhật và gấp 12 lần Đài Loan… song các chuyên gia quân sự tin rằng mức mà Trung Quốc công bố chưa chính xác, chi tiêu thật sự cao hơn nhiều (1). Một cơ quan chuyên nghiên cứu về hòa bình của Thụy Điển từng ước đoán, chi tiêu thật sự cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2022 cao hơn mức Trung Quốc đã công bố khoảng 27%!
Tuy nhiên chi nhiều và liên tục nâng mức chi tiêu cho quốc phòng theo hướng năm sau lớn hơn năm trước không đồng nghĩa với có thể nâng cao tiềm lực quân sự, gia tăng năng lực quốc phòng và Trung Quốc cung cấp khá nhiều ví dụ minh họa cho điều này.
Cách nay khoảng hai tháng, sau khi được phép tiếp xúc với báo giới, Trung tá Yao Cheng – sĩ quan tham mưu của Không quân đào thoát sang Mỹ năm 2016 rồi xin tị nạn chính trị – tiết lộ với một số cơ quan truyền thông của Mỹ rằng ông ta và đồng đội thường đến kho vũ khí xin các thỏi nhiên liệu rắn dùng để phóng hỏa tiễn làm chất đốt lúc cần… ăn lẩu bởi tham nhũng nuốt sạch những thứ tối thiểu mà lẽ ra quân nhân phải có (2)!
Trung tá Cheng nói thêm, dẫu Trung Quốc rất hào phóng trong chi tiêu cho quốc phòng nhưng vẫn có những đơn vị không có tiền, khi cần tiền để chi tiêu cho các hoạt động của đơn vị, chỉ huy phải cắt xén các khoản lẽ ra phải dành cho trang bị, thiết bị quân sự! Câu chuyện của Trung tá Cheng góp phần lý giải tại sao thời gian vừa qua, ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – liên tục thực hiện các đợt thanh trừng nội bộ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (3). Đợt thanh trừng mới nhất vừa xảy ra hồi cuối năm ngoái đã loại bỏ chín sĩ quan cao cấp chỉ huy lực lượng phòng không của quân đội Trung Quốc (4).
***
Bởi cũng là lực lượng chính yếu bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cộng sản thành ra Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam cũng giống như Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa – không phải giải trình về chi tiêu cho quốc phòng, việc sử dụng những khoản tiền khổng lồ dành cho quốc phòng không bị giám sát và thiếu minh bạch khiến tham nhũng lan rộng, trở thành một trong những vấn nạn trầm kha của quân đội. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy việc xử lý các cá nhân tham nhũng trong QĐND Việt Nam không đơn thuần vì cần phải chống tham nhũng để gìn giữ tiềm lực quốc phòng, duy trì khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia mà vì… gì đó!
Không phải tự nhiên mà chín viên tướng lãnh đạo lực lượng cảnh sát biển (Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Thiếu tướng Lê Văn Minh), thản nhiên phạm tội, sau khi đã có hàng chục viên tướng bị xử lý cả về hình sự lẫn hành chính. Khi Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân) bị bắt vì “thiếu trách nhiệm” gây ra khoản thiệt hại lên tới 939 tỉ nhưng chỉ bị phạt ba năm sáu tháng tù (5) thì hà cớ gì Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phải ngần ngại trong việc lấy 50 tỉ cấp cho Cục Kỹ thuật mua sắm vật tư, thiết bị để chia cho nhau (6)?
Làm sao có thể phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng khi năm viên tướng là Tư lệnh, Chính ủy, Phó Tư lệnh của lực lượng cảnh sát biển chỉ cần hội ý trong một bữa ăn đã nhất trí lấy 1/3 khoản tiền 150 tỉ dành cho bảo dưỡng, duy trì hoạt động của những con tàu đảm nhận trọng trách tuần tra trên biển, ngăn chặn các phương tiện hàng hải ngoại quốc xâm nhập lãnh hải, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, hỗ trợ hoạt động ngư nghiệp, cứu giúp những con tàu gặp nạn,… để chia cho nhau, song không những không bị xem là táo tợn, vô nhân tính, chẳng khác gì phản quốc, mà còn được xác định là “đồng phạm giản đơn” để giảm nhẹ hình phạt?
Một quân đội do đảng lãnh đạo, xem “trung với đảng” là tiêu chí hàng đầu sẽ không chỉ có tham nhũng tới mức, quân nhân thiếu nhiên liệu nên xin các thỏi nhiên liệu rắn để nấu… lẩu! Những quân đội kiểu đó nợ dân chúng xứ sở của họ nhiều thứ.
Ở Việt Nam, đại án “giải cứu” đã được xử lý xong nhưng cho dù khi kết luận về đại án này, phía hữu trách nhận định, “có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng” (7) nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy vụ án nào? Thậm chí có những đại án đang được xử lý như các đại án liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC Group, dù Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng đã “đề nghị Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo, kiểm tra một số tổ chức đảng trực thuộc Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020” vì “có liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao” (8) song các sai phạm liên quan tới mua sắm và nhập cảng, quản lý, bảo quản, phân phối sản phẩm phục vụ quốc phòng, hàng hóa dự trữ trong lĩnh vực quốc phòng, nguyên liệu – vật liệu cho sản xuất quốc phòng,… của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng vẫn chưa được… bật mí là xử lý ra sao!
Trong chuyện này, so với Trung Quốc, “ta” hơn hay kém?
Chú thích
(6) https://tuoitre.vn/cuu-tu-lenh-canh-sat-bien-nguyen-van-son-lanh-16-nam-tu-20230629141103568.htm
(8) https://vov.vn/chinh-tri/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ky-luat-hang-loat-can-bo-post938643.vov
Rõ ràng tác giả chưa “quán triệt” được tư tưởng “nhân văn” của ngài Trọng lú rồi.
Cái sự cử cán bộ, sĩ quan cao cấp sang Tàu để chúng dạy dỗ ắt dẫn đến việc học và làm theo chúng, không so bì hơn kém ở đây được.