Một số bài thơ về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc

Nguyễn Quang Thiều

17-2-2024

Hôm nay là ngày 17 tháng 2, ngày Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam dọc biên giới phía Bắc. Hồi đó tôi đã viết một số bài thơ về cuộc chiến tranh này. Nay xin được đưa lại để nhớ về ngày này 45 năm về trước.

CHÚNG TÔI GỌI TÊN ANH

(Tưởng nhớ liệt sỹ Lê Đình Chinh. Người liệt sỹ đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc).

Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh

Khi lũ quỷ tràn sang đất mẹ

Những họng súng đen ngòm

Những mắt đầy man rợ

Bước chân đi làm bẩn đất rừng

Trời đang xanh bỗng xám khói đạn bom

Rừng tắt tiếng chim

Suối ngầu sắc máu

Cháy những mái nhà tranh, những bản làng êm ả

Lòng chúng tôi cháy lửa căm hờn

Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh

Khi rừng núi quê ta rùng rùng nổi bão

Khi dựng sắc mũi chông, khi giương cao nòng pháo

Đập nát đầu bọn giặc xâm lăng

Chúng tôi gọi tên anh

Khi tay đã xiết cò

Những đường đạn căm hờn sáng loà ánh chớp

Như ánh mác, ánh gươm của ông cha bao lần chém giặc

Chúng rú kêu như một lũ quỷ ma

Rừng núi của ta, trời đất của ta

Chúng tôi lại xiết cò

Anh Chinh ơi! Có biết

Xác giặc chất chồng đẫm máu tanh hôi

Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh

Trời lại xanh hơn, sau từng trận đánh

Nơi anh nghỉ, gió và hoa bát ngát

Hoa của rừng và hoa của chiến công

Trên xác tăng thù, chim lại hót vang

Đàn trâu lại lên nương, rộn ràng tiếng mõ

Trong chiến hào, chúng tôi thầm hát nhỏ

Bài hát về anh…

Rừng, trời cao xanh

***

ĐÊM SÂN GA

Đêm trên sân ga

Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc

Những lá bàng rủ nhau đi tránh rét

Những người dân sơ tán ngủ bên thềm

Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm

Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt

Trên sân ga

Chúng tôi ngồi quanh một người kéo nhị

Một vùng trời chớp đạn rạch sau lưng

Chúng tôi ngồi trong đêm rưng rưng

Thương dáng nhị như mẹ ngồi bậc cửa

Bao câu hát khi già mẹ chẳng còn nhớ nữa

Đồng đội ơi cây nhị thay lời

Cung dây kéo như thuyền về bến đợi

Dây thấp dây cao bên lở bên bồi

Chân bước xuống thuyền em ơi… đừng khóc

Đất nước mình Quan họ vẫn chia tay

Đất nước mình thương quá… đêm nay

Cây nhị đã bao thời gánh lời ca lưu lạc

Nỗi thương nhớ chập chờn theo tiếng vạc

Cứ dồn vào bạc trắng cả hai dây

Đồng đội ơi lại tiếng nhị đêm nay

Lại Lý ngựa ô đưa người lên biên giới

Kéo nữa đi anh kéo thay lời người đợi

Trên sân ga đưa tiễn chẳng dùng dằng

Chúng tôi sẽ về để nghe nhị dưới trăng

Lời thương nhớ phập phồng sau áo lính

Tay chai cứng để rồi mà lúng túng

Để rồi mà..dây nhị lại dây tơ

Đồng đội ơi chúng mình còn mắc nợ

Với miền đất đêm nay ta đến đỏ đạn thù

Sau lưng ta đi cây nhị ngồi không ngủ

Hai dây dài kéo mãi trăng lên.

***

THÁNG GIÊNG VÀ EM

Sao em không về A Sinh ơi

Để nỗi đau lòng anh chưa ai cởi được

Anh đi ngược những miền rừng biên giới

Tháng Giêng này tìm em

Những con đường mưa Xuân bay nghiêng

Hoa ban nở dẫn anh về lối cũ

Tiếng chim xanh suốt đôi bờ lau cỏ

Hoa vông vang sau lèn đá nở vàng

Nhạc ngựa rung reng , lồ cam chín ngọt

Tiếng khèn lượn theo dáng uốn con đường

Cô gái Mèo xoè ô xuống chợ

Anh tìm em, tháng Giêng A Sinh ơi

Tháng Giêng như kỷ niệm cầm tay

Đưa anh về với em cô gái Mèo thương nhớ

Nơi anh yêu em là nơi chốt lửa

Nơi quân thù như rắn độc ùa sang

Bản mường yêu thương giặc phá tan hoang

Em lên chốt cùng đông đội anh đánh giặc

Chiếc váy Mèo quấn bắp chân tròn lẳn

Chuyển từng ống mén mèn, viên đạn, cây chông

Rồi chiều ấy em đi không về chốt nữa

Đồng đội bồn chồn, đạn giặc xoáy rừng sâu

Anh đi tìm em gió lạnh lùa ngực áo

Câu thơ viết đêm đêm có đôi mắt rơi vào

Dẫu chưa hẹn lời những mắt nói thay nhau

Chiếc khăn em thêu dở chừng đẫm máu

Ngôn ngữ người Mèo anh chưa thuộc hết

điệu mưa Xuân em hát lúc qua lèn

Tháng Giêng này A Sinh ơi, anh tìm em

Tháng Giêng này anh không xuống chợ

Anh đi ngược những miền rừng biên giới

Nơi quân thù lấp ló nhòm sang

Anh gặp em rồi, A Sinh ơi tháng Giêng

Trong hội bản Mèo váy xoè như hoa nở

Quả còn ai tung cho lòng anh thêm nhớ

Điệu hát lúc qua lèn, lời hẹn giấu trong khăn

Anh gặp em rồi, tháng Giêng – A Sinh ơi

Em vẫn sống trong mùa xuân của bản

Đồng anh mùa này lên chốt

Thơ anh viết bây giờ: Tháng Giêng và em

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu tôi nhớ không lầm thì bây giờ một ngôi trường từng có tên Lê Đình Chinh đã bị
    gỡ bỏ tên để thay một tên khác và bài thơ của NQT. được ra đời đúng “thời vụ” nên
    đầy khí thế chống giặc. Còn hiện nay thì sao ? Chỉ dám nói tàu lạ, nước lạ v.v. chứ
    không dám chỉ tên vạch mặt bọn Tàu cộng. Nếu sử sách có nói đến thì cũng chỉ dám
    nói qua loa vì tình đồng chí “vô sản” to qúa ! Cái máng cho súc vật ăn ở trong Trại
    Súc Vật có lẽ là cái to thứ hai hay chỉ nhỏ như… con tem dán vào mông con voi ?

  2. Bắt chước Dương Chính Ủy, đây là ôn cố tri tân chớ hổng phải khơi dậy hận thù

    “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

    Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

    Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

    Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta…”.

    Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra vào thời điểm rất bất ngờ đối với chính quyền Mỹ và Sài Gòn. Vào đúng thời điểm Giao thừa của Tết âm lịch, bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch. Đêm ngày 30, rạng ngày 31-1-1968, tức ngày mùng một Tết Mậu Thân, trên khắp chiến trường miền Nam, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đã bất ngờ tấn công rộng khắp, đồng loạt đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Tại Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng Tham mưu, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ,… đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm

    Cái này hổng phải là xâm lược . WTFchamacall this xít, but it aint xâm lược nha bà con

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây